Buồn vụn – Tản văn của Lê Vạn Quỳnh

835

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thiển nghĩ, đời sống cần niềm vui để sống nhưng lại không có cách nào lánh khỏi nỗi buồn. Đôi khi người này buồn vì niềm vui của kẻ kia. Tôi xin hầu quí vị vài mẩu vụn buồn thường nhật, hy vọng chia sẻ những nỗi buồn bất đắc dĩ, khó tránh.

Nhà văn Lê Vạn Quỳnh

Chuyện có thể nói là nghiêm trọng dưới không ít con mắt người Việt, nó xảy ra trong lúc vị giáo sư Văn học chia tay cô học trò. Thu chớm lạnh, gió miên man thổi làm sâu thêm ngõ vắng đêm Hà Nội. Sau lời chào tạm biệt, giáo sư khép cổng nhà thì bất ngờ cô học trò nhích sát người bạo dạn thơm nhẹ vào mái tóc đã pha sương của ông. Có thể sự lịch thiệp sang trọng trong tâm hồn, học vấn uyên thâm đáng ngưỡng mộ của giáo sư đã làm cô trò nhỏ không thể kiềm chế hay đơn giản chỉ là sự sùng kính có tinh thần thượng tôn hơn cả tình yêu? Sáng hôm sau, khác với mọi lần, vợ giáo sư trao tận tay chồng chén nước thoang thoảng hương nhài, bà nhìn yêu ông và dặn: “Lần sau ông đừng đứng bên học trò lâu thế nữa nhé!” Với giáo sư, cử chỉ tương tự của nhiều sinh viên cũng thỉnh thoảng xảy ra và ông trân trọng tiếp nhận theo tính xã giao truyền thống. Vợ ông thì khác, cái thơm nhẹ của cô học trò vào mái tóc của chồng đã mang đến một chút buồn đủ làm xao động sự yên bình đang hiện hữu trong bà.

Nhưng dở khóc dở cười nhất phải là việc anh bạn tôi cưới vợ lại. Cơn mưa đêm bất chợt đã cho anh cơn mơ có thật. Anh làm nghề ảnh có khiếu văn thơ, nói năng điệu đà ý vị, đương nhiên giao tiếp phải “mở” mới phát huy được tay nghề. Vợ đảm đang nghề cá gia truyền, cá được mua từ vùng cửa bể lúc hừng đông tại các vạt lưới rùng. Gom đầy thúng chở xe lên phố, đúng hẹn được thì bán cất, muộn hẹn thì bán rong, bán lẻ. Hôm nào đạp không nổ cái xe Tàu cà tàng thì gọi xe ôm. Thúng cá ưu tiên đặt trước, chị ngồi sau ôm chặt. Có bận, xe lao nhanh đụng ổ gà. Thúng cá nguyên trên xe, chị văng xuống đường đau điếng. Bò dậy, liền giục anh xế ôm nhanh cho kịp chợ.

Bạn tôi bị vợ bỏ hờ với lí do lãng xẹt. Cũng một phần tại đàn bà kẻ bể quen làm lụng dâng hiến, tính khí xồn xồn vùng vẫy như cá bị lưới rùng quây cuốn, họ không mộng mị day dứt như đám nữ sỹ, nữ công chức thành phố. Số là hôm đó, chị lục tìm giấy loại để gói cá cho khách từ đống sách chỗ đầu giường thì đụng phải mấy câu… thơ. Lại là thơ tình, em anh, chàng nàng thật ngọt. Chị cho đó là thứ rượu lậu của mấy người dở hơi. Con gái chị lại vô tư cho mẹ xem phây của anh, gái những đâu mà cứ đẹp như tranh. Những lời ba hoa nông nỗi từ thói văn thơ cứ thế cất cánh đậu vào phía dưới từng trang mạng. Dâm tang đạo tích, từ đó bạn tôi gặp cảnh tình ngay lí gian. Chị vợ xuống ở riêng tại nhà dưới, ngang dãy phòng anh. Nhà bạn tôi vẫn theo kiểu nhà ở quê, nhà trên và nhà dưới được xây vuông góc với nhau. Công việc vẫn vậy, chị gom cá mỗi ngày, anh từ sáng đến tối lui cui săn ảnh đẹp cho kịp đợt thi ảnh nông thôn. Ăn cơm chung. Ngủ riêng. Cuộc chiến không thể kéo dài. Bạn tôi kể, đêm ấy trời xui mưa to gió lốc, cửa sổ nhà chỗ chị nằm bật tung, nước tạt xối vào nhà. Không kịp đi dép, anh vội chạy xuống tìm dây buộc cửa. Chậu nước vừa hứng từ mái kè, chị giội cho anh rửa tay. Anh khẽ cúi để chị lau vết nước ướt bờ vai săn chắc. Căn phòng lắng lại, phả hơi ấm da thịt đàn ông. Xong việc, anh tần ngần nơi bậu cửa, chị bảo: “Trời này mưa còn lâu”. Câu nói trống không nhưng đã phá tan cái băng giá của đợt chiến tranh lạnh… Vậy là sau vài tháng tù đày, trời se lại mối lương duyên chỉ bằng một đêm mưa nặng hạt, họ bên nhau cứ thẹn thùng như buổi mới yêu.

Hai mẩu vụn có chút buồn được kể trên đây không phải hiếm gặp trong đời. Chuyện vợ chồng vị giáo sư trước cử chỉ âu yếm của cô học trò có lệch pha nhau, ông xem đó là tình cảm đáng quý của học trò dành cho thầy lúc chia tay còn bà phút chốc tâm can bị chao lắc thiết nghĩ cũng là chuyện thường tình. Ở mẩu vụn thứ hai, vợ chồng bạn tôi còn trẻ, sự khác biệt lại ở tính cách mỗi người, chị chịu khó làm lụng, anh ưa thích giao du, cơm đủ no áo đủ mặc vẫn còn thấy thiếu. Thật may cơn mưa đêm ấy, trời đã se lại cho họ mối lương duyên có cơ chừng đổ vỡ.

Hai mẩu vụn trong đời sống thường ngày của hai cặp vợ chồng và đều buồn thoảng. Chút buồn đó đã gây nên những sang chấn dịu nhẹ trong quan hệ khó tránh khỏi nỗi buồn kiểu này. Nó không xối xả không hình hài mà chợt đến chợt tan hoặc lắng sâu chôn chặt. Hiệu ứng từ đó gây ra có thể ví như sự cộng kết trong mạch nước nguồn, hạt vi lượng thì vô hại có thể bỏ qua còn dần dà cô đọng thành cặn lắng sẽ làm cản trở lưu thông dòng chảy.

Hôm rồi tôi về quê tìm bạn cũ thì đụng ngay thằng Hóm tại quán đầu làng. Hắn rõ nhớ bao việc xảy ra từ thời trẻ trâu nhưng cũng rất chăm chú lắng nghe vài mẩu được tôi cho là có tí buồn vụn. Chẳng chút sẻ chia, ngược lại, Hóm thủng thẳng: “Mi coi rứa chứ tao chả thấy có tí buồn chi!”; và, như muốn truyền sinh khí sang tôi, giọng hắn trở nên trầm ấm: “Nhiễm bệnh từ lúc mô mà cữ ni hay buồn rứa, ông nội? Người ta khi lạc vào trần gian thì bản tính đã được đấng tối cao cài đặt những gen của yêu của ghét, chút lầm lẫn, và cả ngu ngơ kỳ dị nữa. Nó cứ thế sống hồn nhiên trong đời như tre trúc bờ ao, băn khoăn chi cho thêm nhọc đầu! Không tin mi cứ lấy sự đời ra đong đếm… thử coi?”

Bạn tôi ngay từ nhỏ đã nói như cụ non. Giờ còn rành đậm hơn thế, những việc tưởng như nhỏ nhoi lặt vặt, rồi nỗi buồn mà tôi cho là vụn cũng được hắn giải mã bằng cả trăm cái lí sự. Ấy vậy về quê là tôi tìm đến hắn. Năm nay rét muộn. Chiều cuối đông hai đứa cười bên nhau bằng những chuyện bé bé con con như thế. Tôi thưởng Hóm chén rượu quê như để trả ơn, hắn cười tớ hớ làm rơi cả chén xuống bàn. Nghe động, mấy anh em nhà Cún con vội nhao ra sân sủa váng lên và chỉ giây lát chúng lại ngoáy tít cái đuôi luấn quấn quanh chân mấy vị khách như là nhận lỗi.

L.V.Q