Bùi Giáng có một mùa xuân vĩnh cửu, bởi đơn giản chính ông tự xưng mình là “trung niên thi sĩ”. Trung niên là cái tuổi quá chín chắn để biết cắn vào mùa xuân tươi rói của cuộc đời.
Đời ông buồn, theo cách nhìn của một bác sĩ tâm thần, nhưng cái buồn của ông rất thi sĩ. Nếu không làm sao ông viết nổi bài thơ cực hay như Chào nguyên xuân?
Chào nguyên xuân là một trong số rất ít bài thơ viết có âm hưởng mùa xuân của Bùi Giáng. Đó là bài thơ trẻ trung đến kỳ lạ, ở đó có bàn tay, có cỏ cây, có bụi bặm trần gian, có làn môi…nhưng cũng có nỗi sầu muôn kiếp: Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau… để rồi hội ngộ giữa màu Nguyên Xuân, chứ không phải biệt ly.
Câu hỏi mà nhiều người yêu mến Bùi Giáng thường đặt ra: Bùi Giáng có điên không? Bây giờ khó ai có thể trả lời nổi, kể cả những người sống gần gũi với ông, hiểu ông. Nên có một công trình nghiên cứu về đề tài này, cả về tâm thần học, qua thi ca của chính ông, mà người nghiên cứu phải là một bác sĩ giỏi chuyên môn, giỏi ngôn ngữ và phải yêu văn chương.
Quả là khó. Nhưng thôi, chính cái “điên” của Bùi Giáng đã làm tên tuổi ông trở thành thi sĩ hàng đầu của chúng ta ở hậu bán thế kỷ 20. Hoàng Phủ Ngọc Tường còn đánh giá Bùi Giáng là thi sĩ số 1, chứ không chỉ vậy. Ông đã để cho đời nhiều bài thơ vào hàng kiệt tác kiểu như Phụng hiến, Chào nguyên xuân…
Thi sĩ Hàn Mặc Tử có tập thơ “Đau thương”, hay còn gọi là “thơ điên”. Đó tập thơ có nhiều bài hay nhứt của Hàn nhưng Hàn không điên, chỉ quá đau về thể xác đến điên loạn, đau cùng cực. Trong “Vài lời nói đầu về tập Đau thương”, Hàn Mặc Tử viết: “Tôi làm thơ?… Cũng nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú… Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi?”.
Để rồi từ đó ông bật lên những câu thơ sáng chói:
“Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”
Khác Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng “điên” ở tâm hồn và làm nên một hiện tượng thơ độc đáo, trước và sau khó có thể có. Ông “điên”, chính vì vậy thơ ông cũng “điên” theo. Có những câu rất thơ, cực hay, tuyệt đỉnh và cũng có những câu… không phải thơ! Trường hợp này, thi sĩ thiên tài Hàn Mặc Tử cũng gặp phải.
Hình như thiên tài khác hẳn chúng ta. Họ không phải là người bình thường. Hãy đọc bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ, mới hiểu được cái thần, cốt cách của thi sĩ họ Bùi.
Bùi Giáng bắt con chuồn chuồn, con dê, con hươu, con chó vàng phải làm ra thơ. Thậm chí cái ly uống rượu đế cũng “đẻ” ra thơ:
Rồi đây tôi sẽ nhớ nhung
Cái ly rượu đế vô cùng trần gian…
Ông đã sống một cuộc đời tự do nhất trần gian mà con người có thể hưởng. Đó là hạnh phúc nhất ở thế gian này, chỉ có ông mới có được. Tôi nhớ hôm cơ quan Báo Người Lao Động liên hoan tất niên (năm 1994 thì phải), thấy ông đi lang thang, anh em mời ông vào uống ly bia nhưng ông chỉ uống vài ly rồi ra vỉa hè ngồi chơi rượu đế. Uống đã, hình như “giọng đã về”, ông đọc thơ sang sảng. Một đồng nghiệp đề nghị ông đọc bài Phụng Hiến và ông đọc giọng như một thi bá, đặc biệt đoạn: Hoàng hôn xuống bình minh lên nhịp nhịp/ Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng… Lúc đó ông đúng là thi sĩ lớn, dù ông vẫn lang thang hè phố.
Đã nhiều năm rồi Bùi Giáng lìa khỏi trần gian nhưng như ông viết: Ngày đã hết tôi sẽ không ở lại/ Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu…
Và ông chẳng đi đâu cả, vẫn “còn trang thơ thắm lại với trời hồng” và bởi: “Thưa rằng ly biệt mai sau/ Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân”…
——————————–
Chào nguyên xuân
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
(Nguồn: Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Hội Nhà văn, 1993)
Theo Lưu Nhi Dũ/NLĐ