Bùi Giáng rong chơi giữa đời (Kỳ 6)

815

Từ Kế Tường

(Vanchuongphuongnam.vn)

BÙI GIÁNG “QUẬY” KIM CƯƠNG

Sau khi được Nguyễn Thùy chuyển lời của Kim Cương mời Bùi Giáng tới nhà, Bùi Giáng tới ngay, ăn mặc rất chỉnh tề, tác phong mô phạm ra vẻ một giáo sư hẳn hòi. Bùi Giáng lấy xe đạp chở Kim Cương đi chơi, vài lần như thế ông quyết định mở lời cầu hôn nhưng Kim Cương chỉ xem ông như một người bạn, người anh và có lẽ Kim Cương cũng tò mò trước một Bùi Giáng nổi tiếng về văn, thơ, dịch thuật và hơi có chút… bất bình thường sau vài lần tiếp xúc.

Thấy đeo đuổi Kim Cương mãi không xong, một hôm Bùi Giáng tới nhà nói một cách nghiêm túc:

– Thôi tôi biết rồi, cô không chịu ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô. Nhưng cô hứa sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé? Nó còn trẻ, rất đẹp trai mà học cũng rất giỏi!

Kim Cương trả lời dè dặt:

– Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Kim không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẳn tính.

Mục đích của Kim Cương là tìm kế hoãn binh nên chỉ trả lời thế thôi. Nhưng không ngờ Bùi Giáng liền dẫn đứa cháu tới nhà Kim Cương giới thiệu, cũng rất nghiêm túc như khi ông mở lời cầu hôn với bà. Lúc đó Kim Cương chỉ còn biết kêu trời, vì đứa cháu của Bùi Giáng chỉ là một… cậu bé 8 tuổi. Kể từ bữa đó Kim Cương biết ông “giáo sư” Đại học Văn Khoa vừa mới “ở Đức về” theo như lời Nguyễn Thùy giới thiệu là một người không được bình thường. Và cũng chính từ khi cầu hôn Kim Cương không được, những cơn “điên điên” của Bùi Giáng như ngày càng nặng hơn.

Khi Bùi Giáng bước vào cuộc “thiền hành” bất tận với bộ đồ “cái bang”, đi đâu thì đi, thế nào Bùi Giáng cũng phải ghé qua nhà Kim Cương không sáng thì chiều, không trưa thì tối, không cách ngày thì đôi bữa, có khi một tuần. Những lần như thế ông kêu réo, đập cửa, la hét và theo sau là lũ trẻ con làm ồn ào cả xóm khiến Kim Cương phải tránh mặt. Lúc đó Kim Cương đã có đứa con trai 5 tuổi tên là Toro, mỗi lần thấy Bùi Giáng xuất hiện cháu Toro hỏi Kim Cương:

– Mẹ ơi, sao bác gì ấy giống cái xe hoa quá đi.

Cũng bởi Bùi Giáng mặc bộ đồ “cái bang” vá víu tùm lum, toàn những mảnh vải nhiều màu sắc, rồi vai mang nào những hộp lon lủng lẳng, mấy lá cờ, nhánh cây dắt quanh người, vòng hoa đội trên đầu, mấy con chó nhỏ trong túi vải… nói chung Bùi Giáng khi “thiền hành” trong mắt người lớn đã có bộ dạng kỳ dị, trong mắt trẻ con như cháu Toro thì càng đặc biệt, vô cùng ấn tượng. Bà Bảy Nam, thân mẫu của Kim Cương mỗi lần nghe tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng la hét dậy xóm thì không còn lấy làm lạ mà chỉ điềm nhiên hỏi Kim Cương:

– Bùi Giáng tới hả?

Nhưng Bùi Giáng “quậy” vẫn chưa sợ bằng Bùi Giáng xỉn. Nhiều lần Bùi Giáng say quắc cần câu tới nhà Kim Cương nằm ngay dưới gốc cây trước cổng “phè cánh nhạn” khiến Kim Cương sợ hết hồn vì tướng tá Bùi Giáng gầy nhom, phều phào không biết chết lúc nào, nhưng khiêng vô nhà thì càng sợ Bùi Giáng chết sẽ mang họa. Nhưng dù sợ thì sợ nhưng mỗi lần thấy Bùi Giáng như vậy Kim Cương lại thấy tội, không nỡ… Dù tỉnh hay say, mỗi khi Bùi Giáng tới nhà Kim cương ông đều làm thơ tặng bà tại chỗ, thơ tặng Kim Cương lúc nào cũng như có sẵn trong đầu Bùi Giáng, gặp bà thì nguồn thơ cứ trào ra, Bùi Giáng xé ngay tờ lịch, hay tiện tay lấy tờ giấy tập học sinh và viết ngay. Có lúc Kim Cương không mở cửa vì sợ ông “quậy” mà lấy vội cuốn sổ luồn qua khe cửa, Bùi Giáng lúi húi viết thơ tặng bà, xong lẳng lặng quay bước, trong lòng rất vui, ngoài mặt rạng rỡ, ngời ngời hạnh phúc, xem như ông vừa hoàn thành xong một sứ mạng cao cả.

Theo lời nghệ sĩ Kim Cương, trong suốt 40 năm kể từ ngày quen biết Bùi Giáng, bà đã sở hữu cả chục cuốn sổ tay, trang nào cũng đầy thủ bút của Bùi Giáng và những bài thơ ông làm tặng bà mà Bùi Giáng vẫn gọi một cách trịnh trọng là “nương tử Kim Cương”. Những cuốn sổ tay đầy ắp thơ của Bùi Giáng tặng Kim Cương khiến bà vô cùng cảm động, và đó là thứ tài sản vô giá mà bà luôn gìn giữ cẩn trọng ở một ngăn tủ riêng.
Và đây là một trong rất nhiều bài thơ Bùi Giáng làm tặng riêng “nương tử Kim Cương”:

“Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ lịch sử xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
Lang thang vạn dặm độc hành
Cẩm nang bỏ cuộc đời mình trao em.”

BÙI GIÁNG GẶP HOẠN NẠN LÀ KIM CƯƠNG CÓ MẶT

Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc:

– Cô Kim, hay là cô lấy anh Giáng làm chồng đi, biết đâu cô sẽ giúp anh ta bớt khùng và viết lách đường hoàng, chĩnh chạc, dễ hiểu hơn?

Kim Cương nhìn Nguyễn Thùy cười ngất, bảo:
– Không được đâu anh Thùy ơi, anh Giáng sống kỳ cục lắm, không ai chịu nổi ảnh đâu. Với lại anh Giáng có yêu Kim đâu, ảnh chỉ thương mến Kim thôi.

Có thể Kim Cương đã nhận xét đúng về Bùi Giáng, không ai có thể biết Bùi Giáng yêu như thế nào, yêu thật hay giả bộ yêu? Bông đùa hay nghiêm túc? Mà có khi ngay chính Bùi giảng cũng không hiểu được tình yêu của mình như thế nào, bởi ông đã sống trong “cõi điên” thì làm sao lý giải được tình cảm của một người điên? Nhưng rõ ràng Kim Cương có một vị trí rất quan trọng trong tâm hồn và ý thức của Bùi Giáng. Suốt 40 năm bà vẫn tôn trọng tình yêu đơn phương của ông dành cho mình, ngược lại bà cũng là chỗ dựa tinh thần của Bùi Giáng trong những lúc ốm đau, hoạn nạn. Bởi Bùi Giáng thường đi lang thang ngoài đường, nhiều lúc ngẫu hứng làm “chim bay cò bay” ở một ngã tư đường để… điều khiển giao thông, hoặc có khi chọc phá người ta nên bị đánh, hoặc bị công an bắt. Những lúc ấy trong đầu của Bùi Giáng chỉ nhớ mỗi mình Kim Cương, địa chỉ nhà, số điện thoại của Kim Cương và Bùi Giáng bảo ông là người thân của Kim Cương. Thế là người ta gọi bà, lập tức bà có mặt để lãnh ông ra. Chuyện Kim Cương đi lãnh Bùi Giáng là chuyện… thường ngày ở huyện.

Như một lần nọ Bùi Giáng không hiểu sau đi “quậy” đám cưới, bị người nhà cô dâu, chú rể xúm lại đánh, Kim Cương hay tin cũng chạy đến năn nỉ người ta rồi đưa ông về. Một lần khác, Bùi Giáng chọc phá ngoài đường bị đánh mặt mũi đầy máu, thấy ông xuất hiện trước cửa nhà mình trong tình cảnh như vậy Kim Cương gọi xích lô chở ông đi bệnh viện cấp cứu nhưng ông không chịu đi, cứ nằng nặc nói:

– Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi.

– Ừ, thì đi!

Kim Cương đành phải gọi xích lô rồi cùng đi với Bùi Giáng vào bệnh viện, trên đường đi Bùi Giáng lại “quậy” tưng bừng, chửi bới văng mạng khiến Kim Cương kêu trời không thấu. Nhưng phải nói rằng Bùi Giáng “quậy” cỡ nào khi nghe nói có Kim Cương đến lập tức ông… hiền lành lại ngay, lúc này Kim Cương bảo gì ông cũng nghe, như một cậu học trò ngoan ngoãn, khép nép trước cô giáo. Kim Cương đối với Bùi Giáng quả có một thứ “uy lực” đặc biệt. Điều này cho thấy Bùi Giáng tuy rất hay chọc ghẹo, bông đùa Kim Cương nhưng vẫn dành cho bà sự trân trọng, vị nể.

Như một lần nọ, Bùi Giáng ngẫu hứng làm “chim bay cò bay” giữa đường để hướng dẫn giao thông, ai nói gì cũng không nghe, tình cờ có nhà báo Đoàn Thạch Hãn đi ngang qua thấy thế liền đến gần Bùi Giáng bảo:

– Kim Cương mời ông tới nhà chơi kìa.
Lập tức Bùi Giáng thôi làm “chim bay cò bay” để vội vã tới nhà Kim Cương. Khi Bùi Giáng tới, ngại cho ông vô nhà ông sẽ “quậy”, nên Kim Cương nhanh trí lòn qua khe cửa cho ông cuốn sổ tay. Bùi Giáng liền hý hoáy viết ngay bài thơ tặng Kim Cương:

“Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên
Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
Cúi đầu bái tạ tình em
Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau
Là thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ…”

(Còn tiếp kỳ 7)

T.K.T