Ngày 13/5, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bến Tre đã tổ chức thẩm định tư liệu Hán Nôm mà Bảo tàng Bến Tre đã lưu giữ, sưu tầm được. Kết quả thật đáng mừng, khi các văn bản Nôm quan trọng nhất của Đồ Chiểu gần như còn đầy đủ…
Hội đồng thẩm định khá đông người, riêng các chuyên gia về Hán Nôm có nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường ở Cai Lậy – Tiền Giang, PGS- TS Đoàn Lê Giang, TS Nguyễn Ngọc Quận, PGS-TS Lê Quang Trường ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cùng một vài nhà chuyên môn nữa.
Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang, năm 2021 trong buổi toạ đàm làm hồ sơ đề nghị UNESCO kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu vào năm nay, điều làm ông lo nhất là các tài liệu gốc bằng chữ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu đã tìm được, từng làm nền cho các sách về cụ không còn nữa. Các tài liệu ấy được nhắc đến gần đây nhất cũng đã 40 năm, từ năm 1982, khi kỷ niệm 160 năm ngày sinh cụ Đồ.
40 năm vật đổi sao dời, các nhà nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu đã lần lượt trở thành thiên cổ như GS Ca Văn Thỉnh, nhà thơ Vũ Đình Liên, học giả Nguyễn Sỹ Lâm, GS Nguyễn Thạch Giang, các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Y, Nhất Tâm, Nguyễn Quảng Tuân, Vũ Văn Kính, Nguyễn Thị Thanh Xuân (Hán Nôm),… Còn lại chỉ một hai người từng nghiên cứu văn bản tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu từ thời ấy.
Một danh nhân UNESCO kỷ niệm mà không còn tư liệu gốc thì thế giới làm sao tin nổi, lấy gì để chứng minh Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết các tác phẩm ấy!
Nhưng cuộc đời chưa đáng buồn đến thế!
Kết quả thật đáng mừng, khi các văn bản Nôm quan trọng nhất của Đồ Chiểu gần như còn đầy đủ hết:
1) Bản Lục Vân Tiên cổ nhất do Quảng Thạnh Nam phát thụ, Duy Minh Thị đính chính, Tôn Thọ Tường trông nom, in ở Quảng Đông 1865.
2) Bản Nôm trên được chỉnh sửa lại tốt nhất là bản Kim Ngọc Lâu (Quảng Đông) 1874.
3) Một số bản Lục Vân Tiên khác nữa in ở Quảng Đông từ 1865-1874.
4) Bản Dương Từ Hà Mậu do học trò cụ Đồ Chiểu chép, từng được nhóm GS.Ca Văn Thỉnh, nhóm Ban Văn Viện KHXH TP.HCM dùng để phiên âm, chú giải vào các năm 1980, 1982.
5) Bản Ngư Tiều y thuật vấn đáp nho y diễn ca do học trò Nguyễn Đình Chiểu chép vào năm Tân hợi 1911, sau được hai nhóm nghiên cứu trên phiên âm, chú giải vào các năm 1980, 1982.
6) Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong cùng các thơ điếu, cáo, hịch khác mà NNC Nguyễn Văn Y sưu tầm.
Riêng cá nhân nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang cũng lưu giữ đến 14 bản Nôm Lục Vân Tiên, coi như đủ hết, nhưng chỉ là bản photo, scan để nghiên cứu chứ không có bản gốc. Ông nói: “Cảm ơn Bảo tàng Bến Tre đã có công sưu tầm và lưu giữ văn bản gốc, nhờ thế vào tháng 7 này, Việt Nam cùng UNESCO kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu chúng ta không thẹn với vong linh nhà thơ, nhà văn hoá đã làm rạng danh đất nước”.
Theo Vanvn