Bùi Hiển – Chế Lan Viên và cái tình sâu nặng của văn nghệ sĩ

744

Thời trẻ sống ở Hà Nội, tôi đã nếm trải cái xơ xác nghèo đói, phập phồng đạn bom chết chóc, ngấm cái hào hoa lãng mạn của đất Thăng Long và nhất là được tẩm trong bầu không khí đặc sánh văn chương. Tôi được tiếp cận với nguồn sách báo dồi dào – kể cả sách báo tiếng Pháp mà tôi mù tịt chẳng biết gì, được gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ. Chao ơi, thằng bé bảy, tám tuổi mà đã được nhìn tận mắt ngắm tận nơi bao nhiêu người nổi tiếng. Vì tôi là con trai út nên ba tôi – nhà văn Bùi Hiển – thường cho đi theo. Bạn văn mà ba hay đến nhất là nhà thơ Chế Lan Viên. Đoạn đường ngắn từ giữa phố Bà Triệu đến đầu đường Trần Hưng Đạo không phải là cái cớ. Cái cớ để một ông chuyên truyện ngắn và một ông chuyên thơ năng đến với nhau tôi sẽ nói ở sau.


Nhà văn Bùi Hiển.

Mỗi lần bạn văn Bùi Hiển đến, Chế Lan Viên vui ra mặt. Đang chăm chú trước chồng bản thảo, khuôn mặt ông bỗng rạng rỡ, buông bút bận vội cái quần pijama, nhảy ra ngoài sân tiếp bạn. Khi ấy, Chế Lan Viên đang tá túc ở hai phòng ngang của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật (51 Trần Hưng Đạo), chật chội và nóng nực. Trong lúc hai ông bố cao đàm khoát luận, hai ông con chẳng biết làm gì liền rủ nhau đi thi đấu cơ bắp. Phan Lai Triều – con trai đầu của Chế Lan Viên – và tôi kéo nhau ra giữa sân vật nhau xem ai thắng ai. Kết quả là Triều rắn rỏi hơn đã đo ván anh chàng xì ke (hồi nhỏ tôi loẻo khoẻo chứ không béo tốt như bây giờ) ngã sóng soài trên cái sân lan man cỏ, lổn nhổn sỏi. Đó là kỉ niệm tôi luôn nhớ mỗi khi nhớ về những lần ghé thăm nhà thơ họ Chế.

Có lần, tôi vớ được truyện ngắn đánh máy có tựa đề Một câu chuyện trong chiến tranh, đọc xong nhìn tên tác giả thì hóa ra là của ba mình. Lạ lùng hơn, đính kèm trang đầu của truyện là một mẩu giấy bằng hai ngón tay với dòng chữ: “Hay và hay lắm Hiển à! Hiển đã vượt và vượt anh em khá xa. Hoan.” Tôi hỏi ba Hoan là ai. Ba cười đôn hậu: Là Chế Lan Viên! Ồ, hóa ra người bạn ba thường cho mình đến chơi tên thật là Phan Ngọc Hoan. Chế Lan Viên – vườn hoa lan của dòng họ Chế – là bút danh. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì những lời đề tặng của chú Hoan cho ba tôi quá đỗi dịu dàng, thắm thiết. Ở trang đầu Ánh sáng và phù sa – tập thơ quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của tác giả từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui” – chú Hoan ghi: “Tặng Bùi Hiển thương yêu, kỉ niệm một chặng đường Bình Trị Thiên – Hà Nội.” Đến tập bút kí Thăm Trung Quốc thì lời lẽ quá đỗi ân tình: “Tặng Bùi Hiển thương yêu, gửi bạn rất độ lượng với văn xuôi của tôi. Và tôi viết được là nhờ sự giúp đỡ của bạn.” Sau này tôi mới biết đầu đuôi câu chuyện văn xuôi của Chế Lan Viên. Trong kháng chiến chống Pháp, chú viết một bài tản văn có tựa đề Con kiến, diễn đạt rắc rối, cầu kì, khó hiểu. Ba tôi góp ý, chú đùa lại bằng câu: “Tấm lòng văn xuôi từ nay xin chừa.” Nhưng khi đi theo bạn văn Bùi Hiển, xem cung cách lấy tài liệu sáng tác, chú đã quan sát và ngộ ra cách viết văn xuôi. Sau này Chế Lan Viên là một trong những cây bút viết kí xuất sắc. Tôi còn được đọc một bức thư của chú gửi từ Trung Quốc khi đi chữa bệnh vào năm 1957 cũng rất cảm động: “Đi như Hiển thế là đúng. Cọ xát cùng sự sống được tí nào hay tí ấy, viết được trang nào hay trang ấy, chứ ở quanh Hội này chả làm gì… Sẽ làm một bài thơ tình bạn, tả những bóng bạn đang sum vầy, tặng Hiển, Hanh, Lan, những người bạn nghiêng bóng xuống thơ Hoan, và sức khỏe, cuộc đời Hoan.”

Ngoài sự thu hút của văn chương chữ nghĩa, nỗi tò mò về tình bạn giữa nhà thơ họ Chế và nhà văn họ Bùi cứ ngày càng phình ra, tôi vẫn chưa thể giải mã được. Và lại tiếp tục chứng kiến mối thâm tình ấy.


Nhà thơ Chế Lan Viên

Hè năm 1966, Chế Lan Viên đã nổi như cồn với Sao chiến thắng, Gửi Kiều cho em năm đánh Mĩ và ba tôi cũng ghi dấu ấn văn xuôi với những bút kí Bám biển, Nợ máu. Nói chuyện ở nhà hay cơ quan chưa đủ và cũng không tiện, hai người bạn hẹn hò nhau ra quầy bán thực phẩm theo chế độ tem phiếu ở khu tập thể Kim Liên. Chế Lan Viên đạp xe từ 51 Trần Hưng Đạo tới, ba tôi đi bộ ra. Một cái rổ và một cái làn sắp hàng thế chỗ, hai ông ngồi chồm hỗm một góc sân đầy nắng nói chuyện không dứt. Đến tháng 6 năm 1972, ba tôi và tôi đạp xe lên thôn Bài Lâm thượng, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ – nơi Hội Nhà văn đang sơ tán – để thăm bà, mẹ và em gái. Chế Lan Viên đang ở đấy, miệt mài lao động thơ. Mỗi buổi sáng, chú mặc bộ bà ba đen ra sông Đáy múc hai xô nước về cho vợ con dùng rồi tất tả mang tập bản thảo, bộ ấm chén hạt mít vào phòng đóng cửa hì hục viết. Thế mà thấy bạn lên liền buông bỏ công việc, tạm dứt mạch thơ rủ nhau đi chơi chùa Hương. Chuyến đi ấy có cả tôi và Thắm (con Chế Lan Viên, sinh năm 1961, sau này là bác sĩ). Đi từ sớm cho mát. Vàng Anh lúc ấy nhỏ quá không được đi liền ôm cột nhà khóc ré lên. Trong lúc chờ đò, Chế Lan Viên mua hai cân mơ chua chua, giòn rụm để ăn dọc đường. Ba tôi xin trả tiền chú liền gạt đi. Con đò lả lướt trên mặt nước dập dềnh rong rêu. Hai nhà văn nhà thơ cao hứng đọc thơ Chu Mạnh Trinh tả chùa Hương, khen Xuân Diệu thưởng thơ giỏi (Xuân Diệu vừa có bài giới thiệu tập thơ Chùa Hương do Ti Văn hóa Hà Tây xuất bản). Phía trước, những dãy núi đá trập trùng, xám xịt, bạc phếch tháng năm, cây cối lô nhô xanh rì mọc lên từ kẽ đá. Những ngôi chùa thâm nghiêm lác đác xuất hiện. Đò cập bến, cuộc thử thách bắt đầu. Hai nhà văn nhà thơ tuổi ngũ tuần cùng hai người trẻ hổn hển bước lên từng bậc đá cao và khúc khuỷu. Chế Lan Viên vừa bước vừa than: “Ôi, cái tuổi năm mươi! Cái tuổi năm mươi…” Cuối cùng chúng tôi cũng leo lên được tới đỉnh, chui vào cái hang lạnh, may mà có ánh nắng hắt vào từ cửa hang nên cảm giác như đang ở giữa tiết thu. Nước từ vòm hang nhỏ giọt đọng thành những nhũ đá óng ánh, tua tủa trên đầu. Hai người trẻ mệt phờ nằm lăn ra hai phiến đá đánh một giấc. Khi tỉnh dậy, tôi thấy ba và chú Chế một người bó gối, một người duỗi chân trên một tảng đá to nói chuyện miên man, thỉnh thoảng lại bắn một câu tiếng Pháp bất chấp sự mỏi mệt của tuổi đang bước dần vào lão hóa. Đến xế chiều chúng tôi mới bước lên đò quay về nơi sơ tán.

Sau giải phóng miền Nam 1975, ba và tôi đến số 190 Nam Kì Khởi Nghĩa (hồi ấy có tên là đường Công Lý) gặp cô Vũ Thị Thường đang cùng Hà Phương (vợ Nguyễn Mạnh Tuấn) đi tìm mua nhà, loay hoay chưa chọn được cái vừa túi tiền lại ưng ý. Ba tôi dọa: “Ông ấy bán hết quần áo rồi…!” Tháng bảy năm ấy, tôi ra Hà Nội, hai cha con lại đến nhà Chế Lan Viên. Chú hớn hở mời: “Vào nhà uống nước, có trà ngon.” Và chú nói lí do rời Hà Nội: “Tôi vào Nam trốn rét. Thường đang chạy mua nhà trong ấy. Tiền mua nhà là công sức lao động của vợ chồng tôi…” Tôi biết còn một lí do nữa là cô chú đều có bà con thân thích ở trong Nam. Đến tháng 9 năm 1975, Chế Lan Viên chuyển hẳn vào Sài Gòn, ở căn nhà một trệt một lầu trên đường Hòa Hưng (gần khám Chí Hòa). Sau đó, chú chuyển đổi từ căn nhà cũ sang căn nhà cấp bốn, đất rộng, nhiều cây trái như ổi, mít, xoài, đu đủ, có cả ao nữa. Căn nhà thuộc ấp Tân Thới Sơn, đường Lê Sát, phường Tân Quý, quận Tân Phú ngày xưa là chốn hoang vu nay đã trở nên sầm uất nhộn nhịp.

Địa lí cách trở không ngăn được tình bạn văn chương của hai người nghệ sĩ. Hễ có dịp vào Sài Gòn, ba tôi lại đến nhà chú Chế Lan Viên, ăn bữa cơm, khi rôm rả lúc trầm ngâm chuyện đời chuyện văn. Còn Chế Lan Viên mỗi lần ra Hà Nội (đi họp hay đi công tác nước ngoài) lại ghé nhà Bùi Hiển ở khu Trung Tự chơi, tiện thể sang thăm Phan Quang – nhà văn, nhà báo cùng công tác Bình Trị Thiên năm xưa. Đường sá xa xôi, tiền bạc hẻo (nhà văn nhà báo hồi ấy bị xếp vào nhóm nhà nghèo) nên việc gặp nhau cũng thưa thớt. Năng qua lại với nhau nhất là thư từ. Sau khi ba tôi qua đời (tháng 3 năm 2009), gia đình có sắp xếp lại những thư từ của bạn văn, tất cả có hơn một trăm thư, riêng thư của Chế Lan Viên chiếm khoảng năm mươi bức, có thư ngắn viết dăm chữ trên cái card visit, có thư dài bốn năm trang, đa số là từ Sài Gòn gửi ra. Đọc thư càng hiểu thêm nhà thơ “không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được” như đánh giá của nhà phê bình Hoài Thanh, vừa rất con người vừa rất lớn lao. Có thư tỏ rõ niềm vui ra tuyển tập của bạn với cách nói rất lạ và sự đồng điệu tuyệt vời (năm 1985): “Được tuyển của ông rất mừng. Thôi, một đời đắp lại thành nấm mộ, tôi cũng như ông, có gì liệu nấy. Bây giờ còn sống, viết được mới là chính… Tôi biết có nhiều việc ông đang suy nghĩ giống tôi, cũng tủm tỉm cười. Vì ta biết mọi việc sẽ là như thế, như thế.” Có thư Chế Lan Viên viết sau khi mổ khối u phổi, thiết tha một nỗi nhớ bạn và quyết tâm vượt qua bạo bệnh để đóng góp cho văn học nước nhà (năm 1988): “Nghĩ đến Hiển luôn đấy. Nằm viện lại ước có một chai rượu vang như ở Nam Tư, hai anh em uống với nhau sau khi đã chu du các nơi của Liên bang Ti Tô. Sức khỏe đã khá. Mong rằng Hiển và mình vẫn đang tại ngũ. Thư của Hiển động viên mình rất nhiều. Những ông già làm nên nền văn học, rồi lại những ông già đứng ra bảo vệ nền văn học. Hơn thế nữa, những ông già tiếp tục làm ra nền văn học mới. Chả có việc gì lấy cái già ra tự đe dọa mình.”

Sau ngày Chế Lan Viên qua đời (tháng 6 năm 1989), dẫu không nói ra nhưng tôi biết ba rất buồn. Ba nói vẻ xúc động: “Ông Thi vào thăm, biết không qua khỏi ông ấy hỏi bao giờ anh ra và rơm rớm nước mắt…” Rồi ba chép miệng: “Tội!”

Dần dà mãi sau này tôi mới giải mã được tình bạn chí cốt giữa Chế Lan Viên và ba tôi. Quê khác nhau, chú Chế ở Quảng Trị, ba ở Nghệ An. Tính cách có vẻ trái ngược, chú Chế thông minh, sắc sảo, nóng tính và trực tính, ba tôi hiền lành, điềm tĩnh, khoan dung. Vì sao lại chí cốt với nhau như vậy? Tình bạn này trong giới văn chương thời ấy nhiều người biết. Chìa khóa nằm ở chỗ hai người từ trẻ đã đồng hội đồng thuyền và đồng điệu, cùng ở trong cái nôi Chi hội văn nghệ Liên khu Tư do Lưu Trọng Lư làm Chi hội trưởng. Năm 1949, khi làm Uỷ viên kiểm tra của Sở Thông tin Tuyên truyền Liên khu Tư, nhà văn Bùi Hiển có chuyến đi công tác vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên. Ông dự định chỉ đi sáu tháng nhưng đam mê công việc thành thử kéo dài đến một năm rưỡi. Trở về Chi hội văn nghệ Liên khu Tư, Chế Lan Viên vốn đã thân thiết với Bùi Hiển liền giới thiệu ngay vào Thường vụ Chi hội khi nhà văn không phải trong Ban chấp hành. Về nguyên tắc là sai nhưng nghĩa cử này đã giúp bạn văn có được chế độ sau khi bị cơ quan cũ cắt lương. Cả hai cùng xông pha ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, đi sâu vào đời sống kháng chiến, học hỏi cách cảm, cách nghĩ và lời ăn tiếng nói của quần chúng. Chế Lan Viên ghi chép dày đặc trong các cuốn sổ tay, sau này có tặng cho bạn văn hai cuốn để làm tư liệu sáng tác. Rồi hai ông cùng sinh hoạt ở Hội Nhà văn với biết bao sóng gió và tràn đầy cảm hứng sáng tạo. Trên cái nền đồng hội đồng thuyền ấy còn có một sự đồng điệu trong cảm nghĩ, trong tâm hồn. Sự đồng điệu này như ngọn lửa nuôi dưỡng và hun đúc tình bạn keo sơn.

Trong 69 năm sống trên cõi đời, Chế Lan Viên đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước, đã kiên cường đối mặt và vượt qua bao bi kịch cá nhân để sống và viết, hiến dâng cho dân tộc. Trong hành trình sáng tạo cao cả, kì diệu đó, Chế Lan Viên đã tiếp thu nguồn năng lượng từ nhân dân, đất nước, từ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, từ gia đình để biến thành sức mạnh sáng tạo vô biên. Còn một nguồn năng lượng mạnh mẽ khác, đó là tình bạn văn chương cao thượng, đẹp đẽ, những cái nghiêng bóng, cái nâng đỡ tinh thần trong lúc khổ đau, loay hoay, bế tắc đã giúp ông thăng hoa trong sáng tạo.

Chế Lan Viên đã sống một cuộc sống giản dị, cao thượng, cống hiến hết mình cho thơ ca, cho văn hóa dân tộc. Ông tuy nóng tính, trực tính nhưng rất coi trọng nghĩa tình, thủy chung như nhất với bạn văn. Những bạn văn trong nhóm thơ Bình Định: Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan. Những bạn thơ đã sinh ra và sống ở Bình Định như Nguyễn Viết Lãm, Phạm Hổ. Bạn bè văn nghệ Liên khu Tư và Bình Trị Thiên có Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Hoàng Minh Châu, Bùi Hiển, Phan Quang. Bạn thơ ở Hội Nhà văn là Tế Hanh… Không nhiều nhưng rất tri âm tri kỉ. Cho nên trong bức thư cuối cùng (do anh Phan Trường Định, con trai ông mang ra Hà Nội) dù đầu óc đã rối loạn, ông cũng kịp tỏ lòng: “Biết ơn bạn bè Hà Nội, biết ơn bạn bè tuổi trẻ.” Chữ nghĩa xô lệch cứ rơi rụng dần như trái cây chín nẫu. Bạn bè đọc mà trào nước mắt.

Một thế kỉ trước, đất nước ta, văn hóa Việt Nam đã sản sinh ra nhà thơ thiên tài Chế Lan Viên. Để nâng đỡ hồn thơ, tượng đài thơ ấy, có bóng dáng thấp thoáng của những người bạn văn, bạn thơ. Họ đã đi cùng ông trên một chặng đường, chặng đường của dấn thân, sáng tạo, thức tỉnh. Cả ông và bạn bè nay đã cùng hội ngộ ở miền xa thẳm. Tiếng lòng của Chế Lan Viên cũng là tiếng lòng của nhiều văn nghệ sĩ đáng kính một thời. Họ đã cống hiến, đã miệt mài lao động và để lại một sức sống tâm hồn mãnh liệt, như chính những câu thơ của Chế Lan Viên: Anh tồn tại mãi/ Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi/ Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.

Theo Bùi Quang Tú/VNQĐ