(Vanchuongphuongnam.vn) – Cha tôi mất ở tuổi tám chín. Thượng thọ! Nhưng tôi vẫn bàng hoàng đau đớn như không thể tin nổi vì chỉ trước đó ít hôm, cha còn hẹn ra Hà Nội thăm thằng Nguyên, con trai đầu của tôi đang học trường Bách khoa.
Lúc lập bàn thờ cha, thấy tôi đặt cái bàn gỗ dổi, vai và chân bàn đã được sơn son thiếp vàng, có kiểu dáng giống như cái án thư cổ, bốn chân đế cum cum hình móng ngựa thì bị nhiều ý kiến phản đối, nhất là ông anh rể Só của tôi. Cái lý của ông Só và mọi người là bàn thờ cúng bài vị cha tôi chỉ đặt tạm trong hai năm việc tang, sau khi hết việc, vong linh người sẽ được rước lên bàn thờ gia tiên, cái bàn đặt tạm sẽ bị đem đốt đi cùng đồ phúng viếng, trướng liễn, câu đối và điếu văn. Đốt đi một cái bàn quý và đẹp mà tôi vừa đặt vào vị trí trong khu thờ cúng như vậy rất phí của. Ông Só còn nói khích, ông sẽ mua một cái bàn mới chỉ mất trăm rưỡi, hai trăm ngàn để thay thế và ông sẵn sàng bỏ ra ba triệu để mua lại cái bàn sơn son thiếp vàng mà tôi đặt thờ cha. Với tâm trạng đang lúc tang gia lắm việc, tôi đã không giữ được bình tĩnh nên có hỗn hào quát vào mặt ông Só: “Bác thôi đi, ba triệu chứ ba trăm triệu tôi cũng không bán. Việc lập bàn thờ cho bố chấm dứt ở đây!”.
Đưa tang cha xong, đêm xuống, tôi ngồi một mình trước hương án người, tự kiểm mọi việc đều thấy trôi chảy cả, nhất là cái việc tâm linh, ông thày cúng tung hai đồng tiền âm dương xin giờ lành hạ huyệt, cha cũng đồng ý cho đồng ngửa đồng sấp ngay. Tôi cảm động đến trào nước mắt đọc đôi câu thêu ở bức trướng của chi hội Nghề mộc trong thôn kính viếng cha có nội dung thật ân nghĩa: “Cưa đục một đời tầm hồn gỗ/ Đồ dụng trăm năm nhớ công thầy”.
Ông Só đến thắp hương buổi cúng cơm tối, mắt ông cứ nhìn chằm chằm vào cái bàn sơn son thiếp vàng đã được phủ tấm vải màu xám trùm gần kín bốn chân, rồi tặc lưỡi nói tỉ: “Thật là áo gấm đi đêm, cậu Đào giàu có hoành tráng nên không thèm tiếc tiền, phí phạm quá!”. Tôi làm như không nghe thấy nhưng ông anh rể vẫn tặc lưỡi, nói tiếp: “Cậu Đào khinh người quá đấy! Cậu là trưởng nam nhưng là em chúng tôi nhá. Ông vừa đi xong mà cậu giở thói nhìn người bằng nửa con mắt thì rã hết tình nghĩa anh em cốt nhục đấy! Nhá!”. Tôi nói với ông Só nhưng mắt nhìn vào hương án của cha, nước mắt tôi tự nhiên ứa ra: “Anh Só nghĩ sai cho em rồi, nhất là cha vừa mất, thịt da còn chưa lạnh, lúc này xin anh đừng nói gì đến việc anh em trong nhà, mất đoàn kết trước vong linh cha!”. Cuối câu, giọng tôi trở nên nghẹn ngào, mếu máo, có lẽ vì thế mà ông anh rể Só đã lặng lẽ bỏ đi. Tôi gục xuống trước bàn thờ cha khóc lặng.
Sinh thời cha tôi là một phó mộc có tiếng trong làng. Người học việc vào nghề từ năm lên mười và trước khi mất ba hôm vẫn còn giúp nhà hàng xóm vào một ổ khóa ngậm, có nẹp đường viền trang trí dọc mép hai cánh cửa chính. Cha làm nghề lâu, tay nghề điêu luyện, có nhiều học trò nhưng không thành ông chủ được vì nhà nghèo, không có vốn, cha còn một nhược điểm không thể nào khắc phục được, đó là người bị dị ứng chảy máu mũi mỗi khi đụng cưa bào tràng đục vào thứ gỗ dổi. Dổi là loại gỗ được dùng nhiều nhất trong chế tác đồ mộc, cao siêu như cột cái nhà thờ tổ tiên, câu đối hoành phi, đại tự… hay dân giã như bộ bàn ghế bào trơn đóng bén, người ta đều thích dùng dổi. Thứ gỗ bền cả trăm năm không nứt nẻ, mẻ mọt, ngót hao; thi công chế tác thì không bị nhọc sức như cái đám tứ thiết, giá cả cũng phải chăng nên hầu hết các xưởng mộc đều chọn gỗ dổi làm nguyên liệu chủ đạo. Cha tôi bị dị ứng với gỗ dổi nên không xưởng nào mướn ông cả. Vì thế cả đời làm thợ, cha tôi kiếm sống bằng nghề dồi cày, đóng đồ gỗ tại gia, dạy bảo khai tâm cho các thợ mới tập tọng vào nghề, lúc hết việc thì đeo cưa đục đi làm dạo. Mẹ tôi mất sớm để lại cho cha bảy đứa con trứng gà trứng vịt lít nhít.
Cha một mình nuôi đám con ngộ trưởng thành, đứa nào cũng thoát ly đi ăn cơm nhà nước, tôi là con trai một của người và cũng là đứa duy nhất học đại học, được làm quan viên không ấn kiếm – chức trưởng phòng cấp sở. Các chị em gái tôi, người làm giáo viên cấp I, người được tuyển làm nhân viên cửa hàng thương nghiệp quốc doanh, người đi công nhân nông trường thời bao cấp. Vì thế, cha tự hào về tôi lắm, cứ luôn nhắc các chị, các em gái phải lấy tôi làm gương. Hôm thằng Nguyên, con đầu tôi đỗ thủ khoa trường đại học thương hiệu, cha gọi tất cả con cháu về quê ăn mừng và trao tượng trưng cho cháu cái sổ đỏ gồm diện tích đất ở và ba sào vườn hương hỏa có cây lộc vừng cổ thụ ở bên chái phải nhà thờ gia tiên.
Tôi làm nhà trên tỉnh, ngụ ở phố lớn mới trổ ra hướng ngoại vi, có đại lộ chạy qua, lòng đường rộng hai mươi thước, vỉa hè mỗi bên thênh thang tám, chín thước được trồng nhiều cây xanh thân đã to chở từ vườn ươm đến. Vợ tôi là người hết mực lo toan cho gia đình nhưng tính tình thì cứng rắn tự tin đến độ già cực đoan non chuyên chế nên tôi ngại tranh luận và phải chiều để vợ mua về một thiết kế ngôi nhà mà khi xây không cần đến gỗ lạt; cột dầm bằng bê tông cốt thép chịu lực, tường hai mươi gạch đặc chống thấm, chống nóng; cửa sổ nhôm kính lõi sắt, được chống lên sập xuống chứ không mở ra đóng vào; cửa chính, nội nhôm kính, ngoại cửa cuốn tự động của Đài Loan, đóng mở bằng khóa điện tử; cầu thang lát ván nhưng là thứ ván sàn công nghiệp cao cấp chống thấm chống cháy của Đức, tay vịn tuyền inox cũng của Đức…
Nghe tin con trai làm nhà to, cha có ý lên trông coi giúp nhưng người chưa kịp lên thì vợ tôi đã thuê một người đàn ông cao lớn như ông hộ pháp, mặt hầm mũi hố, ăn vận đồ rằn ri nhái Army US, đi giầy đinh không thắt dây, đội mũ bò Lewis cho lưỡi trai ra phía sau, mắt đeo kính đen to tráng thủy ngân bóng loáng… Tôi trông gã mà hãi đến suýt ướt đũng quần. Vợ tôi giải thích, gu thời đại là thế, làm nhà to, lắm kẻ quấy nhiễu phải dùng độc mới trị độc được. Hôm đào móng tôi càng thấy cái lý đúng của vợ. Mấy tay qui tắc đô thị quen ăn vặt rồi đám vệ sinh môi trường, đám chọc ngoáy vô công rồi nghề có lảng qua, lảng lại nhưng khi nhìn thấy người đàn ông dáng ngầu hơn cả đầu gấu thứ thiệt liền biến hút như chạch lủi dưới lớp bùn hoa.
Cha tôi lên chơi, hỏi các thiết kế vật liệu đồ gỗ trong nhà. Tôi thưa, chỉ có ván lát nền và lát cầu thang là gỗ. Cha hỏi, lim hay pơ mu, tôi thưa, là thứ gỗ cao cấp của nước ngoài. Ông xem khá kỹ có thứ ông dùng tay gõ, tai lắng rồi chậm rải nói, gỗ ấy là gỗ thuộc, không còn hồn vía họ mộc. Nhà cửa dù to cao thế nào cũng phải cân đối âm dương ngũ hành thì ăn ở mới khỏe mạnh an lành, con cháu mới có may mắn phúc trạch. Vâng lời cha, tôi đem điều đó bàn với vợ. Tôi thua vì vợ khẳng định kiến trúc tân kì phải dùng vật liệu thương hiệu hiện đại nhất mới tương xứng, mới đẳng cấp. Cha tôi góp ý, mình là người Việt, nhà có tí tre tí gỗ cũng thấy gần gủi với trời đất thiên nhiên hơn. Vợ tôi đưa thêm ra cái lý mới, đất chỗ chúng tôi là đất san lấp, có rất nhiều ổ mối đang ủ cả bọng, nếu xen các loại gỗ chưa thuộc vào sẽ làm mồi cho mối. Vợ còn dẫn thêm, một hộ ở cuối phố làm nhà mới, nội thất toàn bằng lim nhập khẩu từ Nam Phi hết hai tỷ tư, làm xong khóa cửa đi Sài Gòn thăm con tránh nóng tháng rưỡi, lúc về thì mối đã đục gọn hết phần gỗ, may nhờ có khung cốt sắt bê tông đạt chuẩn mà không bị sập. Cha tôi không nói gì thêm, hôm sau người bảo với chúng tôi, phải về quê có việc gấp của cô em gái út.
Ngôi nhà bốn tầng xây xong, vợ tôi tra mạng gọi từ một siêu thị ở Hà Nội đưa về hai xe tải toàn giường tủ bàn ghế modern của Hồng Kông và Đài Loan. Vẫn là thứ gỗ thuộc nhưng thiết kế lẫn màu sắc đều bắt mắt, còn yếu tố tiện dụng thật khỏi chê, nhất là cái bàn làm việc của tôi, nó rộng rãi và có đến sáu ô ngăn kéo, ngăn nào cũng sâu cả gang tay, kéo vào kéo ra theo đường rãnh nhựa trơn tru êm nhẹ như không, siêu thị bán hàng còn khuyến mại cho một hộp cắm bút khảm trai viền nhũ rất đẹp. Kê tạm các thứ vào nội thất cho gọn, vợ tôi đi chợ mua đồ lễ để mời thầy cúng đến làm lễ nhập trạch.
Tôi đang một mình đứng ở mép đại lộ đối diện ngây người ngắm khối toàn cảnh ngôi nhà to đẹp nhất nhì khu phố mới, trước có sân mặt tiền, cổng ngõ đóng mở bằng khóa điện tử thì thấy cha tôi thuê xe Ford bán tải chở lên một cái bàn gỗ mộc chưa lắp ráp với bộ tràng đục, khoan, cưa…
Cha nhờ người lái xe chuyển các thứ xuống. Tôi chạy lại giúp và đưa đồ vào sân. Khi tôi giục cha vào nhà nghỉ ngơi uống nước thì cha bảo, mời anh xế vào trước, cha đang tiện tay lắp xong cái bàn sẽ vào sau. Biết tính cha, có năn nỉ cũng không được nên tôi đành đưa anh xế vào phòng khách. Anh này nhìn nội thất ngôi nhà mới cất của vợ chồng tôi có vẻ choáng. Choáng, rồi anh hiếu kỳ muốn tôi cho đi thăm cả bốn tầng nhà. Đến từng tầng, anh đều dùng Smartphone chụp ảnh cùng với những lời trầm trồ có ngôn từ hết sẩy, năm bờ oăn, trên cả tuyệt vời… Phải đến mấy chục phút tôi và anh lái xe mới xuống phòng khách tầng một. Tôi pha trà mời anh xế rồi bưng một chén trà ra sân cho cha. Tôi giật mình sững lại vì ở hai bên lỗ mũi cha là hai nút bông đỏ lòm máu. Tôi hoảng đến đánh rơi cả chén trà, lao lại chỗ cha, hỏi cơ sự.
Cha cười nhẹ, khẽ lắc đầu bình thản nói: “Cứ đụng vào gỗ dổi là bố bị chảy máu mũi, nút bông kỹ thế mà nó vẫn chảy nhưng xong rồi, xong cả rồi!”. Theo tay cha chỉ, các chân và vai bàn đã vào mộng, đã được chốt bằng đinh tre. Tôi hỏi cha: “Bố đã bị dị ứng gỗ dổi thì đụng vào nó làm gì cho khổ?”. Cha đáp: “Ừ, biết thế nhưng thứ gỗ này nó dẻo và mềm, bố đục chạm không mất nhiều công sức, yếu rồi không kham được loại sến, lim”. Cha nói và nhờ tôi khiêng cái mặt bàn đặt lên, vừa khớp khin khít. Cha giải thích, không cần chốt đinh mặt bàn để tiện khi di chuyển. Cái bàn mộc thật đẹp có hai ngăn kéo ở hai bên, giữa có ngăn để bàn phím vi tính, mặt bàn thì được khoét một lỗ nhỏ để cho dây rợ máy vi tính xuyên qua và cha đưa cho tôi một một miếng trám hình tròn để khi lắp vào thì không thể nhận ra cái mặt bàn có lỗ khoét. Tôi thầm phục cha đã quan sát kỹ cuộc sống hiện đại nhưng quặn lòng vì cha đang thay hai nút bông mới ở đôi hốc mũi già nua.
Tôi hình dung, để có được cái bàn gỗ dổi kỳ công này, không biết cha đã bao lần bị chảy máu mũi, phải thay nút bông thấm nên nói với cha: “Sao bố phải khổ thân thế ạ? Bố có tuổi rồi, cứ ôm việc vào cho vất vả. Bàn ghế bây giờ mua ở đâu mà chả có!”. Cha tôi hỏi: “Anh thấy bố đóng cái bàn này trông có được không?”. Tôi khen cái bàn rất đẹp và còn tiện dụng nữa. Cha bảo tôi, cha đã đánh giấy ráp kỹ lưỡng từng chi tiết rồi nhưng vẫn mang theo dầu quang nếu tôi thích nó bóng hơn cha sẽ quang luôn. Tôi thưa, tôi thích để mộc. Cha bảo tôi gọi anh lái xe ra, nhờ cùng tôi khênh cái bàn gỗ dổi lên phòng viết.
Tôi và anh xế khênh cái bàn lên tầng hai, nơi có phòng làm việc của tôi, ở đó có cái bàn viết Đài Loan to tướng vợ tôi đã đặt tạm. Cha ngắm các góc rồi hướng dẫn cho hai chúng tôi kê cái bàn dổi gỗ mộc vào chỗ hợp lý nhất. Anh xế nức nở khen cái bàn đẹp được đặt vào vị trí ổn đến mức không thể xê dịch thêm một li.
Vợ tôi về, đột ngột vào phòng và lễ phép chào cha nhưng tôi vẫn nhận ra sự khó chịu ở cái nhíu trán. Anh xế vô tư hỏi vợ tôi: “Bác gái thấy cái bàn đắc địa chưa? Ông cụ phải yêu con trai lắm mới đóng được cái bàn chất lượng và mĩ quan thời đại trên cả tuyệt vời như thế này”. Vợ tôi buông một câu khiến tôi lạnh buốt từ sau gáy xuống sống lưng: “Nhưng để nó ở đây thì hỏng mất phối cảnh phong thủy phòng làm việc của anh Đào”. Tôi nói át đi: “Mình nói sao chứ, tôi lại thấy rất phối cảnh, từ lúc kê cái bàn vào thấy trong người nhẹ nhàng thoải mái khác thường, chứng tỏ âm dương ngũ hành đã hanh thông”. Vợ tôi vẫn cự cãi: “Anh thế nào cũng được nhưng còn thằng Nguyên, cháu đích tôn của ông nữa chứ. Phòng làm việc của anh nhưng mà can hệ đến bản mệnh của con trai, em công tác môi trường lâu nên kinh nghiệm lắm!”. Cha tôi dàn hòa: “Các con mỗi người đều có cái lý đúng riêng, vậy cứ tàm tạm thế này đã, khi thầy cúng cho nhập trạch xong, ta tính tiếp cách tìm chỗ đặt như ý”.
Ông thầy cúng đến, các thủ tục nhập trạch diễn ra theo một quy trình bài bản. Vợ chồng tôi quỳ lạy dâng hương, dâng cỗ bàn, gạo muối, trầu rượu… tất cả sáu lần, năm lần được ngài thổ công bản địa ưng thuận ngay bởi kết quả hiển hiện của hai đồng tiền luôn âm dương, tức là đồng sấp đồng ngửa; lần thứ sáu chúng tôi phải quỳ lạy đến ba bận thì ông thầy mới xin được âm dương suôn sẻ.
Kết thúc, ông thầy cúng nói, lễ nhập trạch như thế là rất trôi chảy, các ngài đã rất lượng cả phù độ, có nhiều đám phải xin đi xin lại cả chục lần, các ngài mới cho. Chúng tôi tạ ân, tiễn thầy và mang gạo muối ra rắc trước nhà. Vợ tôi không vui, kéo tôi ra một chỗ khuất, cau mặt, nói thẳng: Cái bàn cha tôi mang lên là nguyên cớ khiến các ngài lăn tăn đến ba lần mới độ cho âm dương lần cuối. Tôi hỏi, cái bàn đó có lỗi gì thì vợ nén thở dài dịu giọng bảo tôi, nó lạc mốt, nó làm hỏng bố cục, các ngài ngứa mắt nên giận. Tôi cười, nói đùa: “Thần tiên cũng biết ngứa mắt à?”. Vợ khoặm mặt lại: “Anh cứ báng bổ thánh thần như thế thì oan gia có ngày!…”. May vợ tôi có điện thoại ai gọi đến nên tôi không bị chỉnh đốn thêm.
Cha tôi không ở lại ăn cơm vì trời còn sớm. Người nói với vợ chồng tôi, tiện xe, ông mang cái bàn ông vừa mang lên về quê để sửa lại một vài chỗ còn thô vụng. Nghe thế, ánh mắt vợ tôi sáng rỡ lên, liền tiếp lời cha: “Vâng, bố nên cưa bớt chân cho thấp xuống dăm ba phân thì tốt hơn ạ!”. Cha cười độ lượng gật đầu.
Tôi và anh xế khênh cái bàn lên thùng chiếc xe Ford bán tải, vợ tôi hăng hái trợ giúp. Khi xe chạy khuất rồi, tôi cáu với vợ: “Em không biết thì đừng có nói, bàn ghế mà cưa bớt chân thì ai còn dám dùng? Nói thế làm bố giận đấy!”. Không ngờ vợ tôi lạnh lùng phản ứng: “Cái gì tiêu cực thì phải xuất khẩu ngay!”. Tôi to tiếng: “Ăn với nói, cô bảo ai mang tiêu cực đến đây? Bố tôi?”. Vợ tôi không đáp bỏ vào nhà. Lát sau, tôi cũng trở vào, định lên phòng nằm để lấy lại khoảng yên tĩnh đã mất thì vợ mời tôi vào phòng khách. Lúc đầu chúng tôi còn trao đi đổi lại, sau thành cáu gắt chê bai, nói phũ xem thường nhau. Tôi giơ hai tay như tù binh đầu hàng, vì nếu không rút ngay lửa thì hẳn ngôi nhà bạc tỷ vừa làm lễ nhập trạch sẽ bị thiêu rụi vì những lời hiếu thắng riết róng còn nóng hơn cả lửa lò cao ngàn độ nung sắt nấu gang. Đầu hàng xong, tôi bỏ ra phố vào một quán bia ngồi nhâm nhi cho đến lúc đèn đường sáng chóa mới liêu xiêu cuốc bộ về nhà.
Hơn mười hôm sau, vợ tôi làm lành bằng cách nhắc đến ngày giỗ mẹ tôi vào cuối tuần. Vợ sắm nhiều đồ lễ, mua thức ăn ngon ngoại nhập ở siêu thị, vợ còn thửa cho bố chồng một cái áo rét dạ xám made in France. Nàng đòi tôi đưa về làng ăn giỗ sớm hơn các gia đình chị gái em gái tôi để thể hiện bàn tay quán xuyến và đầu bếp thiện nghệ của con dâu trưởng. Tôi thầm đoán, chắc nàng còn có mục đích khác là khéo léo thuyết phục bố tôi để lại cái bàn ở quê. Chúng tôi thuê ô tô bốn chỗ về quê cho sang. Hôm đó có rét tiểu hàn đầu mùa nhưng đã lạnh ngăn ngắt. Cái áo dạ vợ tôi mang về thật đúng lúc, cha mặc vừa vặn và khen ấm.
Vợ chồng tôi ngạc nhiên vì cái bàn đã được sơn phủ bằng thứ sơn ta và thiếp vàng các cạnh, trông nó đẹp chả thua gì cái án thư tôi thấy ở nhà cụ Tú Huấn hồi nhỏ. Tôi ngắm nó đến ngây người. Vợ tôi chỉ nhìn qua rồi đi xuống bếp làm cỗ. Tôi hỏi cha: “Sao bố lại phải cầu kỳ thế cho tốn kém, từ lúc đầu con đã nói, con thích để mộc kia mà”. Cha cười bảo, tiện xe, cha đưa ra làng nghề La Xuyên ngoài Nam Định sơn cho nó bền. Cha ngó về hướng bếp rồi nói nhỏ với tôi: “Hôm ở trên tỉnh, bố đã biết vợ con nó không thích cái bàn này, nay dù bố đã sơn rồi nhưng để lại ở quê thôi, con mà mang về vợ chồng lại sinh cãi cọ, buồn lắm!”. Các gia đình bà chị, em gái tôi đến, cô em gái út cứ nức nở khen tôi sắm cho bố cái bàn đẹp. Tôi không hiểu kéo em ra hỏi thì biết, hóa ra cha tôi đã mang chiếc bàn đi sơn son mạ vàng thật đẹp nhưng lại nói việc đó là do tôi chủ ý làm để tặng cha. Cha đã mua tiếng tốt cho con trai. Cứ như tôi là người chí hiếu. Tôi hỏi cha, cha bảo người trong nhà với nhau, hơn thiệt đi đâu mà tôi cứ phải nghĩ. Tôi suýt ứa nước mắt, biết ơn tấm lòng như sông sâu bể cả của người.
Lần tôi về thăm trước ngày cha mất đột ngột, cha dẫn tôi đến chỗ cái bàn bảo, sau này tìm cách đưa cái bàn lên tỉnh, để dành cho thằng Nguyên, vì có lần cháu đã xin ông nội cái bàn này và xin thêm một bộ đục tràng để nó tự sửa các đồ gia dụng bằng gỗ tại nhà nó. Đó là lý do chính khiến tôi đã dùng cái bàn để làm hương án cho cha mặc dù bị nhiều người phản ứng.
Trong kỳ cúng hết việc hai năm cho cha, tôi sắm chiếc bàn thờ hương án bằng vàng mã đốt thay cho cái bàn gỗ dổi kiểu án thư mà cha đã làm để lưu nó lại như ước nguyện của người lúc sinh thời. Tôi đưa chiếc bàn lên nhà trên thành phố, kê vào phòng của con trai tôi, vợ tôi không hề tỏ tí chút vui vẻ nào nhưng cũng không can ngăn thắc mắc dè bĩu đòi cưa ngắn bốn chân như dạo trước. Sau đó, tôi và vợ cùng thằng Nguyên rất đồng thuận dùng cái bàn đó làm bàn thờ cha mẹ tôi trên tỉnh với tinh thần, con cái ở đâu cha mẹ ở đó. Ngày mồng một, rằm hàng tháng, chúng tôi có nơi thắp hương tưởng vọng cha mẹ tổ tiên. Ngày giỗ, ngày tết chúng tôi thắp hương dâng hoa quả xong thì mới về quê làm cỗ mời anh em họ hàng. Thằng Nguyên sợ vong linh ông bà nội phải đi về mỏi chân nên mua một chiếc Mercedes vàng mã modern mới nhất có cả hình nộm lái xe, phục vụ việc di chuyển đường xa của ông bà nội.
Cúng hết việc cho cha xong không lâu, vận may luôn đến với các thành viên trong gia đình tôi, vợ được bổ nhiệm Phó Giám đốc Công ty Cây xanh thị xã nghỉ mát, tôi nhận chức trưởng phòng thuộc ủy ban thành phố tỉnh lỵ, nghe có vẻ bị hạ cấp vì từ tỉnh xuống thị nhưng chức trưởng phòng của tôi ở ủy ban thành phố được ký tên đóng dấu, tức là quan viên có ấn kiếm hẳn hoi, nói như dân gian, tôi từ đuôi voi xuống đầu chuột, đầu chuột vẫn ngon lành hơn đuôi voi nhiều, thành ra tuy tôi xuống mà thực chất là… lên. Thằng Nguyên lấy vợ sinh con trai, hai vợ chồng nó được cấp học bổng đi nghiên cứu sinh ở một nước Bắc Âu, sang đó một năm, nó hoa tiêu cho con gái thứ hai của tôi thi vào một trường đại học danh tiếng và nhận được học bổng du học toàn phần…
Khi chúng tôi kết thúc chuyến du lịch kết hợp thăm con cháu từ ngoại quốc về lại ngôi nhà của mình thì chao ôi, mối đã xông bằng sạch toàn bộ đồ gỗ trong nhà trừ cái bàn thờ cha mẹ tôi không bị làm sao. Mời thợ chống mối thương hiệu nhất nhì của thành phố đến nhà tìm hiểu tai họa. Vợ tôi cứ tiếc đứt ruột vì cả núi tiền bỗng dưng bị tàn phá và luôn miệng thắc mắc, gỗ cao cấp nhập ngoại đã thuộc hóa chất, ép cứng hơn cả sắt mà tại sao mối còn xông được? Thợ chống mối xem xét kỹ lưỡng lại một lần nữa sào huyệt của mối chúa, ông chẳng hề lạ lẫm sức tấn công tàn phá khiếp khủng của mối. Là người hiểu chuyên sâu, ông cặn kẽ giải thích, mối này đã biến đổi gen, chúng có thể gặm nuốt tất tần tật mọi thứ được gọi là có hơi gỗ. Ông còn dẫn chứng, vừa rồi trên ti vi chiếu bộ phim của Séc về một loại động vật chuyên ăn sắt thép như ăn ngô luộc, một loại động vật khác uống dầu ma zút như uống sữa tươi…
Trị tận gốc loại mối biến đổi gen xong, vợ chồng tôi đi sắm đồ gỗ làm bằng dổi ở một làng nghề khá gần ngoại vi thành phố vì giá cả dễ chịu. Ông chủ hiệu đồ gỗ sẽ giao hàng tận nhà và cam kết bằng văn bản bảo hành cho chúng tôi hai năm kể cả chống mối mọt. Hôm xe hàng đến, nhìn thấy cái bàn thờ cha mẹ tôi, ông ta cứ dán mắt, tay sờ xem bằng hết mọi chi tiết và hỏi nguồn gốc. Khi biết đó là cái bàn do chính tay cha tôi đóng, ông chủ hàng nói về cái đẹp, dáng phong thủy của nó hay như bài giảng hấp dẫn của một thợ cả trứ danh rồi ông ta thắp hương khấn thầm hồi lâu trước hương án cha mẹ tôi.
Lúc thanh toán, ông chủ hàng bớt lại cho chúng tôi một xấp tiền phải đến mấy triệu. Tôi chưa hiểu nguyên cớ thì vợ tôi đã linh cảm hỏi: “Bác định trả bản quyền cho ông cháu hay sao?”. Ông chủ hàng từ tốn, nói: “Bác gái dạy thế thì trọng vọng cái tâm tôi quá nhưng, vâng, hai bác cho phép tôi gửi laị chút ít nhờ hương khói cho cụ nhà. Cũng nhân đây xin hai bác thay anh linh cụ cho phép tôi được học mót kiểu dáng cái bàn của cụ. Vâng, tôi tin cái bàn này sẽ có thị trường”. Không để vợ chồng tôi nói thêm, ông chủ hàng đi lại bàn thờ thắp hương như lần trước. Vợ tôi đặt chỗ tiền bản quyền vào cái đĩa sứ trên bàn thờ. Tôi chắp tay thụ lễ từ ông chủ hàng và thầm khấn với anh hồn cha: “Cha ơi, cha sinh ra con mà con không tri âm với cha bằng ông khách này. Cha ơi, cha tha thứ cho con…!”
L.V.Q
Giải Nhì thi truyện ngắn báo Văn Nghệ, 2015 – 2017