Bùi Giáng – tinh thể thi ca từ Mưa nguồn

828

13.3.2018-09:30

 Thi sĩ Bùi Giáng

 

>> Bùi Giáng 20 năm về chín suối đá vàng

 

Bùi Giáng – tinh thể thi ca từ Mưa nguồn

 

VŨ THỊ LAN ANH

 

NVTPHCM- Bùi Giáng xuất hiện trong đời sống văn chương, học thuật trước và sau năm 1975 trên bốn lĩnh vực: sáng tác thơ, nghiên cứu triết học, phê bình văn học và dịch thuật. Ở mỗi phương diện sáng tạo, ông đều có những dấu ấn độc đáo, trở thành một trường hợp hi hữu của nghệ thuật Việt Nam. Trong đó, thơ được xem là “đặc sản” của Bùi Giáng.

 

Trải hai phần ba thế kỉ (1926 – 1998), Bùi Giáng đã sống vào giai đoạn sóng gió của lịch sử xã hội miền Nam. Ông hấp thụ tất cả những điều ấy bằng một tinh thần riêng không giống với logic bình thường. Cách làm thơ của ông rất lạ lùng, hình như thơ là bầu khí quyển bao bọc con người Bùi Giáng: “Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ, chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ” (Mai Thảo). Các tác phẩm chính của ông có thể kể đến: Mưa nguồn (1962), Lá hoa cồn (1963), Màu hoa trên ngàn (1963), Ngàn thu rớt hột(1963), Bài ca quần đảo (1963), Sa mạc trường ca (1963), Sa mạc phát tiết (1969), Mùi hương xuân sắc (1987), Rong rêu (1995), Đêm ngắm trăng (1997). Các tập Mười hai con mắt (2001),Thơ vô tận vui (2005), Mùa màng tháng tư (2007) xuất bản sau khi thi sĩ qua đời.

 

Bùi Giáng làm thơ để khôi phục lại tiếng nói ban sơ của loài người, ông muốn biến ngôn ngữ – kí hiệu trở lại thành ngôn ngữ – sự vật, mà biểu tượng đầu tiên gây ấn tượng trinh nguyên nhất là mùa xuân. Xuân không dừng lại ở cảm thức một mùa trong năm hay khoảnh khắc thời gian, xuân trong thơ Bùi Giáng mang ý niệm về sự vô tận, biểu hiện trạng thái sơ khởi của sự sống, tác giả gọi đó là Nguyên Xuân:

 

Thưa rằng li biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu

Nguyên Xuân

 

                 (Mưa nguồn)

 

Xuân còn mở rộng biên độ thành vùng không gian, xuân là quê của Em Mọi, của Đười Ươi – những hình hài sơ khai của con người thuở hồng hoang. Mật độ chữ “xuân” dày đặc trong tập Mưa nguồn (1962) thể hiện sức sống thanh tân, khát khao gợi mở. Đó là thơ của ngày tháng thanh xuân rong ruổi nên hình ảnh thơ tươi tắn, sống động, giọng điệu thơ còn thiết tha với đời, dù đã bắt đầu vắt sang mộng ảo:

 

Những nhành mai sớm sương bên lá

Những nhành liễu chiều gió bên cây

Cũng lây lất bởi đời xuân em ạ

Thế nên chi anh cũng viết dòng này

 

                (Những nhành mai)

 

Con người hiện đại có lẽ mẫn cảm hơn với thời gian và mùa xuân. Quan niệm thời gian tuyến tính nên họ khát khao níu giữ bước chân nàng xuân. Mưa nguồn trước hết là ý niệm về sự trôi chảy của thời gian khỏi khởi nguyên. Trở về Mưa nguồn là trở về bản thể nguyên sơ, mùa xuân cũng như bản thể, tự thân nó đã lấp lánh ánh sáng và rực rỡ sắc màu hoan lạc. Thơ Bùi Giáng ăm ắp xuân trần gian, tâm xuân, triều xuân, thư xuân, nắng nguyên đán, nắng xuân xanh, cỏ hoa hương, chồi nhú lộc, đất mở thênh thang, hoa nghiêng đầu ríu rít cạnh chim kêu,… Bùi Giáng cũng lạc vào quỹ đạo của thi nhân muôn đời, họ gắn kết xuân với tình yêu. Nguồn xuân của thi sĩ như chảy tràn từ cội nguồn trinh bạch – ở biểu tượng này Bùi Giáng gặp gỡ Hàn Mặc Tử. Người thi sĩ của Đau thương ấy cũng thường dựng thơ bằng biểu tượng: Ta chắp hai tay quỳ hoan hảo/ Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian/ Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân/ Nở một lượt giầu sang hơn thượng đế (Đêm xuân cầu nguyện). Nếu xuân trong thơ Hàn Mặc Tử vừa ẩn chứa nét trinh nguyên vừa hiển hiện sắc màu tôn giáo sáng láng, cứu rỗi con người thì thơ Bùi Giáng giàu chất mộng ảo nhưng không quá siêu thăng mà vẫn trong sáng, tinh khôi: Vòm nguyên tiêu rơi rụng giữa trăng rằm/ Mùa xuân, từ đó, là mộng ảo âm thầm; Màu con mắt bên màu xuân xiêu đổ/ Ở bên kia nhìn trở lại bên này. Tại sao Bùi Giáng lại kết nối mùa xuân với nguồn cội, tìm ra tính biện chứng giữa xuân thiên nhiên và chất sơ ngộ của loài người? Xuân là biểu tượng cho sự khởi đầu, mang đến không khí thanh sạch tẩy trần con người. Trong vòng tuần hoàn của tạo hóa, nếu xét về đặc tính cảm quan thì mùa hạ nóng bỏng, đầy nhiệt năng dễ thiên về dương tính; mùa thu dịu khí, trong lành có tính âm nhưng ở cấp độ nhẹ; mùa đông giá buốt, hàn khí cao, âm tính mạnh. Có lẽ chỉ mùa xuân là biểu trưng cho suối nguồn tinh khiết nhất, hài hòa không nghiêng về khí chất nào cực đoan. Nhan đề tập thơ của Bùi Giáng là Mưa nguồn cũng đầy sức ám gợi. Thành ngữ dân gian đã xuất hiện chữ này: “chớp bể mưa nguồn”, thêm nữa trong hiện thực đây là trận mưa rừng ào ạt thác lũ, đổ về từ thượng nguồn. Quê Bùi Giáng thuộc vùng Trung Phước – miền trung du xứ Quảng. Nơi đó đã từng có khoảng thời gian ông sống cuộc đời hoang dã như Tô Vũ chăn dê nên có lẽ “mưa nguồn” không hề xa lạ. “Nguồn” có nghĩa là nguồn cội, nguồn sống. Về nguồn là trở về với “bản thể uyên nguyên”. Đó là thế giới của “hỗn mang”, “sơ nguyên”, “thuở xưa”, “nghìn xưa”, “ngàn năm”; là cội nguồn thiên nhiên, vạn vật trinh nguyên trong lành qua hình ảnh của đất, trời, sông, suối, núi, rừng. Nguyên Xuân – nguồn cội là nơi “Nghe trời đổ lộn nguyên khê”, “Nguyên tuyền đổ rộng xuống dòng thiên thâu”, “Nước xuôi giòng là cổ độ nhìn theo”, “Ô vạn vật vẫn chờ nguồn nước lũ/ Tự ngàn năm tuôn dạo tự khe rừng”. Thiên nhiên trong sáng tác của Bùi Giáng thể hiện một tính chất nguyên sơ, hiện lên với cảm quan đượm màu nguyên thủy: Sa mạc phát tiết, Sương bình nguyên, Trăng châu thổ, Đường đi trong rừng, Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn…

 

Không chỉ thiên nhiên, con người trong thơ Bùi Giáng hiện hữu hoặc trong dáng vẻ sơ khai với “Đười Ươi”, “Mọi Nhỏ” hoặc trong dáng vẻ hiện đại nhưng mang “hồn du mục cũ”. Dưới dạng thái nào, con người cũng mang “sầu nguyên sơ”, “nguyên sơ đầu mộng”. Nỗi chờ trông hay trùng phùng đều gắn với xuân ngọn nguồn: “Chờ nhau ngõ khác ngó màu Nguyên Xuân”,“Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân”… Từ đó, “tinh thể của ngôn ngữ sơ nguyên” cũng được phô bày qua việc gọi tên thế gian, vạn vật, con người… Bóng dáng cô Mọi trong cảm hứng về khí chất mùa xuân – sự khởi đầu của thế giới thiên nhiên, là lốt áo đầu tiên của người nữ. Em Mọi còn có tên là Gái Núi, hay Duồng Mô Din “là một ẩn dụ hữu cơ trong thơ Bùi Giáng và có khả năng cấu trúc thi hứng như một hình ảnh Đầu Nguồn, một Sử Lịch sơ khai, một Suối Xuân diễm tuyệt” (Đặng Tiến):

 

Em từ Mọi Nhỏ thanh tân

Mười hai con mắt thiên thần mở ra

 

                   (Mười hai con mắt )

 

Khi bừng mắt ra đã bắt gặp ngay hình của Mọi:

 

Mọi là Em,

Mọi Sơ Xuân

Ban sơ núi đỏ

            chào mừng

                      non quanh

 

           (Bài ca quần đảo)

 

Bóng dáng của nường Mọi Nhỏ không hề cố định, đóng khung trong một thân thể mà vận động, biến hóa thành nhiều dạng vẻ khác nhau, khi là người con gái hoang dại bên bờ cỏ Phi châu, khi lại ẩn nấp mình trong cô gái bản Thượng mê hoặc với nụ cười sơn cước. Dù biến thể phong phú nhưng tựu chung Mọi Nhỏ là một hạt nhân của xã hội nguyên thủy, khởi đầu thiên tính nữ cho loài người, soi mình vào hình ảnh Mọi, ai cũng nhận ra một phần bản thể con người mình trong đó.

 

Đã có người nữ Mọi thì cũng phải xuất hiện một đối thể tương ứng, ấy là Đười Ươi – một lốt vỏ khởi đầu, nguyên sơ. Bùi Giáng giày vò mình trong hình hài đười ươi, nhiều lần tự nhận mình là Đười Ươi thi sĩ: Em về giũ áo mùa sa/ Tiến trình vạn lí anh là đười ươi; Em về giũ áo đười ươi/ Trút quần phong nhụy cho người phụ nhau; Đười ươi tại hạ ra đời/ Thời gian rạch xé tô bồi cho em; Ông già rất mực đười ươi/ Già nua lắm lắm còn cười vu vơ,… Thi sĩ nhận ra “tinh thể đười ươi” trong thân phận người: Hoặc rằng người cũng là tôi/ Hay là tôi cũng là tôi như người/ Ấy rằng tinh thể đười ươi/ Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và. Đời như một cuộc rong chơi, thi nhân sống lang bạt, không nương náu, còn thơ là như cuộc hí lộng ngôn từ. Lắm khi ông đùa giỡn “vui vẻ thập thành” nhưng riêng chữ “Đười Ươi” ông dùng “hoàn toàn nghiêm túc chứ không mảy may cợt đùa” (Thanh Thảo). Thân phận đười ươi tuy có chút ngậm ngùi, xót xa nhưng khoảnh khắc ban sơ ấy rất giá trị bởi khi chưa “giũ áo đười ươi” thì con người sống ngây thơ, hồn nhiên, không vướng vào vòng tục lụy. Đây cũng là quy luật trong ngộ đạo, trải qua bể dâu thăng trầm, khi thấu thị cõi người đầy hoen ố, lẽ thường chúng ta đều muốn trở về với cội nguồn lúc sơ sinh.

 

Với năng lực ngôn ngữ siêu tuyệt đến mức được mệnh danh là “Tề Thiên chữ nghĩa” và phong cách bát ngát, Bùi Giáng làm thơ tự nhiên như sự sống vậy. Ông không cần nhọc nhằn “phu chữ” hay uốn nắn “thôi xao” mà thơ vẫn tuôn ra dào dạt, bất tận. Nhiều thi sĩ, trí thức Sài Gòn cùng thời với ông như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ… khi hồi tưởng những kỉ niệm về ông đều thán phục sức sáng tạo dị kì của Bùi Giáng. Ngay cả số lượng tác phẩm thơ ca, tiểu luận triết học, phê bình, dịch thuật Bùi Giáng cũng thuộc vào hàng thượng thừa. Đến giờ những trước tác ấy vẫn được tái bản đều đặn. Khám phá thơ Bùi Giáng chúng ta không thể đi vào một vài bài hay một số câu tuyệt bút được, đọc thơ Bùi Giáng cần lĩnh hội ở chiều kích tổng thể, kết hợp cùng hiện tượng học, có khi chạm ngõ vào siêu hình Phật giáo. Nhà văn Mai Thảo từng ngợi ca thi tài ông: “Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc, bằng tài thơ trác tuyệt, bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời”.

 

Bức tranh toàn cảnh về văn học miền Nam 1954 – 1975 được bao bọc với một hệ thống các triết thuyết hiện đại: cấu trúc luận, phân tâm học và phong phú nhất là chủ nghĩa hiện sinh với S.Kiekegaard, F.Nietzsche, J.P.Sartre, A.Camus,… Con người nhận ra cuộc sống đang lên cơn xáo trộn đầy phi lí, cảm thức tha hóa, phi nhân thấm sâu trong sáng tác. Bùi Giáng cũng bị “vây khốn” (chữ dùng của Thanh Tâm Tuyền) bởi cảm quan ấy nhưng theo một cách khác. Ông làm thơ là một cách để phản ứng với thế cuộc:

 

Sao bằng riêng một biên thùy

Cõi điên vũ trụ tùy nghi tung hoành

Xiết bao vô ngại ngọn ngành

Chọc trời khuấy nước tan tành thịt xương

 

                              (Sao bằng)

 

Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du xây dựng hình tượng Từ Hải có sức mạnh phi thường đã công phá vào bức tường thành phong kiến thì Bùi Giáng cũng chuyển hóa tinh thần “cái thế” ấy làm khuynh đảo cả thơ ca. Sức khuynh đảo trong thơ ông đến từ cảm quan hiện sinh một cách tự nhiên và dị biệt:

 

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa

Gọi tên là một hai ba

Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

 

            (Tặng Mã Giám Sinh)

 

Vận ý từ Truyện Kiều: “Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh/ Hỏi quê, rằng: huyện Lâm Thanh, cũng gần”, nhưng thơ Nguyễn Du cụ thể con người, địa chỉ bao nhiêu thì Bùi Giáng lại nhòe mờ ranh giới bấy nhiêu. Đích thực đây là một bức chân dung tự họa, tên của thi sĩ là thương hải tang điền, làm sao có câu trả lời chính xác, chỉ biết rằng nó biến thiên, vật đổi sao dời như thân phận long đong, đa đoan của kiếp người. Còn quê hương, cũng là cội nguồn đấy nhưng xa xôi, diệu vợi: Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà (Chào Nguyên Xuân). Tất cả đều nằm trong lẽ biến dịch, hưng vong không có gì là mãi mãi. Nếu học thuyết của F. Saussure, cho rằng ngôn ngữ mang tính kí hiệu, nó bao gồm hai mặt cái biểu đạt và cái được biểu đạt thì thơ Bùi Giáng đã xóa nhòa đường biên ấy. Ngôn ngữ thơ Bùi Giáng hoàn toàn mang tính chất tự trị, vấn đề nghĩa không còn giá trị bởi lẽ thơ tiệm cận vào hư vô. Dòng chảy của suy niệm đồng hành cùng ngòi bút, từ ngữ vận chuyển không ngừng nghỉ, chữ này vừa xuất hiện thì chữ khác đã tuôn dào thay thế. Khế Iêm gọi đó là quá trình “hóa thân”, khoảnh khắc “bốc hơi” ngôn ngữ. Nhà thơ siêu thoát vào cõi chiêm bao, nhiều khi mê loạn tâm trí:

 

Đạp thanh vẽ bóng lộn mầu

Góp dâng cữ gió nghiêng đầu sương mây

Ngõ ban sơ hạnh ngân đài

Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua

Xin chào giữa bước chân ra

Chết từ sơ ngộ mầu hoa trên ngàn

 

            (Mầu hoa trên ngàn)

 

Con người hay thực thể “ta” dù hiện hữu hay lụi tàn thì cũng là vô nghĩa bởi số mệnh phù du, cuộc đời ảo giác:

 

Trần gian rộng rộng hơn nhiều nữa

Mênh mông hơn và bát ngát mây hơn

Thì thua kém hay so le tàn úa

Thì thế thôi giới luật cũng phiêu bồng

Một mây chiều có khổ buồn không?

 

             (Mùa thu trong thi ca)

 

Lạc giới vào cõi phiêu bồng nên bản thân thi sĩ không thể minh định được về sự tồn sinh của mình, Bùi Giáng lại nhận về nỗi cô đơn, sầu héo:

 

Ngàn năm độc đối riêng hàng

Tờ xanh ứa lệ đẫm trang xuân đầu

 

                        (Khởi từ)

 

Nhưng giây phút đối diện đàm tâm, thi sĩ tiết chế những hoài nghi siêu hình, thơ vì thế mà đời hơn: Chợt mùa thơ vội đổi dòng/ Cỗi nguồn cũng bởi tự lòng mà ra (Từ bấy tới nay); Xổ bầu tâm sự điêu linh/ Ai người chia sẻ với mình với ta (Một giờ).

 

Ngôn từ thơ Bùi Giáng là kết quả của ảo giác hay nói đúng hơn là sản sinh từ giấc chiêm bao: Hỗn mang về giữa hiên nhà/ Bây giờ cố quận tên là chiêm bao (Rượu uống), Người nằm ngủ thấy gì/ Thấy thật nhiều nắng lạ (Mưa nguồn). Trong điệp trùng lớp sóng từ ngữ, Bùi Giáng sáng tạo đến tận cùng, góp phần lạ hóa hình ảnh thơ: lá hoa cồn, ngày Hy Nga, đêm bé chị, Mọi trên ngàn, sóng Hồng Hoang, thềm dục vọng, miên trường, sa mạc phát tiết, ngàn thu rớt hột, Như Lai sầu thảm, thân thể máu me và da xương,… Thơ phiêu diêu thần diệu như cánh chuồn, cánh bướm nơi đồng nội nhưng cũng lấp lánh nhiều ẩn mật cổ điển, đầy trang trọng.

 

Bản thân Bùi Giáng luôn chủ trương làm thi sĩ không khác gì một cuộc rong chơi nhưng nhiều năm tháng tỉnh mê, Bùi Giáng đã để lại cho hậu thế một dòng chảy thi ca vừa thấm đượm nguồn mạch Đông phương vừa ôm chứa tinh thần thời đại. Từ Mưa nguồn với tinh thần “hồi quy vĩnh cửu”, xuyên qua những vùng điêu linh của thế sự, rong chơi giữa mê tỉnh của nhân gian, thơ là tinh thể của đời lấp lánh chiêm bao, mơ mộng:

 

Lên mù sương xuống mù sương

Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu

Tuổi thơ em có buồn nhiều

Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua

Biển dâu sực tỉnh giang hà

Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh

 

                          (Áo xanh)

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Đến với thơ Nguyễn Thúy Quỳnh – Nguyễn Xuân Dương

>> Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thuý – Trung Trung Đỉnh

>> Cuộc thi văn chương đầu tiên ở Việt Nam – Lê Minh Quốc

>> Chợt nghĩ về hoa – Đặng Huy Giang

>> Tiếng nói tâm linh trong thơ thế hệ Đổi mới – Phạm Thị Trịnh

>> Dòng chảy Tự do giữa hai bờ lựa chọn – Trần Việt Hà

>> Sự cần thiết của hồi ký – Trần Hữu Dũng

>> Đôi dòng về sáng tạo thơ – Mai Văn Phấn

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…