Với tác phẩm văn học – nghệ thuật, nhìn ở góc độ nào đó, có trường hợp chính đối tượng thưởng thức/tiếp nhận đã góp phần làm cho nó hay hơn. Ca khúc cũng vậy, chẳng hạn có ca từ chính nhạc sĩ đã viết như thế nhưng người nghe lại “chỉnh sửa” theo suy nghĩ của mình khiến tác giả ưng ý vì giúp cho tác phẩm hay hơn, tầm khái quát cao hơn. Tất nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa về ngôn ngữ nhưng về sự toàn vẹn tác phẩm thì cần phải có sự đồng thuận của tác giả.
Có chuyện thú vị như ở ca khúc “Đêm thành phố đầy sao” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, trong đó câu: “Tôi đang nghe tiếng sóng Đồng Nai. Như đang nghe khúc hát ngày mai”. Hay quá đi chứ. Ở đây, địa danh được nêu cụ thể, không lẫn lộn vào đâu khác; và “khúc hát ngày mai” là hướng về tương lai mở ra sự tự tin và hy vọng. Thế nhưng hiện nay, đoạn ca từ trên đã thay đổi: “Tôi đang nghe tiếng sóng dòng sông. Tôi đang nghe tiếng gió ngày Xuân” – tức là đã vượt ra ngoài giới hạn một địa phương (địa phương ca); kể cả “tiếng gió” cũng mang tính phổ biến theo quy luật thiên nhiên hơn là “tiếng hát” chỉ có thể cất lên/vang lên có chủ đích tùy lúc, tùy nơi. Rõ ràng, tầm khái quát đã nâng cao hơn ca từ gốc.
Tương tự, ca khúc “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, có câu “Giữa ngút ngàn, dưới nắng vàng, bầy voi đi từng đàn…”. Xét về từ “bầy” và “đàn”, ta thấy cùng hàm nghĩa chỉ sự tập hợp của nhiều động vật cùng loại, vì thế mới có từ đôi “bầy đàn”. Câu này nhằm chỉ động thái đi từng bầy, từng đàn của voi. Đi chỉ là đi chứ không gì khác. Thế nhưng, khi có ca sĩ đổi thành “bầy voi đi tìm đàn…”, ngay chính tác giả cũng phải reo lên.
Văn bản ca khúc “Điệu buồn Phương Nam” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển in trong tập nhạc “Thu, hát cho người” (NXB Trẻ – 1998) và bản in trong tập sách “Điệu buồn Phương Nam” (NXB Trẻ – 2000)
Với ca khúc “Quê hương tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Từ Huy, có câu “Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường”. Câu này hoàn toàn đúng với trường hợp ở miền Trung nói chung, về mùa lũ thì nước dâng lênh láng, ngập khắp nơi khiến cá tràn lên cả đường đi, vì thế mới có chuyện “bắt cá giữa đường”. Điều này hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng, khi người nghe đã tự ý sửa thành “bắt cá giữa đồng” là cũng có… cái lý của họ.
Cái lý này hợp lý ở chỗ có thể nơi vùng quê của họ cá chỉ ở dưới đồng dẫu là “mùa lụt nước lũ” đi nữa và họ đã bắt cá trong hoàn cảnh đó. Có thể sự thay đổi này không hại gì cho tác phẩm mà còn mang tính phổ biến hơn, có thể áp dụng cho nhiều địa phương, chứ không chỉ diễn ra tại mỗi quê hương của tác giả.
Có trường hợp không rõ có phải do góp ý của người nghe nên tác giả đã thay đổi hay vì lý do gì khác, chẳng hạn ca khúc “Điệu buồn Phương Nam” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Bài này, bản in trong tập nhạc “Thu, hát cho người” (NXB Trẻ – 1998) là “Về Phương Nam lắng nghe cung đàn thổn thức vọng dưới trăng mơ màng”, qua bản in trong tập sách “Điệu buồn Phương Nam” (NXB Trẻ – 2000) lại là “Về Phương Nam lắng nghe cung đàn thao thức vọng dưới trăng mơ màng”. “Thổn thức” đã sửa thành “thao thức”.
“Đại từ điển tiếng Việt” giải thích: “Thổn thức: Khóc thành những tiếng ngắt quãng như cố nén mà không được, do quá đau đớn xúc động”; và còn có nghĩa là “Xao xuyến, bồn chồn không yên trong lòng”. Trong khi đó, thao thức là “trằn trọc, không ngủ được vì có điều phải suy nghĩ, không yên”. Vậy căn cứ vào ngữ cảnh của chuỗi ca từ, liệu sự thay đổi này có hợp lý hơn không?
Nêu vấn đề này ra, do nhạc sĩ Từ Huy và Vũ Đức Sao Biển đã mất, không rõ ý của hai anh thế nào nên tôi không dám kết luận, đơn giản là đứa con tinh thần dù thế nào vẫn do tác giả quyết định.
Lê Minh Quốc