Thực tế là những năm gần đây, nhà văn vắng mặt hoàn toàn trong những tổ chức và diễn đàn chính trị – xã hội quan trọng. Một nguồn cơn quan trọng là thiếu những nhà văn có những tác phẩm có ảnh hưởng đến đời sống xã hội cả nước.
Không biết hai chữ Làng văn, dùng chỉ những người viết văn, làm thơ, ra đời từ bao giờ. Hơn nửa thế kỷ qua, từ cách mạng, trải mấy cuộc kháng chiến lớn, với sự trưởng thành của lực lượng, và tác động xã hội lớn lao mà tác phẩm của họ mang lại cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, bạn đọc quen dùng từ Đội ngũ, hàm nghĩa có sự lựa chọn, có tổ chức, và có nhiệm vụ rõ ràng. Nhưng nhìn vào thực trạng văn học mấy năm gần đây, hình như dùng từ Làng văn, để chỉ lực lượng này lại có phần chính xác theo cả nghĩa đen.
Nhà nước đang sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, để mỗi xã không dưới 2.000 dân. Vậy thì với số hội viên hơn 1.000 của Hội chúng ta, đúng là chỉ ở đơn vị cấp Làng.
Hình như không đến một nửa nhà văn trong số đó có tác phẩm in hàng năm. Và chắc chắn không có đến 100 nhà văn trong số đó đủ sống bằng nhuận bút. Có lẽ cũng không có lấy đủ 10 nhà văn làm giàu bằng nhuận bút cỡ như Nguyễn Nhật Ánh. Với số lượng in tác phẩm văn xuôi, đa số ở hàng nghìn, thơ vài nghìn là của hiếm, ở một đất nước dân số gần 100 triệu người, có 11 triệu ăn lương viên chức, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, mấy chục triệu công nhân và nông dân, mấy chục triệu người về hưu và đông đảo người làm kinh tế tư nhân, thì dân chúng không biết tên, càng không biết tác phẩm của các nhà văn, nói chi tác động đến đời sống tinh thần và gây thiện cảm với họ. Rõ ràng nhà văn nước ta đang quay lưng với nền kinh tế thị trường, dù có định hướng XHCN. Với một lực lượng đồng ngữ (tiếng Việt) đông như thế, thị hiếu đa dạng, chỉ cần mấy vạn người chứ chưa mơ tới con số triệu (hoàn toàn trong khả năng) thì vị thế nhà văn và khả năng làm giàu của nhà văn Việt Nam nằm trong tầm tay. Thực tế là những năm gần đây, nhà văn vắng mặt hoàn toàn trong những tổ chức và diễn đàn chính trị – xã hội quan trọng. Một nguồn cơn quan trọng là thiếu những nhà văn có những tác phẩm có ảnh hưởng đến đời sống xã hội cả nước. Một số không nhỏ được in trong danh mục Sách Nhà nước đặt hàng, thì hầu hết được đặt nghiêm trang trong các Thư viện, mà người mượn đọc rất hiếm hoi.
Phải thẳng thắn nhận rằng, trong hàng nghìn hội viên ấy, số người chịu khó đọc của nhau cũng không nhiều. Viết về nhau cho tâm huyết, tử tế và nghiêm túc, có chuyên môn lại càng hiếm. Đã đành là nhân vô thập toàn. Tác phẩm cũng như con người vậy, tìm cái toàn bích mới khen cũng khó.
Hy vọng, Đại hội Nhà văn lần này sẽ nhìn thẳng vào thực trạng đội ngũ, và vị trí hiện có của từng nhà văn trong xã hội. Không chỉ có lợi thế về số lượng người đọc đông đảo, nhà văn Việt Nam còn nằm trong một vùng sinh thái và tài nguyên vô cùng giàu có và khác biệt, đó là lịch sử nước nhà hiện đại, với bao nhiêu sự biến đổi lớn lao, xuất hiện biết bao nhiêu con người có số phận độc đáo, gắn với lịch sử thăng trầm của dân tộc. Hiếm có thời kỳ lịch sử nào mà con người Việt Nam đối diện liên tục với những thử thách dữ dội, cả trong thời chiến lẫn trong thời bình như thời kỳ này. Phạm vi hoạt động và quan hệ cũng mở ra trên nhiều không gian địa chính trị và thời gian – xã hội khác xưa. Hiện thực ấy là nguồn tài nguyên hiếm lạ cho nguồn cảm hứng sáng tạo của các nhà văn.
Đồng thời tạo điều kiện, và nếu có thể tổ chức để các nhà văn còn khả năng được sáng tạo trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng về những phong cách sáng tác của từng người, quan trọng và thiết thực hơn, là Hội tổ chức để đưa những tác phẩm được coi là nổi trội trong số đó, vượt khỏi hàng rào của… Làng văn, để trở thành một sản phẩm hàng hóa tiêu thụ trên Thị trường cả nước. Đưa mỗi tác phẩm tới với những đối tượng độc giả thích hợp cũng là một cách.
Một khi nhà văn, nhà thơ có những tác phẩm được nhiều người tìm đọc, là bởi họ đã tìm thấy người đã nói giúp họ nhiều điều về thế sự, gợi ý cho họ những ứng xử cần thiết trước nhiều khúc ngoặt, hay lựa chọn của cuộc đời… như những tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong những năm chiến tranh, giờ vẫn nằm trong lòng trí nhiều thế hệ, thì không chỉ vị trí xã hội nhà văn được nâng cao, mà cuộc sống người viết văn, làm thơ cũng trở nên thanh thản…
Ngô Thảo/Văn chương-Thời cuộc-Dư luận