Bức tượng gợi nhớ về bi kịch tự sát của nữ nhà văn gây tranh cãi

817

Dư luận Anh đang tranh cãi trước kế hoạch dựng tượng tưởng nhớ nữ nhà văn Virginia Woolf bên bờ sông, trong khi bà qua đời vì tự sát bằng cách… nhảy xuống sông.


Dư luận Anh đang tranh cãi trước kế hoạch dựng tượng tưởng nhớ nữ nhà văn Virginia Woolf bên bờ sông, trong khi bà qua đời vì tự sát bằng cách… nhảy xuống sông.

Dư luận Anh hiện cho rằng kế hoạch tưởng nhớ này là một động thái thiếu nhạy cảm. Dự kiến bức tượng sẽ được dựng lên bên cạnh bờ sông Thames, khắc họa nữ nhà văn ngồi trên một băng ghế đặt trước bờ sông. Trên ghế sẽ còn đủ chỗ trống cho du khách ngồi, có thể dễ dàng hình dung rằng đây là một bức tượng chào đón du khách ngồi lại và chụp hình lưu niệm với bức tượng tưởng nhớ.

Một bộ phận dư luận Anh cho rằng ý tưởng về bức tượng này là rất thiếu nhạy cảm bởi nữ nhà văn Virginia Woolf (1882 – 1941) đã tự sát bằng hành động nhảy xuống sông Ouse (Anh). Lúc sinh thời, nữ nhà văn người Anh đã luôn gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần. Bà đã phải điều trị tâm lý và đã có vài lần nảy sinh ý định tự sát.

Ngày nay, người ta gọi chứng bệnh tâm lý của bà là hội chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực, nhưng ở thời của bà Virginia Woolf, hội chứng này chưa được hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn để có sự điều trị phù hợp. Năm 1941, ở tuổi 59, bà Virginia Woolf quyên sinh.

Bức tượng gây tranh cãi được thực hiện bởi nghệ sĩ điêu khắc Laury Dizengremel, được dự kiến đặt trên một băng ghế. Tượng sẽ nhìn xuống dòng sông Thames đoạn chảy qua khu Richmond (London, Anh), đây là nơi bà Virginia Woolf đã sống trong suốt một thập kỷ kể từ năm 1914 tới 1924.


Tạo hình ban đầu thể hiện ý tưởng về tác phẩm.

Kế hoạch thực hiện bức tượng tưởng niệm đã được ủy ban phụ trách các vấn đề về văn hóa – thể thao – môi trường tại Richmond thông qua trong tuần qua, nhưng ngay lập tức truyền thông và dư luận tại Anh đã dấy lên tranh cãi.

Nữ nhà văn Virginia Woolf được xem là một trong những nhà văn nổi bật của văn đàn Anh thế kỷ 20, bà đi tiên phong trong cách sáng tác văn học không đi theo tuyến tính thời gian.

Hiện tại, chủ tịch Hội Cộng đồng Richmond – ông Barry May cho biết hội đã gửi tới nhà chức trách địa phương đề xuất về 3 địa điểm khác để đặt tượng tưởng niệm, thay vì đặt ở bên bờ sông.

Ông Barry May thay mặt hội Cộng đồng Richmond chia sẻ: “Xét tới bệnh tình của bà Virginia Woolf lúc sinh thời và cách bà ra đi, sẽ thật thiếu nhạy cảm khi đặt tượng tưởng niệm bà trên một băng ghế trông ra một con sông. Chúng tôi cho rằng cần dựng tượng ở nơi khác. Chuyện dựng tượng tưởng niệm thực ra chỉ gây nên tranh cãi khi người ta lựa chọn đặt tượng trông ra con sông”.

Dù vậy, cũng có những ý kiến cho rằng việc yêu cầu thay đổi vị trí đặt tượng là một sự thiếu suy xét. Cô Charlotte Banks làm việc tại đơn vị xuất bản Aurora Metro (Anh) cho rằng: “Ý kiến cho rằng nên thay đổi vị trí bức tượng là một cách ngó lơ câu chuyện cuộc đời của nữ nhà văn Virginia Woolf.

Bức tượng đặt bên bờ sông cũng là một cách để chúng ta hiểu về vấn đề sức khỏe tinh thần, về thực tế trong cuộc đời nữ nhà văn lúc sinh thời. Những tầng nghĩa sâu xa của bức tượng sẽ bị mất đi nếu tượng được đặt ở một nơi khác”.

Hiện tại, nhà chức trách địa phương cho biết họ ủng hộ kế hoạch ban đầu, bởi vị trí đặt tượng sẽ góp phần thúc đẩy những nhận thức đúng đắn và sự cởi mở đối thoại xung quanh vấn đề về sức khỏe tinh thần, điều mà nhiều khi chúng ta vẫn ngần ngại, tránh né trong những đối thoại của cuộc sống hàng ngày.

Theo Bích Ngọc/Dân trí
(Theo The Guardian)