Bùi Giáng 20 năm về chín suối đá vàng

985

21.01.2018-11:20

 Thi sĩ Bùi Giáng

 

Bùi Giáng 20 năm “về chín suối đá vàng”

 

VĂN THÀNH LÊ

 

NVTPHCM- Bùi thi sĩ lúc sinh thời vốn đã gieo vào nhân gian những cái nhìn không đồng nhất, sau khi qua đời lại “thách đố” mọi người tiệm cận với bản lai diện mục của ông. Bởi ở ông là tập hợp của nhiều trạng thái bất khả tư nghị – bỡn cợt đến đớn đau, nghiêm chỉnh hóa điên rồ, ngông nghênh mà tinh quái…

 

Đầu tháng 10 năm 1998, Bùi Giáng đang trên bước đường rong chơi quanh Sài Gòn thì bị ngã gây chấn thương sọ não. Dù được ê-kip bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tận tâm cứu chữa nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng vào 2 giờ chiều ngày 7-10-1998.

 

Thật lạ lùng, đó là năm Mậu Dần, đúng như ông đã dự cảm về cái chết của chính mình qua bài thơ “Trước khi lìa đời” chỉ 4 câu, trong đó có câu: “Mậu Dần mật thể thênh thang/ Ông về chín suối đá vàng chào con”.

 

Người có tác phẩm in kỷ lục

 

Bùi Giáng sinh ngày 17-12-1926 tại làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam, ngoài tên thật ông còn ký nhiều bút danh khác như: Trung niên Thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng… Thế nhưng, giới văn nghệ sĩ Sài Gòn vẫn gọi ông một cách trìu mến theo kiểu Nam Bộ là Sáu Giáng.

 

Bởi, người miền Nam gọi người con đầu trong gia đình là thứ hai, ông là người con thứ năm nên gọi tên thành thứ sáu. Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở đất Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cha ông, do người vợ cả sớm qua đời nên lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền, ông là con đầu của bà Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ năm trong đại gia đình.

 

7 tuổi, ông bắt đầu đi học ở trường làng Thanh Châu. 10 tuổi xuống học trường Bảo An (vùng đất Gò Nổi, thị xã Điện Bàn ngày nay) với thầy Lê Trí Viễn. 13 tuổi ra Huế học tại Trường trung học tư thục Thuận Hóa.

 

Năm 1944, ở lứa tuổi 18, Bùi Giáng cưới vợ, là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp. Chỉ vài năm sau, bà bị bệnh phải sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ? Là lý do để trong thơ của ông sau này thường xuyên nhắc đến sự mất mát, chia ly, gợi nhớ về một hình bóng cũ, như những dòng thơ ghi trên bia mộ của ông: “Đùa với gió, rỡn với vân/ Một mình nhớ mãi gái trần gian xa/ Sương buổi sớm, nắng chiều tà/ Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?”.

 

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh. Năm sau, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu 5 tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, ông quyết định bỏ học, quay về quê nhà, bắt đầu quãng đời “Mười năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt”.

 

T. Khuê, tác giả mục từ “Bùi Giáng” ở các trang 162-163 của Từ điển Văn học Bộ mới (NXB Thế Giới, 2004), viết về ông: “… tháng Năm 1952, Bùi Giáng tạm nghỉ ‘chăn dê’ để về Huế thi Tú tài tương đương và vào Sài Gòn ghi danh Đại học Văn khoa.

 

Sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy, ông quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục”.

 

Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời nhiều cuốn sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm… Giai đoạn sáng tác đỉnh điểm trong văn nghiệp của Bùi Giáng bắt đầu từ năm 1962, khi ông liên tục cho ra đời nhiều đầu sách, mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Nội trong một ngày, ông có thể viết xong đến vài trăm trang sách. Ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sách của ông có thể chất thành chồng cao cả mét, thơ thì phải kể bằng đơn vị nghìn bài.

 

Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ, nhưng thời gian này ông có biểu hiện bệnh tâm thần nặng. Ông thường rong chơi nghịch ngợm ngoài đường với bộ đồ rách rưới, dơ dáy, nhiều lần bị công an bắt vì gây rối trật tự, cản trở giao thông. Và, trong một lần rong chơi nghịch ngợm, ông bị tai nạn và về chín suối đá vàng đúng 20 năm trước.

 

Hay chữ và lắm ngông

 

Bùi Giáng viết rất nhiều. Trong khối lượng sách kỷ lục của ông, có thể tạm phân ra mấy thể loại.

 

Về thơ, xuất bản đầu tay là Mưa nguồn (1962), tập thơ đã làm cho tiếng tăm Bùi Giáng lừng lẫy ngay sau khi được in thành sách; bản in cuối cùng là Mùa màng tháng tư (2007), xuất bản sau khi ông qua đời.

 

Về nhận định, gồm những sách xuất bản trong năm 1957, nhận xét về các tác giả, tác phẩm như: Bà Huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Quan Âm Thị Kính, Truyện Kiều… Về giảng luận, có 4 cuốn giảng luận về các tác giả Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị.

 

Về Triết học, có 4 cuốn thì ông dành 2 cuốn viết về Martin Heidgger (1889 – 1976), triết gia Đức chủ trương học thuyết Bản thể luận mang tên ông, là học thuyết về tồn tại con người, về cấu trúc của tồn tại con người. Về tạp văn, ông có nhiều tác phẩm trải dài qua các năm từ 1969 đến 1971.

 

Về sách dịch, ông dành tâm huyết cho thể loại này, trong đó có tác phẩm Hoàng tử Bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince, xuất bản năm 1943, là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Antoine de Saint-Exupéry). Bùi Giáng cho in bản dịch tiểu thuyết của nhà văn và phi công Pháp này (Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1973, tái bản 2005) và gọi đây là “tác phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất trong những tác phẩm của Saint-Exupéry”.

 

Ngoài ra, có thể nói Bùi Giáng cũng gián tiếp tham gia lĩnh vực âm nhạc. Bởi lẽ, năm 1965, khi nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ca khúc “Mùa thu chết” đã dựa vào lời thơ của Bùi Giáng dịch bài “L’Adieu” (Lời vĩnh biệt), nguyên tác của Guillaume Apollinaire – nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình nghệ thuật Pháp gốc Ba Lan, một trong những nhà thơ lớn của Pháp đầu thế kỷ XX.

 

T. Khuê viết về Bùi Giáng trong sách đã dẫn: “Chuyện hạ bút thành thơ của ông được xác định như là một hiện tượng độc đáo… Tuy nhiên, bi kịch của Bùi Giáng là ông lặp lại chính mình, ngay cả trong thơ, cho nên những hình ảnh đẹp, những tư tưởng tân kỳ, nhiều khi được dùng lại nhiều lần trở thành sáo và vô nghĩa…

 

Nhưng dù sao chăng nữa, ông cũng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say sưa, chán đời của thế kỷ XX, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ XIX hoặc Tản Đà ở đầu thế kỷ XX”.

 

Bi kịch của Bùi Giáng, dưới cái nhìn của nhà văn Nguyễn Đình Toàn trong bài “Bùi Giáng – Một bài thơ lạc vận”: “Ông không khóc nhưng hình như thơ ông có nước mắt. Ông cười cợt khi nói lời nghiêm trang. Ông nói với chính mình nhiều hơn với người khác”.

 

Bùi thi sĩ lúc sinh thời vốn đã gieo vào nhân gian những cái nhìn không đồng nhất, sau khi qua đời lại “thách đố” mọi người tiệm cận với bản lai diện mục của ông. Bởi ở ông là tập hợp của nhiều trạng thái bất khả tư nghị – bỡn cợt đến đớn đau, nghiêm chỉnh hóa điên rồ, ngông nghênh mà tinh quái…

 

Bùi Giáng ngông nghênh. Bùi Giáng nửa điên nửa tỉnh. Bùi Giáng chán đời… Bùi Giáng độc thoại giữa buổi trưa hè oi ả của đời mình: “Tôi cười tôi khóc bâng quơ. Người nghe người khóc có ngờ chi không” (Bao giờ).

 

5 năm trước, sáng ngày 14-9-2013, Tọa đàm khoa học đầu tiên về thi sĩ Bùi Giáng được khai mạc tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng lần đầu tiên, bài thơ 4 câu mà Bùi Giáng “tiên tri” về cái chết của mình được giới thiệu tại tọa đàm: “Ông từ viễn mộng tương lai/ Về trong hiện tại ngàn mai giậy giàng/ Mậu Dần mật thể thênh thang/ Ông về chín suối đá vàng chào con”.

 

Dưới chữ ký của mình trong bài thơ có tựa là “Ông chào các con” này, ông ghi thêm 4 chữ “Trước khi lìa đời”. Vậy là Bùi Giáng đã đi xa 20 năm nhưng tiếng cười tiếng khóc tưởng chừng bâng quơ của ông vẫn còn lại vọng nhân gian cùng với nỗi niềm ẩn khuất…

Bốn câu thơ Bùi Giáng dự cảm về cái chết của chính mình – Ảnh Internet

 

ĐNO

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…