Bông hoa hướng dương kỳ lạ – Truyện ngắn của Phạm Văn Hoanh

281

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm nào cũng vậy cứ gần tết, ông Khanh lại đem hạt hướng dương ra ươm. Khi nó lên được hai lá mầm, ông đưa vào ảng dùng đá gạch kê cao, phòng khi trời lụt. Ông chăm sóc nó chu đáo giống như người mẹ chăm con. Hình như ông chỉ yêu có mỗi một loài hoa này. Mà không hình như gì hết. Rõ ràng là ông yêu hoa hướng dương một cách đắm say. Ông bắt đầu yêu nó từ năm bốn mươi tuổi.


Nhà văn Phạm Văn Hoanh.

Bốn mươi tuổi, cái tuổi làm nên ăn ra. Thế mà ông chẳng những không làm ra một đồng bạc mà còn báo vợ con mất tiền, mất của. Ai lại đương khỏe mạnh như thế tự nhiên ăn khó tiêu. Đi khám, bác sĩ bảo gan ông có vấn đề. Họ chuyển ông xuống khoa nội tổng hợp. Khoa chuyển ông vào phòng dành riêng cho những người to gan. Ông nằm ở phòng này hơn một tháng. Trong hơn một tháng đó không biết bao nhiêu lần ông đã rơi nước mắt khi tiễn đưa những người bạn xấu số về thế giới bên kia. Và cũng không biết bao nhiêu lần ông nghĩ đến cái chết. Ông buồn thúi ruột, đêm nào cũng không ngủ được. Nằm nghe tiếng con chim cú mèo kêu ông lại nghĩ đến điềm xấu.

Thấy ông thao thức người bạn nằm cạnh giường động viên:

– Anh đừng có bi quan! Tôi đây mới nặng hơn anh, mà tôi vẫn vui vẻ. Anh thấy không, tôi vào trước anh tuần lễ mà tôi đâu có gầy như anh.

– Không buồn sao được bạn. Tôi thấy mấy người bị bệnh gan nhanh chết lắm. Thằng bạn tôi đang khỏe mạnh đi khám tổng quát phát hiện ra khối u trong gan, về nhà mất ăn mất ngủ, ba tháng sau nó chết.

– Nó chết nhanh là do suy nghĩ nhiều, tinh thần suy sụp, ăn uống không được, bệnh tình phát triển nhanh. Nếu hồi đó nó bình tĩnh, uống thuốc thì cũng chưa đến nỗi đâu. Tôi nói cho anh biết bệnh gan cũng tùy theo, chứ không phải bệnh gan nào cũng chết nhanh. Tôi có thằng bạn bị xơ gan cổ trướng giai đoạn ba, điều trị mấy năm, bây giờ nó khoẻ như trâu. Tôi tin là anh em mình sẽ khỏe như nó. Đừng lo. Cái gì đến nó sẽ đến. Thôi ngủ đi mai anh em mình đi dạo phố!

Nghe người bạn nói ông cũng hơi vững tâm. Ông cố nhắm mắt thật kỹ mà vẫn không sao ngủ được, cái bụng cứ trướng lên nghe tưng tức. Ông cắn răng cố quên đi đau đớn. Mới mê man thì ông nghe ngoài của sổ tiếng chim kêu inh ỏi, mở mắt ra thì ông thấy bác sĩ đã đứng bên giường.

Ông bác sĩ đặt bàn tay lên bụng ấn mấy cái, cười bảo:

– Gan của anh nhỏ lại rồi. Tuần nữa là uống bia tốt. Vậy mà cứ sợ chết. Anh phải học ông bạn cạnh anh đây. Tôi đưa kim vào hút cả lít dịch mà ổng vẫn cười ha hả. Thôi nói giỡn chơi cho vui, chứ bệnh này mà uống bia, rượu là chết đấy.

Bác sĩ ra khỏi phòng, anh bạn giường bên bào:

– Nghe bác sĩ nói chưa? Không sao mà. Yên tâm đi! Tí nữa chuyền dịch xong anh em mình đi dạo phố chứ nằm hoài suy nghĩ lung tung.

– Ừ, mình sẽ cố gắng.

*

*      *

Hai mươi ngày sau, người bạn giường bên tìm ở đâu một bông hoa hướng dương đem tặng ông, nói:

– Hôm nay tôi xuất viện, bác sĩ bảo là về nhà điều trị theo đơn, và tìm thêm thuốc nam uống là khỏe. Trước khi về tôi tặng anh bông hoa này, mong anh hãy mạnh mẽ, và có một niềm tin tươi sáng.

Ông cầm bông hoa hướng dương nói:

– Tôi cảm ơn bạn. Chúc bạn khỏe mạnh.

Người bạn ra khỏi phòng, ông đem bông hoa hướng dương cắm trên đầu giường.

Những ngày xa bạn, ông nhớ vô cùng. Cứ mỗi lần nhớ ông lại ngắm nhìn hoa hướng dương. Kỳ lạ bông hoa này ông chỉ giắt trên thành giường mà cả tuần vẫn không héo. Ông nghĩ bụng, đúng là loài hoa này có một sức sống mãnh liệt.

Một tuần sau ông được xuất viện. Khi ra về ông bảo vợ đem bông hoa hướng dương về.

Về đến nhà, vợ ông đem bông hoa ngâm nước để cắm vào độc bình. Trong lúc cắm bà mới phát hiện ra một điều kỳ diệu. Bà mỉm cười khen cho nhà sản xuất hoa. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ bà chưa bao giờ nhìn thấy một loại hoa giả như thế này. Nó giống y như thật. Đến nỗi bà sờ vào từng cánh hoa vẫn cảm thấy man mát như là cánh hoa thật. Nếu không vò thử cánh hoa, bảo đảm một trăm phần trăm bà không biết. Nhưng bà không nói cho ông Khanh biết về bông hoa này, cũng như căn bệnh của ông mà bác sĩ đã thông báo với bà. Bà hy vọng niềm tin mãnh liệt của ông sẽ đẩy lùi bệnh tật. Nhưng thôi, không bàn chi, dù hoa thật hay hoa giả thì đó cũng là cái tình mà người bạn cùng cảnh ngộ đã gởi đến chồng bà như là một điều ước tốt đẹp nhất! Bà thở dài:

– Không biết ông bạn kia về nhà thế nào rồi?

Bà đứng dậy cầm cái độc bình hoa hướng dương vào để lên bàn cạnh giường ông Khanh, rồi lấy thuốc cho ông uống.

Uống thuốc xong, ông Khanh nhìn bông hoa hướng dương nói:

– Bông hoa này, hôm nay tươi hơn những ngày ở bệnh viện đấy em.

Vợ ông trả lời:

– Nhờ em ngâm nó trong thau nước cả đêm nay.

– Nay đã gần một tháng rồi, không biết nó còn tươi bao lâu nữa hả em?

– Lâu lắm anh.

– Sao em biết?

– Em nghe mấy người trồng hoa chuyên nghiệp nói là khi cắt bông hoa, người ta đã phun một loại thuốc để giữ hoa lâu tàn.

– Vậy hả em?

– Dạ, đúng vậy. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển cái gì người ta lại làm không được anh. Ngay cả việc ghép tim, gan, thận của con người họ cũng làm được. Cho nên anh đừng sợ về bệnh của mình. Anh cứ lạc quan, yêu đời, tin tưởng, siêng tập thể dục, ăn, uống, thuốc men đầy đủ là khỏi ngay. Bác sĩ bảo uống hết toa này rồi kiếm cây chó đẻ, cà gai leo, cỏ tranh, mã đề… sắc nước uống là khỏe ngay.

– Thật hả em?

– Thật đấy anh.

Ông nhìn bông hoa hướng dương, rồi hỏi vợ:

– Không biết ông bạn gần giường nay thế nào rồi? Em có gọi điện cho ảnh không?

– Em cũng không biết nữa. Nhà ảnh không có điện thoại. Nhưng em hy vọng là ảnh khỏe như bông hoa này. Thôi đừng nghĩ nữa! Ngủ đi cho khỏe! Em đi chợ mua thứ gì về nấu trưa.

Vợ ông đi chợ, ông ngồi ngắm bông hoa hướng dương một chặp rồi lấy giấy viết ra ghi.

Sáng hôm sau, ăn cơm uống thuốc xong, ông đưa bài văn cho vợ xem.

Xem xong, vợ ông bảo:

– Anh tài quá. Những nhà văn nhà thơ có khi phải mất cả năm trời mới hoàn thành một tác phẩm. Còn anh chưa dầy một ngày mà đã hoàn thành.

– Em quá khen. Tác phẩm này chưa hoàn thành đâu, còn phải đọc đi đọc lại, chỉnh sửa. Mà mình đọc chưa đủ đâu, phải nhờ người khác đọc nữa kia.

– Vậy thì em sẽ đem tản văn này cho mấy thầy cô dạy văn ở trường em đọc và góp ý.

– Thôi em, mình viết để đọc cho vui, chứ đâu phải viết để trở thành nhà văn.

Nói xong, ông kẹp tác phẩm vào quyển sổ để trên bàn rồi bảo vợ dẫn ra vườn dạo.

Lâu quá, hôm nay ông mới có dịp dạo quanh khu vườn vào buổi sáng. Ông reo lên: “Ôi mát quá, đẹp quá!” rồi dừng lại dể chiêm ngưỡng. Ông hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành của khu vườn. Tự nhiên ông hỏi vợ:

– Em có nghe thấy gì không?

– Em chỉ nghe thoang thoảng mùi hương cau và tiếng chim hót.

– Chỉ có vậy thôi hả em?

– Em chỉ nghe vậy thôi. Còn anh?

– Anh nghe thấy một bản giao hưởng hương hoa đang thánh thót. Này là thanh âm trong trẻo của hương cau tinh khôi, này là giai điệu du dương của hương sầu đâu, này là tiếng rung nhè nhẹ của hương lộc vừng mộc mạc, chân thành… Dường như có bao nhiêu hương hoa là có bấy nhiêu cung bậc thanh âm. Chúng cứ ngân lên, hoà quyện vào nhau rồi lại tan loãng ra, rồi lại vút lên.

– Anh tưởng tượng tốt quá! Tí nữa vào nhà anh phải viết một tản văn về hương cau của nhà mình nghe anh!

– Được anh sẽ viết tản văn nhan đề “Hương cau”.

– Vậy là khi nay anh anh phải đi dạo, không những xung quanh khu vườn mà còn các nơi khác nữa để giải tỏa bớt những ưu tư và có tư liệu viết văn nghe anh! Còn bây giờ mình ngồi xuống ghế đá này thưởng thức vị ngọt của hương cau cho cảm xúc thăng hoa!

*

*      *

Mấy tháng sau anh nhân viên bưu điện đem đến cho ông Khanh một món quà của Tập san “Tài Hoa Trẻ”. Ông bảo vợ mở ra xem. Vợ ông mở ra lật từng trang xem. Bà dừng lại đọc “Ngày nay cau không còn trồng nhiều và phổ biến như trước. Người ta đã thay nó bằng những cây có giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng dù sao cây cau vẫn là một trong những nét đẹp văn hoá của làng quê Việt Nam. Mỗi khi nhìn thấy cau nở hoa, tôi lại nhớ về quê hương, nhớ về kỉ niệm tuổi thơ của mình – tuổi thơ hoà quyện với hương cau ngào ngạt”.

Ông Khanh trố mắt:

– Sao giống của anh vậy?

Vợ ông cười:

– Chứ còn của ai.

Ông ngồi dậy như người bình thường, hai mắt ánh lên niềm vui sướng. Ông cảm thấy như vừa mới tiêm một liều thuốc hồi dương. Ông bảo vợ đọc hết từ đầu đến cuối tản văn. Nghe xong ông hỏi vợ:

– Vậy là em đã gởi bài của anh cho Tập san “Tài Hoa Trẻ” hả?

– Dạ, em thấy hay nên em chép lại và gởi bưu điện. Bài này em gởi sau mà lại đăng trước.

Từ ngày đó ông không còn nghĩ đến bệnh tật nữa. Ông hy vọng là mình sẽ chiến thắng. Ông tiếp tục viết và gởi báo. Cứ mỗi lần có tác phẩm đăng báo, ông lại thấy người khỏe ra.

P.V.H