Bữa cơm sáng trong mùa dịch

415

Phan Huy Thùy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đã lâu lắm rồi gia đình tôi không nấu cơm ăn sáng. Bữa sáng lúc nào cũng vội vàng, tất bật. Nhà ở gần chợ, vợ thường dậy sớm tranh thủ mua luôn thức ăn bán sẵn cho cả nhà. Cũng có khi vừa đi làm vừa ghé tạt mua ổ bánh mì hoặc hộp xôi cho qua bữa. Riêng tôi, chỉ cần li cà phê với bình trà là đủ, dù biết như thế là không tốt cho sức khỏe.

Thế rồi, dịch Covid 19 bùng phát lây lan, đặc biệt là kể từ ngày lệnh giãn cách toàn tỉnh để ngăn ngừa, phòng chống, cuộc sống của gia đình tôi có nhiều thay đổi mà bắt đầu từ chính bữa ăn sáng.

Tôi thường dậy sớm uống trà và cà phê, không quên vo gạo cắm nồi cơm điện. Khoảng thời gian này rất thú vị bởi vì không gian yên vắng, tĩnh lặng, hương hoa bưởi hoa cau ngan ngát trong sương sớm buổi chớm thu, nghe cả tiếng cựa mình của cỏ cây hoa lá, tiếng rì rầm của loài giun dế trong đất xa xăm. Nghe hết mấy bản độc tấu ghi ta của Vô Thường về mùa thu cũng là lúc trời vừa tản sáng. Tiếng gà nhà bên đang gáy, tiếng chim sắt, chim sâu ríu rít trong vườn nhà, tiếng gió Nam buổi cuối mùa còn giận hờn vô cớ cứ rít lên từng hồi, tiếng chim cuốc khắc khoải đều đều cung bậc xót xa. Và rồi là tiếng loa phát thanh thường ngày mỗi buổi sớm mai!

Ký ức về những bữa ăn sáng khi còn nhỏ lại ùa về trong tâm trí tôi. Hồi đó, ở miền quê nông thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, xa chợ. Có khi cả tuần hoặc mươi ngày mới đi được bữa chợ. Thức ăn là bầu bí rau dưa quanh vườn nhà, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi bắt cua đồng về nấu canh với măng tre hoặc đu đủ. Riêng bữa ăn sáng là nấu cơm chứ không bao giờ mua đồ ăn bán sẵn như bây giờ, phần vì phải tiết kiệm, phần nữa là chẳng ai bán, ai mua như ở phố. Nhà nào cũng dậy sớm để nấu cơm cho kịp đi làm đồng, trẻ con thì đi học. Cha mẹ tôi thường dậy sớm, bà nấu cơm, ông uống trà vừa tranh thủ mài lại cái rựa cho bén, cột lại đôi chàng, đôi gióng cho chắc chắn hơn để chờ sáng đi làm! Cơm sáng thường độn ghé sắn, khoai lang hoặc bắp. Thức ăn là cái trứng gà hấp cơm đem dằm mắm, có khi ăn với đường đen hoặc chuối chín chan nước mắm… Có khi thay đổi cơm bằng cháo, đó là cháo trắng, cháo đỗ xanh hoặc cháo rau đắng ăn với đường đen. Rồi năm tháng cứ thế trôi qua, những đứa trẻ chúng tôi khôn lớn, xa nhà, lập nghiệp mưu sinh nhưng ở nơi quê nhà ấy, cha mẹ già vẫn giữ bữa cơm sáng không hề thay đổi! Con cái biếu được ít tiền, ông bà vẫn chắt chiu dành dụm, chẳng dám mua ăn. Âu đó cũng là bản tính của những người nông dân chân lấm tay bùn, tảo tần vất vả, cả đời mưa nắng thầm lặng vì con vậy!

Trong những ngày này, mọi người đều thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch. Mọi người đều đã quen với 5K hoặc các khái niệm phong tỏa, cách ly, giãn cách… Ngay cả đi chợ cũng phải có phiếu. Điều này không mấy xa lạ với thế hệ 7X của tôi nhưng rất ngạc nhiên với bọn trẻ như con tôi bây giờ. Trước đây thế hệ tôi đã từng cầm Sổ mua hàng ra Cửa hàng mua bán của Xã để mua theo phân phối. Bây giờ trong hoàn cảnh dịch bệnh, dĩ nhiên rất cần sự ứng biến cho phù hợp. Đây cũng là cơ hội để các con hiểu thêm về cuộc sống của cha ông ngày trước và học cách thích ứng trong điều kiện khó khăn tạm thời vậy!

Cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc, mắm muối rau dưa, có gì ăn nấy. Thời gian như dài ra vì đang giãn cách, lại thêm được nghỉ hè nên chẳng có việc gì vội vàng. Cuộc sống như chậm lại để chúng ta nhận ra nhiều điều bình dị mà quý giá ở xung quanh! Tôi lắng ghe ước mơ của con trai, nghe những phàn nàn của vợ về người chồng lơ đãng, nghe lời nhắc nhở sao mấy bữa rồi chưa gọi về ông bà và nghe cả những bề bộn lo toan. Chợt thấy mình vô tâm, bấy lâu nay chưa nói lời ngọt ngào với vợ, chẳng có một lời khen khích lệ động viên con, chẳng biết mẹ già thích mặc áo màu gì! Tự thấy mình có lỗi rất nhiều! Bữa cơm sáng trong mùa dịch, dù chỉ có muối dưa thanh đạm cũng ngon ngọt hương vị gia đình. Tôi chỉ mong sao mọi người và những người thân của mình được an lành, dịch bệnh qua nhanh, cuộc sống rộn ràng sôi động yên vui trở lại! Tự động viên mình lúc này, nếu không giúp được tiền được gạo, cũng chẳng thể xung phong ra nơi tuyến đầu như bao lực lượng khác thì thôi hãy ở yên tại nhà, chấp hành tốt những yêu cầu khuyến cáo, cũng chính là góp sức để nhẹ vơi cho bao người khác đang nặng nề trách nhiệm vì dân, vì nước vậy!


Minh họa.

Với riêng tôi, bữa cơm sáng lúc này thật quý giá, nó như nhắc nhớ mình một thời xưa cũ đã qua, khơi gợi cho con tôi hiểu thêm về những tháng ngày cơ cực để biết yêu hơn cuộc sống này! Tôi luôn biết ơn những khó khăn vất vả của tuổi thơ đã nâng đỡ, tiếp sức cho mình đi qua năm dàì tháng rộng. Bữa cơm sáng tự nấu tại nhà đã phả vào hồn tôi làn hơi ấm thơm nồng của mùi cơm mới, mùi của rau dưa muối mắm quê hương và kể cả mùi vị của gia đình trong những ngày giãn cách.

Tôi chợt nhớ đến hình ảnh người bà và bếp lửa trong thơ của Bằng Việt:

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa”.

Những hình ảnh gần gũi, bình dị, thân thương và thiêng liêng ấy cứ chợt ùa về trong tâm trí. Và đôi lúc tôi cũng chạnh lòng, buồn vui lẫn lộn, khi nhiều em học sinh bảo rằng các em chưa biết đến bếp lửa nấu bằng củi, bằng rơm đầy khói bụi!

Cũng chính trong lúc này, tôi cảm nhận được hơi ấm đang tỏa lan từ những “Nhóm bếp yêu thương” ở Đồng Xuân và khắp nơi trong tỉnh Phú Yên. Ở khắp nơi, những nhóm bếp yêu thương thiện nguyện, đang sớm chiều đỏ lửa, đang thắp lên niềm tin tưởng đầy yêu thương, nhân ái, đang lan tỏa tình bầu bí chung giàn, sẵn sàng chia sẻ với bà con lúc khó khăn, hoạn nạn. Dù cho dịch bệnh đang còn phức tạp, nguy hiểm nhưng chúng ta đồng sức đồng lòng, cùng chung tinh thần quyết tâm, cộng với những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, của đồng bào cả nước, chắc chắn dịch bệnh Covid-19 sẽ bị đẩy lùi. Cuộc sống sẽ an vui, rộn ràng trở lại. Và bữa cơm sáng trong mùa dịch sẽ mãi còn neo lại trong tâm trí của tôi!

P.H.T