Bút ký “Tiếng vọng”: Những thước phim của Hồ Nghĩa Phương

696

Phạm Văn Hoanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – 27 bút ký trong tập “Tiếng vọng” của Hồ Nghĩa Phương như 27 thước phim về những miền quê mà anh đã từng đến. Nó phản ánh những góc cạnh, soi rọi từng góc khuất của đời sống của từng vùng miền một cách tường tận nhất, với những nỗi niềm hoài niệm, trăn trở, suy tư.

Nhà thơ Hồ Nghĩa Phương tên thật là Hồ Văn Minh, quê ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học – nghệ thuật Quảng Ngãi. Anh đi nhiều và viết nhiều. Đến đâu anh cũng ghi lại những điều tai nghe mắt thấy bằng những lời văn, lời thơ bình dị, chân thành. Những lời văn, lời thơ ấy qua thời gian thai nghén đã cho ra đời những đứa con tinh thần: “Nhật Ký thời gian” (Thơ-2008), “Dấu chân” (Thơ-2011). “Đối diện tôi” (Thơ-2015). Và mới đây, tháng 9 năm 2020 anh cho ra đời tập bút ký “Tiếng vọng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).

27 bút ký trong tập “Tiếng vọng” của Hồ Nghĩa Phương như 27 thước phim về những miền quê mà anh đã từng đến. Nó phản ánh những góc cạnh, soi rọi từng góc khuất của đời sống của từng vùng miền một cách tường tận nhất, với những nỗi niềm hoài niệm, trăn trở, suy tư.

Đọc bút ký của Hồ Nghĩa Phương, ta không chỉ mê mẩn bởi lối kể chuyện giản dị, gần gũi, mà còn cảm thấy hấp dẫn bởi “Tiếng vọng” của anh như níu kéo người đọc trở về thời quá khứ, khiến họ như được gặp lại mình của ngày xưa. Bởi anh kể chuyện của riêng mình, của địa phương mình, nhưng thật ra đó là chuyện chung của nhiều người. “Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Vệ, thị trấn quê tôi (Chợ Trạm) nằm bên bờ Bắc sông Vệ là một trong những thị tứ của tỉnh… Dòng sông Vệ bắt nguồn từ rừng núi giáp ranh Kon Tom – Quảng Ngãi, hợp lưu nhiều suối nguồn khác mà thành… Dòng sông yêu thương này đã ghi dấu trong tôi ăm ắp kỷ niệm tuổi thơ. Mỗi chiều về tôi cùng chúng bạn ra sông bày ra nhiều trò chơi con trẻ thật hồn nhiên vô tư như thi: bơi, lặn, chạy, nhảy… tổ chức trận đánh giặc giã giữa hai phe của xóm…” (Dòng sông vẫn chảy). Những câu, từ bình dị chân thành nhưng có sức lay động người đọc bởi nó dạt dào vốn sống, chan chứa tình yêu, giàu hình ảnh. Đọc xong bài bút ký những người đã qua cái tuổi “tri thiên mệnh” vẫn cảm thấy mình trẻ lại thời thơ ấu. “Ta yêu lắm những trò chơi thời con trẻ những chiều hè gió mát thả diều, lặn bắt cá tôm, trò chơi giặc giả… đùa nghịch giỡn nhau lấm lem bùn cát, hãy cho tôi trở lại tuổi thơ bên dòng sông quê hương, thấm sâu ân nghĩa” (Cuối năm nhìn lại).

Không chỉ Chợ Trạm và Sông Vệ mà những tên làng, tên đất, những bến đò cũng lần lượt hiện lên qua ống kính của anh. “Tôi nhớ hàng dừa, lùm tre và bụi chuối bên nhà ông Bụi soi bóng nước. Những thửa ruộng gần đó thay đổi màu theo vụ mùa… Thời gian vụt qua thật nhanh, nhìn lại mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ. Thỉnh thoảng tôi có dịp quay trở lại những nơi đặt bến đò cũ thì dấu vết xưa đã không còn, thay vào đó là những chiếc cầu bê tông cốt thép, vững chải nối đôi bờ” (Tiếng vọng). Phải là người nặng lòng với quê hương, với dòng sông, bến nước, con đò, luôn hướng về một cuộc sống tốt đẹp mới viết nên những câu văn biểu cảm hay như vậy. Vì yêu quê hương nên trong mỗi bút ký, anh thường ghi lại những suy tư, trăn trở, mong ước đi tìm cách để bảo tồn nét đẹp bình dị, giữ gìn nét văn hóa trong cuộc sống hiện đại. “Một điều ước nữa mà tôi không biết bao giờ xã Nghĩa Phương triển khai được, đó là khu du lịch sinh thái Cấm Ông Nghè” (Những ngọn núi quê hương). Lần giở đọc các bút ký “Thành phố Quảng Ngãi – tầm nhìn và xu thế phát triển”, “Có một phố cũ và một Bích Khê ven sông Vực Hồng”, “Thu Xà vùng đất nhớ thương”, “Biển Mỹ khê điểm nhấn du lịch ở thành phố Quảng Ngãi”… ta sẽ thấy được nỗi niềm trăn trở của anh. Trái tim của anh rung động trước những đổi thay của thành phố Quảng Ngãi. “Có một thành phố Quảng Ngãi sẽ phát triển du lịch khi đời sống người dân khá hơn, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng là tất yếu. Chỉ có điều ta phải làm gì để phát triển bền vững, không nóng vội chạy theo lợi ích trước mắt mà phá vỡ cảnh quan kiến trúc…” (Thành phố Quảng Ngãi – tầm nhìn và xu thế phát triển). Hồ Nghĩa Phương đã có một cách quan sát tinh tế, một sự cảm nhận tài hoa, một cách viết nhẹ nhàng, biểu cảm và đầy chất thơ. Hầu như các vùng miền ở tỉnh Quảng Ngãi có cảnh đẹp hoang sơ tự nhiên anh đều đặt chân đến và ghi lại. Đọc “Đến với núi Thình Thình”, “Ốc đảo xóm Lân”, “Gò Cỏ vùng đất ẩn chứa nhiều dấu tích”, “Bùi Hui trong tầm mắt tôi”, “Thác Cao Muôn – muôn đời vẫn thẳm xanh”, “Những ngọn núi quê hương”, “Về Bình Dương yêu con sông quê hương trong thơ Tế Hanh”, “Lý Sơn – vùng biển đảo thân yêu”… ta sẽ thấy những suy tư, trăn trở của anh.

Bút ký “Tiếng vọng”, Hồ Nghĩa Phương viết bằng cả một tâm hồn văn chương tinh tế, đọc lên nghe như những câu thơ ngân nga làm ta khó quên.

P.V.H

(Hội VHNT Quảng Ngãi)