Bức tượng và người đàn bà – Truyện ngắn của Nhật Hồng

186

(Vanchuongphuongnam.vn) –  Tôi luôn thắc mắc không biết sao mà bạn đồng nghiệp tôi lại mê thích gốm Bàu Trúc một cách say đắm, đôi khi quên ăn ngủ, và anh đã bỏ hàng chục năm trời để nghiên cứu về sắc gốm này.

Ảnh minh họa

Một hôm tôi ghé nhà anh Thụy Kha, trong khi chủ nhân còn đang loay xoay pha trà  tôi đi lần đến một pho tượng đất nung màu nâu, thoáng nhìn pho tuợng đơn sơ thô thiển không gì đặc biệt lắm! Nhưng nhìn lâu một chút có sức quyến rũ là lạ. Tượng người phụ nữ dân tộc chừng như còn trẻ lắm, vận xà rông lưng trần, phơi bộ ngực tròn đầy. Trên lưng mang gùi, đôi chân thô kệch đứng trơ vơ trước ngã ba đường, mặt quay sang một bên, gió thổi phủ tóc che khuất khuôn mặt. Nhìn chung pho tượng thô kệch chỉ duy nhất có bộ ngực tuyệt vời. Tượng cao khoảng bốn mươi centimét, trong lồng kiếng đứng trên miếng nhung xanh trong một tư thế trịnh trọng.

Tôi nhìn bức tượng say mê đến đỗi ông Thụy Kha mời uống nước đến đôi lần mà tôi không nghe. Thấy khách chú ý đến bức tượng ông Kha thong thả rót nước vào tách cho tôi, mời thật khẽ:

–   Uống nước đi em, chừng như em cũng mê bức tượng sơn nữ này  thì phải?

–   Tượng vừa lạ vừa hay.

–    Chính vì lẽ đó mà bảy năm trời anh tương tư với tượng. Hạnh phúc lắm anh mới còn gặp lại.

–    Cái gì mà lớn lao dữ vậy anh?-Tôi hỏi.

–    Còn hơn em tưởng!

Ông Kha kể:

– Cách đây bảy năm, anh theo đoàn nhà văn đi thực tế ở miền trung ghé tham nhà trưng bày gốm Bàu Trúc, lần đâu tiên bức tượng đã cảm hóa lòng anh một cách mãnh liệt. Anh đi tới đi lui mặt không rời khỏi bức tượng người phụ nữ Chăm vai mang gùi mặt nhìn sang một bên, đầu hơi chúi về phía trước, gùi nặng thì phải. Màu đất nung, màu da nhuộm đầy nắng, điều lạ người phụ nữ chỉ vận xà rông lưng trần để lộ bộ ngực tròn đầy tuyệt đẹp. Cô ta làm gì, đi đâu anh đoán không ra. Đây không phải là dáng nghệ thuật, tượng như nói lên một hình ảnh lao động nào đó trong cuộc sống. Trong hàng chục dãy trưng bày hàng mẫu chỉ duy nhất có mỗi một bức tượng người phụ nữ còn lại hầu hết là độc bình đủ kích cỡ, có cái to cao xấp xỉ thân người, bên cạnh đó còn có các vật dụng và vật nuôi như trâu bò… Mỗi tác phẩm gần như tuyệt tác vì không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào về màu sắc và kích cỡ.

Bức tượng như cuốn hút anh, anh say mê đi tới lui ngắm nghía nhiều phía, mỗi phía thế đứng của người phụ nữ biểu lộ một nét độc đáo riêng. Anh nhìn giá tiền, sờ tay vào túi, nghĩ ngợi: Hành trình còn xa, bận về ghé mua không muộn gì?

Ăn cơm trưa ở Phan Rang trời cũng vừa chinh xế, anh cười nói bình thường với bạn bè chung quanh nhưng chỉ theo quán tính, còn đầu óc anh đang ở nhà trưng bày gốm Bàu Trúc, mà đúng hơn là ở lại với tượng người phụ nữ Chăm.

Anh chợt ra một ý nghĩ: Trở lại quầy hàng, đường đi và về ngót đôi chục cây số, nhưng phải đi mới được!

Anh đậu xe ở ngoài cổng đi thẳng vô quầy hàng, nhưng vô cùng thất vọng vì bức tượng đã biến mất. Hỏi người chủ quày hàng trả lời: Có người vừa mua cách đây không lâu. Nơi bức tượng để lại một khoảng trống nhỏ nhưng lạ lùng nó đã tạo thành bãi vắng mênh mông trong lòng anh. Hối hận, nuối tiếc cứ dày vò, anh tự trách mình thiếu cương quyết, trách mình trở thành vụn vặt tự lúc nào, không có bao nhiêu tiền mà để giờ này ray rứt.

Anh khổ sở mỗi khi có hình ảnh nào đó gợi nhớ về bức tượng qua thời gian dài không nguôi. Dần dần nỗi ray rứt đó chuyển sang thái độ ca ngợi. Cứ gặp bạn bè dù thân hay sơ, dù ở quán cà phê hay ở những buổi tiệc tùng anh luôn đem tác phẩm người phụ nữ ấy ra kể. Nào là đôi chân của bức tượng có thô kệch một chút nhưng mỗi bước đi chắc chắn bám vững trên vách đá, trên triền dốc. Màu bức tượng có sạm đen một chút nhưng vẫn giữ được màu da rắn rỏi hài hòa vơi màu nắng của núi rừng. Bộ ngực căng đầy… khuôn mặt… Mỗi đường nét theo lời anh phác họa toát lên vẻ đẹp tuyệt vời.

Trong thời gian anh bên bức tượng không quá nửa giờ mà anh kể với người chung quanh đến bảy năm trời mà chưa thôi. Bỗng nhiên, ý nghĩ của anh ngược lại, ông nói : “ Bức tượng biến mất trong quày hàng là một điều hay, nếu như ông mua được đem về trưng trong tủ thì chưa chắc hẳn nét đẹp còn nguyên vẹn như bây giờ?” Nói là nói vậy chớ thực tế ông vẫn kiếm tìm, lục lạo với hy vọng gặp lại – bức tượng năm xưa…

Một hôm anh có dịp trở lại thăm làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận, vừa bước vào nhà anh bỗng khựng lại khi gặp một bà lão lưng khọm xuống đôi tay đang nắn nót một bức tượng. Những ngón tay xương xẩu cong queo chậm chạp đang vo ve từng đường nét trên thân tượng. Chưa tin vào mắt mình cho lắm anh ngồi phịch xuống cạnh bà lão để xem cho kỹ sợ mắt mình có chập chờn ảo giác hay không?

– Nó đây rồi! Anh mừng quýnh, vui ra mặt hỏi bà lão: “Bà ơi! Bà có học khóa nắn tượng nào không mà nắn khéo dữ vậy?”

Bà lão nhìn người khách lạ lắc đầu: “Không! Thấy người ta nắn rồi bắt chước làm theo lâu ngày quen mắt quen tay.”

– Bức tượng này bà nắn chừng nào xong?

– Ngày mai! Tui không quen nắn tượng nên làm chậm lắm, vì nhớ con nên nắn cho vui, chớ thường khi tui nắn bình, nắn trâu, bò…

Anh tò mò hỏi :

– Chừng như bà đã có nắn tượng này rồi phải không ?

– Phải ! Cách đây lâu lắm tui có năn một lần. Nay nhớ con lại nắn tiếp.

– Con của bà đi đâu mà nhớ ?

Bà lão buồn buồn kể :

– Nó là con gái tui, tên Phahimal hy sinh trước ngày thống nhất đất nước một năm. Lúc đó, nó đi dân công cho bộ đội cách mạng. Nè ! Vai nó mang gùi đầy đạn và thuốc men, chân nó leo trèo nhanh nhẹn không ai bằng, nó đẹp nhất làng ai cũng khen. Có lần nó về cho biết sắp tới ngày độc lập rồi ! Vậy mà nó chờ không được!

Bà lão khóc sụt sùi. Anh ngẩn ngơ nhìn bà lão tội nghiệp, an ủi :

– Người đã khuất rồi bà nên giữ gìn sức khỏe để nắn thêm nhiều tượng, nhiều bình. Bà ơi ! Con thích bức tượng này lắm, bà có thể bán cho con không? Chừng nào mơi xong ?

– Bán! Mười hai ngày nữa ra lò, cậu có muốn mua thì đến đây.

Anh ngồi bên bà lão chăm chú theo dõi từng cử chỉ không nói lời nào. Đất dẻo mềm mại nhẵn bóng trên tay bà, bà đang đang say mê hay xuất thần với tượng với dáng dấp con của mình. Chừng như đôi tay của bà là đấng tạo hóa vừa siêu hình vừa thực thể.

Anh không dám làm giao động giây phút thiêng liêng tuyệt vời này. Anh nhẹ nhàng lui ra khỏi nhà bỏ lại một bà lão và bức tượng trên tay .

Đúng thời gian, anh vượt năm bảy trăm cây số đến nhà bà lão, bà vẫn ngồi khom lưng mặt cúi xuống nắm đất trên tay. Thấy tôi, bà lão chậm chạp ngước nhìn lên buồn buồn nói :

– Con tui lỡ bán bức tượng cho người ta rồi, tui đang nắn cái khác cho cậu đây ! Cậu cảm phiền chờ ít hôm nữa nghen !

Anh vô cùng thất vọng, nhưng từ từ bình thản trở lại, nói :

– Đã lỡ rồi biết sao đây ! Bà đừng băn khoăn con có đủ kiên nhẫn để chờ.

– Cậu yên tâm, lần này tui dặn cả nhà không ai được bán. Mà cậu còn có ý muốn mua tượng này không ?

– Dạ còn ! Con thích lắm !

– Nhà cậu ở đâu ?

– Dạ, xa lắm, có đến mấy trăm cây số.

– Xa thiệt hén ! Mà tui hỏi cậu nghen ! Tại sao cậu thích bức tượng này dữ vậy ?

– Ban đầu con gặp ở nhà trưng bày con thích vì lạ mắt, sau này không những thích mà còn trân trọng bỡi mối tình của người mẹ già còm cõi mà vẫn ngồi mằn mò khắc họa được những đường nét con gái của mình đã cách xa hơn phần tu thế kỷ. Bà lão chừng như không hiểu hết câu nói của anh nên trả lời :

– Ngồi nắn như vầy bớt nhớ con, thấy tượng như thấy con trong nhà nó đang ở bên mình hủ hỉ. Tui đâu có định nắn tượng con mình đem bán, nắn để trong nhà coi thôi. Bà con lối xóm thấy vậy động viên : “Bà đem thử tượng ra nhà trưng bày coi có ai mua thì bán, bà nắn cái khác để ở nhà vời bà”. Ai ngờ… đem ra ít bửa có người mua, để ở nhà cũng có người đến hỏi mua, rồi đến cậu đây. Con cháu tui rầy lắm, nó nói : “Già rồi nghỉ cho khỏe.” Tui ráng nắn tượng này cho cậu, tượng sau để ở nhà làm kỷ niệm bao nhiêu cũng không bán.

Gần tới ngày hẹn, anh mừng trong bụng vì tháp tùng được đoàn xe của bạn bè đi ngang qua Ninh Thuận. Khi vô làng Chăm nỗi mừng của anh chợt tắt vì nhà của bà lão vắng teo cánh cửa khép hờ. Anh kêu cửa lâu lắm mới có đứa bé gái khoảng mười bốn mười lăm tuổi bước ra nói :

– Nội tui chết rồi ! Bà ấy chỉ nắn bức tượng như vầy thôi, ở góc nhà kia kìa !

Anh bước lần đến gốc nhà thấy chất lủ khủ những bình những tượng đất dang dở, trong đó có bức tượng của anh đặt mua .Anh ngồi phịch xuống ôm bức tượng vào lòng cố nén thật sâu hơi thở để khỏi phát ra tiếng nấc trong cổ họng : Bà lão không còn nữa rồi, bà đã theo con về với núi rừng, với cây cao bóng cả.

Anh ôm bức tượng vào lòng vô cùng đau xót, qua những chặn đường dằn xóc anh cứ nhìn hoài sợ nó bể. Không ngờ chính lúc bà già yếu sức đôi tay lệch lạc nắn hơi thô kệch một chút, nhưng chính cái vẻ thô kệch đó làm cho bức tượng tăng thêm phần tuyệt mỹ. Từ ngày anh có bức tượng như có người bạn mới, nó như chia sẻ được với anh những lúc vui buồn.

Ông Thụy Kha bưng bức tượng để xuống bàn trước mặt tôi, nói :

– Anh không phải điêu khắc, không hiểu nhiều về trường phái này, nhưng bức tượng đất nung này đối với anh vô giá. Em coi đây nè! Nếu như nó nhẵn bóng đường nét sắc sảo thì đâu có gì để nói, chính những đường nét thô kệch đã nói lên được tình đất tình người. Trong đất có hồn người, trong người có hồn đất. Cái độc đáo của tượng là người tạo ra đã trút hơi thở cuối cùng vào tượng để thành tuyệt tác. Trong nhân gian này có ba bức tượng mà không tượng  nào giống tượng nào, dù do một bà mẹ sanh ra. Thường thì những nghệ nhân tạc tượng phải qua một khoá học dù dài hay ngắn mới tạc được. Còn ở đây, ngươi nặn tượng chỉ có một mối tình duy nhất “Mẹ và con”. Nỗi nhớ con đã biến đôi tay của mẹ thành nghệ nhân. Dù có những nét thô sơ nào trên tượng đi nữa, thì đây chính là tuyệt đỉnh của nghệ thuật. Hơn nữa, nếu nhìn về gốc độ khác thì tượng đã phác hoạ được vóc dáng của dân tộc Việt Nam bất khuất với kẻ thù : “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh ” Qua bảy năm trời ray rứt trong lòng với đôi lần mua trật vuột, anh tự nghĩ, đây là cái giá xứng đáng thử thách người được lưu giữ bức tượng.

Nghe kể về lai lịch bức tượng tôi như bị thôi miên nhìn say mê vào những đường nét trên bộ ngực căng đầy sức sống của cô gái Chăm, đôi chân trần đứng vững trên đá, vai mang gùi nặng đầu hơi chúi về phía trước. Mặt quay sang một bên, chừng như cô đi ngược gió. Gió mạnh lắm cuốn cát bụi làm cho cô quay mặt, gió vô tình lùa tóc phủ phần mặt chỉ còn nhô ra một phần lỗ mũi và cái cằm thon thon. Gần bên, tai nghe như có tiếng suối chảy, có tiếng đạn bom và sự chết chóc vây quanh, cô vẫn đứng đó một mình trông thật gan lì. “Cô Phahimal ơi ! Cô đúng là một tuyệt tác !”

Tôi bưng ly nước từ tay của Thụy Kha mà lòng chơi vơi trong suy nghĩ. Giờ tôi mới hiểu ra cái giá trị của nghệ thuật bức tượng mà anh Thụy Kha bỏ hàng chục năm trời để nghiên cứu về gốm Bàu Trúc, và anh đã đặt bức tượng giữa phòng khách một cách trân trọng, như một món báu vật vô cùng quí hiếm trong cuộc sống đời thường. Tôi cứ  mãi thao thức với bức tượng và người đàn bà Chăm. Có lẽ, nắng gió của núi rừng đã ru giấc ngủ ngàn đời cho cô gái trẻ, cùng với dòng suối luôn tươi mát quanh năm. Bên cạnh đó, có người đàn bà tuyệt vời đã thổi hồn con mình lung linh trên sắc gốm.

N.H