Bùi Việt Thắng & đường đi của truyện ngắn

708

01.7.2018-17:30

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng

 

>> Sắc màu truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ

>> Sự trở lại của đề tài chiến tranh trên văn đàn

>> Đọc nhanh Những đứa trẻ mắc zịch

>> Văn chương kỳ ảo

 

Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn báo Văn Nghệ và đường đi nước bước của thể loại

 

BÙI VIỆT THẮNG

 

NVTPHCM- Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn (2015-2017) báo Văn Nghệ thuộc về nhà văn Nguyễn Trường (Giám đốc – Tổng biên tập nhà xuất bản Thanh niên). Thông thường khó khăn hàng đầu của bất kỳ cuộc thi nào cũng là tìm kiếm người đoạt ngôi vị cao nhất (hoa hậu với cuộc thi người đẹp, nhà vô địch với các môn thể thao, giải nhất với các cuộc thi văn chương, Huy chương Vàng với các cuộc thi nghệ thuật biểu diễn, thủ khoa với các kỳ thi tuyển vào trường,…). Không phải chờ đến cuộc thi này nhà văn Nguyễn Trường mới được bạn đọc biết đến. Anh là một nhà văn thuộc kiểu “chầm chậm tới mình”, đã sở hữu gần một chục tác phẩm văn xuôi nặng ký.

 

Sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa V), anh đầu quân cho Nhà xuất bản Thanh niên. Làm việc ở chi nhánh TP. HCM một độ dài rồi chuyển ra Hà Nội làm Giám đốc /Tổng biên tập. Lần đầu tiên nhà xuất bản này có nhà văn làm thủ lĩnh. Anh đến với Cuộc thi Truyện ngắn báo Văn Nghệ lần này với thái độ khiêm tốn, nhưng tự tin vì đã có bề dày trải nghiệm sống và viết. Trong hơn hai năm diễn ra cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 3000 tác phẩm dự thi, đã đăng hơn 400 truyện của hơn 100 tác giả dự giải. Cuốn sách Quà tặng tương lai (các tác phẩm vào chung khảo) là một ấn phẩm đẹp của Nhà xuất bản Thanh niên phối hợp với tuần báo Văn nghệ ấn hành ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm báo Văn Nghệ và trao giải Cuộc thi Truyện ngắn 2015-2017. Nhà văn Nguyễn Trường vinh dự nhận Giải Nhất với chùm truyện ngắn Vương quốc mộng mơ, Quà tặng tương laiMùa thanh long. Nhà văn Nguyễn Trường đã vượt vũ môn xuất sắc. Dư luận văn giới và xã hội hậu giải thưởng, theo chúng tôi, là đồng thuận, ghi nhận giá trị văn chương của các tác phẩm được giải, đặc biệt Giải Nhất.

 

Giải nhất văn chương thường được đem ra soi chiếu, qua đó để đánh giá chất lượng và uy tín cuộc thi. Chùm truyện đạt Giải Nhất của nhà văn Nguyễn Trường quả thực không làm “xấu chàng hổ ai”. Càng đọc càng thấy thấm thía vì sự thâm hậu của lối viết, cách đặt vấn đề sâu sắc và kín đáo, ngôn từ giản dị, giọng điệu chân thành. Vương quốc mộng mơ là truyện hay nhất trong chùm truyện được giải. Có thể nói khi viết về nhân vật ông Đạo Dừa tác giả rất vững tay, có bản lĩnh sống và nghệ thuật. Bởi vì vấn để tôn giáo luôn nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Con người sống trên cõi trần này ai  cũng muốn được nhập vào không gian, thời gian lý tưởng của xã hội thanh bình, yêu thương, no ấm, tự do và hạnh phúc. Nhưng lý tưởng và hiện thực không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận. Dám ước mơ nhưng phải dám hành động. Cần thực tiễn để cải biến đời sống chứ không cần những hão huyền, hoang đường. Có thể nói, truyện ngắn này đa nghĩa, nhiều tầng giá trị, nên khi đăng báo, Ban biên tập đã phải viết một sa-pô khá dài đề phòng những cách suy diễn lệch lạc với dụng ý không tốt. Cặp nhân vật chính ông Đạo Dừa (người mộng mơ, hoang tưởng, đôi chút phiêu lưu) và cô Diệu Nương (cháu/ và là cố vấn của ông Đạo Dừa, người thực tiễn, có khả năng làm cân bằng tâm thế người khác) là một “cặp đôi hoàn hảo”, một cặp “song kiếm hợp bích”, đã làm bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm – con người không thể bay khỏi mặt đất. Vương quốc mộng mơ là một truyện triết lý nhưng không khô khan, trái lại giàu chất sống. Nhà văn đã nghiền ngẫm hơn 20 năm để viết tác phẩm này từ những điều mắt thấy tai nghe.

 

Quà tặng tương lai (tên truyện được dùng đặt tên cho cả cuốn sách) là một truyện mang phong cách tâm lý – trữ tình. Tác giả kể (từ ngôi thứ nhất) câu chuyện về người mẹ của mình giữ gìn một kỷ vật của người lính mấy chục năm, luôn khắc khoải ngày gặp lại để trao trả món quà quý. Nhưng khi gặp lại thì con người đó (nhân vật Đăng) đã là một con người hoàn toàn khác trước, lãng quên cố tình quá khứ, say sưa với địa vị và quyền uy mới trên ghế Chủ tịch một quận ở Sài Gòn sau 1975. Truyện rất ngắn nhưng có mầm mống một tiểu thuyết vì mở rộng không gian – thời gian nghệ thuật. Cấu tứ của truyện có ý nghĩa nhân văn: nếu quá khứ không tạo nên giá trị và niềm tin thì mãi mãi nó không thể trở thành quà tặng tương lai, dẫu trong hoàn cảnh nào con người có lương tri không được lãng quên bất cứ điều gì, bất cứ con người nào. Đời sống là một dòng chảy liên tục, có quá khứ – hiện tại – tương lai. Con người không thể cắt khúc để sống. Truyện được viết theo bút pháp tâm lý, hướng vào nội tâm, phát hiện vẻ đẹp tâm hồn của con người chân chính, phê phán những kẻ bội bạc với đồng loại.

 

Mùa thanh long được viết theo phép ẩn dụ. Nói chuyện thiên nhiên cây cỏ, mùa màng thu hoạch với người nông dân có vẻ như là chuyện bao đồng, nhưng cuối cùng hướng tới chuyện của con người. Nhân vật chị Sáu trong truyện là một người tốt. Nhưng tốt theo lối cổ xưa – ôm đồm, đa mang mọi chuyện nên cuối cùng cứ như mắc vào mớ bòng bong trong mọi quan hệ tình cảm. Cái tình thương người của chị quả thật bao la, nhưng đôi khi vì thế mà “yêu nhau bằng mười hại nhau”, nghĩa là làm cho người khác vì được bao bọc, bao cấp mà trở nên thụ động. Mạch ngầm của truyện rất sâu, nó gợi suy nghĩ về việc cần thoát ra khỏi cái cơ chế quan liêu bao cấp của một thời kỳ dài khiến con người nhụt chí tự chủ, sáng tạo. Truyện được viết bằng một giọng cảm thương, chia sẻ nhưng không bi lụy, yếu đuối. Cảnh và tình, người và việc quấn quyện, tạo ra một cảm giác thú vị khi được trở về với chuyện của “tam nông” đang rất nóng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.

 

Nhìn chung, phong cách của nhà văn Nguyễn Trường đã định hình và phát sáng. Nếu có thể nói thì đó là phong cách tâm lý – triết luận – trữ tình. Nếu nói văn chương là nghệ thuật ngôn từ thì truyện của nhà văn Nguyễn Trường dễ đọc, dễ cảm nhận vì sự giản dị như là nguyên tắc phát hiện và thể hiện cái đẹp của đời sống qua câu chữ. Nguyên lý “cái đẹp chính là đời sống” đôi lúc bị coi là giáo điều này trở lại nguyên giá trị của nó. Trong thời đại cuộc sống số, trong sự ngự trị của mạng xã hội, không ít nhà văn chui sâu leo cao vào tháp ngà “ảo” khiến cho tác phẩm thiếu sinh khí đời sống, thậm chí rơi vào hoang đường, ảo tưởng. Nhà văn Nguyễn Trường không bị các ism (chủ nghĩa) chi phối (hậu hiện đại chẳng hạn). Anh viết theo truyền thống hiện thực chủ nghĩa vốn tạo nên thành tựu cơ bản của văn học dân tộc 10 thế kỷ. Anh có ý thức quan tâm đến độc giả, không mỵ dân, không “hoắng” lên như nhiều cây bút non nớt, thiếu bản lĩnh thường hay đắp điếm tác phẩm bằng những xảo thuật. Nhà văn viết theo quan niệm  “cái đẹp là sự giản dị”.

 

Qua cuộc thi, qua giải nhất bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình văn học nhìn rõ ràng dưới thanh thiên bạch nhật đường đi nước bước của thể loại truyện ngắn. Về lý tưởng thẩm mỹ, truyện ngắn phù hợp với quan niệm về cái đẹp của người Việt – cái “phải khoảng” (từ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu). Nghĩa là cái đẹp trong khuôn khổ vừa vặn, xinh xắn, quy mô nhỏ, hợp với tầm nhìn và cách nhìn của người ở xứ tiểu nông, lấy văn hóa cộng đồng làng xã làm thước đo, lấy lũy tre làng làm giới hạn tầm nhìn, lấy sân đình, cây đa, bến nước, con đò làm vật chuẩn. Truyện ngắn có truyền thống lâu đời trong nền văn học dân tộc (sớm nhất từ thế kỷ XIV- XVI, với những Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông và Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ). Sang thế kỷ XX, với những biến động lịch sử – xã hội to lớn, nhất là từ sau 1945, truyện ngắn mang thêm phẩm chất “tiểu thuyết hóa”. Nghĩa là trương nở về dung lượng, mở rộng và đào sâu hiện thực theo hướng sử thi – lãng mạn.

 

Những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, khi Việt Nam hòa nhập với thế giới thì nhiều tinh hoa của văn chương nhân loại được các nhà văn tiếp biến. Tính chất hiện đại của văn chương nói chung, truyện ngắn nói riêng đã mang những sắc màu mới. Kỹ thuật dòng ý thức, đồng hiện, lắp ghép, truyện trong truyện,…đã bước đầu in bóng trong sáng tác của nhà văn. Nhưng cần chống lại khuynh hướng a dua, bắt chước thô vụng vì văn hóa – văn nghệ cần nhất yếu tố dân tộc tính. Nhà văn Nguyễn Minh Châu có một ý hay cần nghiền ngẫm thấu đáo “Hãy đi hết cái dân tộc chúng ta sẽ gặp cái nhân loại”. Từ sau Đổi mới (1986) văn xuôi tạo nên nền móng, truyện ngắn tạo nên mặt tiền của văn chương. Nhiều cuộc thi truyện ngắn đã được tổ chức từ hơn 30 năm qua. Nhưng những cuộc thi do báo Văn nghệ  khởi xướng bao giờ cũng có uy tín văn chương nhất. Người ta nói về “truyện ngắn lên ngôi”, “mùa màng truyện ngắn bội thu”, “truyện ngắn có tương lai”,…nghĩa là nói về vị thế của thể loại truyện ngắn trong nền văn chương dân tộc thời hiện đại và đương đại. Nếu tổ chức dịch thuật và quảng bá tốt thì chúng ta vừa khiêm tốn, vừa có quyền tin tưởng và tự hào nói rằng, nhân loại sẽ biết đến một nền truyện ngắn Việt Nam “ngang ngửa” với bất kỳ nền truyện ngắn nào trên thế giới này. Đã có đủ cơ sở thực tế để nói về chân trời của truyện ngắn, ở đó phát rạng hồn cốt văn chương Việt có truyền thống nhiều thế kỷ. Đã hình thành một đội ngũ những nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc, nếu chỉ tính từ sau năm 1975 sẽ có Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Văn Thọ, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Trường,… bên phái nam và Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Thùy Dương, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư,… bên phái nữ.

 

Tin tưởng vào truyện ngắn là một tâm thế tích cực đối với độc giả khi tiếp nhận văn chương Việt Nam đương thời. Mỗi cuộc thi là một “cú huých” kích thích sự phát triển của thể loại  truyện ngắn. Vì sao? Vì truyện ngắn có ưu thế lấy ít nói nhiều, lấy điểm nói diện, giống như qua một giọt nước niển thấy hết biển cả, qua một giọt sương nhìn thấu cả mặt trời, qua đôi mắt mà thẩm thấu vào tâm hồn con người luôn luôn là một bí ẩn mời gọi nhà văn khám phá và sáng tạo. Nhìn rộng ra, truyện ngắn hợp với cơ chế đọc hiện nay và là một cách viết có ý nghĩa kinh tế – khi số chữ ít nhưng đạt tới hiệu quả cao bởiý tại ngôn ngoại”.

 

Hà Nội, tháng 6.2018

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Mùa thanh long

>> Quà tặng tương lai

>> Vương quốc mộng mơ

>> Hồn đẫm dòng quê thao thiết

>> Cái mới không mọc lên từ hoang tàn

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…