Cá âm dương – Truyện ngắn của Kỳ Nam

904

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chuyến bay từ Đài Bắc trở về Sài Gòn mất hơn bốn giờ, thời gian không dài lắm nhưng Quân thấy mệt mỏi vô cùng, chắc là do dư âm của cuộc đàm phán gai góc và những tiệc rượu giao lưu suốt mấy ngày qua sau khi hợp đồng với WQ được ký kết. Vừa mở cửa căn hộ, Quân đi thẳng vào phòng, mở máy điều hòa, buông người thả hết 70 ký xương cốt thịt da đổ nhoài ra giường, gần như ngay lập tức chìm vào giấc ngủ.

Tác giả Kỳ Nam

Quân thấy mình vẫn còn đang ở nhà riêng của đối tác Đài Loan. Tiết Du – vừa là đối tác vừa là bạn thân từ hồi du học ở Mỹ – đang hào hứng giới thiệu về một món ăn đặc biệt sắp được chính đầu bếp mang ra. Anh ta nói tiếng Quan thoại chêm tiếng Anh giọng Mỹ nghe thật khó chịu.

Khi Tiết Chiêu (thường gọi Tiết Cheo) bưng ra một con cá lớn trong cái đĩa men xanh ngọc lục bảo và trịnh trọng đặt xuống giữa bàn tiệc, Quân và ba người đàn ông cùng ngồi với Tiết Du kêu lên kinh ngạc vì không thể tin nổi, có người ngay lập tức bấm hàng chục kiểu ảnh và cả quay video ở mọi góc độ.

Tiết Du đứng lên tươi cười vỗ vỗ vào vai Cheo:

– Đây là đầu bếp Tiết, em trai tôi, truyền nhân đời thứ ba của sư phụ Vương, người sáng tạo ra món cá chép trứ danh mà quý vị sắp thưởng thức. Đó là món cá âm dương, món ăn đã bị cấm trên toàn lãnh thổ Đài Loan, trừ ở đây.

Quân như bị con cá thôi miên, con cá chép dở sống dở chết đang mở to mắt nhìn chung quanh một cách đáng sợ, trên mình nó phủ đầy nấm đông cô và cải thảo, một loại nước sốt có màu đỏ lênh láng đọng chung quanh nó, khói vẫn còn nghi ngút bay lên. Con cá tội nghiệp há miệng lên tục như đang cố hớp lấy từng chút không khí, hai bên mang vẫn thở phập phồng. Cái bàn ăn bằng đá xoay từ từ lướt qua từng người, con cá trông như vẫn đang bơi trong một chậu nước vô hình. Bất ngờ nó dừng lại, Quân nổi da gà khi đôi đũa mun đen của Tiết Du cắm ngập vào lưng cá gắp ra một miếng rõ to bỏ vào chén mình. Bên tai Quân nhức nhối lời thuyết minh của Tiết Cheo về cách chế biến món cá, cách bảo toàn tế bào thần kinh vận động để nó có thể cử động phần đầu như đang sống trong khi phần thân đã được làm chín đúng 120 giây trong chảo dầu (có thể thay đổi theo trọng lượng cá). Anh ta quả quyết cách ăn này siêu đại bổ, thực khách có thể hưởng thụ hết tinh hoa của món ăn từng đứng đầu danh sách thực đơn trong các nhà hàng lớn ở Đài-Loan, dĩ nhiên là do các đầu bếp thực sự tài giỏi mới có thể tạo ra! Tuy nhiên thật đáng tiếc, theo lời anh ta, món ăn kỳ vĩ này đã gây tranh cãi trên thế giới, các tổ chức bảo vệ động vật đã đồng loạt lên án mức độ dã man, vô nhân đạo của nó và đã bị cấm phục vụ khi chỉ mới xuất hiện chưa đầy thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Nỗi ám ảnh dai dẳng từ con cá nửa sống nửa chết bám theo Quân suốt hành trình, đến bây giờ trong giấc ngủ mê mệt Quân vẫn còn cảm giác buồn nôn như khi đi vội vào toilet dành riêng cho khách ở nhà Tiết Du, nôn thốc tháo ở đó mặc dù món cá không hề tanh chút nào.

Quân trở mình một cách khó khăn, hai cánh tay và bả vai tê rần, Quân lăn mạnh một cái và tiếp xúc với sàn gạch ceramic bóng loáng trong trạng thái rơi tự do. Quân hơi nhíu mày một chút nhưng cú chạm toàn thân đó có lẽ không đủ đau để làm Quân thức giấc và dừng lại mà vẫn tiếp tục rơi, rơi mãi vào khoảng không của giấc mơ với một tốc độ nhanh hơn hàng trăm lần cho đến khi một sự va đập khác xảy ra làm Quân đau điếng và ngất đi không còn biết gì nữa.

*

Quân hồi tỉnh với cơn đau dữ dội từ dưới chân lên dọc sườn trái, cùng lúc là cảm giác chếnh choáng bềnh bồng như lúc thả ngửa trong hồ bơi. Trên người Quân được phủ một tấm vải xanh đậm, chung quanh từ trên trần đến bốn bức tường, cả những bức màn che kín các cửa sổ cũng đều một màu trắng toát. Mùi thuốc sát trùng thoang thoảng, hai người đàn ông mặc blouse trắng có vẻ như đang sắp xếp gì đó trên những cái khay inox bên dãy thiết bị y tế bóng loáng với hình thù như những con robot kỳ lạ.Tiếng loảng xoảng vang nhẹ cùng với nhiệt độ khá thấp trong phòng đủ làm Quân lạnh toát cả người và thảng thốt nhận ra mình đang nằm trong bệnh viện. Một người phụ nữ cũng mặc blouse trắng đứng cạnh cửa sổ đang nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, Quân cất tiếng gọi, nghe giọng mình bỗng khàn đục, âm u như của ai khác:

– Bác sĩ ơi!

Ngay lập tức người phụ nữ bước tới bên cạnh Quân và cúi xuống hỏi:

– Anh tỉnh lại rồi, anh thấy trong người thế nào?

Lớp khẩu trang che hết gương mặt cô ta, chỉ còn lộ ra đôi mắt lá răm với rèm mi đen nhánh, ở đuôi mắt trái có một mốt ruồi son nhỏ nép dưới đường cong của chân mày. Đôi mắt quá quen thuộc, hình như Quân đã gặp ở đâu đó, gặp rất nhiều lần nữa là khác.

Quân nhìn cô ta trân trối hy vọng nhận ra người quen, hàng chữ thêu trên ngực áo người phụ nữ thật ngoằn ngoèo khó đọc.

– Tôi bị gì vậy bác sĩ? Sao tôi lại ở đây?

Giọng cô ta cực kỳ êm ái:

– Anh đã bị thương rất nặng và hôn mê hơn một ngày rồi. Vết thương hở và có dấu hiệu nhiễm trùng, chúng tôi đang chuẩn bị phẫu thuật cho anh.

– Phẫu thuật?

– Người đưa anh đến đây đã rời đi ngay lập tức, vì vết thương rất nguy hiểm nên chúng tôi không thể chờ đợi thêm và quyết định phẫu thuật dù anh vẫn chưa tỉnh dậy. Bây giờ anh sẽ phải ký vào bản cam kết này.

Người phụ nữ lại nhìn đồng hồ. Quân cố nén đau, đọc lướt qua bản tóm tắt bệnh án với hàng loạt các xét nghiệm. Ở phần kết quả chẩn đoán ghi rõ: Đa chấn thương, gãy hở xương đùi trái. Chỉ định phẫu thuật…

Quân biết không thể làm gì khác ngoài việc ký vào tờ giấy cam kết đồng ý phẫu thuật kèm theo bệnh án, xong ngã vật ra sau thở dốc, không thể nén lại tiếng kêu rên như thoát ra từ chỗ các vết thương.

Sau khi rời mắt khỏi chiếc đồng hồ lần nữa, người bác sĩ nói:

– Bây giờ tôi sẽ tiêm thuốc gây mê cho anh.

Vừa nhẹ nhàng làm các thủ thuật cần thiết, người bác sĩ vừa dịu dàng động viên:

– Anh yên tâm ngủ một giấc nhé, không có gì phải lo lắng.

Trong khi chất lỏng trong ống tiêm bắt đầu len vào tĩnh mạch, Quân cố vượt qua nỗi sợ hãi bằng việc đào xới trong trí nhớ để tìm ra nguyên nhân tại sao mình lại bị thương và bị đưa vào đây trong căn phòng lạnh lẽo với một nửa thân người đau đớn nhường này, nhưng chỉ một lúc sau Quân từ từ mất dần ý thức và chìm vào hôn mê.

Cảm giác đầu tiên khi Quân tỉnh lại sau gây mê là nhận ra mình không thể mở mắt, không thể cất tiếng, không thể cử động toàn thân, mặc dù đầu óc đã hoàn toàn tỉnh táo. Quân cố hết sức để mở mắt, quay đầu, cử động tay chân… nhưng vô hiệu. Thân thể như bị đóng băng, thậm chí như không còn tồn tại, mặc dù Quân vẫn nghe rõ tiếng động chung quanh, tiếng trao đổi giữa ê-kíp phẫu thuật, những câu lệnh độc âm của bác sĩ phẫu thuật…

Và vết rạch đầu tiên vào da thịt đã làm Quân đau đớn kinh hoàng. Quân hãi hùng nhận ra việc gây mê vì lý do gì đó đã thất bại và ca mổ chỉ mới bắt đầu cùng lúc với việc Quân tỉnh lại. Không biết cuộc hành hình sẽ kéo dài trong bao lâu với sự tương tác ma quỷ: hành vi xâm lấn mô, cơ, xương, tế bào thần kinh cảm giác và sự phản trắc của thuốc gây mê! Quân tuyệt vọng kêu lên những âm thanh chắc không còn là của con người, cố hé mở hai mắt, cuống cuồng gồng mạnh hai cánh tay, đạp cật lực bằng bên chân còn lại… nhưng tất cả đều vô vọng, toàn thân Quân hoàn toàn tê liệt. Không có dấu hiệu nào cho thấy y tá hoặc bác sĩ phát hiện ra điều bất thường trong ca mổ. Quân cảm nhận rõ từng thao tác sờ, nắn, mổ, xẻ, kẹp, gắp… trên cơ thể mình trong sự bất lực và đau đớn tột cùng! Một trải nghiệm khủng khiếp không thể nói hết bằng lời, còn tệ hơn cái chết gấp vạn ngàn lần. Giữa cuộc hành quyết này, hơn một lần Quân chập chờn thoát ra ngoài thân xác, nhưng dù vậy sự đau đớn cùng cực vẫn không hề ngưng nghỉ.

*

Trong nỗ lực cực điểm lần sau cùng để vùng thoát khỏi tình trạng bất động, Quân choàng dậy với tiếng thét thảm thương và tỉnh thức trên sàn gạch ngay dưới giường ngủ của mình. Mồ hôi vã ra như tắm, Quân hốt hoảng đưa hai tay rà soát khắp người và nhắm mắt thở phào khi không thấy gì khác thường. Ngẩng mặt lên, điều đầu tiên đập vào mắt Quân là bức tranh vẫn treo trên tường đối diện với giường ngủ. Như có một lực hút không thể né tránh, Quân nhìn chằm chằm vào bức tranh và ngồi chết trân. Đó là bức tranh vẽ một cô gái phục vụ ở quán bar trong dáng dấp thanh thoát, những ngón tay dài ẻo lả ma mị cầm ly rượu như sắp đánh rơi, bên trái, dưới đuôi mày cong như lượn sóng là một nốt ruồi son!

Quân ngồi bất động như thế rất lâu, một mình trong căn hộ vắng lạnh. Quân nhất định phải giải mã bằng được giấc mơ với hình phạt thời trung cổ kia rồi mới có thể đi làm những việc khác.

Bắt đầu từ dư vị của chuyến công tác Đài-Loan: món cá âm dương và nỗi ám ảnh của nó cho đến khi về tới nhà và ngủ gần suốt một ngày, ngủ mê đến nỗi lăn xuống sàn vẫn không thức giấc.

Giấc mơ dài và kinh khiếp, đôi lần tỉnh lại trong giấc mơ. Thương tích không rõ nguyên nhân, vết thương không thấy hình thù, chỉ là cái cớ để phát sinh một sự mổ xẻ đau đớn tận cùng và rất thật, thật đến nỗi mình suýt chết trên bàn mổ, suýt chết trong giấc mơ khi đang ngủ.

Sự tê liệt cả thân xác và phải bất lực chịu đựng cảm giác đau đớn khôn tả là do mình đã hình dung, tưởng tượng và thấu cảm nỗi đau đớn đó từ con cá âm dương. Khi nhìn thân mình nó cháy vàng bất động, bị rứt xé từng miếng da thịt khi các bộ phận trên đầu còn cử động, mình đã rất sốc. Bây giờ mình đã hiểu thật ra con cá đó đã chết nên không còn cảm giác đau đớn, các bộ phận trên đầu nó còn cử động là do tế bào thần kinh vận động co thắt không kiểm soát. Kẻ bất hạnh đáng thương là mình, rõ hơn là mình ở trong giấc mơ kinh dị kia, chứ không phải con cá!

Còn đôi mắt của người bác sĩ gây mê, xuất hiện trong giấc mơ vì nó đã nằm trong tiềm thức mình do vẫn nhìn thấy đôi mắt đó mỗi ngày trong bức tranh cô gái treo đối diện với giường ngủ.

Tóm lại, vì quá mệt và bị ám ảnh nặng nề về một kiểu ăn cá nhẫn tâm, vô cảm nên đã gặp ác mộng, vậy thôi!

Tuy nhiên, Quân không thể nào thôi nghĩ rằng đôi mắt của cô gái trong bức tranh là kết nối duy nhất giữa mộng và thực, giữa cái có thể nhìn thấy ngoài đời và cái đã mất hút vĩnh viễn trong mơ.

*

Sau đó mấy ngày, vào một buổi chiều thứ bảy còn đầy nắng, Quân lái xe đến tìm Kỉnh ở xưởng vẽ trên đường NKKN.

Anh chàng đang dọn dẹp và sắp sửa đóng cửa về nhà. Gặp nhau như cá gặp nước một hồi, sau đó kéo hai cái ghế nhỏ ngồi đối diện, Quân nói:

– Chiều nay kiếm chỗ làm vài ly đi. Nhưng trước khi đi, tôi muốn hỏi ông bức tranh “Gái bar” mà ông tặng tôi có phải ông đã vẽ cô nàng từ một quán rượu có thật ngoài đời không?

– Bức tranh nào? Ạ, “Gái bar” hả?! Đúng, rồi sao?

– Chiều nay mình tới đó đi, tôi muốn nhìn thấy cô ấy.

– OK, nhưng tại sao?

– Rồi tôi sẽ kể cho ông nghe.

Theo lời Kỉnh, hai người tới Bee bar cách đó vài con phố. Bên trong quầy rượu là một người đàn bà… không tuổi! Một người đàn bà cực kỳ ấn tượng, có thể bà ta đã sáu mươi cũng có thể chỉ mới… gần ba mươi. Kiểu tóc, màu tóc, cách trang điểm trên gương mặt, quần áo, những phụ kiện xưa cũ mang về thời hiện đại vẫn rất thời thượng… làm Quân choáng váng. Nói chung không thể diễn tả, một điều gì đó làm phai màu thời gian và tan rã không gian, làm đau đớn một cách trân trọng vì dấu tàn phai của vẻ đẹp, từ cốt cách toát ra một điều gì đó thật ân cần mà cũng thật xa cách đến lãng quên… Người đàn bà đó như từng trở về từ xa xưa hoặc đã dừng lại ở đây mấy thế kỷ rồi!

Kỉnh nói vừa đủ cho Quân nghe:

– Linh hồn của Bee bar.

Và quay sang nói với người đàn bà:

– Chào Honeybee! Hôm nay bà có gì cho bọn tôi đây?

Người đàn bà ngân lên chất giọng của họa mi:

– Vài thứ. Whisky, Rhum, Telquila…

Kỉnh nhìn Quân:

– Tequila shot chứ?!

Màu rượu nâu vàng óng ánh dưới ánh đèn vừa phủ xuống chung quanh, những âm thanh đầy ngẫu hứng của dòng nhạc Jazz bay lãng đãng, mơ hồ như có như không, những bàn ghế trống im lìm bên một vài khách không quen. Quán thật buồn, như một nơi chốn nào được tái hiện từ quá khứ của ai đó. Một nhân viên phục vụ đi lại giữa những dãy bàn như một bóng ma.

Sau ly thứ hai, Kỉnh hỏi khi người đàn bà lơ đãng nhìn lướt qua hai người, bàn tay lùa vào tóc với những chiếc móng chim ưng lộng lẫy:

– Sao không thấy Cindy Hoàng?

– Nó đi rồi.

Cả Kỉnh và Quân đều giật mình, Kỉnh hỏi dồn:

– Đi đâu? Đi là sao?!

Người đàn bà cười lớn, tiếng cười như pha lê vỡ:

– Đi là đi chứ sao! Quán vắng, về quê rồi, không lên nữa.

Quân thở dài, một chút hụt hẫng lan man như khói luồn vào tâm can, chắc chỉ một thoáng thôi, rồi sẽ tan đi như giấc mơ đã từng, cho dù là giấc mơ kinh hoàng đen tối nhất. Quân muốn tìm đến cô gái như tìm lại một chứng nhân, tìm lại một phần của giấc mơ mà đáng lẽ phải bôi xóa, phải lãng quên, cũng có thể là một phần đời được trải nghiệm trong cõi không.

Nhìn vẻ thất vọng trên gương mặt Quân, Kỉnh lặng lẽ kéo bạn rời quầy bar, vào sâu hơn trong lòng quán và đến trước bức ảnh được phóng khá lớn trong một cái khung giả đồng. Đó là một bức chân dung khác của Cindy, lần này là bằng kỹ thuật portrait photography. Đôi mắt lá răm ở đây được trang điểm theo kiểu mắt phượng, vẫn nốt ruồi son đặc biệt dưới cánh mày ngài cổ điển, cái nhìn đó không dừng lại trước người đối diện như được khắc họa trong bức tranh của Kỉnh mà đi xuyên qua một cách nhẹ nhàng sương khói nhất có thể.

Hai người lững thững rời khỏi quán, mỗi người một tâm trạng đứng tựa thật lâu vào chiếc xe của Quân, yên lặng ngắm một góc đêm của thành phố.

Cuối cùng, Quân nói:

– Có lẽ tôi sẽ không cần kể lại giấc mơ của tôi với ông nữa, thật ra nó cũng chẳng có gì quan trọng! Mình về thôi.

Nghĩ Quân đang có rắc rối gì đó với phụ nữ và có vẻ như có liên quan tới cô gái ở quán bar, Kỉnh cười thông cảm, anh chả lạ gì tính khí của thằng bạn luôn thất bại trong chính sự thành công của mình, kể cả tình yêu và sự nghiệp!

Đêm Saigon thật hoàn hảo với muôn nghìn sắc thái và cung bậc. Sự chuyển dịch triền miên không dứt làm nảy sinh cái mới mẻ tinh khôi ngay cả trong tuyệt cùng bí ẩn của đêm. Từ nơi sâu thẳm trong Quân, đêm dịu dàng lan tỏa cùng với men Tequila nồng nàn đã lấp tràn cơn mê mỏi và cả đôi mắt bí hiểm trong giấc mộng khổ đau… Bức tranh của Kỉnh có lẽ sẽ gỡ xuống úp vào vách tường phía sau cái tủ hay trả lại cho tác giả (cũng có thể đem vào công ty bán đấu giá cho vui), chỉ vì Quân không muốn phải nhìn thấy nó mỗi ngày để có thể hoàn toàn thoát khỏi giấc mơ kia.

*

Trong nhà chờ dành riêng cho khách VIP bay chuyến Sài Gòn – Bắc Kinh, Quân đang ngồi khá thoải mái trong chiếc ghế bành sâu và êm, mắt nhắm hờ, trong đầu đang chầm chậm duyệt lại toàn bộ kế hoạch đàm phán kinh doanh với một tập đoàn lớn của nước bạn.

Người trợ lý với chiếc mũi thấp khó nhọc cõng cặp kính trắng dày cộp, anh ta liên tục đưa tay đẩy gọng kính lên sống mũi:

– Khi đến nơi, em sẽ đưa anh tới một nhà hàng trứ danh của Trung Quốc và đãi anh một món ăn cũng trứ danh không kém.

Quân thờ ơ:

– Món gì?

– Cá âm dương.

K.N