Bức tranh lịch sử

1983

Đan Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988) là nghệ sĩ hội họa hàng đầu, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam, cùng với Nguyễn Gia Trí (1908-1993) và Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016). Tác phẩm Nguyễn Sáng, nổi trội là sự giao thoa hài hòa giữa nghệ thuật hiện đại thế giới và tinh hoa truyền thống nước nhà, in đậm dấu ấn lịch sử cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Họa sĩ Nguyễn Sáng.

Bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được coi là tiêu biểu trong số những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Sáng. Năm 1954, ông đoạt Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Nhà danh họa Nguyễn Sáng được ghi tên trong “Tự điển Bách khoa Larousse” ở Pháp, và ông cũng được trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I, 1996).

Bức tranh “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ” – Nguyễn Sáng.

Danh họa Nguyễn Sáng (1923-1988), là một nghệ sĩ cách mạng đinh cao gốc người Nam bộ. Ông sinh ra tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang),trong một gia đình trung lưu có ba anh em: cha là thầy giáo, mẹ làm nghề buôn bán. Anh cả ông là Nguyễn Văn Nên, một viên chức thời Pháp thuộc, em trai là Nguyễn Văn Hoa dạy tiếng Anh tại Sài Gòn. Riêng Nguyễn Sáng, tử nhỏ yêu mỹ thuật nên lúc đầu từ quê nhà lên học trường Trung cấp Mỹ nghệ Thực hành, tức là Trường Vẽ Gia Định (1938-1940), sau đó ra Hà Nội thi đỗ và học tiếp (khoa Hội họa) ở trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khoá 14 (1940-1945), cùng tốt nghiệp với Diệp Minh Châu (1919-2002) (khoa Điêu khắc).

Trong thời gian còn đang học tập ở trường Mỹ thuật, Nguyễn Sáng đã tiếp nhận dễ dàng tư tưởng tiến bộ. Trong lý lịch tự thuật, ông viết: “Thời kỳ sinh viên Mỹ thuật có chịu ảnh hưởng của cách mạng – Đảng Cộng sản Đông Dương – nên có xu hướng chính trị muốn lật đỗ sự áp bức bóc lột của phát-xít Pháp – Nhật – phong kiến, đã tham gia trưng bày tranh, diễn kịch trong phong trào sinh viên Hà Nội – Sài Gòn”.

Từ sâu thẳm trong tâm hồn, trong veo như mênh mang dòng nước sông Tiền,  xanh biếc biển lúa ruộng vườn Đồng bằng Cửu Long, Nguyễn Sáng vững vàng khẳng định như một điệp khúc hùng tráng: “Có Tổ quốc mới có nghệ thuật, mất nước, mất tự do, là mất tất cả”. Được trang bị bằng tư tưởng cách mạng với lập trường tiến bộ kiên định, khi mãn khóa đào tạo, trong khi các họa sĩ miền Nam lần lượt trở về quê hương, Nguyễn Sáng nhất quyết không trở về Nam bộ mà xin tình nguyện ở lại miền Bắc trong sự ngạc nhiên của bạn bè. Sau thời gian học ở trường mỹ thuật, trong tâm thức chàng họa sĩ Nam bộ bị thu hút bởi môi trường nghệ thuật cổ truyền thống đậm sắc thái dân tộc. Những cảnh quan nhà phố cổ kính, những đình chùa với trang trí hoa văn, hoành phi, câu đối chưa tìm thấy nơi vùng đất mới Nam bộ, đã níu chân người họa sĩ trẻ cháy bỏng lòng đam mê sắc màu nghệ thuật. Với tấm lòng trân trọng đó, khi Cách mạng Tháng Tám nở ra trên cả nước, chàng họa sĩ Nguyễn Sáng hăng hái hiện diện ngay trong đoàn người giành chính quyền ở Phủ Khâm Sai tại thủ đô Hà Nội.

Tiếp đó, như là một họa sĩ của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nguyễn Sáng sốt sắng tham gia hầu hết các công việc thiết thực nhất để phục vụ cho cách mạng: vẽ tranh tham gia Triển lãm Mỹ thuật Chào mừng Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vẽ Giấy bạc cho Bộ Tài chính của Chính phủ Lâm thời vừa ra đời. Cuối tháng 12 năm 1946, họa sĩ Nguyễn Sáng lên Chiến khu Việt Bắc ở Tuyên Quang, dùng nét vẽ tài hoa của mình, tiếp tục phục vụ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ năm 1948-1951, ông công tác tại Xưởng tranh phổ biến Bộ Thông tin Truyền thông đóng ở Yên Giã – Đại Từ – Thái Nguyên.

Từ 1951-1952, Nguyễn Sáng tham gia chiến dịch Cao – Bắc – Lạng và đi vẽ ở biên giới Việt Trung cùng với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Sau đó, ông về Tổng cục Chính trị làm tranh khắc gỗ in màu với nhiều đề tài như: Chiến dịch Cao – Bắc –  Lạng, Tình dân quân… Nhiều tranh khắc gỗ màu và tranh sơn mài cỡ nhỏ của ông và Nguyễn Tư Nghiêm được sáng tác trong dịp này. Nhìn chung, tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng gồm nhiều thể loại, nhưng ở thể loại nào ông cũng thành công. Đề tài về chiến tranh: Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Hành quân đêm mưa, Bô đội nghỉ trưa trên đồi, Thành đồng Tổ quốc…, về chân dung: Tư hoạ, Không gian.

Nguyễn Sáng là họa sĩ bậc thầy về vẽ chân dung, vì tác giả khéo làm nổi bật được tính cách, đặc điểm của nhân vật ví dụ phụ nữ và hoa: Thiếu nữ bên hoa sen, Thiếu nữ trong vườn chuối; đề tài phong cảnh, cảnh vật thì có thể kể đến: Tháp Phổ Minh, Pắc Bó, Chọi trâu, Đấu vật… Sau khi dự cuộc chỉnh huấn chính trị (1952), ông tham gia cải cách ruộng đất rồi đi chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với nhiều họa sĩ khác như: Tô Ngọc Vân (1906-1954), Nguyễn Sĩ Ngọc (1919-1990),… Nhờ đó, về Hà Nội, ông có đề tài thực hiện nhiều tranh sơn mài về bộ đội trong chiến dịch lịch sử: Điện Biên Phủ, Cao Bắc Lạng,…

Bức tranh “Cô gái và hoa sen” – Nguyễn Sáng.

“Thiếu nữ bên hoa sen” – Nguyễn Sáng

Về mặt nghệ thuật, nhìn lại toàn bộ tranh Nguyễn Sáng, người ta thấy ông là họa sĩ có chiều hướng cách tân trong lĩnh vực sơn dầu và sơn mài. Ở tác phẩm của Nguyễn Sáng thể hiện rõ phong cách kết hợp sáng tạo giữa hội họa kinh điển phương Tây và tinh hoa nghệ thuật dân tộc. Người am hiểu hội hoạ không khó nhận ra ở họa phẩm của Nguyễn Sáng, từ bố cục phá cách không theo luật viễn cận (Loi de Perspective) với những đường viền to mạnh, những vệt màu táo bạo diễn tả trong tranh, lần lượt có  phần gần gũi với phong cách: hậu ấn tượng (post-impressionism) của Paul Cézanne (1839-1906), hiện thực (realism), biểu hiện (expressionism) của Van Gogh (1853-1890), Paul Gauguin (1848-1903), hoặc lập thể (cubism) của Picasso (1881-1973), Braque (1882-1963).

Tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí đạt đỉnh cao trong việc diễn tả những cảnh và người đẹp lung linh huyền ảo một cách thần tiên thơ mộng. Trong khi đó, nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Sáng tiệm cận đến tầng lớp bình dân, những xung đột trong cuộc sống đời thường của nhân dân lao động do xúc cảm từ nỗi thống khổ của đồng bào vì chiến tranh do thực dân, đế quốc gây ra. Nhất là những cảnh bi hùng người chiến sĩ cách mạng trải qua trong cuộc chiến tranh một mất một còn với kẻ thù chung của dân tộc. Bởi một lẽ rất dễ hiểu là hoạt động suốt cả cuộc đời của người họa sĩ yêu nước này đã gắn bó xương thịt với cuộc kháng chiến chống xâm lược của toàn dân. Xem tranh của danh họa Nguyễn Sáng, người thưởng ngoạn có cảm tưởng được bắt gặp, ngoài tranh vẽ thiếu nữ và hoa, chùa miếu, cảnh giặc tàn phá xóm làng hay sinh hoạt của dân làng, bộ đội, là  những dấu ấn bước đi hào hùng của lịch sử cách mạng. Do vậy, nội dung tranh vẽ của Nguyễn đều mang ý nghĩa tích cực về giáo dục hơn là hàm ý diễn tả những ngõ ngách trong đời sống vật chất hay từng góc khuất riêng tây của tình cảm con người.

Họa sĩ Nguyễn Sáng được coi là một họa sĩ hàng đầu có kỹ năng sáng tạo, kiến thức phong phú, tư tưởng cách tân và cũng rất tài hoa trong giới nghệ thuật tạo hình suốt hai thời kỳ kháng chiến trong bộ tứ “Sáng – Nghiêm – Liên – Phái”. Nhưng Nguyễn Sáng có một cuộc đời, một lối sống khá đặc biệt. Thích cuộc sống ly hương xa quê nhà vì không chịu về hoạt động cách mạng ở Nam bộ, Nguyễn Sáng xin trụ lại dấn thân công tác mỹ thuật ở Hà Nội. Những năm 1960-1970 được xem là giai đoạn sáng tác sung sức nhất với tất cả sức lao động nghệ thuật trong sự nghiệp sáng tạo mỹ thuật của ông. Vậy mà Nguyễn Sáng không những chịu cảnh nghèo mà còn lạnh lẽo trong hoàn cảnh cô đơn với bao nỗi niềm. Bạn bè văn nghệ ai cũng  biết Nguyễn Sáng là hình ảnh của chàng nghệ sĩ hào hoa từng đi qua cuộc đời tính ái như vợ chồng với hai người phụ nữ khi còn sống ở ngoài Bắc.

Một bạn thân hay gần gũi với họa sĩ Nguyễn Sáng đã kể lại: “Trước khi lên Việt Bắc, thời ở Hà Nội, Sáng sống chung với một cô Pháp lai. Đến Cách mạng Tháng Tám thì hai người chia tay, cô ấy về nước – về sau Nguyễn Sáng cho biết là sợ cô ấy không chịu nỗi cảnh gian khổ ở chiến khu. Năm 1978, Nguyễn Sáng lấy cô Nguyễn Thị Thủy (1955-1979) nhưng ở với nhau được khoảng một năm, thì cô ấy cũng mất do bạo bệnh”. Trong các câu chuyện giữa bạn bè, Nguyễn Sáng luôn nhắc về người mẹ ruột sống ở Mỹ Tho, người mẹ sống cuộc đời buôn gánh bán bưng, ráng dành tiền cho họa sĩ ra Hà Nội học mỹ thuật. Nguyễn Sáng cũng thường tỏ ra ân hận, vì suốt đời mình chưa được phụng dưỡng mẹ già. Với bạn bè văn nghệ sĩ cùng thế hệ hầu hết là dân miền Bắc, dù cuộc sống khó khăn thiếu thốn, Nguyễn Sáng vẫn chơi hết mình bằng tất cả cái chân tình hồn hậu mà xả láng của người phương Nam: “Tớ là người Bắc Kỳ hơn cả Bắc Kỳ”.

Có lúc đến nhà Văn Cao (1923-1995) để cùng thưởng thức món thịt cầy với tác giả Tiến quân ca do tài khéo nấu của chị Thúy Băng. Khi cuộc đời xuống chó hết tiền thì ngồi uống cuốc lủi một mình ở quán cóc Thủy Hử, lúc lên voi có xe máy tay ga hay xe hơi Peugeot nhờ vẽ bức chân dung, trị giá 2 ngàn USD cho một Việt kiều Pháp, được chuyến phong lưu thì bao giờ cũng đèo theo người bạn họa sĩ yêu phố cổ Bùi Xuân Phái (1921-1988) gian nan đồng cảnh ngộ một thời. Năm 1987, như mòn mỏi bước chân lãng tử,  nhà danh họa từng chối bỏ quê hương Nguyễn Sáng mới chịu qui cố hương để hành phương Nam về nguồn, sống tại Sài Gòn nhưng chỉ sang năm 1988 thì qua đời, Cũng trong năm này, các họa sĩ Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái cũng lần lượt xa cõi nhân gian. Chỉ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm còn lại một mình trong bộ tứ Sáng – Nghiêm – Liên – Phái nổi tiếng trong thế giới nghệ thuật tạo hình cách mạng.

Tóm lại, cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của  nhà danh họa kháng chiến Nguyễn Sáng đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử văn hoá nghệ thuật nước nhà. Dù chung thân sống trong hoàn cảnh cô đơn, không khá giả nhưng ông là một nghệ sĩ yêu nước, tài hoa đa dạng và giàu cá tính, suốt đời một lòng đinh ninh theo cách mạng và thủy chung với nghệ thuật dân tộc. Tiêu biểu với tác phẩm nổi tiếng “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” dù có nhiều ý kiến trái chiều và hàng loạt tranh vẽ giấy bạc, tranh lịch sử phục vụ kháng chiến. Đánh giá nhà nghệ sĩ yêu nước Nguyễn Sáng, họa sĩ Trần Khánh Chương nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã phát biểu: “Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. Ông là một trong số những họa sĩ có những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp nhất sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam”.

Đ.T