Các chi hội nhà văn rơi vào cảnh ‘lực bất tòng tâm’

1109

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ban thuờng vụ Hội Nhà văn TP.HCM vừa có buổi họp cùng Ban điều hành bốn chi hội vào ngày 1/4/2021. Buổi họp đã thẳng thắn đánh giá tính hiệu quả của phương thức hoạt động theo các chi hội nhà văn.

Buổi họp Ban điều hành các chi hội, Hội Nhà văn TP.HCM – Ảnh: Nguyên Hùng

Buổi họp có mặt Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM – Nhà văn Bích Ngân, hai Phó Chủ tịch là nhà văn Bùi Anh Tấn và nhà văn Trầm Hương cùng các nhà văn, nhà thơ trong ban điều hành các chi hội. Các nhà văn đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề: Chi hội đã hoạt động như thế nào thời gian qua? Hiệu quả hay không? Nên tiếp tục tồn tại hay không?

Nhà văn Xuân Trường thuộc chi hội Gia Định cho rằng, hơn hai năm kể từ ngày thành lập, hoạt động của chi hội Gia Định rơi vào “cảnh lực bất tòng tâm”. Không thể làm gì khi bản thân ban điều hành bị hạn chế quyền hạn và không có tiền để hoạt động. Chỉ có 50 người đóng hội phí về chi hội. Trong thời gian qua, chi hội Gia Định tổ chức giao lưu với trường đại học Cửu Long theo hình thức xã hội hóa, giao lưu cùng nhà văn dịch giả Nhật Chiêu… Có tới hơn 130 nhà văn già yếu trong hội nên việc đi thăm người già yếu, viết điếu văn, tang gia chiếm hầu hết thời gian hoạt động. Với nhiều khó khăn trong hoạt động, nhà văn Xuân Trường góp ý nên dừng lại hoạt động các chi hội.

Chi hội trưởng nhà văn Bến Nghé – nhà thơ Phùng Hiệu đã làm đơn xin từ nhiệm nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Lúc bắt đầu hoạt động, anh háo hức nghĩ ra các cách để tạo ra sân chơi, tổ chức giao lưu, thi thơ… Ban điều hành sẵn sàng bỏ tiền túi để anh chị em có kinh phí hoạt động nhưng gọi điện thoại nhiều người không bắt máy, gửi thư có khi lạc địa chỉ, nhiều hội viên không muốn tham gia những hoạt động chung. Có người nói thẳng: Tôi đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam rồi, không Bến Nghé gì nữa; Tôi dành thời gian để viết chứ không họp hành gì… Những điều ấy khiến ban điều hành cảm thấy tự ái và buồn lòng.

Trong hơn hai năm thành lập và hoạt động, nhiều chi hội đã hoạt động tích cực. Chi hội Sài Gòn đã mở lớp thư pháp, dạy quay phim, mở rộng thêm không gian bên ngoài tác phẩm để các nhà văn có dịp gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau. Chi hội đã tổ chức toạ đàm về văn học thiếu nhi, trại viết văn học thiếu nhi ở Đà Lạt, bán sách gây quỹ ủng hộ xây 4 nhà tình nghĩa tặng những gia đình nghèo… Chi hội Sài Gòn cũng gặp vấn đề trong việc thu hội phí khi nhà văn Hoài Hương nhiều lần kêu gọi nhưng số nhà văn tự nguyện đóng hội phí vẫn không nhiều.

Nhà văn Bùi Anh Tấn – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đánh giá cao sự tích cực trong hoạt động các chi hội. Theo anh, nhà văn hoạt động rất cô đơn nên chi hội là sự kết nối hiệu quả để các nhà văn có sự giao lưu, gặp gỡ nhiều hơn. Chi hội vẫn là cánh tay nối dài của Ban chấp hành. Có chi hội yếu, mạnh khác nhau nhưng nếu giải tán chi hội là việc rất đáng tiếc. Vì thế nên suy nghĩ kĩ trước khi đưa ra quyết định.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM – Nhà văn Bích Ngân ghi nhận những hoạt động tích cực và thấu hiểu những khó khăn các chi hội vướng mắc trong thời gian hoạt động. Chị cho biết, BCH sẽ họp bàn và đưa ra quyết định việc nên giữ hay không hoạt động của các chi hội. Điều quan trọng nhất là, việc giữ hay không đều hướng tới mục đích có thể kết nối tốt hơn với các nhà văn.

Thu Hương