Bông huệ thơm – Truyện ngắn của Trình Quang Phú

785

Đêm giữa binh trạm trên Trường Sơn của năm 1968, nhiều tốp anh chị em mệt ngủ trong lán trại, một số cột võng dưới tán cây to, cả khu rừng đêm yên tĩnh chỉ nghe tiếng gió rung lá kêu xào xạc, lẫn với tiếng ve kêu. Tôi và Sơn Tùng cột võng sát nhau. Ngày đó, Sơn Tùng là trưởng đoàn của Tiền Phong vượt Trường Sơn vào Trung ương Cục để xây dựng báo Thanh Niên giải phóng, còn tôi thì đi chiến trường B5. Sáng hôm sau chúng tôi chia tay nhau. Anh Tùng bảo tôi kể về các lần Bác Hồ tiếp các đoàn miền Nam để anh có thêm tư liệu vào chiến trường viết kể cho bộ đội nghe. Chúng tôi hứa với nhau sẽ viết về Bác với miền Nam. Tôi nhắc Sơn Tùng nếu có vào được Cao Lãnh nhớ tìm tài liệu về thân sinh của Bác.

Tôi nói:

“Cụ Nguyễn Sinh Sắc mất ở Cao Lãnh, nhưng các con không ai có mặt được. Thương quá!”

Sơn Tùng gật đầu, nhưng liền đưa tay phía trước, nói:

– Có một người!

– Ai vậy?

– Bí mật!

Tôi năn nỉ mãi Sơn Tùng mới nói:

– Người bạn gái đầu đời của Bác.

– Có thật không? Anh lấy thông tin từ đâu vậy?

Khi ấy Sơn Tùng mới nói:

– Chuyện này do chính cô Thanh, chị của Bác kể cho tau nghe từ hồi chống Pháp ở Nghệ An.

Chuyện là: Bà Thanh vì tham gia nghĩa quân chống Pháp nên bị án khổ sai. Sau được tha, nhưng bị quản thúc ở Huế. Biết tin cha bệnh nặng bà xin phép vào Nam để thăm và săn sóc cha già mà nhà cầm quyền không cho. Thế nhưng khi được tin cụ thân sinh mất, bà quyết định bằng mọi giá phải khăn gói lên đường vào thọ tang cha.

Bà Thanh vào đến Sài Gòn tìm ông Hồ Tá Bang, chủ của công ti nước mắm Liên Thành để hỏi đường đến với cha. Ông Bang sẵn lòng hỗ trợ, và nói sẽ có người dẫn đi. Người đến dẫn đường cho bà Thanh là một cô gái. Gặp bà, người con gái, đầu đội khăn tang, lao đến ôm chầm lấy bà oà khóc. Hỏi ra, bà mới biết cô là út Huệ, học trò chữ Hán của cha bà và là bạn của Nguyễn Sinh Cung hồi nhỏ ở Huế.

Kể xong Sơn Tùng nói:

“Đây chính là người nhà duy nhất có mặt ở đám tang của cụ Nguyễn Sinh Sắc và cũng là người duy nhất để tang cụ.”

Câu chuyện Sơn Tùng kể cho tôi trong đêm giữa Trường Sơn chỉ có vậy. Sơn Tùng nói: “Tau với mi ra trận không sợ chết, nhưng phải sống, để khi đất nước giải phóng đi tìm bà út Huệ, đúng không?” Tôi xúc động gật đầu.

Bom đạn khói lửa chiến tranh, cuộc chiến đấu của quân dân ta cả trên mặt trận quân sự và ngoại giao đã cuốn hút chúng tôi. Tôi bắt đầu sưu tầm và viết về Bác, trước khi cuộc chiến tranh kết thúc 1975, tôi in được hai tác phẩm viết về Bác là Miền Nam trong lòng Bác và Người là niềm tin. Tuy nhiên, chuyện về người bạn gái của Bác thì vẫn chưa có thông tin gì thêm, lòng tôi luôn phân vân…

Một lần gặp chú Tô (tức cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), nhân lúc chú dặn dò tôi việc viết về Bác Hồ, tôi đã hỏi chú chuyện vợ con của Bác và hỏi chú có biết gì về người con gái Sài Gòn mà Bác yêu thương không. Chú Tô cười nhẹ và nói: Bác Hồ là người giàu tình cảm, giàu lòng thương người. Có thể nói chính sự giàu đó mà Bác cứu được dân tộc ta, nhưng Bác là người đã dũng cảm hi sinh tình yêu riêng và để nó hòa vào tình yêu nhân dân, đất nước. Im lặng một lúc, chú nói tiếp: Chú biết Bác có quen một cô gái Sài Gòn từ khi ở Huế và khi vào Sài Gòn gặp lại, hai người nặng tình với nhau, nhưng mọi việc chỉ dừng ở đó…

Chú Tô dặn tôi: “Ngày nay có nhiều tài liệu, kể cả của mật thám Pháp theo dõi Bác, có thể cho ta nhiều thông tin về tuổi thanh xuân của Bác.” Hôm đó chú chỉ cho tôi: “Khi chú sang Pháp có con gái cụ Hồ Tá Bang sang mổ bên đó, bị kẹt, xin chú giúp đỡ về nước. Cô này có thể có thông tin mà cháu đang tìm.” Những gợi ý của chú Tô đã thôi thúc tôi đi tìm thông tin về Bác thời thanh niên.

Năm 1971, Sơn Tùng bị thương nặng đưa ra miền Bắc. Khi đó tôi công tác ở Ban miền Nam của Trung ương Đảng. Được tin, tôi liền đến thăm, anh nằm liệt trên giường bệnh với nhiều dây nhợ, ống chuyền và băng bó khắp người. Anh bị thương nặng, ba mảnh đạn găm trúng đầu nên mê man. Đến cả năm sau, anh mới tỉnh. Gặp lại anh, xúc động quá, tôi nhẹ ôm hai vai anh và chỉ nói trong nước mắt: “Anh đã về!” Sơn Tùng: “Ừa, tau đã về. Tau vẫn còn sống, sao mi khóc?” Và anh cười, nụ cười tự nhiên, chân tình và gan góc đáng nể phục. Anh đã chiến đấu nhiều năm với bệnh tật và đã chiến thắng hơn cả một Paven trong Thép đã tôi thế đấy, anh đã đứng dậy, đi lại và với bàn tay chỉ còn ba ngón, anh đã tập để viết và anh đã viết được, viết tốt. Tôi và anh ở hai đầu đất nước, vẫn một lòng đi tìm tài liệu và viết về Bác kính yêu.

*

*          *

Năm 1978, theo đề xuất của chúng tôi, được sự ủng hộ của đồng chí Hà Huy Giáp (lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh), Tỉnh uỷ Thuận Hải đã tổ chức cuộc toạ đàm về thời gian Bác Hồ dừng chân ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Lần đó chúng tôi đón được ba người học trò của thầy Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh năm 1909 là cụ Nguyễn Quý Phầu, Từ Trường Phùng, Nguyễn Đăng Lâu, đặc biệt có chị Hồ Tường Vân, con gái của cụ Hồ Tá Bang lúc đó là Tổng thư kí Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi ghi được nhiều chi tiết về những tháng ngày Bác Hồ làm thầy giáo ở trường Dục Thanh. Và may mắn thay khi hỏi chuyện, chị Hồ Tường Vân cho biết chị có biết bà út Huệ.

Vào những năm ở tuổi 17, 18 chị Vân thấy một người phụ nữ duyên dáng, mặt trái xoan, mắt sáng, rất lịch lãm vẫn thường đến chơi với chị ruột của chị Vân. Chị biết đó là chị út Huệ, con gái của cụ Hưng, ngày trước làm Triều đình Huế cùng thời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Lúc đó, ba của chị, cụ Hồ Tá Bang là kí lục ở toà công sứ Bình Thuận. Chị nói hồi đó chị còn nhỏ nên không biết nhiều. Chị Vân giới thiệu với tôi người chị ruột của chị là bà Hồ Thị Liệt, bạn cùng lứa với bà Huệ. Thì ra bà Liệt là người mà chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đã nói và chính chú đã giúp bà từ Pháp theo về lại Việt Nam.

Tôi đã tìm đến phố Bàn Cờ gần chợ Vườn Chuối để thăm, gặp bà Hồ Thị Liệt. Bà Liệt tuổi đã khá cao, bà vui vẻ, từ tốn tiếp tôi.

Bà kể: Cụ Lê Quang Hưng, bạn của ba tôi, ngày đó làm một chức quan nhỏ gọi là kế quan ở Bộ Công dưới triều vua Thiệu Trị. Chị Huệ là con út, theo cha ra Huế và là học trò chữ Hán của cụ Phó bảng, cha của thầy Thành. Những năm đó học phí ở Huế rẻ lắm, ở Nam Kỳ một năm đóng đến hơn 150 đồng, còn ở Huế chỉ hơn một nửa, và quan trọng Huế là kinh đô, có nhiều thầy giáo giỏi, rất giỏi, nên con các quan đều ra học ở Huế. Ngày đó hai gia đình, hai ông quan nhỏ ở gần nhau, thầy Thành hơn chị Huệ vài tuổi. Hai người đều cùng cảnh mất mẹ. Cha chị út Huệ đi bước nữa, bà mẹ xứ Huế này khắt khe, cay nghiệt với con chồng nên cha con chị không vui, ông cụ phải chia tay bà vợ kế. Thầy Thành và út Huệ gặp nhau, quen nhau, có lẽ hợp tính nên trở nên thân. Chị Út và thầy Thành chia tay ở Huế, gặp lại ở Sài Gòn. Họ thương quý nhau chưa bao lâu thì thầy Thành ra đi. Út Huệ đúng là năm tháng đợi chờ… Năm cụ Phó bảng, cha của thầy Thành mất, thì chỉ có mình chị Huệ để tang và cùng mọi người ở Cao Lãnh lo đám tang cho cụ Phó bảng. Tôi nghĩ đây là cơ duyên đặc biệt. Trầm ngâm một lúc bà nói: Chắc có lời nguyền nên chị đã thay mặt thầy Thành đội khăn để tang cụ Phó bảng. Ngày cô Thanh chị của thầy Thành từ Huế vào, chính chị Huệ đã đưa cô xuống Cao Lãnh để tạ ơn những người đã cưu mang và lo tang chay cho cụ Phó bảng và cùng bà Thanh ở Cao Lãnh cúng 49 ngày xong mới trở về. Tôi nghĩ là tình rất sâu nặng.

Hỏi về tình cảm giữa thầy Thành với cô Huệ bà chỉ nói: Ngày ấy thương nhau nhiều lắm là nắm tay nhau, ngồi nói chuyện với nhau, nhưng lời hứa là ngàn vàng, có thể nói là già nhân ngãi, non vợ chồng.

Hỏi thăm bà Huệ giờ đang ở đâu, bà Liệt lắc đầu và chỉ nói hai tiếng “đi tu”.

Một dịp khác tôi quay lại thăm và hỏi bà Liệt vì sao bà Huệ đi tu, suy tư một lúc bà nói: “Chắc để giữ trọn lời nguyện ước.” Và bà cũng không cho biết bà Huệ tu ở chùa nào.

Với bấy nhiêu thông tin đó có thể viết một bài về người bạn gái đầu đời của Bác Hồ. Nhưng những năm tháng đó chưa thể viết được, xã hội, công luận coi đây là điều nhạy cảm, nên tôi xếp thông tin vào kho tư liệu cá nhân. Trong quá trình tìm kiếm thông tin về Bác, viết về Bác, tôi thấy rằng Bác là một người đàn ông giàu nhiệt huyết, nhiều tình thương với nhân dân, đất nước. Có chuyện yêu đương trai trẻ là chuyện bình thường.

Hôm gặp lại Sơn Tùng giữa thành phố Hồ Chí Minh khi anh vừa tìm gặp được bà Lê Thị Huệ ở chùa trên núi Thị Vải, anh cười vui như tết. Anh kể cho tôi nghe chuyện đi tìm bà út Huệ. Ban đầu bà không chịu kể, một phần vì là người tu hành, hai nữa chưa tin nhà báo. Sơn Tùng phải đi lại nhiều lần, nhẫn nại giải thích, anh đưa cả ảnh chụp chung với Bác, đưa các bài báo, sách của anh viết về Bác và đặc biệt anh kể lại câu chuyện bà chị Bác Hồ vào thọ tang cha, nhờ út Huệ đưa đi, câu chuyện đã chinh phục bà.

Từ những năm tuổi thơ, mẹ mất, bà đã theo cha ra Huế để học chữ nho, là học trò của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ngày đó nhà bà ở trong một con hẻm mà ở Huế gọi là kiệt của phố Đông Ba, ngay cửa Đông (tức cửa Đông Ba). Trường tiểu học Pháp Việt cũng nằm phía ngoài cửa Đông. Nhà của cụ Phó bảng cũng ở phố Đông Ba. Trong tuổi thơ họ thân nhau, giúp nhau học hành rất vô tư. Hai người từng xuống bến Tượng dưới chân cầu Đông Ba để giặt giũ quần áo. Huệ thường xuyên gánh nước giếng giúp cho nhà thầy Phó bảng. Có thể nói Đông Ba là nơi để lại trong lòng hai người nhiều kỉ niệm tuổi thơ. Bà Huệ nhớ cả những lần anh Cung và Huệ đứng xem những chiếc xe các quan đi qua cửa Đông Ba. Anh Cung giải thích cho Huệ: Xe thùng mà có màu vàng, viền đồng là của quan đại thần, xe thùng vuông màu đen của quan nhỏ, còn xe thùng tròn đen là quan cỡ vừa. Hai người đều mồ côi mẹ nên phải tự lo thân. Út Huệ là con gái nên đảm đương cho cả hai nhà chuyện chợ búa, bếp núc. Đêm đêm Sinh Cung theo cha và chú Hưng (cha bà Huệ) đến hội bình văn ở Quốc tử giám để dự các cuộc bình thơ, bình văn. Thế rồi phong trào chống thuế nổ ra tại kinh đô. Nguyễn Sinh Cung đã tham gia. Thực dân Pháp đàn áp dã man. Nguyễn Sinh Cung bị truy bức… Ở Huế có ba chuyện ấn tượng khắc sâu trong lòng bà Huệ. Đó là nhân ngày giỗ mẹ, anh Cung và út Huệ lên núi Tam Tầng viếng mộ bà Hoàng Thị Loan, người mẹ thân yêu của anh Cung. Khi thắp nhang anh đã khấn: “Cách nơi mẹ nằm không xa là đất vua Quang Trung tế trời đế xuất quân giải phóng Bắc Hà, mẹ linh thiêng phù hộ cho đất nước và cho chúng con.” Út Huệ nói thêm: “Phù hộ cho cháu út Huệ nữa.” Anh Cung quay qua nhẹ nhàng nói: “Trong các con là có út Huệ đó.” Ngừng một chút anh nói tiếp: “Trong Nam này cháu cũng được gọi là con.” Út Huệ nghe câu đó thấy lòng vui vui, thinh thích. Trên đường về anh Sinh Cung kể tỉ mỉ cho Huệ nghe chuyện khi mẹ anh mất. Lúc đó Cung mới mười tuổi, nhà nghèo lắm. Mẹ mất, anh một mình nuôi em trai mới sinh, ngày ngày anh Cung bế em, đi xin sữa cho em và xin cơm cho mình… cơ cực hết chỗ nói. Út Huệ đã không cầm được nước mắt khi nghe câu chuyện bi thương này. Và lần thứ hai là sau cuộc biểu tình bị đàn áp dã man năm 1908. Út Huệ gặp anh Cung áo dính đầy máu, tưởng anh bị thương, cô lao tới nắm tay anh và thổn thức nói trong nước mắt: “Anh làm sao rồi?” Thì ra anh không bị sao cả, nhưng do cứu người bị thương, nên máu loang sang cả người anh. Và một lần nữa là lúc anh Cung bị mật thám truy tìm, Huệ vừa phục vừa thương, vừa lo cho anh Cung. Huệ đã hỗ trợ cho anh trốn và chia tay khi anh rời Huế.

Mùa xuân năm Tân Hợi, họ gặp lại nhau tại Sài Gòn. Khi ấy cha út Huệ cũng đã từ quan về Sài Gòn. Nguyễn Tất Thành có tên mới là Nguyễn Văn Ba(1). Út Huệ hay gọi “Anh Ba” là cách gọi theo thứ của miền Nam, anh là con thứ ba trong nhà. Nhiều ngày anh Ba ăn cơm, nghỉ trưa ở nhà út Huệ và trò chuyện với ba út Huệ như người nhà. Hai người có một cái tết bên nhau với sự có mặt của hai người cha thân yêu. Út Huệ làm rim gừng (loại mứt gừng xắt nhuyễn kiểu Nam Bộ), gói bánh tét, làm củ kiệu, dưa món để cha con anh Ba và ông Hưng ăn tết. Họ cùng đi chợ hoa ở bên sông, mua mai vàng về đón xuân… Đó là những ngày tháng đẹp ngắn ngủi ở Sài Gòn.

Một ngày đầu tháng sáu, anh Ba tâm tình với út Huệ:

– Chắc anh phải đi xa.

– Anh đi đâu?

– Anh phải ra nước ngoài xem sao.

– Bộ ở đây khổ quá, anh đi tìm sung sướng nơi xứ người phải không?

– Không, không phải như thế. Không có ở đâu sướng nếu bên mình không có gia đình, không có người thân. Chú Hưng và em đã coi anh như người trong nhà. Anh muốn ra nước ngoài vì muốn xem họ như thế nào, có cái gì giúp được dân mình không…

Anh Ba nhắc lại với út Huệ:

– Chắc em còn nhớ đã có lần cha anh và chú Hưng uống trà, anh đã thưa: Dân ta trong Nam ngoài Bắc đều khổ cực, vua Duy Tân, vua Hàm Nghi đều chống Pháp. Chú Phan Bội Châu chủ trương Đông Du nhờ người Nhật không thành. Chú Phan Chu Trinh có phong trào Duy Tân đòi kẻ cầm quyền Pháp đổi mới, cũng không xong nên anh muốn đi để xem cho tường tận. Em ủng hộ anh.

– Nhưng… – Út Huệ nhìn vào anh Ba lo lắng – nhưng, một thân một mình, thân cô thế cô, với lại anh lấy tiền đâu mà đi?

– Không lo em, có cái đầu và hai bàn tay là anh có tất cả.

– Nhưng mà…

– Mà sao em?

– Anh đi… em buồn lắm…!

*

*         *

Mấy ngày sau đó, cuộc chia tay trên bến thương cảng sông Sài Gòn thật cảm động. Mười năm trước, khi mẹ mất Nguyễn Sinh Cung đã cất giữ chiếc lược chải đầu của mẹ, chiếc lược ấy do cha anh mua tặng cho bà khi vào Huế thi Hội lần đầu. Bà đã dùng nó nhiều năm, chiếc lược là vật kỉ niệm thiêng liêng của mẹ. Trước giờ xuống tàu, anh Ba Nguyễn Tất Thành đã trao chiếc lược cho út Huệ như trao cả những nỗi lòng sâu kín, để thay cho một lời hẹn ước. Anh Ba nói:

– Ra đi, anh không có gì tặng em, anh có kỉ vật linh thiêng này của mẹ để lại, anh đã cất giữ suốt mười năm qua, anh trao gởi lại cho em.

Út Huệ cầm chiếc lược của anh Ba xúc động, nước mắt giàn giụa… Út Huệ tháo chiếc khăn rằn đang khoác trên vai, choàng lên cổ anh Ba và nói trong tiếng nấc:

– Biển lạnh lắm… Anh đi bảo trọng… Em đợi anh về…

Cầm tay út Huệ, anh Ba nén xúc động nói:

– Vì nghĩa lớn anh phải đi, chưa biết khi nào về, nhưng nếu trở về được ta sẽ tìm nhau…

Con tàu rời bến sông Sài Gòn, út Huệ đứng nhìn mãi cho đến khi con tàu khuất sau Bến Nhà Rồng… Út Huệ chắp tay khấn trời đất cầu mong sự độ trì để anh Ba ra đi bình yên và trở về… Bà đã một lòng đợi chờ, khắc khoải bao năm tháng và ngày ngày chải tóc bằng chiếc lược anh Ba trao lại, bà chải cho đến ngày xuống tóc đi tu, chiếc lược được gói lại cất trong hành trang bất li thân.

Bà nói với Sơn Tùng: “Tôi gặp anh Thành và tôi đã tôn thờ con người ấy suốt cả cuộc đời (cụ thở dài), con người ấy thật đáng yêu, đáng kính. Nhưng có lẽ do số phận đã không cho chúng tôi được bên nhau. Khi chia tay nhau, chúng tôi không hứa hẹn mà chỉ nói nếu sau này còn sống trở về sẽ tìm lại nhau. Một vài năm sau đó, tôi nhận được tin Nguyễn Tất Thành đã chết tại Hồng Kông. Tôi đau đớn vô cùng. Nhưng mãi tới năm 1948, tôi nhận ra Nguyễn Ái Quốc chính là anh Thành. Anh cũng không gia đình, vợ con.”(2)

Bà hỏi Sơn Tùng: Cháu có nghe ông Hồ nhắc đến hai chữ tình yêu không?

Sơn Tùng đã đọc bài thơ chữ Hán và bản dịch của Bác cho bà nghe:

Mây ấp núi, núi ôm mây

Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng

Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong

Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai

Bà Lê Thị Huệ đã reo lên: “Đúng rồi, thơ của anh Thành.” Và: “Anh Thành vẫn chưa quên tôi.” Bà đọc ngay một đoạn thơ nằm lòng:

Nhớ ai, ai nhớ, nhớ ai

Biển Đông còn đó, non Đoài còn đây

Giữ vàng, giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời(3)

Những tứ thơ này như hai vế đối, phải chăng ngày đó hai người đã làm thơ đọc cho nhau nghe. Bài thơ bà Huệ đọc hòa với thi phẩm chữ Hán của Bác đã biểu hiện một mối tình son sắc, thủy chung thời đó của hai người. Khi chúng ta biết được về mối tình cao cả của Bác mới thấy sự tình tứ, sâu sắc và trong sáng của bài thơ. Sự hòa quyện của mây và núi là biểu hiện mối tình sâu đậm của đôi nam nữ. Và “Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng” của Bác và “Giữ vàng giữ ngọc cho hay…” của bà Huệ đều biểu hiện sự thủy chung sâu sắc.

Bác Hồ giữ trọn mối tình yêu thương thầm kín đó, những năm tháng đất nước chia cắt, Bác vẫn tìm cách hỏi thăm tin tức nhưng không có. Khi nghe đồng chí Ung Văn Khiêm nói bà Huệ đi tu, Bác thở ra và im lặng nhìn vào khoảng xa. Bác đã trồng và tự tay chăm tưới mấy khóm huệ trong vườn. Hàng ngày Bác cắt hoa huệ cắm vào bình để tỏa hương thơm trong phòng. Một sự thanh cao sâu sắc của một mối tình. Bông huệ trắng đã tỏa thơm hàng ngày với Bác.

Anh Sơn Tùng cho tôi biết, anh đã kể cho bà Huệ biết: Trong lần ra thăm Bác, chị cả Thanh đã kể cho Bác nghe chuyện út Huệ để tang và lo tang cho cha Bác và út Huệ đưa bà về Cao Lãnh để tạ ơn bà con và cúng 49 ngày… Và anh đã kể câu chuyện Bác Hồ trồng và cắm bông huệ trong phòng. Bà Huệ nghe được, mỉm cười thỏa nguyện… trong nước mắt.

Sơn Tùng nói với tôi anh dự định viết tác phẩm là Bông Huệ Trắng để nói về mối tình đầu đời của Bác với út Huệ. Anh nói: Đẹp lắm Phú ơi! Ngày ngày phòng Bác tỏa hương thơm của Bông Huệ Trắng. Mi có thấy cái tứ ni nó đẹp huyền ảo không? Tôi đồng ý với anh.

Nói về sự thủy chung và sự hi sinh tình yêu tuổi trẻ của Bác Hồ, tôi muốn trích lại đây một vài chi tiết từ bài tham luận nổi tiếng của nhà sử học ở Trường Đại học Florida, Huê Kỳ, nữ tiến sĩ Josephine Stenson. Hôm đó, ngày 19 tháng 5 năm 1990, tại hội thảo quốc tế nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ở Hà Nội, bà Josephine Stenson bước lên bục diễn giả với chiếc áo dài Việt Nam rất mượt mà xinh xắn. Bà nói bà đã dành nhiều năm tháng đến các nước Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… để tìm hiểu rất kĩ về Hồ Chí Minh, bà “…đi đến những nơi có dấu chân Người đã đi qua, gặp lại những người đã biết Hồ Chí Minh và đi đến kết luận: Hồ Chí Minh lúc còn trẻ là một thanh niên… rất đẹp trai.”

Bà công bố trước diễn đàn: “Ông Hồ Chí Minh được nhiều phụ nữ yêu thương. Ở Pháp có bà Lared là đảng viên trong Chi bộ Đảng Cộng sản Pháp với ông, đêm họp xong hai người đi bộ bên bờ sông Seine, bà đã tỏ tình mà Nguyễn Ái Quốc không mềm lòng.”(4)

Và ở Mĩ, tại khách sạn Boston, nơi Bác có một năm làm thợ nắn bánh mì: “Tại đây có một cô gái tên là Colette đã yêu say đắm Nguyễn Tất Thành… Colette khuyên dụ và tỏ ý muốn kết hôn, nhưng ông đã tìm cách an ủi Colette để từ chối.” Sau này bà Colette trở thành nhà văn đã ghi lại câu chuyện tình cảm này. Bà Colette còn viết: “Khi Nguyễn Tất Thành ra đi có tình yêu với người con gái ở quê nhà, nhưng đành chia tay trên bến cảng.”

Bà J.Stenson cũng nêu lại những lời kể của một sĩ quan Mĩ trong đội quân đồng minh ủng hộ Việt Nam những năm đầu kháng chiến 1945, đã sống bên cạnh Hồ Chí Minh và họ đã hỏi Bác chuyện vợ con. Bác Hồ đã thân mật giải thích và xác định: “Trước khi ra đi, tôi có yêu một người con gái, người con gái đó cũng rất yêu tôi. Nhưng phải dừng lại chuyện yêu đương.” Khi bà J.Stenson đến Liên Xô bà cũng tìm và biết có một cô gái Nga xinh đẹp yêu tha thiết Nguyễn Ái Quốc nhưng vẫn bị Nguyễn Ái Quốc từ chối.

Và bà đã đến Quảng Châu và “…biết Nguyễn Ái Quốc có một người con gái có bí danh là Lý Phương Liên thư kí của Đông Phương Bộ của Cục Phương Nam, người ta nói đó là vợ của cụ Hồ. Ông Phạm Văn Đồng cùng một số người của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội sang học cũng tưởng Lý Phương Liên là vợ cụ Hồ. Nhưng thực tế không phải như vậy. Đây chỉ là cách ngụy trang để che mắt mật thám.”

Tại diễn đàn hôm đó bà cũng nói rằng: “Nguyễn Ái Quốc nói lấy vợ thì phải để địa chỉ, phải có con và phải có trách nhiệm với vợ, với con. Đó là điểm yếu để mật thám phát hiện ra, cho nên Nguyễn Ái Quốc không lấy vợ.” Nói đúng hơn là Bác hi sinh tuổi thanh xuân để hoạt động và Bác luôn nhắc về một tình yêu đầu đời với người con gái ở quê nhà, đó chính là út Huệ. Tiến sĩ J.Stenson nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh là một người cộng sản vĩ đại, là một siêu nhân. Ông càng vĩ đại hơn ở chỗ là một con người bình thường sống chan hòa trong xã hội chứ không phải siêu phàm.”

Những chi tiết đắt giá do bà J.Stenson công bố đã giúp chúng ta hiểu thêm sự hi sinh to lớn, cao cả của Bác vì dân tộc và sự thủy chung năm tháng với người con gái quê nhà. Tôi cũng nghĩ rằng bà Lê Thị Huệ ở cõi tiên linh thiêng sẽ nhận biết điều này và chắc chắn bà sẽ mỉm cười mãn nguyện hơn về lòng thủy chung về sự hi sinh lớn lao của anh Ba Nguyễn Tất Thành và của bà.

Lúc sinh thời Sơn Tùng có nói: Búp Sen Xanh chỉ mới hé mở, Bông Huệ Trắng sẽ là bản tình ca… Tiếc rằng thần chết đã cướp mất Sơn Tùng, cướp mất tác phẩm đó của chúng ta. Tôi viết bài kí Bông Huệ Thơm này như một sự bước tiếp với Sơn Tùng, và để xin làm một lời ca nhỏ về bản tình ca thanh cao và sâu đậm của Bác với bà út Huệ – Bông Huệ đã tỏa thơm bên Bác suốt nhiều năm tháng.

Theo Trình Quang Phú/Vanvn

TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội,
tháng 11 năm 2022

________________________

1. Do dưới tàu đã có một thủy thủ trùng tên, nên anh ghi danh thủy thủ là Văn Ba.

2. Theo Sơn Tùng, Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng, Nxb Kim Đồng, 2015.

3. Theo Sơn Tùng, Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng, sđd.

4. Những chữ in nghiêng là trích dịch từ bài tham luận của bà J.Stenson.