Cà phê tan – Truyện ngắn của Phạm Thị Phong Lan

416

Cà phê đắng rơi từng giọt nâu buồn…

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trước ngày đi công tác vùng biển, chàng vừa đi thực tế ở Tây Nguyên ra. Nàng phụng phịu: “Những chuyến đi hấp dẫn anh hơn cả em”. Chàng cười xòa, lôi trong ba lô một hộp cà phê chính hiệu của vùng đất bazan: “Em uống hết là anh về”.

Buổi tối, nàng cẩn thận tráng phin, lấy một lượng bột vừa đủ cho một ly đen. Nàng không thích nội trợ lắm, nhưng có riêng bí quyết pha cà phê để khiến người uống lần đầu sẽ mất ngủ ngay cả khi đã không thuộc về nhau nữa. Nhấm nháp cái vị đắng ngầy ngậy, nàng phấn khích gõ phím theo bản rock đang đập uỳnh uỳnh trong headphone. “Em sẽ viết một cái gì đó, tặng anh” – lời hứa, và cũng là cách một kẻ tập tọng lấy viết lách làm cứu cánh như nàng, ném mũ qua hàng rào. Chữ nghĩa rào rào chảy như gạo lọt qua cái sàng đan thưa mắt. Truyện ngắn của nàng xuất hiện bập bõm trên mấy tạp chí hạnh phúc lứa đôi, gia đình trẻ…Nội dung xoay quanh chuyện tình tay ba tay tư, hờn ghen giận dỗi, tưởng tan tành đến nơi rồi lại xí xóa làm lành. Vì nàng luôn muốn có một kết thúc có hậu cho tình yêu. Hơn nữa nàng cũng sợ văn chương, đến một lúc nào đó, sẽ “ám” vào đời mình, biết đâu lại chả trắc trở tan nát như nhân vật.


Minh họa.

Ly cà phê đã cạn trơ mà bản thảo mới được vài dòng, nàng chán, mở cửa sổ chat. Chàng đang giữa mênh mông trời nước ở huyện đảo chưa kết nối internet, nick name ủ rũ một màu xám xịt. Đám bạn chat tới tấp “buzz” rung rinh màn hình, nàng ríu rít trả lời. Râm ran một hồi rồi out hết. Nàng chìm vào giấc ngủ sau khi nhận tin nhắn chúc bé ngủ ngon quen thuộc vào lúc 23h, cứ như chàng cài đặt sẵn chế độ gửi tin tự động, đúng vào giờ đó là “grừ…grừ…” nhắc nhở. Cũng phải cảm thông, chàng ít nhiều vẫn còn mang dấu tích của thời quân ngũ, luyện tập, ăn uống, học hành…đều đúng giờ răm rắp, không chệch một giây. Câu cửa miệng của chàng mỗi khi thấy nàng mất quá nhiều thời gian cho quần áo phấn son là: “Chính quy lên em ơi, vào trận mà thế này thì nướng hết cả quân đoàn.”. Mới đầu nàng chưa chịu thích nghi, cũng cự nự ghê lắm. Nhưng rồi vì yêu, mà yêu thì đương nhiên là phải làm người mình yêu vừa lòng, nàng giản lược đi khá nhiều thủ tục rườm rà để “chính quy” như chàng mong muốn. Đến mức, bố mẹ nàng cũng phải tròn mắt nhìn nhau mà ngấm ngầm cảm phục anh lính thời bình có tài huấn luyện tân binh.

Nàng xách laptop ra quán cà phê wifi, lấy một vẻ bận bịu rất hợp thời trang, cau mày nhíu trán như thể tập trung cao độ để tìm giải pháp cho dự án đang gặp vấn đề về đầu tư. Có vài ánh mắt nửa giễu cợt nửa cầu thân liếc sang phía nàng. Thở dài khó chịu như phải xua đi một điều phiền toái, nàng bấm điện thoại: “Được rồi, cứ đợi đó tôi sẽ đến giải quyết ngay bây giờ…” Thực ra công việc phát hành của nàng ở tạp chí ngành chẳng có gì phải tất bật. Ngày 12 hàng tháng, báo được chuyển ra theo đường máy bay, xe chở về tận kho. Chỉ việc ngồi gọi điện cho đại lý đến lấy, ghi số lượng, viết phiếu thu, lưu số liệu vào máy tính. Trong hai ngày là rải hết mười vạn bản trên toàn miền bắc. Tuy là nhân viên, nhưng nàng thuộc hàng “5C” (mà đám bạn đại học cứ dịch đại ra là “con cháu các cụ cả”) nên trưởng phòng cũng không bao giờ dám giao cho nàng những công việc quá tầm xử lý. Thời gian rỗi, đám phụ nữ văn phòng hay tụ tập buôn chuyện. Nàng thì khác, phải dành khoảng trống đó cho một công việc ý nghĩa hơn nhiều: sáng tác. Không lợi dụng tài sản chung, nàng chỉ viết trên máy xách tay của mình, để không cuộc bình bầu tiên tiến nào người ta lôi những thứ lẻ tẻ đó ra mà hạ thành tích của nàng được.

Truyện được in, nàng mua cả xấp báo về, vô tình để quên ở bàn ăn trưa nên các mấy chị em trong phòng đọc được. Rõ rành tên nàng đầy đủ cả họ Ngô lẫn chữ “thị” mà hiện nay nhiều người hay quên khi viết tên mình, thế mà họ còn bán tín bán nghi: “Không biết có phải Diễm Hạnh “nhà mình” không nhỉ? Hình như cũng có một Diễm Hạnh trong Sài Gòn hay viết truyện ngắn.” Đến nước này thì nàng đành cười lỏn lẻn: “Diễm Hạnh đó họ Hoàng, em làm sao dám so với chị ấy”. Thế mà từ hôm đó, nàng như được nâng thêm vài chân kính trong mắt mọi người. Hễ con, cháu, em thậm chí cả bạn của con hàng xóm phải nộp bài thơ nào để chào mừng ngày lễ, các chị đều đến tha thiết nhờ nàng: “Viết cho cháu nó một bài để nộp không cô giáo cho điểm kém thì chết. Mang tiếng có mẹ làm ở tạp chí mà con lại học môn văn vừa dốt vừa lười”. Cười cũng dở, mếu không xong, nàng đành cặm cụi lên mạng, search theo chủ đề, coppy về rồi cắt xén chỉnh sửa sao cho hợp với yêu cầu. Bài của các cháu được điểm cao, được đọc mẫu rồi đưa lên trang web của trường khiến các mẹ cười tóe loe, thi nhau gửi đường link cho nhau khoe con tài con giỏi.

Công việc sáng tác người ngoài nhìn vào cứ tưởng nhàn nhã, nhưng thực ra đó là loại hình lao động cực kỳ nặng nhọc mà chỉ những người trực tiếp tham gia mới thấu hết được. Đau đáu về đề tài đã mệt, quá trình thai nghén để hình thành tác phẩm mới thật khổ. Đúng là ốm nghén, cứ nôn nao bồn chồn, phấp phỏng lo lắng, nóng lạnh bất thường, quên quên nhớ nhớ, nhiều lúc như đứa dở hơi. Rồi đến khi đủ ngày đủ tháng, sinh được đứa con tinh thần ra cũng như vừa bị rút sạch cả sinh lực và tâm trí. Trống rỗng, bải hoải, cô đơn… Muốn khóc, muốn ôm ngay lấy một ai đó mà kể lể giãi bày về quá trình mang nặng đẻ đau để có được “nó”. “Nó” là tâm huyết, là tình yêu và đam mê của mình, “nó” chứa đựng biết bao nhiêu là hy vọng về thông điệp cao cả và nhân văn gửi tới con người. Yêu “nó”, hiểu “nó”, mọi người sẽ biết yêu thương và bao dung với nhau hơn. Thế nhưng có khi vừa chập choạng bước ra đời, “nó” bị dập cho tơi tả bởi những quan điểm trái chiều nhau. Người sinh ra “nó” có đủ bản lĩnh để im lặng thì không sao, chẳng may bốc đồng háu đá thì chỉ có mãi mãi ngồi chầu rìa chiếc chiếu văn chương vốn dĩ không lấy gì làm rộng rãi…Đấy là những điều nàng nghe được, thấy được, đọc được, chứ bản thân nàng đã có cái gì đáng được người ta phải xôn xao. Cho nên, để an ủi cho tiềm năng khiêm tốn của mình, nàng tự bằng lòng với quan điểm: Viết để giải tỏa chính mình. Và tác phẩm của nàng cứ nhàn nhạt thế, đèm đẹp thế cho đến khi gặp được chàng.

Về đến nhà nàng phải mở nhạc ngay, bao giờ cũng là rock. Thứ nhạc khiến cho mọi cảm xúc được nung chảy thành giọt, ngọt hay đắng cũng đến tận cùng, như chạm được vào nỗi cô đơn một cách trực tiếp. Chàng ưa cổ điển, không chịu nổi những va đập ồn ào chát chúa, thường dị ứng với cơn ngẫu hứng âm thanh của nàng. Mới đầu chính nàng cũng thắc mắc: “Vậy mà sao em lại yêu anh nhỉ?”. Rồi lại tự lý giải: “Thì cũng như là một đối trọng để cân bằng ấy mà. Cuộc sống luôn cần những thứ bổ khuyết cho nhau để hoàn hảo.”

Nghĩ đến chàng mới nhớ hộp cà phê còn tới hơn một nửa. Tối nay nàng cho vào ly vài giọt rượu brandy, mùi vị có chút ngây ngất hơn. Nếu chàng ở nhà, những buổi tối không bị thúc giục bởi một ý tưởng nào đó, hai đứa thường lang thang dưới những tán cây dọc con phố chạy qua cơ quan chàng, đàm luận không biết chán về văn chương và cuộc sống. Hoặc nằm bên nhau, những ngón tay đan vào ngón tay, dệt lên mộng ước về tương lai (xa lắc). Và tế nhị giấu nhau tiếng thở dài… Chàng mới được chuyển từ đơn vị miền núi về thủ đô sau nhiều năm nỗ lực chứng tỏ mình qua cây viết, đang làm biên tập kiêm phóng viên chiến trường. Lo bài vở cho cả tháng cũng đủ phờ râu (để khỏi phải thấy sợi râu nào phờ ra vì công việc, nàng săm soi dùng nhíp nhổ tiệt tận gốc), khi có sự kiện nào đó ở các vùng biên viễn, chàng lại tức tốc lên đường ngay. Ở nhà cơ quan, ăn cơm bụi, đi xe buýt, quanh năm một màu đồng phục tẻ ngắt…Cơ sở hạ tầng lỏng lẻo như thế cũng có lúc khiến nàng chao đảo. Nhưng chỉ một thoáng thôi, vì trong trái tim đầy ắp tình yêu, trong cái đầu căng tràn ý tưởng không có nhiều chỗ cho những thứ vật chất tầm thường len lỏi được vào. Ở bên chàng, nhìn chàng say sưa với công việc, nghe chàng sôi sục với từng trang viết, nàng như đang được uống một thứ rượu lạ, không khiến người ta say mềm mà chỉ vừa đủ để chìm vào một niềm mê đắm không dứt ra được. Nhịp độ văn chương của nàng chậm lắng lại, trầm sâu hơn, dần bớt đi vẻ màu mè hoa lá. Một vài tờ báo in bài kèm ảnh của nàng cùng những dòng giới thiệu tác giả triển vọng. Tuy cũng có vài đứa ác khẩu xì xèo rằng nhờ sinh trưởng dưới bóng mát của chàng thì nàng mới tươi tốt được như thế. Nhưng dù sao mọi thứ cũng đang nghiêng theo chiều hướng tích cực.

Nhịp trống dồn ở đoạn cuối bản nhạc đuổi nhau lên đến cao trào rồi đột ngột chấm dứt. Trong một tích tắc im ắng, nàng nghe nhói lên trong lòng một nỗi thiếu vắng mơ hồ…Vơ vội chiếc điện thoại, nàng bấm nút quay số nhanh. Nhưng chàng tắt máy. Khi đang viết, bao giờ chàng cũng tắt máy để tập trung cao độ vào câu chữ. Không như nàng, có thể vừa nghe nhạc, vừa gặm sandwich lại tranh thủ liếc qua vài trang báo thể thao mà vẫn không bỏ sót thông tin nào. Thời buổi công nghệ mà còn nhiều người làm việc theo cách của chàng thì hỏi làm sao không tụt hậu với thế giới? Nàng chưa dứt tiếng thở dài, điện thoại lại véo von. Số lạ: “Không phiền khi gọi cho em chứ?”. “Không sao”, nàng hờ hững trả lời. Dạo này, sau loạt bài phỏng vấn của mấy tờ báo đang đói tin, nàng hay nhận được những cú điện thoại làm quen kiểu này. “Em có kế hoạch gì cho ngày nghỉ cuối tuần chưa? Rất hân hạnh nếu được em nhận lời mời về thăm một làng cổ”. Nàng vụt nhớ, thì ra là giám đốc điều hành của một công ty truyền thông. OK. Coi như một chuyến dã ngoại để thu thập tư liệu. Nàng gật. Đầu kia hiểu ý, hồ hởi: “Vậy sáng mai anh tới đón em nhé. Chúc ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp.” Thật dễ chịu khi người ta cảm thấy được ngưỡng mộ. Nàng vươn vai thoát khỏi chiếc ghế xoay, ngả vào giấc mơ êm dịu. Giấc mơ không có gương mặt chàng.

Sáng thứ bảy trong veo, những tia nắng sớm hứa hẹn một ngày đẹp trời. Chiếc xe phân khối lớn lướt trên đường cao tốc. Yên xe được thiết kế dốc về phía trước tạo cho người ngồi trên xe sự gần gũi đầy chủ ý. Giám đốc điều hành tỏ ra là một người đi nhiều hiểu rộng, rất rành các dự án quy hoạch, phát triển vùng ngoại ô. Anh luôn mở đầu bằng câu: “Nếu anh là…” rồi đưa ra những nhận định sắc bén khiến nàng tròn mắt nể phục, đúng là con người có tầm nhìn chiến lược. Buổi đi chơi thật hoàn hảo, chỉ có chút sự cố không đáng nói là phải dừng lại hơi lâu ở cổng mua vé vào thành cổ vì giá tăng thêm 30% so với lần trước anh đưa bạn về đây. Đúng lúc quay về thì trời đổ mưa. Anh chu đáo thắt dây mũ áo mưa, lại cẩn thận buộc hai cái túi ni lông vào cổ chân nàng, che kín cả đôi giày. Nàng chạnh nhớ đến chàng. Nhiều lần gặp mưa, chàng cứ sùng sũng kéo nàng lội ào ào qua phố, bất kể nàng phải chật vật với đôi giày cao gót, về đến nhà lại còn lên lớp: “Em thấy chưa, quần áo giày dép chỉ là phương tiện, nên chọn lựa sao cho tiện ích với mình chứ. Cái đẹp phải phù hợp với từng hoàn cảnh”…Sao chàng không nghĩ được rằng: người đàn ông cư xử đẹp là người luôn biết hành động theo những mong muốn của phụ nữ?

Như thường lệ, 23h chàng chúc bé ngủ ngon. Nàng không trả lời, hôm nay thì không cần đến thủ tục đó nàng cũng thả mình vào giấc mộng thơm ngọt vị caramen sau bữa tối với giám đốc điều hành.

Bây giờ thì nàng đã nhận ra cà phê tan cũng thật ngon. Tỉ lệ pha trộn theo một công thức có thể làm vừa lòng nhiều đối tượng. Lại rất tiện, chỉ cần đổ nước sôi vào, khuấy đều là thưởng thức được ngay. Không cầu kỳ phức tạp như pha phin. Uống được ly cà phê mà mất tới nửa giờ đồng hồ ở thời buổi này thì thật là một sự lãng phí. Trong khi nàng còn có bao nhiêu cuộc gặp gỡ, giao lưu với những người mới. Không có ai trong số họ gọi cà phê phin. Họ luôn biết chọn đồ uống cho nàng, sinh tố giúp em đẹp da, trà hoa cúc làm sáng mắt, trà thảo dược có thể thư giãn tinh thần. Giám đốc điều hành mang tặng nàng một hộp Capuchino, sự kết hợp tinh tế của cà phê với bơ và sữa, hoàn toàn không gây mất ngủ.

Chàng gọi về: “Em ngoan chứ?” Nàng cau mày im lặng. “Anh xin lỗi. Công việc bận quá. Ngày nào cũng phải đi mấy trăm cây số trên biển. Nhưng có rất nhiều điều dành cho em.” Chàng phân trần và dỗ dành. Sóng điện thoại bị sóng biển đánh dạt ra xa nên chàng không kịp nghe tiếng uể oải: “Thế à?”…

Xe của giám đốc điều hành chờ sẵn dưới cổng tòa soạn. Anh vừa triển khai một dự án mà theo anh thì “Giá trị của nó không phải là tiền mà chính là ý nghĩa đối với cộng đồng.” Nàng rất xúc động khi được là người đầu tiên anh chia sẻ ý nghĩa lớn lao đó. Ngắm nhìn thành phố từ nhà hàng trên sân thượng của khách sạn bên Hồ Tây, nàng nhận thấy cuộc sống thật muôn màu với những chuyển động vui mắt. Không còn cận cảnh sự lam lũ nhọc nhằn đôi khi gây cho nàng sự khó chịu nhiều hơn là thương cảm. Sao người ta lại cứ phải trằn mình ra với những công việc tầm thường, nặng nhọc để nhận về đồng lương còm cõi mới được coi là lương thiện. Đó chẳng qua là do không chịu học hành, tiếp cận công nghệ mới thì phải chịu lạc hậu, đói nghèo. Giám đốc điều hành có vẻ đồng tình với nhận định của nàng, anh thêm: “Đúng là thời đại này, công nghệ mang tính quyết định toàn diện đối với cuộc sống. Ngay cả anh cũng vậy, đơn giản như không có điện thoại, internet thì có lẽ đến…kiếp sau cũng không được ngồi bên em như thế này.” Không nhớ bằng cách nào, anh đặt lên môi nàng một nụ hôn bí ẩn. Một cảm giác rất khác. Như đang uống một thứ nước hoa quả ướp lạnh. Thơm mát và ngọt ngào. Không sực mùi thuốc lá, không vương mùi gió rừng sóng biển của những chuyến đi xa trở về. Gần gũi và an tâm như chỉ cần mở lòng bàn tay ra là thấy.

Chàng nôn nao nhắn: “Cuối tuần anh về”. Nàng buông một tiếng thở dài, ái ngại nhìn hộp cà phê không đụng đến suốt những ngày qua.

Cuối tuần, nàng cùng giám đốc điều hành đi dự buổi tiệc đứng của tập đoàn truyền thông nước ngoài tổ chức. Nàng trở thành tâm điểm chú ý ngay từ phút đầu. Những lời tán tụng lịch thiệp, những màn khiêu vũ sành điệu khiến nàng ngất ngây trong cảm xúc được là người quan trọng. Nàng được giới thiệu với nhiều người vai vế trong và ngoài lĩnh vực. Khi nhận ra nàng là tác giả một số truyện ngắn họ vô tình lướt web, nhớ được cái nhan đề ấn tượng, họ đều ô a tỏ rõ một sự vinh hạnh được làm quen với nhà văn trẻ.

Gõ cửa đến lần thứ ba thì chàng tự tra chìa vào ổ khóa. Căn phòng hơi bừa bộn, khi phải lục tìm phụ kiện nào đó, nàng vẫn hay đảo tung mọi thứ lên như thế này. Chàng mỉm cười, bắt tay vào thu xếp mọi thứ. Thiếu chiếc túi xách nhỏ tím nhạt và đôi giày màu kem. Những thứ đó chỉ được sử dụng khi nàng mặc chiếc váy có dây quàng qua vai rất mảnh. Chợt chàng thấy nóng mặt. Có lần chàng đã quy ước: “Em chỉ được lộ bờ vai tròn đầy này trước một mình anh thôi.” Nàng bẽn lẽn gật đầu trong niềm hạnh phúc vô bờ. Và không lần nào mặc lại chiếc váy đó, dù nó khiến nàng trở nên quyến rũ và gợi cảm. Vậy mà…

Chàng nhìn đồng hồ, lấy ấm đun nước. Cái phin I-nốc còn nguyên bã từ lần pha trước đó đã phủ một lớp mốc trắng xóa. Chàng lặng lẽ cọ rửa, rồi pha cho mình một ly cà phê. Từng giọt nâu sánh nhỏ xuống đáy ly, kiên nhẫn theo nhịp đếm của kim phút nhích đủ một vòng quanh mười hai con số. Chàng ngồi nhìn cái vỏ hộp cà phê tan mang nhãn hiệu nước ngoài như nhìn sâu vào một khoảng trống. Chầm chậm để từng giọt đắng đã nguội ngắt ngấm vào lòng mình. Sau đó cẩn thận rửa sạch từng thứ, trả về vị trí cũ.

Đêm nay nàng không nhận được thông điệp chúc bé ngủ ngon. Nếu có, nàng cũng không còn đủ tỉnh táo để mở máy ra đọc. Và có lẽ phải đến tận sáng ngày mai, nàng mới đọc được tờ giấy gấp tư chặn dưới chiếc đồng hồ được đặt sẵn giờ báo thức.

Chữ của chàng, trang nghiêm như một đoạn tin buồn: “Em không muốn uống hết hộp cà phê này, có lẽ vì nó đắng và buồn quá. Anh biết em cũng không thể cùng anh đi hết chặng đường còn lại. Chúc em vui với niềm hạnh phúc ngọt ngào.”

P.T.P.L