Buông và giữ: Nâng niu xuân đời

700

Nguyễn Thị Phụng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xuân đời quả là hấp dẫn với những ai biết nâng niu. Xuân chứa bao nhiêu là sắc, đó là sắc biển trời, sông núi… bất tận; đời tích lũy bao nhiêu là hương mà hương hoa người mới lạ. Chuyện nâng niu xuân đời đâu dễ dàng như cơm trong chén có và ngay. Càng nhọc nhằn như thể: “Đi trên sợi dây căng giữa hai bờ vực/ Tôi hái những câu thơ/ Hạnh phúc” (Vô đề – Phạm Văn Phương). Nam Thi đã chọn đi trên sợi dây căng ấy để hái những câu thơ cho mình chẳng thể tận hưởng hạnh phúc riêng còn tiếp tục sẻ chia tập thơ thứ ba: Buông và Giữ (NXB HNV 2021).

Tập thơ Buông và giữ của Nam Thi

Sự tích lũy nguồn “tài sản” nào cũng làm người ta say mê biết năng nhặt chặc bị, gói ghém vẫn là văn hóa thường nhật cần duy trì bảo vệ. Khao khát vươn tới cái hay cái đẹp, bản năng vốn có đôi khi gặp phải sự đôi co ít và nhiều, còn và mất dẫn đến mâu thuẫn. Nặng là xô xát đẫm máu, nhẹ là sự ngấm ngầm diễu nhại chê bai đả kích. Thơ vốn lại nằm trong nội hàm tổng quan văn chương với mục đích “văn dĩ tải đạo” có từ xưa. Thơ chịu sự chi phối đời sống vật chất và tinh thần để tinh luyện thành những tứ thơ hay, nên thơ luôn được tiếp nhận trong sự thanh lọc mở rộng nâng cao tâm hồn. Thể như cách cho và nhận để tìm ra sự sống và cái chết của hai chữ: công bằng. Thì Buông và Giữ của Nam Thi bắt nguồn những cảm hứng sáng tạo cái vốn có trong đất trời gieo vào lòng người nhạy bén mà vô cùng vật vã: Cành buông cho chiếc lá rơi/ Em buông cho tóc rối bời đêm qua/ Giữ chi một mảnh trăng già/ Rơi trên đỉnh núi sương sa mái đầu/…” (Buông). Phút chốc cùng với sự tồn tại chừng mực lay động cảm xúc nhắn nhủ: “Giữ dùm chiếc lá trên cành/ Sinh ra là để cho xanh một đời/ Mai này lá úa thu phai/ Vàng bay theo gió bên đời ai hay/…”(Giữ). Vừa ngậm ngùi, thương cảm thân phận, nhưng cái khó nhất trong đời người hãy biết tự giữ cốt cách, không buông xuôi, mộc mạc nhẹ nhàng như ca dao: “Giữ dùm tiếng võng ầu ơ/ Ngày xưa mẹ hát câu thơ ru hời/ Sông ơi giữ hộ sông ơi/ Trăm năm còn lại chỉ lời mẹ ru” (Giữ).

Lời mẹ ru ấm áp yêu thương che chở, điểm tựa đời con bớt đơn côi, tủi phận. Lời mẹ ru là di sản văn hóa tinh thần được khai sinh từ thời văn minh lúa nước. Lời mẹ ru ngọt ngào sâu lắng tỏa hương trong thi hứng tứ thơ bay bổng, là sự đúc kết chứa chan ân tình, là nền tảng nảy nở đơm hoa trong vẻ đẹp tâm hồn: “Thơ thơm mùi rạ/ giản dị mà thiêng liêng như hạt lúa/ cha vừa sạ hôm qua/…/ Thơ theo ta tận chân trời góc bể…/ Thơ mát như gió nồm/ thoáng hương lúa đang thì con gái/…/ Thơ là em/ gối đầu trên cánh tay ta say ngủ/ hơi thở thơm tho như mùi cơm gạo mới/ trăm năm như một ngày chưa đủ” (Thơ Hạt lúa và em). Bao dung lại nuối tiếc… cũng chỉ là chút bối rối thời gian. Cái quý giá kế thừa cho em tận hưởng là mỹ tục của sự thuần phong. Không riêng gì anh, qua bao thế hệ duy trì và em không thể lãng quên (Ngọn nến, Lửa đã về trời,…).

Trong Buông và Giữ thường có những mối quan hệ sóng đôi mật thiết, không thể có cái này mất cái kia, bền vững như cõi trời và đất có âm và dương đâu dễ tách rời (Sông và Biển, Thuyền và Bãi, Thơ Hạt lúa và em, Mây trắng và trời xanh cùng về, Đất nước và Người, Núi và tôi, Đất và Người,…). Không còn giả dụ sự hữu hạn đời người là duy trì tiếp nối và sự vô hạn của tự nhiên là bồi đắp, điểm tô đến một lúc nào đó cũng cạn kiệt hao mòn, muốn tái sinh phải trở lại luân lưu:

Rồi cũng qua một mùa khô kiệt

Dòng sông sống lại thuở nguyên sơ

Triệu triệu năm ngủ trong hạt cát

Thức nghe sông hát dậy đôi bờ

(Dòng sông cổ tích)

Dòng sông cổ tích hiện hữu muôn đời chẳng bao giờ cạn. Từ mạch ngầm của Bí tích tình yêu* lớn dần, thăng hoa thoáng qua rất trần trụi mà an lành: “Đêm từng đêm chúng mình cùng thức/ Trên cao cao soi ánh trăng ngà/ Bên thềm khuya hương thơm nưng nức/ Nụ hôn sâu mật ngọt trăm hoa” khó nén: “Đời ta khắc khoải như chiều muộn/ Chút nắng vàng phai đến cuối ngày/ Còn em như thể ly rượu đắng/ Không uống mà ta vẫn cứ say” (Quán đời). Cái say thi nhân hợp với lẽ đời nồng thắm ngất ngây: “Mình với ta triệu năm hương lửa/ Ngày dẫu tàn xin mãi sáng soi” (Mặt trời nhỏ của ta ơi). Dù nói quá triệu năm hương lửa dẫu thuộc về quá khứ và lời khẩn cầu xin mãi sáng soi. Cho đến cách song hành sự đối lập ở hai trạng thái thức và ngủ, thực và mơ. Vẫn duy trì điểm tựa trên sợi dây căng giữa hai bờ vực, Nam Thi phóng khoáng tin yêu trong Lời cầu xin mặt trời:

Ta cùng thức nhé em

mặt trời nhỏ của tôi

Cả trong giấc mơ và trong đời thực

Như đóa hồng nhung vẫn thức

Trăn trở suốt đêm chờ bình minh để nở”.

Không gian Buông và Giữ của Nam Thi dành cho anh và em trong vòng tay bên nhau, bảo bọc và che chở (Ngủ đi em), thủ thỉ với mặt trời nhỏ của tôi là em viên mãn hạnh phúc. Em và tôi chính là hiện thực của nhau, hãy cùng đong đầy ước mơ khát vọng của anh: Như đóa hồng nhung vẫn thức … chờ bình minh để nở, dẫu có trăn trở, cuối cùng hoa tỏa hương dâng hiến cho đời.

Không gian Nơi tình yêu trú ngụ trong Buông và Giữ có phải là Quán đời, Quán trần ai cho thi nhân. Ngỡ cái tĩnh bình yên cho “Những đêm khuya tôi ngồi với tôi/ Chung trà lưng đã nguội lâu rồi/…”(Biết gọi tên ai) rồi giật mình, những xa vắng mênh mông ùa về: “Tôi muốn hỏi thềm xưa rêu phủ/ Nơi đâu từng in dấu chân người/ Hiên vắng chiều mưa chung trà nguội/ Lặng nhìn từng cánh tử kinh rơi/…”(Nhà cổ). Rất tự nhiên đâu dễ dàng thay đổi. Trong kết nối giữa có và không, giữa sinh và tử làm sao níu giữ vòng xoay như Nhà thơ Attila F Balázs đã từng chia sẻ: “Ai đã từng ở trong vòng xoáy/ đều hiểu rằng đi tới/ cũng chính là trở về…”(Hắc thần). Thôi thì: “Cứ vui đi em/ cạn chén/… / cứ thảnh thơi mây ngàn hạc nội/ viết câu thơ lên bầu trời/ cho mây cho gió mang đi/ cứ thả tình cho nước cuốn trôi/ ra sông ra biển” (Con chuột bạch va cái lồng xoay).

Buông và giữ là duy trì vẻ đẹp tâm hồn, văn hóa tinh thần để người bên người tử tế với nhau. Nếu như khoảnh khắc buộc cái nhớ chưa dám định vị thuở nào thì Tiếng hát thì thầm hiển hiện những địa danh từ một vùng quê cha (Nhớ mưa Sài Gòn), đến quê mẹ miền Trung (Nhớ Huế mùa Cô-vid), âu lo cơn đại dịch bùng nổ ở Đà Nẵng (Nhớ mùa thu sông Hàn), trong những ngày mưa bão và tình người cưu mang(Gửi em gái Cửu Long),… Phải chăng tấm lòng nhân từ  độ lượng ở Nhà thơ trong công việc “thông tấn”của nhà báo thường ngày trân trọng nâng niu. Buông và Giữ còn là tập nhật kí vẻ đẹp tình người với cộng đồng xã hội: “Trời không nói gì/ Đất không nói gì/ Mà vạn vật sinh sôi/ Con virus và con người cũng thế/ Cộng tồn và thiên địch” (Điều con tim không nói).

Nhưng gần gũi thân thương nhất dẫu là Ở hai phía không nhau vẫn nhận ra được: “Có gì khác nhau giữa chia li và sum họp/ Như ngày đêm,/như đôi bờ, như đôi câu lục bát/ Vẫn cần có nhau/ như anh và em/…” những mùa cũ còn nguyên trinh áo trắng sân trường (Quy Nhơn và nụ hôn đầu đời, Những mối tình không giải mật, Nợ em suốt một đời, Tin vào đôi mắt, Áo dài ơi,…). Đến những người bạn trong đời khắc ghi (Nằm mơ gặp bạn cũ, Nói với bạn cố tri, Nước mắt Tân Châu, Đêm phương Nam quyến rũ, Bỗng dưng nhớ Cai Lậy,…). Cuộn phim thời gian xếp giữ đến giờ: “Cho dù mái tóc bạc phai/ Có nhau ngày tháng hóa dài trăm năm” (Đầu năm mừng sinh nhật em).

Dấu mốc trong Buông và Giữ là sự trăn trở cảnh vật quanh mình, thi tứ dâng trào bung tỏa cảm xúc nhất là thơ bốn câu, thơ ba câu, thơ hai câu. Lúc ngắm một cội mai già nhớ đến người cha đầy tự hào (Vịnh lão mai, Giỗ cha,). Lỡ tay tỉa gãy một cành hồng mới nhú không thôi day dứt (Oan nghiệt). Chuyển thời gian thực trong ngày theo chiều hướng dấu mốc lịch trình tiến hóa (Lời tự tình cuối năm, Tiễn xuân,…) ngỡ bình yên mà dao động trong mỗi tứ thơ đã bật ra, cố nén lại bung quẫy (Con đường hoa đỏ, Sài Gòn quen mà lạ,..) để thấy khí khái yêu tự do, chọn lẽ phải, không nhún nhường: “Ta đã trả cho Sài Gòn mồ hôi và tuổi thanh xuân/ Gần trọn cuộc đời nay còn phải học/ Làm quen với nhà cao tầng và cầu vượt/ Mãi vẫn chưa quen ngước và luồn” (Sài Gòn quen mà lạ), và khi trở về người con ngậm ngùi (Con xin tạ lỗi mẹ cha).

Ngay từ tập thơ đầu của Nam Thi: Tôi không tìm thấy tôi (2019), gom nhặt chặng đường say mê, thử thách được tôi luyện thời tuổi trẻ đến những ngày về hưu. Tiếp là Đi và Về (2020) phải chăng đã trải nghiệm trong sự kết nối sẻ chia tình người những ngày giãn cách xã hội. Đến Buông và Giữ là Nâng niu hương đời trong sự dung hòa giữa cái ta với đất trời, là đời sống tâm hồn vô cùng quý báu đến dường nào: “Em đừng hỏi, xin em đừng hỏi/ Thơ vô ngôn, thơ bất tận ngôn/ Cũng như trái tim thơ không nói/ Tình và thơ nuôi sống cuộc sinh tồn” (Đêm nghĩ về thơ). Hầu như mỗi thời điểm sáng tác không theo khuôn mẫu nào cả, vẫn ngữ điệu tâm tình đó là phong cách Nam Thi. Chuộng nhất là thơ tự do thoải mái cho thi hứng phát triển mọi đề tài theo từng chủ đề nhất định. Nhất là trăn trở cảnh vật và cuộc sống quanh mình. Làm thơ, với anh là thú vui tao nhã thường ngày được nâng niu con chữ vốn thuộc nằm lòng “Ngày xưa mẹ hát câu thơ ru hời”. Làm thơ như thể chơi hoa, cây kiểng- chơi thơ, đúng hơn là chơi với thơ của một người tử tế.

Kể ra, Nam Thi chia sẻ “Một đời người gom lại thành ba tập thơ: thượng (Tôi không tìm thấy tôi), trung (Đi và Về), hạ (Buông và Giữ). Thế cũng đủ. Ba tựa đó nói lên ý nghĩa đời người: dấn thân, trở về và giải thoát”… Cùng với hai tập truyện ngắn đã xuất bản. Để rồi, trong cách chọn: “Anh sẽ trở về nơi có em” (Nơi anh trở về) cùng: “Nước sông Côn khi đầy khi vơi, khi trong khi đục/ Mà muôn đời vẫn chảy về xuôi” (Về Tây Sơn Thượng nghe vang vọng lời Tổ tiên). Thế mà anh: “Sáng lên đèo cùng sương sớm/ Chiều xuống núi với mây ngàn/ Dừng chân bên đèo mà nhớ/ Nụ cười của ai theo ta về Tây Sơn Hạ đạo/ Mưa rừng thấm áo/ Em có hay” (Ta chỉ là kẻ phàm phu) xôn xao cuộc hành trình chẳng là ngạc nhiên trong sự đồng cảm và ghi tạc cùng thi nhân. Thì tin chắc ngoài quyển hạ, còn có “hè” hay “hạ chí đến lập thu, trung thu,…” nữa cơ.

07.04.2021 

N.T.P