Bùi Đức Ánh và những truyện ngắn đầy chất thơ

1086

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với khí chất của một nhà thơ, văn ông viết ra, nghe hơi thở của thơ ca, trong văn có thơ, luôn luôn mang đến cho người đọc một bữa ăn tinh thần ngọt ngào như vườn hoa thơm sắc hương…

Một ngày, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang đông, tôi nhận được một bưu phẩm, trong đó có tập truyện ngắn Mây trắng bay qua bục giảng do công ty văn hóa Huyền Đức và Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành, nhân kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam. Trong đó có 27 câu chuyện gắn kết nghề dạy học và nghề cầm bút, nhà thơ Bùi Đức Ánh góp phần vào tập sách một câu chuyện về cuộc đời đi dạy của ông với tựa Nhà giáo xưa và nay. Điều đặc biệt làm tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết ông còn một nhà thơ, đã xuất bản rất nhiều tập thơ, lại có thể viết văn một cách say mê đến như vậy. Khi xem phần tiểu sử của tác giả, tôi càng thán phục hơn khi ông đã có 4 tập truyện ngắn, 5 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập tạp văn.

Ảnh bìa hai tập sách của Nhà thơ Bùi Đức Ánh – Mây Trắng bay quan bục giảng (in chung) và Đợi trời hết mưa lòng tan hết bão

Là một người đọc sách, tôi luôn chú tâm đến những câu văn hay, mang tính triết lý giáo dục, nhằm truyền tải thông điệp đến với xã hội, thì các truyện ngắn của tác giả đưa ra đáp ứng những giá trị đó. Ông nói những điều thật nhẹ nhàng, bay bổng, như vốn chất liệu thơ ca sẵn có trong con người ông. Phải chăng, khi trong vai trò một nhà thơ, ông đã viết trong những lời mang tâm trạng rất hoang hoải, tha thiết, như mộng như mơ, để các nhân vật có đau, nhưng không nhói, có mệt mỏi với cuộc sống này, nhưng vẫn yêu đời và mạnh mẽ đi tiếp. Bởi suy cho cùng, ngay khi chào đời, con người ta khóc trước tiên, sau đó mới là tiếng cười, đi hết những đoạn đường, tiếng cười – tiếng khóc hòa quyện vào nhau.

Dẫu khắc họa nhân vật mình vào những tình huống éo le, trắc trở nhưng tác giả của Đợi trời hết mưa lòng tan hết bão vẫn tìm cách khéo léo xử lý tình huống, tạo con đường mới, cho nhân vật của mình cơ hội để đi lên, để làm lại cuộc đời, hàn gắn những mảnh vỡ của cảm xúc. Điều này thể hiện rõ ràng trong câu truyện Mưa ký ức: “Giờ việc em làm em tự gánh chịu, và anh có thể tha thứ cho mọi nông nỗi của em, nhưng pháp luật thì không. Mong rằng dư luận bớt lên án, để em tự kiểm điểm lại hành vi nhà giáo của mình. Buồn bã, đau khổ dằn vặt, bất chợt anh nhìn qua ô cửa kính. Mưa bỗng nặng hạt hơn. Rồi đây ký ức như những cơn mưa tầm tã trắng xóa”.

                

Ảnh bìa tập truyện ngắn Đợi trời hết mưa lòng tan hết bão của nhà thơ Bùi Đức Ánh

Nhà thơ Bùi Đức Ánh viết văn như chính con người ông, bởi có một thời rất dài công tác trong ngành giáo dục, cho nên mỗi câu văn, mỗi tình tiết ông đưa ra đều có những bài học ghi nhớ cho người đọc khi đọc xong câu truyện. Chưa kể, với khí chất của một nhà thơ, văn ông viết ra, nghe hơi thở của thơ ca, trong văn có thơ, luôn luôn mang đến cho người đọc một bữa ăn tinh thần ngọt ngào như vườn hoa thơm sắc hương, như một bữa tiệc với đầy đủ các món khai vị, món chính và tráng miệng lẫn thức uống. Nhà văn cũng như một người nấu ăn, ở đó, tác giả có nhiệm vụ gom lại các nguyên vật liệu từ cuộc sống, sau đó bằng tài năng, vốn ngôn ngữ, hiểu biết của mình tạo nên những câu truyện truyền tải đến người đọc những giá trị tinh thần thiết thực, gần gũi và bồi dưỡng văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người đọc, qua việc giác ngộ những giá trị chân – thiện mỹ.

Bùi Đức Ánh nói về chiến tranh, những người ở lại, với sự trân trọng, biết ơn, thấu hiểu những khổ đau của họ, như trong câu truyện Vết lồi lõm của chiến tranh với đoạn “Đưa bàn tay gầy lên vuốt ve những vết lồi lõm trên khuôn mặt chồng. Chiến tranh như một trò đùa của số phận, đau thương tan tác và để lại những vết tích không dễ dàng tàn phai. Những giọt nước mắt tủi thân, thương chồng rơi mãi, cả đời này, bà cũng không dám nghĩ sẽ được gặp lại ông, bây giờ hạnh phúc vỡ òa theo ngần ấy năm xa cách”.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn ở đó, tác giả đã rất tài tình trong việc muốn truyền tải thông điệp của câu chuyện, về những gì đau đớn từ mọi phía, tinh thần lẫn thể xác, nhưng ông lại dịu dàng trong câu văn mang đầy chất thơ để ủi an từng phận đời phận người.

Mười hai câu truyện trong tập truyện với những cái tựa đầy yêu thương, đầy ý vị, như những câu thơ được đặt tên cho từng câu truyện ngắn: Đợi trời hết mưa lòng tan hết bão, Chốn cũ mưa bay, Vẫn còn vệt nắng ấm áp, Ngọt ngào trong nỗi bất hạnh… được nhà văn Bùi Đức Ánh sáng tác trong thời điểm tuổi đã cao – 70 tuổi, nhưng với một tâm hồn khát vọng sống, yêu đời, yêu người, luôn nhìn thấy được những mặt tích cực còn có của xã hội. Bên cạnh những điều còn khiến ông đau đáu nhưng với một tâm hồn thi ca, một nhà giáo dục, văn thơ trong các tác phẩm của ông, luôn mang lại những ngọn nguồn của sự sống mà không cần phô trương hay làm dáng ra uy. Ông vẫn luôn hòa đồng, tự nhiên chân thành với bạn thơ, bạn văn. Ở tuổi ông bà, nhưng ông vẫn say sưa học hỏi, say sưa đổi mới trong mọi mặt của việc viết lách, sống hồn nhiên như sự giản dị, an nhiên như đề tựa tác phẩm của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2019 – Đợi trời hết mưa lòng tan hết bão.

Nhà thơ Bùi Đức  Ánh

Khép tập sách lại, chắc chắn rằng mỗi người đọc sẽ tin rằng, những chông gai của ngày hôm nay sẽ qua nhanh thôi, bình minh sẽ quay về, cũng như những cơn mưa của ngày bão có ghé thăm, rồi nó cũng sẽ ra đi, cuộc sống sẽ an yên trở lại, lòng ta cũng thôi bão tố và nắng ấm sẽ quay về. Những truyện ngắn, của một nhà thơ đã đi qua những năm tháng cuộc đời không ít khó khăn thử thách. Phải chăng rất nên cho chúng ta tìm đọc, để biết rằng chúng ta cần phải sống, phải biết nhìn nhận vấn đề theo cách nào, khi gặp những trúc trắc không mời mà đến, hay sao…

H.X.Đ