Bùi Giáng rong chơi giữa đời (Kỳ 2)

727
Từ Kế Tường
(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau khi chán chuyện theo đàn bò ngao du sơn thủy, vào năm 1952 Bùi Giáng ra Huế học để thi lấy bằng “tú tài tương đương”, với mục đích vào Sài Gòn ghi danh học đại học Văn Khoa. Nhưng khi tới trường dò xem danh sách những giáo sư sẽ dạy mình Bùi Giáng liền bỏ ngang không thèm học. Từ đó ông không bao giờ đi thi nữa mà tự học. 
Thi sĩ Bùi Giáng
Bút lực kinh khủng của Bùi Giáng 
Sau khi chán chuyện theo đàn bò ngao du sơn thủy, vào năm 1952 Bùi Giáng ra Huế học để thi lấy bằng “tú tài tương đương”, với mục đích vào Sài Gòn ghi danh học đại học Văn Khoa. Nhưng khi tới trường dò xem danh sách những giáo sư sẽ dạy mình Bùi Giáng liền bỏ ngang không thèm học. Từ đó ông không bao giờ đi thi nữa mà tự học. Bùi Giáng học rất giỏi, tư chất thông minh. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức… nghiên cứu sâu những tư tưởng triết học của Jean Paul Sartre, Heidegger, Nietzche, Camus…
Những tác giả văn học lừng lẫy: Henry Miller, Somerset Maugham, Simone de Beauvoire, Sagan St Exup éry, André Gide, Gérard de Nerval, René Char. Simone Weil, Wall Whitman…kể cả những “ông thầy” triết học Đông Phương như: Khổng Tử, Lão Tử và các đạo giáo: Phật, Thiên Chúa…rồi Nguyễn Du, Huy Cận…Và cũng có lẽ vì đọc nhiều, nghiên cứu nhiều những tư tưởng, triết học Đông, Tây, Kim, Cổ mà không “dẫn lưu” được nên Bùi Giáng giống như một cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp Kim Dung không đả thông được kinh mạch nên đã bị… tẩu hỏa nhập ma.
Nhưng rồi Bùi Giáng đã tự giải tỏa “xung lực” của mình bằng ngòi bút, ông không chỉ làm thơ mà còn viết biên khảo, dịch thuật, trước tác, phê bình… Thời kỳ đầu để có tiền in tác phẩm Bùi Giáng đã bán hết đất đai, ruộng vườn được thừa kế để in sách, về sau một nhà sư có máu văn nghệ chủ trương NXB An Tiêm, một nhà xuất bản nổi tiếng, nghiêm túc, in rất đẹp những tác phẩm mà ông yêu thích, đó là thầy Thanh Tuệ. Thầy Thanh Tuệ rất “mê” Bùi Giáng nên ưu tiên in sách của ông. Riêng về tác phẩm nghiên cứu, từ năm 1957, Bùi Giáng đã in những tập khảo luận về Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Chinh Phụ Ngâm…
Từ năm 1962, sách của Bùi Giáng in và phát hành liên tục, có tháng ra đến 4-5 đầu sách mà cuốn nào cũng dày cộm cỡ 2, 3 trăm trang trở lên. Thơ thì Bùi Giáng có trên ngàn bài, tập trung in thành tác phẩm vào thời kỳ đầu là những cuốn: Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột… Sách dịch thuật, trước tác của Bùi Giáng rất nhiều không thể kể hết, có thể nói không ngoa, tác phẩm các loại của Bùi Giáng nếu sưu tập đầy đủ có thể chất thành đống cao cả thước, chiếm kỷ lục so với các tác giả khác ở Sài Gòn và cả miền Nam lúc đó.
Nhưng sách của Bùi Giáng không phải dễ đọc. Ai đọc sách của Bùi Giáng phải đọc chậm, nghiền ngẫm từng câu chữ, có cuốn đọc dễ hiểu, có cuốn đọc… hiểu chết liền! Bởi giữa những câu chữ tính chất giả thực lẫn lộn. Mới thực đó rồi hư đó, mới nghiêm túc câu trên, câu dưới đã cợt đùa. Mới ý ở trên vô cùng nghiêm túc thì ngay đó ý ở dưới đã… xiêu lạc muôn nơi. Ngay thơ của Bùi Giáng cũng thế, từ ngữ của ông biến hóa khôn lường, có lúc như thuận miệng nói ra, nhưng có lúc rất bác học, thâm sâu triết lý. Trong triết lý của Bùi Giáng lại có lúc đạo, có lúc đời. Đọc thơ của Bùi Giáng rất vui, nhưng ngẫm lại nó rất buồn, buồn đến cay đắng.
Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào, trong khi ông thường dành hết thời gian của một ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn về Bùi Giáng mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông. Bởi hàng ngày Bùi Giáng đều ở ngoài đường với “phục trang” cái bang suốt bốn mùa là bộ quần áo vá chằm vá đụp bằng đủ thứ mảnh vải màu khác nhau mà ông nhặt ra từ đâu đó, chân mang đôi dép không thể gọi là dép. Nhưng thường xuyên ông chân trần, bước lang thang trên mặt đường phố, đầu đội chiếc mũ vải cũ, nhàu nát, cáu bẩn. Quanh mình ông toàn những lon sữa bò, giắt đủ thứ nhặt được trên đường và một bầy chó con ủng oẳng trong mấy cái túi.
Ông vừa đi vừa la hét, múa may, trêu chọc bất cứ cô gái nào và theo sau là một đám trẻ con hò reo, tán thưởng những trò điên ông diễn. Gặp bạn bè hoặc khi trong túi có tiền thì Bùi Giáng tắp vô quán cóc nhậu, thường là rượu đế. Khi say bí tỉ Bùi Giáng mới về chùa hoặc nhà bạn bè thân thích nằm lăn ra ngủ trên nền gạch, thường thì Bùi Giáng về nhà Nguyễn Thùy, một nhà giáo rất nghiêm túc, rất hâm mộ và rất thương Bùi Giáng và chính là người chịu đựng những cơn điên lẫn chuyện thị phi của Bùi Giáng nhiều nhất mà không một lời than phiền, oán trách. Trái lại anh rất vui khi có mặt Bùi Giáng trong nhà mình hay khi đồng hành cùng ông trong những cơn điên đi rong chơi khắp các nẻo đường thành phố.
Thầy Thanh Tuệ, Giám đốc NXB An Tiêm người in sách của Bùi Giáng liên tục, có cuốn in ngày in đêm cũng không hiểu Bùi Giáng viết lúc nào mà nhanh một cách khủng khiếp. Chỉ cần nói đề tài, đặt sách là vài hôm Bùi Giáng xách bản thảo tới, thường đựng trong bịch nylon, cả mấy trăm trang, thầy Thanh Tuệ cứ thế mà đưa thợ sắp chữ, in chứ không kịp đọc. Có cuốn nói hôm trước, hôm sau Bùi Giáng mang bản thảo tới liền, thầy Thanh Tuệ phải thú thật rằng, với tốc độ viết của Bùi Giáng, NXB An Tiêm in không kịp. Thế nhưng nhiều người gặp Bùi Giáng thắc mắc hỏi ông viết lúc nào, ngồi ở đâu viết mà tốc độ nhanh khủng khiếp thế thì ông chỉ cười móm mém, đôi mắt sáng quắc sau tròng kính cận hấp háy nói rặc giọng Quảng Nam: “vui thôi mà”.
Đúng là anh Sáu Giáng không có gì làm quan trọng, ông coi mọi thứ trên đời này như một trò vui, viết lách đối với ông cũng thế. Nhưng cái phút “vui thôi mà” của Bùi Giáng đã khiến giới văn nghệ ở miền Nam lúc đó hết sức nể phục không phải chỉ vì tài năng mà còn cả với bút lực như nước chảy hoa rơi của ông. Điển hình là năm 1992, chỉ trong một đêm, Bùi Giáng đã làm xong cả một tập thơ tựa là :”Mười hai con mắt”.
Ông thầy giảng Truyện Kiều quái chiêu
Ngoài chuyện viết lách, khi chưa điên “dữ dội”, Bùi Giáng có thời gian đi dạy học. Hồi đó, trường trung học tư thục mở ra rất nhiều và thầy giáo dạy học sinh bậc trung học thường được gọi là giáo sư. Bùi Giáng với tên tuổi của mình được một số trường trung học tư thục mời về dạy Việt Văn, một môn khá quan trọng. Một lần khi giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du tới đoạn Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa, phải chết đứng giữa trận chiến khốc liệt, Bùi Giáng xót thương cho Từ Hải, oán giận Hồ Tôn Hiến là tên gian ác, ông… nhập vai luôn trên bục giảng đập bàn, xô ghế, la hét rồi khóc rống lên giữa lớp khiến học sinh ngạc nhiên mới đầu tưởng “thầy” xúc động không kìm chế được cảm xúc trong lúc giảng bài.
Khi cả lớp thấy “thầy” bị kích động thật sự nằm gục xuống bàn giáo viên khóc như mưa thì hoảng hồn chạy báo cho Ban Giám hiệu biết. Không chỉ học sinh mà BGH nhà trường cũng không thể giải thích tại sao “thầy” Sáu Giáng lại bị xúc động đến như thế, nhưng chắc chắn để một ông thầy nhiều cảm xúc bất ngờ như vậy tiếp tục giảng Kiều thì không biết chuyện gì sẽ còn xảy ra nữa nên hôm sau nhà trường mời thầy Sáu Giáng nghỉ cho khỏe.
Một lần khác, cũng ở một trường trung học tư thục tỉnh lẻ, Bùi Giáng đang giảng Kiều, tới đoạn Kiều phải bán mình chuộc cha rồi 10 năm lưu lạc, có lúc phải ở lầu xanh. Bùi Giáng quá xót thương cho số phận truân chuyên của nàng Kiều ông lại khóc giữa lớp học. Bùi Giáng khóc thương cho số phận người đẹp lâm vào cảnh đoạn trường rồi oán giận thói đời đen bạc, những kẻ dã tâm đưa nàng Kiều mà ông hết mực thương yêu, quý trọng, hết lời ca ngợi nên đập bàn, xô ghế và bị kích động đến nỗi ông phải… nhảy ra cửa sổ lớp học, chạy tốc hành ra bến xe đò về Sài Gòn luôn không dạy học nữa. Cả lớp học nhốn nháo chờ mãi không thấy thầy trở vào nên đổ xô đi tìm. Nhưng thầy Bùi Giáng đã không bao giờ trở lại.
Bùi Giáng là một nhà thơ điên trong cõi điên dài như trường giang xuôi chảy về nơi bất tận, trên dòng trường giang điên đó, ông có những phân khúc điên và những phân khúc tỉnh. Nhưng đặc biệt, do Bùi Giáng làm chủ được “cõi điên” của mình nên không ai biết được lúc nào ông tỉnh, lúc nào ông điên. Có lẽ chỉ có Bùi Giáng mới biết mình điên hay tỉnh mà thôi. Đọc thơ của Bùi Giáng, hầu hết đều thấy ông làm thơ tình yêu và bài nào cũng có câu điên, câu tỉnh, câu tỉnh thì bình thường nhưng câu điên thì vô cùng sáng tạo và đẹp, lung linh một cách kỳ dị:
Có hàng cây đứng ngóng thu
Em đi mất hút như mù sa bay
Hay:
Đùa với gió, rỡn với vân
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa
Sương buổi sớm, nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?
Hoặc:
Rêu trời phủ xuống hiên xanh
Một bờ chim én xây thành sang thu
Sương Hy Lạp phương lên mù
Ba mươi thế kỷ cầm dù dưới mưa
Đầu sông nước gọi cây mùa
Gốc du sung đẩy sông đùa phăng trôi
Cảnh nguyên thủy mọc xa trời
Chùm xuân xanh thổi lại đời lang thang…
T.K.T