(Vanchuongphuongnam.vn) – Nó lấy cái ghế nhựa nhỏ đã bạt màu đem để sát chân tường nhà thằng An. Cẩn thận lót mấy miếng gạch vụn dưới nền đất ẩm ướt, nó nhẹ nhàng đặt 4 chân chiếc ghế lên miếng gạch, từ từ bước chân lên ghế, rón rén nhìn qua khe cửa sổ xem thằng An dự lễ khai giảng trực tuyến trên cái ipad.
Lâu nay, bức tường nhà thằng An cũng là vách nhà nó. Hai bên bức tường là hai khoảng không gian đối nghịch như mặt trời, mặt trăng vậy. Đằng sau chiếc cửa sổ là một căn phòng như mơ của bất cứ một đứa trẻ nào đang ở tuổi mà “mẹ còn dắt tay đến trường”. Những lúc hai đứa bên cửa trò chuyện, nó mới nhìn thấy được những gì phía sau chiếc cửa sổ bằng loại gỗ đắt tiền ấy. Không chỉ đồ chơi mà còn có dụng cụ học tập, quần áo được sắp xếp có ngăn nắp, thứ tự trong một cái tủ kiếng to đùng. Những thứ tiện nghi hiện đại trong căn phòng đó vốn dĩ chỉ là ước mơ của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình làm thuê như nó. Ngay cả cái giường ngủ của thằng An nhìn cũng mát con mắt, nhất là tấm Draw phủ giường trắng muốt lúc nào cũng thẳng thóm như trong các khách sạn. Căn phòng luôn ngập tràn mùi thơm của loại nước hoa xịt phòng đắt tiền, có lúc vượt qua cửa sổ tràn qua nhà, len lỏi đến tận giường ngủ của tất cả những thành viên trong gia đình nó. Có lần, nghe ba nó nói lượng gạch cát, đá, công cán chỉ để làm tấm tường, cái cửa sổ này thôi chỉ là một đứa học sinh lớp 5 như nó cũng tính ra đủ cả nhà mua gạo ăn cả năm trời.
Cái cửa sổ trên bức tường nhà thằng An thỉnh thoảng mới mở để quét dọn lúc nhà có giỗ hay chuẩn bị Tết còn bình thường thì lúc nào cũng đóng im ỉm. Lúc buồn hay có chuyện gì muốn nói, thằng An hé cửa sổ đưa tay ngoắc nó. Nó cũng chẳng than phiền hay tự ái kiểu trẻ con mà còn vui vẻ mỗi khi bắc ghế đứng bên cửa số trò chuyện với thằng An. Dù con nhà giàu nhưng thằng An không bao giờ kênh kệu theo kiểu công tử mà sống rất hòa đồng. Thằng An có lần tiết lộ, sở dĩ ba nó làm cái nhà hoành tráng này là cho xứng tầm cái chức danh giám đốc công ty. Nhiều hôm, bức tường cũng không thể là tấm lá chắn để ngăn những tiếng chúc mừng, những lời ca tụng, tiếng khua ly và cả những giọng ca lè nhè sau buổi tiệc. Bức tường im lìm, lạnh lùng kia không thể tiết lộ những gì nó chứng kiến bên trong ngôi nhà ấy, chỉ biết lặng thinh gồng mình mình che chở cho gia chủ đúng theo bổn phận.
Xây lên bức tường, vô tình, chủ nhà cũng dựng lên cảm giác gián đoạn giữa không gian hai bên bức tường và vô hình, cũng buộc luôn một sợi dây ngần ngại vào bước chân của láng giềng, tiện đường có ý rẽ vào thăm hỏi. Bức tường vững chãi như vậy nhưng lại khoác chiếc áo bên ngoài nham nhở những mảng rêu xanh, đen đúa do thời gian dải dầu mưa nắng. Gia chủ cũng chẳng màng chăm chút cái áo khoác bên ngoài, vì cái nhà lá của nó đã che dùm hơn hai phần ba bức tường đầy rêu phong cùng nhà bếp không thua gì nhà ở. Nhiều lúc ngồi nhìn bức tường, ba nó chợt mỉm cười ngộ ra đã tiết kiệm được một khoản tiền, lại chắc chắn hơn so mấy tấm vách lá còn lại chỉ cơn gió mạnh tới cũng rơi lảo đảo trước mắt mọi người. Chưa kể những ngày hè nóng bức, bức tường hóa thành tấm cách nhiệt giảm đi sức nóng của ông mặt trời lúc xế chiều cho cả gia đình nó.
Ngôi nhà nhỏ của nó ép mình sát bức tường đó có từ khi nó chưa chào đời. Nhà nó nghèo. Nghe kể lại ngôi nhà lá đơn sơ này thành quả của ba mẹ nó vất vả chắt bóp tiết kiệm để cất lên từ thời anh chị nó còn chập chững. Đây là nơi cất giữ tiếng khóc khi nó chào đời và là nơi cất giữ cả lời ru ngọt ngào của mẹ bên chiếc võng đong đưa sát bức tường nọ. Bên trong nhà nó dĩ nhiên không tươm tất như nhà thằng An, nhưng luôn tràn ngập tiếng cười của những ngày mưa và của cả những ngày nắng mỗi khi ba má, anh chị nó trở về khi tan ca hay cùng ngồi quây quần bên mâm cơm ấm áp không khí tình thân. Đội khi trong cái không khí ấm áp ấy vẫn có vẫn pha chút nốt trầm mỗi khi căn bệnh thận của mẹ tái phát. Còn ba nó mỗi lần khám bệnh bác sĩ lại khuyên không làm nặng vì chứng thoái hóa cột sống. Đó là hậu quả một thời gian dài đi làm bốc vác cả ngày lẫn đêm cho nhà máy xay xát gần đó. Cái chân bảo vệ hiện nay ở công ty mẹ nó đang làm là nhờ ba thằng An gởi vô. Những hôm công ty tăng ca phải về muộn bước vội vào nhà, ba nó loạng choạng đến đứng tựa lưng thật lâu vào tượng mà như lời ông nói để cho đỡ bớt đau. Ở cái tuổi nó cũng không hiểu tại sao bức tường có phép thuật gì mà kỳ diệu như vậy. Bức tường bám đầy rêu phong lâu nay vẫn lặng im đứng nhìn những những giờ phút vô cùng thiêng liêng, những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình nó mà không giá trị vật chất nào có thể mua được.
Tuổi thơ của nó gắn liền với bức tường kia từ lúc mới biết vẽ nguệch ngoạc trên đó hình con vật, xe cộ cho đến bây giờ là những bài văn, bài toán. Đâu cần chi học thêm, quanh quẩn trong nhà, xoay ngang, xoay dọc nhìn vào bức tường là nó đã thuộc bài. Những tấm giấy khen của nó dán trên tường thay cho tấm bạt trang trí để tô điểm thêm tấm vách nhà. Những lúc ngồi học bài, hay có không ít nỗi vui buồn, nó hướng mắt về bức tường, phía có những tấm giấy khen như thể tiếp thêm động lực. Những tấm khen như đọc được ý nghĩ của nó và dường như đáp lại bằng giọng khe khẽ: cố lên bạn nhé, cả nhà đang trông chờ vào bạn đó. Chính sự nỗ lực bạn sẽ biến những vách lá chung quanh hóa thành bức tường vững chắc của ngôi nhà đẹp. Mấy nhành trứng cá bên ngoài phất phơ giống như những cây phất trần của ông Bụt trong cổ tích “gật đầu” đồng tình lời nhắn nhủ ấy.
Những lúc rảnh rỗi, ngồi trong nhà nhìn bức tường cằn cỗi và đen đúa, nó không khỏi khâm phục sức sống của những mảng rêu xanh bám trên đó. Tại sao mọc giữa bức tường thô cứng nó vẫn xanh tươi, khỏe khoắn như thách thức với nắng mưa? Tuy có lúc mảng rêu ấy úa vàng vào những buổi trưa nắng gắt nhưng bỗng chốc xanh lên chỉ sau một cơn mưa.
Hôm nay trường nó làm lễ khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến. Ba má nó đang trong thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh hơn tháng nay ra vườn làm cỏ từ sáng sớm. Anh chị thì ở lại công ty thực hiện “3 tại chỗ” nên nhà cửa vẫn vắng hoe như mọi ngày. Nó ngồi đung đưa, đôi mắt hơi buồn hướng về bức tường chỗ có cái ô cửa sổ thấp thỏm chờ thời gian qua mau. Không gian trở nên vắng lặng, chỉ có tiếng lá cây trứng cá lạo xạo vào nhau quét lên mái nhà theo từng nhịp gió nghe buồn man mác. Cách đây mấy hôm thằng An nói cô chủ nhiệm vừa nhắn tin thông báo cho cả lớp: đầu năm học này do dịch bệnh nên phải học trực tuyến. Khi nghe tin đó, nó như chết lặng trong người, lòng đầy lo âu mà không dám cho ba mẹ biết. Một cái điện thoại thông minh thôi vẫn còn xa vời huống chi cái ipad hay laptop chỉ là ước mơ. Ba mẹ, anh chị nó đều có điện thoại để tiện đi làm nhưng chỉ toàn loại “cùi bắp”. Để có chiếc điện thoại thông minh cho nó học chắc ba mẹ phải nén đau bớt đi tiền thuốc, anh chị phải xài dè xẻn, rồi phải đóng tiền mạng, mua sách vở, bút mực… Không thể thế được! Hay là nghỉ học sớm như anh chị để ba mẹ có tiền mua thuốc, anh chị nó dành dụm chút đỉnh để lo hạnh phúc tương lại. Hôm qua tình cờ thấy hộp thuốc của ba trống rỗng, mẹ nó sáng nay vừa thở dài gạo sắp hết rồi, nghe mà thắt ruột. Chưa bao giờ nó “thèm” được đến trường như lúc này. Bây giờ bỏ học thì không nỡ vì thầy cô, bạn bè trong trường đều dành hết tình cảm dành cho đứa học sinh nghèo mà học giỏi nhất lớp. Nước mắt nó chực trào khi suy nghĩ đến điều đó. Thật là quá sức với cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Cánh cửa sổ từ từ mở ra cùng bàn tay vẩy vẩy của thằng An. Mắt nó như sáng lên lấp lánh cùng nụ cười tủm tỉm…
Thằng An ngồi xếp bằng giữa chiếc giường nệm trắng toát cầm cái ipad chìa ngang hông để nó dễ xem. Tay nắm chặt song cửa sổ sáng loáng bằng inox, đôi mắt mở to cố dán chặt vào màn hình của chiếc ipad trên tay bạn. Những ô vuông chi chít giống ô kẻ trong quyển tập tuy nhỏ nhưng cũng đủ nhận ra được thầy cô, bạn bè. Sự nôn nao, háo hức càng nhân lên khi nó như được bước chân vào trường vẫn khung cảnh ấy, vẫn những gương mặt ấy, cảm giác thân quen xen lẫn chút thú vị mới mẻ của những tuần xa nhau. Trên khuôn mặt thầy cô, bạn bè dù ở nhà hay ở trường cũng hiện rõ sự vui mừng trong ngày gặp lại. Nó chợt thấy trong lòng như có thứ gì đó dâng lên, nỗi niềm, cảm xúc, kỷ niệm những buổi lễ khai giảng cứ thế theo nhau ùa về. Tùng! Tùng! Tùng… tiếng trống khai trường phát ra từ chiếc ipad của thằng An dội vào bốn bức tường rồi đi vào con tim thơ dại nó. Hình ảnh thầy hiệu trưởng đáng kính vẫn lặng lẽ trong trang phục giản dị bên chiếc trống trường thân thuộc bao năm nay vẫn thế, chỉ có khác là sân trường hôm nay vắng lặng không ngập tràn cờ hoa như trước.
Cơn gió mùa thu man mác thổi, tiếng lá cây trứng cá lại quét xào xạt lên mái nhà cũng không ngăn được tiếng thầy hiệu trưởng vang lên nó nghe rõ mồn một: “…Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên không ít gia đình phụ huynh học sinh lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Một số nhà hảo tâm đã liên hệ với nhà trường để chuyển đến những gia đình ấy một phần quà, mỗi phần là 10 ký gạo và một số nhu yếu phẩm khác. Nhà trường đã chọn ra 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi để tặng quà. Nhưng do dịch bệnh nên nhà trường sẽ liên hệ với chính quyền địa phương để mang quà đến tận nhà học sinh. Sau đây là danh sách học sinh của trường được nhận quà…”. Nó nín thở chờ thầy hiệu trưởng đọc danh sách học sinh lòng cứ phập phồng không biết có tên mình không, chứ mấy lần trước nhận quà cho học sinh nghèo lúc nào nó cũng nằm từ giữa đến cuối danh sách. Chắc thầy hiệu trưởng đang tìm danh sách. Chưa bao giờ nó thấy thời gian trôi qua chậm chạp một cách lạnh lùng, ung dung như thế. Giọng thầy hiệu trường lại cất lên và nó là cái tên đầu tiên trong danh sách. Thằng An quay qua nhìn nó mỉm cười như chia sẻ niềm vui. Nó nhìn thằng An cười toe toét và gật đầu cám ơn người bạn thân giúp đỡ trong suốt thời gian qua. Trong trí tưởng tượng non nớt của nó, hình ảnh cô chủ nhiệm cùng mấy anh dân quân trong xã khệ nệ mang quà tươi cười bước vào sân nhà. Ba nó từ trong nhà bước ra gật đầu cám ơn và đón nhận bao gạo trên chiếc xe máy, còn nó tươi cười đón thùng mì tôm từ tay anh dân quân. Cô chủ nhiệm đứng trao đổi gì đó với mẹ nó trước khi trao giỏ quà mà nó hình dung trong đó là mấy chai nước tương, nước mắm, dầu ăn… Nó sung sướng ngửa mặt lên trời…
“Bốp”… Sau tiếng nổ nhỏ trơ trọi, khô khốc vang lên, chiếc ghế nó đang đứng bổng vỡ ra thành nhiều mảnh. Nó loạng choạng rồi ngã sóng xoài xuống đất, mình mẩy đau điếng. Trong cơn đau, nó nghe văng vẳng tiếng mẹ thằng An bên kia bức tường vọng qua:
– Máy tính bảng này nhỏ, học dễ hư mắt lắm, để mẹ kêu ba con mua cái laptop cho dễ học hơn.
– Dạ! Còn cái ipad này con cho bạn mượn học được không mẹ? – Tiếng thằng An hỏi.
– Được, nhưng nói bạn xài cẩn thận nghe con.
– Dạ!
Chỉ nghe có vậy mà nó “À!” một tiếng mừng rơn trong bụng. Thằng An chơi rất nhiều bạn nhưng chỉ có nó thân nhất. Hy vọng nó chính là đứa bạn mà thằng An vừa nói với mẹ sẽ cho mượn cái ipad để học. Cảm giác đau đớn, ê ẩm tay chân sau cú té ghế bổng chốc tan biến. Nó lồm cồm dậy lượm mấy miếng nhựa vụn của chiếc ghế gãy đang rơi vãi dưới chân tường. Ở đó có những mảng rêu xanh như đang nhìn nó khích lệ thêm “Cứ hy vọng như đi cậu bé”.
Bên ngoài, nắng vẫn nhuộm vàng trước sân nhà, sánh như mật, vòm trời hôm nay xanh ngăn ngắt. Một làn gió thu nhẹ nhàng mơn man lướt qua tóc nó nghe mát rượi. Buổi trưa hôm nay cho dù phải đứng ăn cơm nhưng nó vẫn cảm thấy vui.
L.Q.H