Nhiều người cho rằng các nhà văn của chúng ta đang bỏ bê mảng văn học thiếu nhi. Nên chăng các nhà văn hãy dành một phần hai hay một phần ba thời gian viết văn của mình để viết cho thiếu nhi? Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Nhật Ánh và Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ về điều này.
Từ phải qua, các nhà văn: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại Lễ trao Giải thưởng Dế Mèn lần thứ nhất năm 2020.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi vẫn viết cho thiếu nhi nếu được chọn lại
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Tôi đã viết cho thiếu nhi 40 năm rồi, nếu cho tôi chọn lựa lại từ đầu, tôi vẫn chọn viết cho tuổi thơ, vì thứ nhất, tố chất của tôi phù hợp để viết cho tuổi thơ. Thứ hai là hiện nay, tác giả viết cho người lớn rất đông, viết cho thiếu nhi lại không có nhiều. Với sự đón nhận của các em bây giờ đối với Nguyễn Nhật Ánh, tôi tin rằng sách của mình phù hợp với các em, và tôi tin đó là điều tốt nhất mà tôi làm được cho các em”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn lần thứ nhất. Không ai còn nghi ngờ gì về cụm từ “Hiệp sĩ của tuổi thơ” mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giá nhận định về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tư cách là tác giả của hàng chục đầu sách, thu hút một lượng lớn độc giả thiếu nhi.
Ở tác phẩm “Làm bạn với bầu trời” là một ngụ ý làm nên cái tứ của truyện. Trong một tình thế cụ thể, cậu bé Tèo bị bệnh, suốt ngày nằm bên cửa sổ, ngắm bầu trời, trăng sao, hoa cỏ, muôn loài. Nhưng vượt thoát ý nghĩa cụ thể, hình ảnh bầu trời chính là vương quốc của bầy tiên, của cao xanh, của sự thanh sạch, của mộng mơ và khát vọng. Sự mộng mơ có khi giúp con người chiến thắng được bệnh tật, vượt qua những cám dỗ tầm thường, hướng tới những điều tử tế và cao quý.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được coi là một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với hơn 100 tác phẩm các thể loại. Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với các tác phẩm làm say lòng độc giả bao thế hệ như “Mắt biếc”, “Còn chút gì để nhớ”, “Hạ đỏ”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Chú bé rắc rối”,… Nguyễn Nhật Ánh đoạt rất nhiều giải thưởng văn học cho thiếu nhi, đặc biệt, năm 2010, tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của ông được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhiều người cho rằng tôi là nhà thơ của thiếu nhi
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, viết cho thiếu nhi rất khó. Ông nói: “Có một nhà thơ đã phải thốt lên rằng, “Viết cho các em ôi/ Viết cho các em ư/ Khó chao ôi là khó/ Mình lớn đến bao giờ/ Để cho bằng trẻ nhỏ”. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng bảo rằng viết cho trẻ con bao giờ cũng khó, ai chơi được với trẻ con thì tâm phải trong vắt thì mới chơi với trẻ được. Và người viết cho trẻ con phải là người hiểu biết rất nhiều về đời sống của trẻ và cả đời sống của người lớn nữa.
Một tác phẩm đặc sắc viết cho trẻ con phải là một tác phẩm mà trẻ con và người lớn đọc đều thấy thích. Bởi vì trong bất cứ một đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành, và trong bất cứ người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi.Kinh nghiệm của Andersen và rất nhiều nhà thơ nhà văn lớn viết cho thiếu nhi trong nước và thế giới đã cho chúng ta kinh nghiệm này.
Thuở bé tôi là một cậu bé, tôi viết những câu chuyên cho mình, là những chuyện có thật, nhiều người tưởng tôi là nhà thơ viết cho thiếu nhi, nhưng thực ra tôi viết cho tôi và cứ lớn dần lên theo tuổi tác. Sau này mọi người nhớ tới Trần Đăng Khoa như là một nhà thơ viết cho thiếu nhi.
Những hiểu lầm này còn liên quan đến cuốn tiểu thuyết “Đảo chìm”. Ngày đó, tôi được báo Thiếu Niên Tiền Phong đặt viết một trang về Trường Sa để in nhiều kỳ, yêu cầu mỗi câu chuyện in vừa một trang báo. Tôi viết những câu chuyện có đầu có cuối để in trên báo cho các em đọc. Những câu chuyện đó trở thành cuốn tiểu thuyết “Đảo chìm” sau này. Những câu chuyện viết về những người lính ở trên đảo giữ gìn một hòn đảo mà hòn đảo đó lại không có gì cả, nó vẫn chìm dưới nước. Bao nhiêu câu chuyện viết ra ở đấy, khi viết xong rồi thì tôi thấy không phải là chuyện viết cho trẻ con. Những tác phẩm đó, thoạt đầu đã định đưa cho Nhà xuất bản Kim Đồng nhưng thấy không phù hợp nên đã in tại Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Kim Đồng in sau này. Cuốn sách được xuất bản lần đầu từ năm 2000, đến nay đã tái bản 42 lần. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều người cho rằng Trần Đăng Khoa là nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, đến lúc nào đó khi tôi được lên chức ông như nhà văn Nguyễn Quang Thiều hay nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi sẽ viết cho thiếu nhi, bằng cách viết những câu chuyện của cháu mình, viết cho cháu mình”.
Trần Đăng Khoa là một nhà thơ nổi tiếng được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ”. Ông cũng là một nhà văn và một nhà báo. Nhà thơ Trần Đăng Khoa bắt đầu sáng tác từ rất sớm, năm 8 tuổi ông đã có một số sáng tác được in trên báo. Năm 10 tuổi, ông đã cho xuất bản tập thơ đầu tiên với nhan đề “Từ góc sân nhà em”(1968). Cũng trong năm 1968, ông đã cho ra mắt tập thơ thứ hai là “Góc sân và khoảng trời” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Trong đó, bài thơ “Hạt gạo làng ta” sáng tác năm 1968, là bài thơ phổ biến nhất của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc năm 1971, bài hát được rất nhiều người yêu thích, nhất là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi muốn dành thời gian còn lại viết cho trẻ em
“Tôi đã sang tuổi già, tôi muốn dành thời gian cơ bản nhất từ nay tới khi mình giã từ mặt đất để viết sách về trẻ em. Bây giờ cháu tôi mới vài tuổi, tôi sẽ dùng năm năm tới để theo dõi những đứa trẻ đó lớn lên và hiểu đời sống này, tiếp cận đời sống này như thế nào. Tôi sẽ tiếp tục làm thư ký của hai đứa cháu mình và ghi lại câu chuyện của chúng mà thôi. Đứa trẻ sẽ kể cho tôi bằng nhiều cách, kể cả khi chưa biết nói.
Cuốn sách thứ hai tôi viết về vương quốc kỳ diệu nhất mà đứa trẻ tìm thấy đó chính là ngôi nhà của chúng. Ngôi nhà chính là vương quốc kỳ vĩ nhất, chứa đựng những điều đẹp nhất, yêu thương nhất của trẻ. Tất nhiên phải quan sát, nghe ngóng và nhìn chúng. Cảm ơn những đứa trẻ đã giúp tôi học cách trong sáng, học cách vô tư, học cách đắm mê đời sống này mà khi ở tuổi người lớn đã đánh mất đi bởi những lo toan của cuộc sống bề bộn”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định sẽ dành thời gian của mình để viết cho thiếu nhi.
Gần đây, “Chuyện anh em Mem và Kya” là cuốn sách nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết cho cháu mình theo cách là người thư ký ghi lại “lời kể” của hai cháu. Câu chuyện tưởng như riêng tư trong một gia đình, mà gợi nhiều điều thú vị, như những bài học nhỏ cho con trẻ về mối quan hệ xóm làng, về văn hóa dòng họ của một làng quê ven sông, cả về tình yêu thương chăm chút cho hạnh phúc.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận hơn 20 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế, trong đó có giải của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. Ngoài ra, ông là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu, điện ảnh và hơn 500 bài bút ký, tiểu luận. Hiện ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Bảo Thoa/Lao Động Thủ Đô