Bolero liệu đã lụi tàn?

386

Trỗi dậy mạnh mẽ từ khi cuộc thi “Solo cùng bolero” ra đời năm 2014, đến nay dòng nhạc bolero rơi vào thinh lặng. Không chỉ mất sóng giờ vàng trên màn ảnh nhỏ mà các chương trình, MV ca nhạc trên YouTube cũng bắt đầu “lơ” dòng nhạc này. Phải chăng bolero đã đến ngày lụi tàn?

Giai đoạn 2014 – 2018 được coi là giai đoạn vàng son của dòng nhạc bolero. Dòng nhạc này phủ sóng gameshow truyền hình, liveshow ca nhạc cho đến các kênh YouTube, thu hút hàng loạt gương mặt nghệ sĩ từ lão làng đến tài năng nhí tham gia. Bên cạnh những danh ca hải ngoại như Như Quỳnh, Phương Dung, Giao Linh, Chế Linh, Mạnh Quỳnh, Quang Lê… góp phần giúp bolero hồi sinh mạnh mẽ ở Việt Nam thì các ca sĩ trong nước cũng nhanh chóng bắt kịp mốt thịnh hành này.

Ngoài những gương mặt quen thuộc như Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Lệ Quyên, Dương Ngọc Thái, Long Nhật… thì còn xuất hiện hàng loạt gương mặt mới rất đắt show như: Cao Công Nghĩa, Tố My, Giáng Tiên, Hà Vân, Lâm Ngọc Hoa, Kim Thoa, ba chị em Thúy Huyền – Thúy Hằng – Thanh Hồng… Họ bước ra từ các cuộc thi về bolero phát sóng dày dặc trên truyền hình như Solo cùng bolero, Thần tượng bolero, Người kể chuyện tình, Hãy nghe tôi hát, Tình bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Duyên dáng cùng bolero, Cặp đôi hoàn hảo – Trữ tình bolero, Kịch cùng bolero…


“Thần tượng bolero” dừng sản xuất sau mùa giải 2019 với ngôi vị quán quân thuộc về thí sinh Phương Ý (giữa).

Sở dĩ các nhà đài khi ấy chuộng bolero bởi như tiết lộ của nhà báo Phạm Thái Bình, người từng biên tập chương trình Những khúc vọng xưa trên kênh TodayTV, các chương trình về bolero luôn có lượng rating cao và khá ổn định. Còn cố nhạc sĩ Tô Thanh Tùng thì từng cắt nghĩa: “Các bài hát bolero có ca từ bình dân, mộc mạc, dễ hiểu và lời hay ý đẹp. Giai điệu dễ đi vào lòng người nên nó được người ta ưa chuộng là chuyện đương nhiên”. Dòng nhạc xưa lúc ấy trở thành món ăn mới mẻ giữa rừng nhạc pop nên người ta nhanh chóng đón nhận và bùng nổ thành trào lưu.

Không chỉ trên truyền hình, sức nóng của bolero còn phủ sóng kênh phát hành trực tuyến như YouTube. YouTube quy tụ lượng ca sĩ chuyên và không chuyên vô cùng hùng hậu và đa dạng. Những ca sĩ hoạt động trên không gian mạng được hâm mộ không kém ca sĩ dòng chính thống. Có thể kể đến “thánh nữ bolero” Jang Mi, ca sĩ Quỳnh Trang, Phương Anh, Quang Lập… Chính sự phát triển mạnh mẽ của dòng nhạc bolero trên YouTube, nhiều giải thưởng âm nhạc danh tiếng bắt đầu quan tâm và vinh danh nhân tố mới. Năm 2018, ca sĩ Quỳnh Trang được vinh danh ở hạng mục “Giọng ca bolero triển vọng” của giải Pop Awards.

Dòng nhạc mang nhiều hoài niệm này còn thu hút cả những gương mặt nhí như bé Thiện Nhân, Phương Mỹ Chi, Thiên Nhâm, Hồ Văn Cường… Để phù hợp lứa tuổi, các em thường chọn các bài hát về tuổi học trò hoặc tình yêu quê hương, yêu gia đình. Chia sẻ về lý do theo đuổi dòng nhạc bolero, bé Thiện Nhân tâm sự: “Em vốn chỉ yêu thích dòng nhạc mang âm hưởng dân ca còn bolero thì em không thích lắm và cũng không biết hát. Nhưng khi tham gia gameshow ‘Tuyệt đỉnh song ca – Cặp đôi vàng’ năm 2017, được ca sĩ Cẩm Ly dìu dắt, em bắt đầu cảm nhận được cái hay của nó. Khi hát, em chạm vào cảm xúc rất thật, rất tự nhiên với những tình cảm dạt dào, da diết. Lúc đó, em quyết định đây sẽ là dòng nhạc sở trường của mình”.

Sự thoái trào của bolero bắt đầu rõ rệt từ năm 2019. So với những năm trước, số lượng gameshow về bolero giảm sút mạnh. Lượng người xem thấp khiến giá quảng cáo bắt đầu giảm không phanh. Trên VTV3, giá quảng cáo của Thần tượng bolero giảm từ 250 triệu đồng cho một clip quảng cáo 30 giây (năm 2017) xuống còn 180 triệu đồng trong năm 2019. Khan hiếm tài năng và giảm sức hút với khán giả, nhiều chương trình ca nhạc hay cuộc thi về bolero dần biến mất. Thần tượng bolero dừng lại ở mùa giải năm 2019.

Năm 2021, Tình bolero ngừng sản xuất khi mùa giải 2020, ngôi vị quán quân thuộc về diễn viên Quách Ngọc Ngoan trong lặng lẽ. Kịch cùng bolero, Duyên dáng bolero… cùng hàng loạt chương trình khác đều im hơi lặng tiếng. Năm nay, Solo cùng bolero vẫn gắng gượng tổ chức nhưng các thông tin về chương trình cũng như dàn thí sinh, giám khảo vô cùng mờ nhạt. Thực trạng này được cho là phản ánh trung thực thị trường âm nhạc.


“Solo cùng bolero” 2021 diễn ra vô cùng lặng lẽ, nhạt nhòa.

“Cái chết” của bolero là điều mà giới chuyên môn đã dự báo nhiều năm trước. Nhà nhà, người người hát bolero khiến khán giả bội thực. Quán quân của các cuộc thi bolero không còn tạo được ấn tượng khi chất giọng của họ thiếu đột phá và dấu ấn đáng nhớ. Ca sĩ Ánh Tuyết bảo rằng chị không tài nào phân biệt được các ca sĩ bolero mới nổi vì người nào cũng có cách hát na ná nhau hoặc lặp lại, bắt chước thế hệ tiền bối chứ rất hiếm ca sĩ tạo dựng phong cách đặc trưng.

Khi nhận thấy khán giả bắt đầu không mặn mà, nhiều nghệ sĩ tìm cách “chữa cháy”. Họ cố gắng làm mới dòng nhạc này bằng cách phối nhạc lại khi tung sản phẩm mới. Các ca sĩ đình đám của dòng nhạc trẻ, nhạc đỏ không ngần ngại thử sức bất chấp chất giọng có phù hợp hay không. Phương Thanh, Uyên Trang, Phương Vy, Phan Đinh Tùng, Thanh Thảo, Nhật Tinh Anh, Dương Triệu Vũ, Đức Tuấn, Lưu Chí Vỹ… lần lượt ra mắt album hoặc MV bolero.

Ca sĩ Đức Tuấn nhận được nhiều lời khen khi phối bolero với nhạc jazz nhưng anh cũng khiến những người thích vẻ nguyên gốc của bolero khó chịu. Đàm Vĩnh Hưng thì khoác lớp áo sang trọng cho dòng nhạc này khi phối hai tuyệt phẩm Con đường xưa em điChuyến tàu hoàng hôn với dàn hợp xướng. Tuy nhiên không phải ai cũng gặt hái thành công. Quách Tuấn Du bị “ném đá” tơi tả vì remix bolero với nhạc EDM sôi động. Nó khiến bolero không còn chất tự sự, tâm tình vốn có mà giật gân, lố bịch.

Là giọng ca được khán giả đánh giá cao vì sự sâu lắng, ca sĩ Thúy Huyền nêu quan điểm: “Dòng nhạc bolero là dòng nhạc của hoài niệm. Nó giống như một loại đồ cổ quý giá. Đã là đồ cổ mà chúng ta cố làm mới thì chắc chắn nó không còn giá trị nữa. Thực ra, tôi yêu tất cả thể loại âm nhạc vì mỗi dòng nhạc có cái hay riêng, nó sẽ trở nên giá trị khi ta thể hiện đúng không gian, hoàn cảnh. Vì thế theo tôi, nhiệm vụ của ca sĩ hát bolero là hãy bảo tồn được bản sắc của dòng nhạc này như thuở sơ khai ra nó. Còn việc phát triển và sáng tạo hãy để các ca sĩ nhạc nhẹ, nhạc trẻ thoả sức bay bổng sẽ phù hợp hơn”.

Dù cố làm mới như thế nào thì bolero vẫn loanh quanh những bản nhạc cũ. Thỉnh thoảng nhạc sĩ Minh Vy, Bùi Quang Ân, Hamlet Trương… cũng có những sáng tác mới cho dòng nhạc này như: Nhớ quê, Canh ngoại nấu, Kiếp hoa phai, Tình yêu hoa bướm, Lan và Điệp 4, Bậu ơi đừng khóc… Song số lượng các sáng tác mới không nhiều, chất lượng không bứt phá hoặc chưa thoát khỏi cái bóng của thế hệ tiền bối. Do vậy, số nhạc phẩm mới có khả năng tồn tại và lan tỏa vô cùng khiêm tốn. Một số ca sĩ tìm cách “khai quật” ca khúc sáng tác trước năm 1975. Những ca sĩ hăng hái nhất trong phong trào “săn lùng và xin cấp phép nhạc xưa” là Đàm Vĩnh Hưng, Đức Tuấn, Vi Thảo… Song số lượng các ca khúc trước 1975 có hạn nên bolero cứ quanh quẩn các bài hát cũ đến nhàm tai.

Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bolero chính thức bị “kết liễu” trên sóng truyền hình và thị trường âm nhạc khi các chương trình dành cho nhạc rap ra đời. Cơn sốt mang tên Rap ViệtKing of Rap (Ông vua nhạc Rap) đã khiến khán giả đứng ngồi không yên. Nhà sản xuất Rap Việt tiết lộ: “Riêng tập 3 ‘Rap Việt’ có hơn 700 nghìn người xem trực tuyến trên mạng. Đây là con số chưa có show truyền hình nào đạt được”. Thể loại âm nhạc mới mẻ, sôi động và có sức diễn tả mọi đề tài hóc búa nhất, đời thường nhất trong cuộc sống trở thành món ăn lạ miệng cuốn hút khán giả so với những bản nhạc sướt mướt, buồn bã và cũ mòn như bolero. Các chương trình bolero trên YouTube cũng không thể đọ lại lượt view so với các sản phẩm về rap.

Song nói như ca sĩ Kim Thoa, trào lưu nào lên đến đỉnh cao rồi cũng đến lúc thoái trào. Bolero không ngoại lệ. “Bolero có thể bão hòa hay thoái trào nhưng sẽ không bao giờ chết. Các ca sĩ theo đuổi dòng nhạc này nếu đầu tư một cách nghiêm túc cho nghề nghiệp thì họ vẫn luôn có khán giả yêu thương mình. Từ lúc ra đời vào thập niên 50 của thế kỷ trước, ở đời thường, dòng nhạc này vẫn âm ỉ sống, có điều kiện thuận lợi thì nó sẽ bùng nổ mạnh mẽ trở lại” – cô phân tích.

Theo Phan Thi Uyên/VNCA