(Vanchuongphuongnam.vn) – Đêm xuống thật sự, mưa đã tạnh, lũ trẻ đã ngủ. Như thường lệ trước khi đi ngủ, Trà đốt cây hương cắm lên bàn thờ chồng.
Nhà văn Nguyễn Bá Hòa
1.
Trà kéo tấm chăn mỏng đắp cho hai đứa nhỏ. Mưa rơi lộp độp trên mái tôn. Gió lùa qua khe cửa mang theo cái rét đầu mùa. Thằng Lanh, con Lợi co ro trên chiếc giường tre cũ và hẹp. Trà hết nhìn hũ gạo lăn lóc góc nhà lại nhìn hai đứa trẻ. Đôi mắt đảo một vòng quanh nhà hình như tìm kiếm cái gì có thể bán được đổi lấy cái ăn. Chẳng có gì! Đốt cây hương cắm lên bàn thờ chồng, mắt vô hồn dõi theo vòng khói bị gió đẩy dạt qua một phía. Trước khi đi ngủ Trà thường làm thế, đã hơn hai năm rồi, từ khi con Lợi gần hai tuổi. Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi. Ôm hai con vào đôi tay yếu đuối, nước mắt chảy thành dòng. Trà và Tính lấy nhau được năm năm thì Tính mất trong một tai nạn giao thông. Chiếc xe đò chở mấy chục người từ thị xã về quê Tính lăn xuống vực. Trong màn nước mắt, khuôn mặt Tính hiện ra đau khổ và thất vọng tột cùng. Vùng Trung du bạt ngàn cây xanh, ngôi nhà nhỏ nằm sát ngọn đồi đầy ắp tiếng chim bỗng trở nên nặng trĩu nỗi buồn cơ cực. Tính, chỗ dựa duy nhất của gia đình không còn nữa, Trà và hai con hụt hẫng, chới với. Thời gian cứ trôi đi trong giấc ngủ chập chờn những lo toan, sợ hãi.
– Mẹ!
Trà giật mình vì tiếng thét của thằng Lanh.
– Gì thế con?
– Con đau bụng.
– Để mẹ đi tìm ve dầu.
Trời sáng tỏ, mưa đã dứt tự bao giờ. Tiếng bầy chim chào mào ríu ra ríu rít sau nhà. Trà mở cửa cho ánh sáng tràn vào, lục tung chăn màn, sục sạo khắp nơi vẫn không tìm thấy ve dầu. Thằng Lanh cứ la thét vì đau.
– Con ráng chịu một chút để mẹ qua nhà bác Năm kiếm ve dầu.
Trà hấp tập phóng chạy suýt đâm sầm vào chiếc xe máy dựng trước ngõ. Gã đàn ông đứng gần đó lên tiếng:
– Tôi dựng xe vô ý quá, xin lỗi chị!
– Ông có ve dầu không, con tôi bị đau.
– Có đây chị.
Trà cầm ve dầu chạy vào nhà. Gã đàn ông ngập ngừng rồi bước theo. Trà đổ dầu vào lòng bàn tay thoa thoa vào bụng thằng bé, nó vẫn cứ la đau, nước mắt ràn rụa.
– Chị đốt lửa hơ nóng bàn tay rồi áp vào bụng cháu thử xem.
Trà giật mình quay lại, một chút do dự rồi làm theo hướng dẫn của gã. Thằng bé không la đau nữa, nó nằm yên nhìn người lạ.
– Chị không phải lo lắng nữa, cháu bị lạnh bụng và có lẽ bị đói nữa, cho nó ăn chút gì vào sẽ khỏi ngay.
Trà yên lặng.
– Chắc chị chưa chuẩn bị, tôi có bánh mì…
Gã ra ngõ, mở cái túi to vắt sau yên xe. Trà định thần lại, quan sát gã. Trước xe là cái lồng bẫy chim. Thì ra gã là người đi bẫy chim về xuôi để bán kiếm sống. Chị yên tâm nhận hai ổ bánh mì. Gã chào, nhìn chị và hai đứa bé với ánh mắt thông cảm rồi dắt xe vòng ra phía sau nhà, có lẽ gã định lên đồi cây thì phải.
2.
Trà theo bác Năm làm cỏ lúa. Mảnh ruộng hơn một sào đang mơn mởn khoe xanh dưới nắng.
Mỗi lần đi làm ruộng, Trà gởi hai đứa nhỏ bên nhà bác Năm, xong việc mới đón chúng về. Hôm nay, lần đầu Trà để chúng ở nhà, cứ lo ngay ngáy. Phải vậy thôi, không thể nhờ gia đình bác Năm mãi được. Phải chi… Trà luôn nghĩ, phải chi nhà có đàn ông. Nhớ lần trước, nếu không có gã bẫy chim hướng dẫn cách hơ bụng cho thằng Lanh thì chẳng biết xoay xở ra sao. Đã mấy tháng nay không thấy gã đi ngang qua nhà! Giọng bác Năm cắt ngang suy nghĩ của Trà:
– Còn chút nữa để tau làm, mày về trước đi.
Lên bờ, men theo mương nước, Trà đi như chạy về nhà.
– Lanh ơi! Lợi ơi! Mẹ về đây!
– Chào chị!
– Anh là…
– Tôi đi bẫy chim, lần trước cho chị mượn ve dầu đó. Hôm nay đi ngang thấy hai đứa nhỏ nên tạt vào thăm.
Thằng Lanh khoe với mẹ:
– Bác ấy cho con Lợi cái bánh chưng.
– Anh không nên làm thế!
– Có gì đâu chị, tôi mang theo nhiều lắm. Ngồi đợi chim mắc bẫy buồn lắm, chỉ biết ăn chớ có chuyện chi đâu mà làm! Nếu chị không vui cho tôi đổi chai nước.
Vừa nói gã vừa chìa cái chai nhựa ra.
– Anh cần thì lấy mà uống
Thằng Lanh giúp gã rót nước vào chai.
Hình như nó đang vui vì có bạn để chuyện trò. Trà chăm chú nhìn gã, có lẽ gã hơn Trà chừng năm ba tuổi, khuôn mặt sạm đen không giấu được nét thư sinh, đôi mắt linh hoạt hiền hậu.
Tiếng chim trên đồi như một bản hòa tấu vang vọng cả không gian, gia đình Trà đã quá quen thuộc với âm thanh này. Gã lắng nghe…
– Khu đồi này nhiều chim thật, chào mào, chích chòe, cả bạc má nữa!
– Quê anh ở đâu? Sao anh không làm nghề khác kiếm sống, bắt chim làm chi, tội lắm, để chúng tự do bay nhảy, tự do ca hát.
– Nhà tôi cách đây hơn chục cây số. Bây giờ khó kiếm việc lắm chị ơi! Người thành phố chơi chim nhiều lắm, họ bỏ tiền triệu ra để mua chim. Mình đi một ngày được năm bảy con là đủ sống rồi.
– Ác đức lắm anh ơi!
– Cũng biết vậy, nhưng…
Đôi mắt gã sụp xuống buồn hiu, gã yên lặng không nói gì. Trà đi ra sau nhà lượm củi khô. Tiếng thằng Lanh, con Lợi cười đùa vui vẻ với gã bẫy chim nghe thật ấm. Qua phên cửa hở, Trà thấy gã nhìn hai đứa trẻ thật thân thiện. Trà nhẹ nhàng bước vào nhà:
– Tôi chưa biết tên anh? Anh có mấy cháu rồi?
– Tôi là Tần, tôi có vợ nhưng không có con, tôi yêu trẻ con lắm.
– Chị ấy làm nghề gì?
– Bẫy người!
Trà trố mắt ngạc nhiên trước câu trả lời của gã. Có nghe nhầm không đấy? Bẫy người? Gã giải thích dài dòng và lúng túng. Trà hiểu mang máng rằng vợ gã quan hệ với đàn ông có tiền để sống. Vợ gã không quan tâm đến gã nữa, nay đi với người này, mai đi với người kia, ăn sung mặc sướng.
Gã thở dài, bẹo má thằng Lanh, xoa đầu con Lợi rồi ngượng ngập bỏ đi.
3.
Trời không có gió, không nắng lớn nhưng oi nồng khó chịu. Mái tôn thấp ủ cái nóng khô người. Trà kéo hai con ra sau nhà leo lên đồi núp dưới vòm cây cho dễ chịu. Từ ngày gã bẫy chim lên đây, tiếng chim thưa thớt dần, bản hòa tấu ban mai của bầy chim không còn vang vọng như xưa. Thỉnh thoảng cũng có tiếng chim, nhưng không phải tiếng chim hót mà tiếng chim kêu. Chúng kêu cứu, hoảng loạn sợ hãi, căm hận. Chúng hận gã bẫy chim độc ác, chúng hận những con chim mồi vô tâm. Ngước nhìn lên vòm cây, không một bóng chim, chúng xa lánh cả Trà. Cũng từ ngày gã bẫy chim lên đây, cuộc sống của Trà và hai đứa nhỏ cũng khang khác. Ngày nào đi bẫy gã cũng tạt qua thăm lũ trẻ, cho quà và trò chuyện với chúng. Trà chăm chút nhà cửa hơn, chăm chút cho mình hơn. Lũ trẻ vui vì có bạn, còn Trà vui vì lẽ gì? Anh ấy yêu trẻ con kia mà. Đã có vài lần Trà mạnh miệng mời anh ấy ăn bữa cơm trưa nhưng gã đều từ chối, xin chút nước rồi vào rừng. Bầy chim đi xa, gã cũng vào sâu hơn. Hơn một năm kể từ ngày thằng Lanh đau bụng, bao nhiêu con chim bị gã bắt, Trà không tính nổi. Còn vợ gã bẫy được bao nhiêu đàn ông chắc gã cũng không tính nổi! Gương mặt gã hiền hậu thế chớ có độc ác gì đâu mà vô phước thế! Rồi Trà sẽ khuyên gã bỏ nghề bẫy chim ở lại đây làm ruộng.
Gió bỗng thổi mạnh, cây đổ lá ào ào. Trà dắt hai đứa trẻ xuống đồi. Không khéo trời nổi cơn giông chiều rồi! Một ánh chớp, một tiếng nổ, mưa bắt đầu rơi. Hạt mưa một lúc một lớn đập trên mái tôn nghe rầm rập. Trà không lạ gì với những cơn mưa giông chiều vùng Trung du kéo dài đến tận đêm. Dọn chỗ cho hai đứa nhỏ ngồi, Trà đóng cửa, châm đèn, thổi cơm.
– Chị Trà ơi!
– Ai đó?
– Tôi, Tần đây. Mưa lớn quá cho tôi gởi chim ở đây, mai lên lấy.
Trà mở cửa, Tần mang một cái bẫy bọc nylon cẩn thận, chắc trong ấy có con chim mồi, một cái lồng sắt cũng bọc nylon trong ấy có năm bảy con chào mào gì đó ướt nhoẹt.
– Anh dắt xe vào đi, chút nữa tạnh rồi về.
Tần bước vào nhà, ướt lạnh.
– Thằng Lanh tìm cho bác cái áo cũ. Anh vào bếp hơ cho bớt lạnh.
Ngoài trời mưa vẫn nặng hạt và dai dẵng không dễ gì tạnh được. Tần nhìn trời ái ngại:
– Tôi phải về, chị cho mượn thêm cái áo mưa.
Con chim mồi trong bẫy bỗng dưng cất tiếng hót.
– Không về được đâu, anh cứ ở lại ăn với mẹ con tôi bữa cơm, tôi sắp xếp cho anh ngủ với hai đứa nhỏ, chắc chúng vui lắm.
Đêm xuống thật sự, mưa đã tạnh, lũ trẻ đã ngủ. Như thường lệ trước khi đi ngủ, Trà đốt cây hương cắm lên bàn thờ chồng.
N.B.H