Bản ngã của nhà thơ luôn là sự khám phá, tìm tòi. Và chắc rằng sự tìm tòi không chỉ là ngôn ngữ mà còn ở cách thức mới trong thể hiện.
Một trái tim phải luôn nằm trong ngực áo. Ở đây người viết bài này muốn nói đến một thể thức thơ mới do nhà thơ Phan Hoàng lĩnh ấn tiên phong sau nhiều năm trăn trở khám phá. Duyên ngộ ở đây là đã bắt gặp được đông đảo những tâm hồn yêu thơ khắp trong lẫn ngoài nước đồng cảm, chia sẻ, thể nghiệm.
Thơ là thể loại “ý tại ngôn ngoại”. Việc kiệm lời, kiệm chữ là một yêu cầu tối quan trọng đối với nhà thơ. “Thơ cốt ở ý, ý cốt sâu sa thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì phải nói ra bằng lời thì mới là thơ có giá trị. Ý hết mà lời dừng là cái lời hết mực song lời dừng mà ý chưa hết thì lại càng hay tuyệt” (Hải Thượng Lãn Ông).
Bởi vậy, theo tôi việc thể thức thơ 1-2-3 gói gọn trong 6 câu và những quy định, chứ không phải là niêm luật khá giản đơn mà người khởi xướng đề ra là rất phù hợp với xu hướng thơ hiện đại cũng như triết lý thơ cổ nhân để lại. Mỗi chữ trong thơ đều là sự vang vọng từ tâm hồn thi nhân.
Trao tặng thưởng Thơ 1-2-3 tháng 5.2020 tại TPHCM.
Cụ thể, “mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ nhằm tránh sự dễ dãi trùng lắp tên bài thơ của người đi trước dẫn tới đạo văn. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ. Nghĩa là, Thơ 1-2-3 tương ứng tối đa 11-12-13 chữ trên mỗi câu của mỗi đoạn, với nội dung đi từ hướng ngoại dần vào hướng nội”.
Diễn đàn thơ 1-2-3 trên trang Văn Học Sài Gòn còn khá mới mẻ, song bạn đọc vào đây có thể đã nhìn ra một khoảng trời riêng đầy nắng gió, tiếng cây lá rào rạt của một vùng bách thảo, kỳ hương.
Tham gia cộng tác thơ 1-2-3, thật sự tôi bất ngờ về câu chuyện cảm động và cũng khá lạ, khi đọc những dòng tâm sự của nhà giáo Trần Quang Vinh có bút danh Trần Vinh là cha đẻ của nhà thơ quá cố Hoa Níp – Trần Quang Minh Giảng.
Và rồi Trần Vinh trở thành chiếc cầu nối ghi lại những dòng thơ như là của con trai để tham gia thơ 1-2-3. Anh đã đặt ra câu hỏi và trả lời. “Vì sao Thơ 1-2-3 lại được đông đảo người yêu thơ hướng ứng?
Theo tôi thì có nhiều lí do nhưng trước hết đây là sự hấp dẫn trước một lối đi chung mới mở giữa thơ truyền thống với thơ đương đại được nén trong giới hạn 1-2-3 để tạo ra sức bật, mở cảm xúc không giới hạn…” Tin chắc sẽ nhiều người đồng tình với suy nghĩ này.
Với bản thân tôi đến với thơ 1-2-3 cũng chợt nhận ra điều thú vị, cứ như một thử thách chính mình. Phải làm thế nào sử dụng lượng từ trong giới hạn nhưng phải chuyển tải được những suy ngẫm, tình cảm bản thân muốn thể hiện, gửi gắm.
Tôi tìm đọc những bài thơ 1-2-3 của người mở đường là nhà thơ Phan Hoàng. Những bài thơ 1-2-3 anh viết từ nước Nga xa xôi. Những câu chữ thật sự cô đọng nhưng sao anh dùng lại ấn tượng vậy.
Chỉ một lần đọc nhưng những câu thơ lại cứ vang vang trong đầu.“Hải âu độc thoại gì bên vịnh Phần Lan?/ Đâu đây tiếng chạm vodka lần đầu Puskin – Gogol hội ngộ…/ Đêm đêm Pushkin vẫn nắm tay Natalia đi về Arbat phố cổ / tình yêu mãnh liệt thi sĩ thời nào cũng ngờ nghệch bão giông” và nhiều câu khác nữa.
Với bài “Dostoevsky chẳng quan tâm tượng mình đứng hay ngồi”, nhà thơ Phan Hoàng đã lợp viên ngói cuối cùng của ngôi nhà ấy là “trĩu nặng ưu tư trang văn sáng soi chín cõi vô thường”. Trong giá rét nơi đây anh vẫn cảm được “Trái tim thơ Olga Berggolts tỏa ấm nghĩa trang”. Bởi vì “không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng”. Bởi vì “mỗi số phận chứa một phần lịch sử”…
Thật vui mới đây tôi đã đọc được một bài viết của nhà văn Cao Chiến nhan đề “Thơ 1-2-3 & sự cộng hưởng” mới hiểu thêm, khởi nguồn thể thơ mới, cứ tạm gọi là thơ 1-2-3, do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng anh đã phải “nung nấu trong một thời gian đủ dài cho đến chuyến xuất ngoại thăm nước Nga, cùng với một số văn nghệ sỹ trong Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, mùa thu 2018 thì bùng nổ.
Phải chăng hồn vía nước Nga với những tên tuổi vĩ đại Pushkin, Lev Tolstoy, Gogol, Lermontov, Olga Berggolts, Dostoevsky, Paustovsky, Sergei Yesenin… đã chắp cánh cho ước mơ Thơ 1-2-3 của Phan Hoàng thành hiện thực.”
Xin được giới thiệu lại hai bài thơ tôi rất thích của nhà thơ Phan Hoàng đăng trên Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam để bạn đọc cùng thưởng lãm.
Dưới ánh trăng Sergei Yesenin bỗng hiện về
Lãng tử trên lưng ngựa lướt qua cánh đồng lúa mì
lững thững rừng phong lá rơi vàng bước chân ngôn ngữ
Với thi nhân khổ đau và cái chết không có điều gì mới
sợ đôi mắt người đẹp buồn hơn, mẹ già khuya sớm cút côi
dưới ánh trăng linh cảm tài hoa bão tuyết xoáy lòng tôi
Giữa bình minh mưa rực sáng bông hồng vàng
Bông hồng Paustovsky nở từ cuộc sống cô đơn sáng tạo
cái đẹp và sự tự do kết tinh từng hạt bụi vàng
Tiếc thương Pasternak và những ngôi sao chói rạng bốn phương
Paustovsky thảng thốt trước bóng tối uy quyền lãng quên báu vật
ánh sáng bông hồng vàng hướng tôi về Tâm hồn Nga – Tarusa.
Tôi đã học làm thơ 1-2-3 và tham gia trang Văn Học Sài Gòn. Ở đó tôi đã bắt gặp nhiều tâm hồn đồng cảm, trân quý nhiều cảm xúc của các bạn thơ được chuyển tải qua một hình thức thơ rất mới mẻ này.
Một Đặng Tường Vy, người con gái xinh đẹp đang ở cách nước Việt rất xa nhưng lại rất gần bởi trong mình đang chảy dòng máu của loài chim di trú. Tổ quốc vẫn là người mẹ hiền thiết tha nhất. “Lưu vong đất, biệt tăm nhà, khát sợi nắng thềm Noisy Champs/ Ánh mắt con thơ khóa chặt ngôn ngữ tình đất vuông tròn…”.
Với Trần Thị Hồng Anh là “lúng liếng nụ cười ngày hò hẹn… khi một thoáng em về bay bổng giấc mơ khuya”. Với Phan Phương Loan, chị đã thấy “đôi mắt Juliet thăm thẳm mặt hồ loang loáng bóng Romeo…/ Viên thuốc đắng trắng toang miền ngọt ngào kỉ niệm”.
Một Trần Nguyệt Ánh không chỉ say giấc mơ miền cổ tích mà còn “Em độc hành hun hút phía không anh”, khi “Mũi tên thấm ngọt đau thương tình mình chết yểu.” Một Đinh Văn Thắng “Là muối mặn, lắng từ muôn nghìn ngọn sóng/ Là gừng cay, chắt từ đất chát bạc màu”.
Một Đoàn Thị Diễm Thuyên khi em bắt đầu biết sợ nỗi cô đơn. Một Bình Địa Mộc độc, lạ, liên hoàn với những cú đúp đèn flash “ảnh thơ” và những cú ghi hình thơ ngoạn mục.
“Trên mái bằng bê tông ánh trăng nằm sóng soài/ Ngọn đèn đường nhón gót. Ánh sáng quét nguồn gốc xuất xứ/ Bầy phù dung đưa tang. Băng qua lớp sương mù trắng toát/ Bước chân khuya khụy xuống đường trần…”
Có thể nói những tác giải tham gia thơ 1-2-3 trên trang Văn Học Sài Gòn đều có những câu thơ, bài thơ rất hay, được dồn nén, có sức gợi đến vô cùng tận những mạch nguồn, tình cảm người đọc không thể dẫn hết trong một bài cảm nhận của bản thân.
Tôi tin nếu không có hình thức thể nghiệm mới này, chưa chắc mỗi một tác giả tham gia vào khoảng trời thơ 1-2-3 bật ra những lời thơ hay vậy. Một con đường mới mở, một con đường có thể chở nắng mưa thì tin chắn nó sẽ dự phần vào những vui buồn số phận.
Lại nhớ “Những câu văn cha viết chẳng thành thơ/ Chỉ chất chứa trong cha rằng nhớ mẹ” của Vũ Thanh Thủy. Một Lê Đỗ Lan Anh khi một bài thơ cô đơn, khi nàng biến thành hòn đá, khi mặt trời đi qua nỗi đau, khi giọt nước mắt bạc đầu… và tôi nghĩ đó cũng là khi thơ 1-2-3 bắt đầu lên tiếng.
Sau tặng thưởng thơ 1-2-3 tháng 5.2020, liên tiếp mới đây tôi đã đọc gần tất cả các bài thơ 1-2-3 đăng trên Văn Học Sài Gòn, đó là những cái tên:
Đỗ Thu Hằng với “Đặt mật khẩu cho quá khứ”, Nguyễn Đinh Văn Hiếu với “Mình xa lạ ta trong mắt kính cuộc đời”, Đoàn Thị Diễm Thuyên với “Chân đứng thẳng và bình yên con cứ bước”, Nguyễn Lan Hương với “Thương giọt mồ hôi tỏa ngát vị đời”, Phan Phương Loan với “Ánh mắt xa xăm ta thương mình cùng đêm trắng biếc”, Lê Tuyết Lan với “Có những lần nghe hơi thở đi hoang”, Hoàng Hải Phương với “Hồn quê hương kẻ đi hoang”, Phạm Tuyết Hạnh với “Mặn chát giọt đời rơi chảy vào trong”, Vũ Tuyết Nhung với“Em thường nghĩ nhiều về những đứa trẻ được sinh ra”, Nguyễn Doãn Việt với “Tiếng chuông xa dần để lại phía sau thành phố đầy hoa”, Trần Nguyệt Ánh với “Chẳng muốn gồng mình trói buộc những ưu tư”, Nguyễn Hồng Linh với “Tiếng chim đỗ quyên hận ly biệt não nề”, Võ Hoàng Phương với “Nụ cười không một chút ưu phiền”, Lưu Minh Hải với “Hồn cong như chiếc lá hứng trăng khuya”, Lê Đỗ Lan Anh với “Thi sĩ chôn ký tự trước khi chôn chính mình”, Đặng Văn Thắng với “Vận dụng cái hay cái đẹp của Tiếng Việt”, Trương Mỹ Ngọc với “Khi tất cả đều rực sáng và lập tức chìm trong bóng tối”, Trần Huy Minh Phương với “Những giọt nước ngân lên trời thành hoa”, Hồ Xuân Đà với “Tội tình gì em hát lý chim quyên”, Lê Tuyết Lan với “Yêu thương lăn lốc rơi xuống từng đôi mắt trẻ thơ”, Hà Nguyên với “Khóa cửa phòng xếp lại nỗ đau”, Hồ Ngọc Bình với “Cây già hết nước mắt thân non ứa nhựa”, Trần Ngọc Sương với “Đừng nặng chữ vì ai mà hãy sống vì mình”, Nguyễn Đình Phê với “Ký ức ngược dòng gió bụi trôi xuôi”, Hà Phi Phượng với “Ngày của mẹ thật dài, đếm chẳng hết nhớ mong”, Phạm Thị Kim Khánh với “Một tình yêu tuyệt mệnh sinh loài thơm”, Nguyễn Hồng Thắm với “Tình vẫn dạt dào ngấm sâu từng vi mạch”, Lê Văn Ri với “Cánh cửa đợi chờ khuyết mảnh trăng khuya”,…
Một đồng cảm với nhà văn Cao Chiến vì sao thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khai sáng trong bài viết “Thơ 1-2-3-sự cộng hưởng” lý giải thêm một lý do vì sao thể thơ mới này thu hút đông đảo bạn thơ cả nước tham gia. Đó còn là việc chọn đăng thơ trên VHSG rất trọng thị.
Rõ là, ngoài việc trình bày đẹp, có ảnh minh họa, ảnh chân dung tác giả thì nhà thơ Phan Hoàng với “con mắt xanh” thẩm định thơ của mình đã nắm bắt thần thái, hay nói cách khác cái hồn, cái hay, cái mới của từng chùm thơ các tác giả được chọn đăng để có những lời phi lộ, dẫn dắt bạn đọc cảm thơ rất có duyên. Cũng lại rất cô đọng, hàm súc.
Nói đến đây, người viết bài này lại nhớ đến một ý mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho là tiếc với tuyển sách thơ “Biển bắt đầu từ sóng” do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên, NXB Đà Nẵng ấn hành, vừa ra mắt đầu tháng 5.2020.
Đây là thơ của 108 tác giả từng được giới thiệu trên Báo Đà Nẵng và Công an TP Đà Nẵng cuối tuần trong vòng khoảng 2 năm gần đây. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã không đưa phần mà mình từng giới thiệu thơ của từng tác giả vào sách.
Một cách dẫn dắt thơ để bạn đọc cảm nhận mà theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên là rất cần, rất hay… thậm chí hay hơn cả cái ý nghĩ của mỗi tác giả được chọn đăng.
Với suy nghĩ về một tuyển thơ 1-2-3 ở thì tương lai, thiết nghĩ sẽ không thể thiếu phần dẫn dắt trước mỗi chùm thơ 1-2-3 đã đăng trên Văn Học Sài Gòn.
Để kết thúc bài viết, nói như một nhà thơ mà tôi tâm đắc, “thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm, nhưng vẻ đẹp thực sự của nó đôi khi lại giấu vào trong sâu thẳm mơ hồ”.
Và một điều đến thời điểm này có thể khẳng định thể thức thơ mới 1-2-3 đã cho những tâm hồn thi nhân những cảm xúc mới mẻ. Mong rằng ngày càng có nhiều hơn những tâm hồn thơ trong cả nước đồng cảm, sẻ chia cùng thể thức thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng trên VHSG bằng cái tôi bản ngã của chính mình.
Tam Kỳ – Quảng Nam, tháng 6.2020
Theo Đất Việt