Cá bơi nước ngược

1000

Trọng Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Con sông bắt đầu từ một ngã ba, đối diện là sông Trèm Trẹm ngược về Thới Bình Thôn nổi tiếng với những người con gái đẹp, mà tương truyền rằng đó là dòng dõi của vua quan triều Nguyễn. Dòng chảy đổ về như hình một cái nón lá để ngửa, xoáy cuộn thành một luồng rồi đổ ra ngả biển. Chỗ này gọi là ngã ba Tắc Thủ.

Vàm Tắc Thủ, nơi giao thoa của các nhánh sông đổ về, ngã ba này là khu tiếp giáp của ba huyện. Bờ này là xã Hồ Thị Kỷ huyện Thới Bình, bờ kia là xã Khánh An huyện U Minh, hai bờ còn lại là xã Lợi An và xã Khánh Bình huyện Trần Văn Thời. Cạnh bên con kênh xáng múc Minh Hà thẳng tắp là lối nhỏ dẫn vào rừng U Minh hạ.

Tương truyền rằng, địa danh này trước đây có tên gọi là Thất Thủ nhưng phạm húy gì đó nên gọi chệch đi là Tắc Thủ. Về nguồn gốc thất thủ có giả thiết cho rằng, khi nghĩa quân Tây Sơn đuổi bắt Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) trên đường chạy ra Phú Quốc, đến ngã ba sông này thì gần bắt kịp. Đô đốc thủy binh Nguyễn Văn Vàng vì phò chúa nên dàn cảnh “Lê Lai cứu chúa”, Nguyễn Ánh chạy thoát, còn ông thì thất thủ tại đây. Tên Thất Thủ có từ đó.

Con sông Khoa Giang là nhánh rẽ tự nhiên từ vòng xoáy này, nó ngoằn nghoèo đổ nước ra Biển Tây. Chứng kiến xác Đô đốc thủy binh Nguyễn Văn Vàng gieo vào lòng của nó, nên dân ở đây gọi với cái tên Sông Ông Đốc hay Sông Đốc để nhớ đến giai thoại xưa. Dòng Sông Ông Đốc mênh mông đầy phù sa và tôm cá, hai bên là bập bè dừa nước, nó xé đôi địa giới vùng đất Trần Văn Thời rồi xuôi luồng ra Vịnh Thái Lan. Ở cuối con Sông Ông Đốc là một cửa biển sầm uất nhất tỉnh Cà Mau, thế mạnh nơi đây là khai thác đánh bắt thủy hải sản. Đó là Thị trấn Sông Đốc.

Do là khu vực dễ làm ăn nên dân tứ xứ về đây rất nhiều, đa số là ngư phủ đánh bắt trên biển, số còn lại là các nghề phụ sau khi nghe đánh bắt đem sản vật vào bờ, còn lại thì thuộc các thành phần kinh tế khác. Đây là một thị tứ giàu có và phức tạp bậc nhất trong số những cửa biển phía Tây Nam bộ.

Năm 1978 thành lập Nông Trường quốc doanh Sông đốc, Nông trường này có rất nhiều bà con nông dân tỉnh Hà Nam Ninh đến lập nghiệp làm kinh tế mới. Ngành nghề của bà con là trồng lúa, trồng dừa và nuôi cá đồng, Khoa có gia đình bố mẹ công dân ở đây, còn tôi đến đây sinh sống với một người anh rể tốt bụng.

Chúng tôi chơi với nhau, học cùng với một số bạn khác hoàn cảnh như Khoa. Trong nhóm bạn tôi là người nhỏ nhất cả tuổi tác và thân hình, do điều kiện của thời cuộc nên tất cả con em đi học cùng một lớp, trước tiên là cái bụng phải no cái đã, học hành tính sau. Tôi ở nhà anh rể ngay sau trụ sở Nông trường, cách trường học 200 mét, nhà Khoa ở Kênh Phủ Lý giáp với xã Khánh Hải, nên đi học rất xa.

Hết lớp 5 Khoa nghỉ, rồi theo ông Chuyên chạy cái ghe rách nát đi chở đất đắp nền nhà thuê, còn chúng tôi vào lớp 6. Tuy không còn học chung nhưng chúng tôi vẫn thường gặp nhau, tôi vẫn vô tư với tuổi “vừa ăn vừa lớn” còn Khoa thì phải lặn lội mưu sinh nên khoảng cách ngày càng xa dần. Khoa già dặn hơn cái tuổi thực của mình, chững trạc, ít nói, trên khuôn mặt hắn là một lớp bụi trần nguệch ngoạc lấm lem.

– Ơi… anh Chuyên, Khoa ơi… cho dang về với… Tôi đứng trên bờ kênh Quảng Thép lởm chởm đất sét xáng mới múc, vẫy tay gọi chiếc ghe mà Khoa đang gồng mình điều khiển.

– Đi đâu về vậy? Khoa hỏi to để khỏi bị tiếng chiếc máy D12 át đi.

– Đi lấy cái cưa cho anh tao.

– Ngồi đi tao chở về.

– Ừ…! Tôi cười. Khoa cười và anh Chuyên cũng cười. CHúng tôi xa nhau từ ấy.

***

– A lô! Ông xong chưa? Qua chỗ anh tôi chơi nhé. Tôi bắt máy thì nghe giọng Thùy nhè nhè.

– Rồi! Cho địa chỉ đi tôi qua.

– Ông cứ đến Hẻm 11 Đường Cống Lở chạy vào cuối hẻm tôi chờ ông.

– OK!

***

– Vào nhà đi rồi tôi giới thiệu. Thùy nhanh nhảu.

– Giới hiệu với anh đây là bạn em, mới chuyển công tác lên Sài Gòn mấy tháng nay. Thùy vừa nói vừa nhìn chủ nhà.

– Đây là anh Khoa, anh con người bác đang làm ở Quận 1. Trước đây cũng ở Nông trường Sông Đốc đấy.

***

Khi có vài ly bia thì tất cả ngà ngà, mắt mờ tai ù, nói nhiều và nhớ về chuyện cũ. Nhớ những ngày rét mướt đi câu cua thuốc cá, những trưa nắng lột bàn chân giăng lưới cá phi, nhớ mùi mật ong xen lẫn hương cây sài hồ, nhớ trái bần chát ngấm ê hàm răng, nhớ mùi mước mặn xộ lên lớp váng trên mặt nước mà cá đối cực kỳ mê mẩn. Và nhiều cái để nhớ khi cơ thể đã tẩm cay cay.

– Ngày ấy ở Sông Đốc ông học với ai? Tôi quay qua hỏi Khoa.

– Nhiều lắm! Số còn ở đó, số trưởng thành làm việc ở Sài Gòn cũng có…, nói chung là nhiều nơi. Khoa trả lời tôi một cách chung chung.

– Trước đây ông ở chỗ nào?

– Nhà tôi ở trong Kênh Phủ Lý. Giờ đất dưới đó vẫn còn.

– Ông biết thằng Nam không?

– Nam con bác Cửu hả? Ừ… nhà nó ngay cái cống đất đầu kênh.

– Trời ơi! Nó học với tôi mà.

– Vậy ông học với cả bọn thằng Sơn, Tiến nhà gần đấy rồi.

– Ù.. đúng rồi… bọn thằng Cảnh giờ đang bỏ nước đá ở dưới nữa.

– Vậy ông học với tôi mà?

– Sao tôi không nhớ ông? Khoa lim dim rồi đốt điếu thuốc tự hỏi.

– Tôi nhớ ông rồi. Trời ạ! Từ hôm ông cho tôi quá dang cái ghe chở đất về đến nay mới gặp, 28 năm rồi còn gì?

Khoa cứ ngồi trầm tư hút thuốc, rồi nó nhìn thẳng vào mắt tôi để cố nhớ ra một điều gì đó.

– Ôi! Vậy hai ông quen nhau à? Thùy thốt lên mừng rỡ.

– Ừ… tay này hồi nhỏ học cùng với tôi. Tôi trả lời Thùy.

– Vậy vô một cái đi … mừmg hội ngộ! Thùy nói thật to.

– Tôi có số điện thọai tụi nó hết này, mà sao không có ông? Khoa gằn giọng hỏi trong vẻ vừa tiếc nuối vừa mừng rỡ.

– Mà từ đó giờ ông đi đâu? Làm cái gì? Nay cơ duyên gặp lại?

Khoa kể cho nghe về cuộc đời của nó, truân chuyên lắm. Tưởng rằng nghỉ học đi chở đất đắp nền nhà thuê là coi như xong giấc mơ đến trường. Sau hôm cho tôi đi nhờ cái ghe đất, Khoa về quê chăm ông nội già yếu, vì thế Khoa có cơ hội quay lại trường. Vì vậy mà gần 30 năm nay chúng tôi không gặp nhau.

Ông nội qua đời, Khoa lang thang vào Sài Gòn, vừa kiếm cơm vừa kiếm chữ. Khoa vừa học vừa làm với nghị lực ý chí phi thường để tự vượt qua chính mình. Một mình tự nuôi thân, tự mày mò kiếm trường để rèn luyện thoát ly đổi đời, chắc có lẽ sức nặng của những cục đất là câu trả lời cho những hành động của Khoa, sức mạnh và ý chí của tuổi trẻ đã giúp Khoa thành công. Những ngày Khoa điều khiển chiếc ghe lở lói lênh đênh trên mặt sông Ông Đốc chính là câu trả lời cho thành công hôm nay. Xuất phát điểm của nó thấp lắm, nhưng cực kỳ giá trị. Bây giờ đã có gia đình vợ con nhà cao cửa rộng, có công việc làm ổn định ở trung tâm Quận 1.

– Cũng khổ lắm ông ạ, tôi cứ chuyển chỗ nọ chỗ kia, cứ nghỉ rồi lại học. Tưởng chừng không vượt qua nổi. Cũng may mắn là vượt qua những khó khăn nên ngày nay mới có miếng cơm đấy. Khoa thủ thỉ bên tai tôi.

– Ừ… Chúc mừng những thành quả của bạn.

– Ông lên đây cùng đợt với Thùy không?

– Tôi mới lên Sài Gòn một năm nay.

– Em lên đây dạy học từ 2014 mà anh nhớ sao vậy? Thùy trả lời chen vào câu chuyện của tôi và Khoa.

– Như vậy là mừng rồi, anh em xuất thân từ Sông Đốc cụng ly một cái mừng hội ngộ giữa Sài thành đi. Khoa phát động.

– À… Tôi còn một ông anh trước cũng dạy học ở Sông Đốc cũng mới chuyển lên đây?

– Ai vậy? Thùy nhìn tôi hỏi.

– Anh Nguyễn Ngọc Tân tức là nhà thơ, nhà phê bình Khang Quốc Ngọc.

– À! Anh Tân trước dạy học chung trường với vợ chồng tôi.

– Tốt quá! Anh em lại có cơ hội gặp nhau. Khoa cười rạng rỡ.

Chúng tôi là những đứa con theo gia đình từ Bắc vào Nam lập nghiệp, cùng lớn lên ở mé Biển Tây, giống như những con cá giữa lòng Sông Ông Đốc, vùng vẫy từ trong lạch ra sông lớn, rồi ra biển… cùng hưởng những tinh túy từ phù sa từ cuối nguồn của dòng sông Ông Đốc. Con sông như là chứng nhân lịch sử, đầy vơi mãi những nỗi niềm ký ức, chờ đón từng con cá ngược xuôi sông biển. Con sông chở những ước mơ của tuổi thơ, chở những tình cảm tri thức để đưa chúng tôi đến một vùng đất mà người đời gọi là “Hòn ngọc Viễn đông”.

Sức mạnh và nghị lực ấy như những con cá vượt ngược dòng mà ngoi lên, rồi đủ sức từ sông bơi ra biển lớn, để giờ đây ngồi lại với nhau nhắc về những kỷ niệm tập bơi ngày ấy. Cứ thầm lặng hun đúc, kiên trì tôi luyện nên những giá trị quý báu cho bản thân, để rồi thành quả ấy không có gì sánh bằng. Trân trọng cảm ơn cuộc đời và dòng Sông Ông Đốc đã cho chúng đôi thụ hưởng tinh túy của những hạt phù xa từ lòng đất mẹ.

T.B