Bước tiến quan trọng nghiên cứu thân thế cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương

637

Chúng ta có quyền tự hào là có một nhà thơ Hồ Xuân Hương “Bà chúa thơ Nôm” vô cùng độc đáo chẳng những trên thi đàn dân tộc mà còn trên toàn thế giới. Các tác giả nước ngoài như nhà thơ Pháp Jean Sary, nhà thơ Bungari – Blaga Dimitrova, nhà văn Mỹ John Balaban đã cùng đồng thanh ca ngợi bà. Thế nhưng oái oăm thay, chỉ cách nay hơn 200 năm, nhưng tiểu sử và cuộc đời của bà là một khoảng mờ. Có một số tài liệu nghiên cứu thì lại mâu thuẫn, càng gây khó cho người muốn tìm hiểu về thân thế, cuộc đời người nữ sĩ tài danh.

Những nỗ lực của các nhà nghiên cứu không những không làm sáng tỏ được những khoảng mờ, mà đôi khi còn làm nhiễu thêm những điều vốn đã không rõ ràng. Nhưng may mắn thay, nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng là người “có duyên” với nữ sĩ tài danh họ Hồ đã âm thầm và quyết tâm làm rõ thân thế và cuộc đời của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Và tác giả đã có những thành công nhất định. Có thể nói nhờ có nhiều tài liệu của những người đi trước (76 tên tư liệu tham khảo), nhờ phương pháp làm việc đúng đắn, nhờ sự kết hợp các phương pháp và sự suy luận logic, tác giả Nghiêm Thị Hằng đã làm sáng tỏ tiểu sử và cuộc đời của Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương là một con người có thật chứ không phải là nhân vật sáng tạo của văn học dân gian. Tuy vậy về tiểu sử của bà trong hầu hết các tài liệu đều dè dặt và thận trọng khi đề cập.


Tranh vẽ minh họa bà Chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương.

Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX, NXB Văn Hóa, 1963 chỉ ghi “Hồ Xuân Hương là con ông đồ nho Hồ Phi Diễn, quê quán ở Nghệ An và một bà thiếp người Hải Dương […] người ta không biết rõ bà sinh và mất năm nào” (trang 261). GS Lê Trí Viễn, nhà nghiên cứu văn học trung đại cũng viết về việc nghiên cứu: “Nhiều thứ khó.[…] Khó từ cái tên của đấng sinh thành, từ ngày sinh, ngày mất, nhà thơ học hành ở đâu, ra sao, sinh sống nghề gì, như thế nào? Về chồng con, lời đồn có thơ kèm theo về Tổng Cóc, về tri phủ Vĩnh Tường có gì đáng tin cậy hay nữ sĩ chỉ mỗi lần làm thiếp Tham Hiệp An Quảng Trần Phúc Hiển?” (Lời giới thiệu – GS Lê Trí Viễn, Lê Xuân Lít, Nguyễn Đức Quyền – Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, NXB Giáo dục, 1998, trang 3).

Đúng là khó từ cái tên của đấng sinh thành. Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn trong cuốn chuyên khảo Hồ Xuân Hương tiểu sử văn bản tiến trình huyền thoại dân gian hóa, NXB Hội Nhà văn, 1999 đã dành cả một chương (từ trang 27 đến trang 81) để khảo sát về tiểu sử của Hồ Xuân Hương. Nhà nghiên cứu không tin vào kết luận của ông Văn Tân rằng, Hồ Xuân Hương là con của cụ Hồ Phi Diễn, là anh chị em họ với Hồ Thơm (Nguyễn Huệ). Nhưng đồng thời Đào tiên sinh cũng không tin rằng Hồ Xuân Hương là con của Hồ Sĩ Danh, là em gái hay em họ của Hồ Sĩ Đống (trang 37). Đáng ngạc nhiên là trong Đôi lời cuối sách, tác giả lại tự mâu thuẫn khi viết: “Vì thế, tuy chưa biết rõ năm sinh năm mất của bà nhưng những điều sau đây đã là chắc chắn: Hồ Xuân Hương là con Hồ Sĩ Danh và là em ruột Hồ Sĩ Đống” (trang 194). Như vậy, Hồ Xuân Hương là con ai, học giả Đào Thái Tôn vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, rồi sau lại nghiêng về Hồ Sĩ Danh mà không có bất kì chứng lí nào.

Nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng từ trang 24 đến trang 42 đã căn cứ vào Hồ tông thế phả, căn cứ vào xác nhận của những hậu duệ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, nhấn mạnh, cụ Hồ Sĩ Danh không rời quê, không thể có chuyện lấy vợ lẽ để sinh Hồ Xuân Hương. Mà chính cụ Hồ Phi Diễn mới là người sinh ra Hồ Xuân Hương, nguyên danh của bà là Hồ Phi Mai, tên chữ là Xuân Hương, bút hiệu là Cổ Nguyệt Đường.

Một điều thú vị là căn cứ vào tài năng rực rỡ, vào sự lận đận trong đường hôn nhân, hai lần lấy chồng đều làm phận lẽ mọn, và không có con cái, nhà nghiên cứu đã nhờ thầy tử vi Hoàng Văn Khôi lập được lá số tử vi của người nữ có “Đào hoa chính Ngọ” cho bà Hồ Xuân Hương. Kết quả của lá số tử vi xác định được năm sinh chính xác của Hồ Xuân Hương là Quý Tỵ 1773, và năm mất của bà là năm Nhâm Ngọ 1822, hưởng dương 49 năm. Đó là một điều chưa ai làm được. (Trang 58 đến trang 71).


Bìa sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của Nghiêm Thị Hằng.

Một vấn đề hấp dẫn khác liên quan đến việc xướng họa giữa Hồ Xuân Hương và người có tên là Chiêu Hổ. Trước đây, tác giả Tảo Trang đã đặt vấn đề Chiêu Hổ và Phạm Đình Hổ (Tập san Nghiên cứu văn học, số 3/1962). Người ta cũng bán tín bán nghi về Phạm Đình Hổ. Nghiên cứu kĩ thân thế, sự nghiệp và cả tính tình nghiêm cẩn đến câu nệ, không thích văn thơ Nôm, Nghiêm Thị Hằng kết luận: Phạm Đình Hổ không thể là “Anh đồ tỉnh, anh đồ say” được. Bằng việc khảo thơ văn tìm sử, tác giả đã loại bỏ danh sĩ Phạm Đình Hổ ra khỏi bút danh Chiêu Hổ. Mặt khác đây là một giả thiết có thể tin cậy, tác giả khẳng định Nguyễn Bình Kình, tức Nguyễn Cộng Hòa hay còn gọi là Tổng Cóc chính là Chiêu Hổ (trang 89). Ba bài thơ xướng họa chính là cuộc tỏ tình của hai người trước khi Xuân Hương quyết định về làm vợ lẽ Chiêu Hổ tức Tổng Cóc! Các lí lẽ đều khả thủ. Tuy vậy, ông Nguyễn Bình Kình sinh năm Dần (Hổ) nổi tiếng hay chữ Nôm, thơ Nôm như vậy sao không có tập thơ nào để lại có gây đôi chút băn khoăn!

Một vấn đề mà các nhà nghiên cứu đưa ra các ý kiến trái ngược, mâu thuẫn nhau đã được tác giả Nghiêm Thị Hằng giải quyết một cách thấu đáo, thuyết phục. Đó là sau khi bỏ ông Tổng Cóc bằng bài thơ Khóc Tổng Cóc (khóc cho mối tình đã chết chứ không phải ông Tổng Cóc quy tiên), Hồ Xuân Hương tái giá với ông Phủ Vĩnh Tường. Chứng cớ trong văn thơ là bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường. Nhưng ông Phủ Vĩnh Tường là ai? Có đến ba ông phủ Vĩnh Tường. Tác giả Nghiêm Thị Hằng không phải là người đầu tiên khẳng định ông phủ Vĩnh Tường là Tham Hiệp An Quảng Trần Phúc Hiển. Ở đây có chuyện một ông phủ Vĩnh Tường là Phạm Viết Ngạn, cũng có một người vợ là Hồ Xuân Hương, có con trai là Phạm Viết Thiệu. Tài liệu này do nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Khảnh đưa ra. Bằng những chứng cứ về tuổi tác của Hồ Xuân Hương, của hai cụ thân sinh Xuân Hương, tác giả Nghiêm Thị Hằng đã chứng minh ông Phạm Viết Ngạn không thể lấy “cụ” Hồ Xuân Hương khi ông 20 tuổi mà cụ Hồ Xuân Hương đã qua đời (1822). Các tài liệu tham khảo đã cho Nghiêm Thị Hằng khẳng định ông phủ Vĩnh Tường chính là ông Trần Phúc Hiển, một tội phạm của triều đình được tự xử chết ở quê là Tam Kì, Quảng Nam.

Một điểm đóng góp quan trọng nữa trong cuốn sách này là tác giả Nghiêm Thị Hằng đã “giải mã” nhân vật Mai Sơn Phủ, một người theo đuổi Hồ Xuân Hương là ai. Do đã tính được năm Hồ Xuân Hương lấy Tổng Cóc và năm bà bỏ Tổng Cóc về lại kinh thành, với biện pháp “khảo thơ tìm sử”, tác giả đã dựa vào câu thơ “Ngọn nước Tam Kì chảy lại đâu” trong bài thơ Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ để tìm ra quê của Mai Sơn Phủ là Tam Kì. Từ đó suy ra Mai Sơn Phủ chính là Trần Phúc Hiển. Ông đã lấy tên Mai của Xuân Hương (Hồ Phi Mai), ghép với danh xưng Trấn Sơn Tây, nơi ông làm Tri phủ Tam Đái thành biệt danh Mai Sơn Phủ.

Phần thứ tư của cuốn sách kể lại quá trình đi tìm mộ Hồ Xuân Hương. Tác giả đã nêu nguyên nhân vì sao cuộc tìm mộ nhà thơ Hồ Xuân Hương năm 2003 của con cháu không thành công. Với những cứ liệu lịch sử cùng với sự giúp đỡ của những người có khả năng đặc biệt, thấu thính, thấu thị, Nghiêm Thị Hằng đã xác định ngôi “Mộ Giày Thầy Lánh” chính là ngôi mộ ông Trần Phúc Hiển. Còn hai ngôi mộ ghi số 1850 và 1857 không có người hương khói với bài minh ghi là Huỳnh Hoàn Nhân và người đàn bà họ Phan đó là mộ Hồ Xuân Hương và mộ vợ cả ông Hiển. Lập luận của tác giả là khả thủ. Tuy nhiên, cần có sự khai quật ngôi mộ có số 1850 để khẳng định phán đoán của tác giả là chính xác.

Phần vĩ thanh, tác giả Nghiêm Thị Hằng đã tổng kết 9 điểm mình đã làm sáng tỏ về tiểu sử và cuộc đời Hồ Xuân Hương. Rõ ràng, như đã đề cập trong nhan đề bài này, chúng tôi một lần nữa khẳng định đây là một bước tiến vô cùng quan trọng trong nghiên cứu tiểu sử và cuộc đời bậc kì nữ của văn học Việt Nam và thế giới. Chắc chắn việc nghiên cứu thơ văn của Hồ Xuân Hương cũng sẽ có bước đột phá tiếp theo.

Theo PGS.TS Vũ Nho/VNCA