Võ Tấn Cường
(Vanchuongphuongnam.vn) – Bùi Giáng – thi sĩ của huyền thoại và những cuộc ngao du vô tận trong cõi tỉnh say của cái đẹp thi ca gây cho tôi ấn tượng về ma lực, sự huyền nhiệm của tâm linh con người và ngôn từ. Ranh giới mỏng manh giữa điên và tỉnh, thực và hư, siêu lý và lý trí dừng như xóa nhòa trong con người và thi ca của Bùi Giáng.
Nhà thơ Võ Tấn Cường
Không giống Edgar Allan Poe với những bài thơ kỳ dị cùng những hình ảnh lạ lùng và cũng chẳng giống Baudelaire đi tìm cái đẹp ảo ảnh cùng sự vật trong cõi huyền bí, không giống Hàn Mặc Tử gọi tên “cơn điên” của mình, Bùi Giáng chỉ tha thẩn với “chuồn chuồn châu chấu” và cõi mơ mộng của ký ức trong mọi chiều kích của không gian và thời gian.
Có người bảo rằng: Bùi Giáng bị “tẩu hỏa nhập ma”. Lại có người nói: ”ông bị điên – thế – sự”. Có thể như thế nhưng không hiều tại sao đọc thơ ông tôi cứ bị ám ảnh bởi tâm thế của một thi sĩ cực kỳ mê dại và cũng cực kỳ tỉnh táo đã biết nghiêng mình, cúi đầu trước quyền năng của cái đẹp – nỗi buồn và sự huyền bí của tự nhiên treo lơ lửng trước mắt con người:
“Tạ hoàng hôn tạ cánh chuồn bay”
(Sẽ đi)
Cuộc ngao du của Bùi Giáng dẫn ông vào bí ẩn của cõi tĩnh lặng vô biên chất chứa sự sống đang sinh sôi và rũ bỏ những gánh nặng của thế tục:
“Em sẽ bỏ lại đằng sau em bỏ
Những nỗi đời về ở giữa nhân gian
Ta sẽ tạo lại mối tình sâu bọ
Về hư vô vĩnh viễn bóng buông màn”
(Trò chuyện)
Cảm thức của Bùi Giáng chao đảo, biến động với những ấn tượng và ảo giác lung linh, huyền ảo. Thơ của Bùi Giáng đầy những tầng hầm của ngôn từ với kho báu chứa sự hỗn mang và u ẩn của bản ngã. Thơ Bùi Giáng không gây cho tôi ấn tượng về sự minh bạch, sáng sủa của ý tưởng và cấu tứ nhưng lại tạo được dư âm thú vị và mê đắm:
“Nhớ em anh rất có quyền
Ngồi trên bãi rộng quàng xiên vẽ hình
Bốn bên đổ quán xiêu đình
Ba bề đờ đẫn một mình anh đi”
(Đổ quán)
Tôi nghe có người nói thơ Bùi Giáng tăm tối và huyền bí. Bùi Giáng có trong tay bí – pháp giống như giáo pháp của các nhà truyền giáo chăng? Bùi Giáng không qui định nghĩa của từ, của câu thơ, ông cho các từ hôn phối với nhau và “phủ” lên chúng màn sương của ảo giác và biểu tượng. Tôn giáo và màn sương chẳng bao giờ tăm tối đối với những người mộ đạo và những người biết phép thấu thị, biết khám phá sự huyền nhiệm của thiên nhiên. P.Reverry viết: ”Nhà thơ phải nêu lên sự gì cần tìm hiểu. Y không phải lẽo đẽo theo sau những gì đã được mọi người thừa hiểu”. Thi ca và tâm hồn của Bùi Giáng giống như một khu rừng âm u mù sương, muốn khám phá không chỉ cần soi rọi vào đấy ngọn đèn của lý trí mà còn phải dùng cây-gậy-trực–giác chống qua những khúc quanh, những ngã rẽ chằng chịt và tăm tối…
Cuộc ngao du của Bùi Gíang là hành trình ngược trở về với bản ngã đích thực của mình với những hình ảnh đảo loạn làm kinh ngạc tâm linh:
“Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con“
(Mắt buồn)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của Bùi Giáng khi viết ca khúc “Con mắt còn lại”. Vâng! “Còn hai con mắt khóc người một con”. Ai khóc ai? Bùi Giáng khóc người hay khóc con mắt chết của mình? Sự phân thân tan rữa của nhân cách hay sự hội tụ của nhân bản trong tâm hồn với muôn vàn mảnh vỡ và những biến động của cuộc đời?
Thi sĩ Bùi Giáng không tránh né hoặc ca ngợi nỗi buồn, ông chỉ khắc họa những kinh nghiệm đớn đau của tâm hồn và dấn thân vào kiếp người với sự chấp nhận đầy bản lĩnh:
“Lạnh lùng dấn bước bờ sau
Mấy đời ly biệt về đau trong mình
Nắm sầu sa mạc nín thinh
Đi vào giá buốt mênh mông cuối trời”
(Mái hiên)
Thơ lục bát của Bùi Giáng đảo loạn, ầm ào như mưa bão, biển động và âm ỉ như núi lửa:
“Một bờ dương xếp bến sau
Nước cằn cỗi đục nghe đau lá vườn
Em về nghe động trong sương
Hồn xưa con dế lên đường viễn du”
(Thiếu phụ trở về)
Hình tượng thơ của Bùi Giáng huyền ảo và mông lung, khí thơ và thần thái của chủ thể trữ tình vừa siêu thoát vừa chìm sâu vào ngôn từ:
“Chập chờn nữ chúa so vai
Mộng chiều Hy Lạp ngủ dài miên man”
(Ngủ dài)
…
“Mai kia cỏ héo đầu ghềnh
Ngó sang trới lạ thấy mình mất thu
Gục đầu xô giấc miên du
Vào hoang vắng khép ngục tù yêu thương”
(Người hải ngoại)
Thi hào vĩ đại Goethe từng viết: ”Các nhà thơ hiện đại đang pha nước lã vào lọ mực của họ”. Vâng! Đúng vậy! Bình diện thi ca đang nguy cơ bị phá vỡ bới sự xâm lăng hóa của văn xuôi, chính trị, đạo đức, giáo dục, triết học… Người ta tôn xưng, ca ngợi đủ thứ thơ như thơ triết luận, thơ văn xuôi, thơ tính dục… Nhưng có một điều ít ai bàn đến đó là hiện trạng chất thơ đang bị bào mòn, xâm thực một cách thảm hại ngay trong quá trình sáng tạo của các nhà thơ. Đấy chính là bi kịch của các nhà thơ thời vi tính chăng? Các nhà thơ hiện đại đang vội vã, hối hả trong cả cuộc sống, sáng tạo và in ấn, phổ biến tác phẩm… Họ giống như những dòng suối tuôn chảy ào ạt, chẳng còn đâu lớp-phù-sa-thi-ca lắng đọng trong tâm hồn…
Đọc lai “Mưa nguồn” của Bùi Giáng tôi nhận ra một thi sĩ ung dung, thơ thẩn đi vào những ngã rẽ thi ca đầy hương sắc huyền bí với chất thơ trinh nguyên, hoang sơ như hương đồng cỏ nội. Phải chăng, qua cuộc ngao du của mình, thi sĩ Bùi Giáng đã mở ra một lối rẽ của con đường thi ca hiện đại ? Lối rẽ thi ca của Bùi Giáng chính là cuộc ngao du trong tâm hồn để trở về với bản ngã và bí ẩn của sự sống.
V.T.C