Tuyết Giảo
Dạo này, tôi có xem bộ phim “Trở về tuổi thơ” (About a boy) và tôi rất thích một câu nói “No man is an island” trong phim. Tôi nghĩ câu này có thể được sửa lại thành “No one is an island” dịch sang tiếng Việt là không ai là một hòn đảo cả. Chúng ta cần phải kết nối với những người xung quanh, từ ngia đình, bạn bè cho tới đồng nghiệp mới có thể sống vui vẻ cũng như đỡ cô đơn hơn.
Nhớ lại khoảng thời gian khi tôi theo học chương trình thạc sĩ ở Nhật Bản, đúng thời điểm đó đại dịch covid-19 năm 2020 bắt đầu xảy ra. Cuộc sống của tôi ở Nhật Bản khi đó thực sự rất ảm đạm, cô đơn và buồn bã. Nhật Bản vốn dĩ là một quốc gia có cuộc sống tương đối ủ rũ do tính chất của một đảo quốc. Và đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng ảm đạm này.
Tôi vốn nghĩ rằng mình là người biết tự chơi với chính mình và tự sống vui với bản thân. Tuy nhiên, đôi khi tôi vẫn không thể chịu đựng được không khí ảm đạm, ngột ngạt như vậy. Khi học thạc sĩ ở bên Nhật, tôi thường phải thuyết trình trong lớp. Có lần, sau 3 tiếng phát biểu liên tục bằng tiếng Nhật, khi về đến phòng, tôi đã kiệt sức đến mức không thể cựa quậy được. Có lẽ vì tôi đã chuẩn bị quá lâu và căng thẳng quá mức cho buổi thuyết trình đó, khi mọi thứ kết thúc, tôi cảm thấy bản thân như một đống củi đã đốt cháy hết. Và sau đó, một cảm giác trống rỗng, cô đơn ập đến với tôi. Tôi cảm thấy như cơ thể nằm trên giường đang dần rơi vào một cái hố đen vô tận. Lúc đầu, tôi vẫn cố gắng vùng vẫy, nhưng rồi nhận ra dù cố gắng đến mức nào cũng vô ích, càng cố gắng, tôi càng rơi nhanh hơn. Vì vậy, tôi đành bỏ cuộc, từ bỏ mọi sự kháng cự vô ích và để mình rơi tự do vào cái hố đen ấy. Trong những lúc như thế, tôi lại một lần nữa hiểu rằng, không chỉ người già mới có nguy cơ gặp “cái chết cô độc”, mà cả những người trẻ như tôi cũng có thể rơi vào tình trạng như vậy.
Vào tháng 2 năm 2021, Nhật Bản đã thiết lập một chức vụ rất thú vị là “Bộ trưởng phụ trách vấn đề cô độc”, trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Anh có chức vụ này. Cho đến tháng 9 năm 2021, khi nước Anh bãi bỏ vị trí “Bộ trưởng” lạ lùng này, trên thế giới, chỉ còn đất nước mặt trời mọc Nhật Bản là có. Nghe tên chức vụ, tôi đã liên tưởng ngay đến “Độc Cô Cầu Bại” – người có võ công siêu phàm, có thể đánh bại tất cả thiên hạ, nhưng lại phải sống cuộc đời cô độc trong truyện kiếm hiệp. Người Nhật cũng như vậy, họ rất chăm chỉ, cẩn thận trong công việc, dành hầu hết thời gian trong cuộc sống để làm việc. Họ chỉ duy trì những mối quan hệ tối thiểu với mọi người, do tính cách hay xấu hổ và hướng nội, khiến họ không thể thổ lộ được nhiều cảm xúc chân thành của mình với người xung quanh. Dần dần, họ trở nên ủ rũ, trầm cảm, thậm chí có những trường hợp tự tử nghiêm trọng, có lẽ đây chính là “cái chết cô độc” mà người ta vẫn thường nhắc đến.
Vậy “cái chết cô độc” là gì? Thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng rộng rãi sau thảm họa Hanshin-Awaji năm 1995 tại Nhật Bản, nhưng không có một định nghĩa chính xác và thống nhất nào nên cụm từ này có nhiều cách giải thích khác nhau. Đáng chú ý là trong xã hội Âu Mỹ, vốn không tồn tại khái niệm “cái chết cô độc”. Ở Nhật Bản, các báo cáo liên quan thường sử dụng từ viết bằng chữ la-tinh “Kodokushi” để chỉ về khái niệm này. Theo con số chính phủ Nhật Bản đưa ra vào quý 1 năm nay, đã có 21.716 người sống một mình qua đời tại nhà (con số tạm thời), trong đó khoảng 17.000 người (gần 80%) là người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Ước tính cả năm, con số này lên đến khoảng 68.000 người.
Chắc mọi người sẽ thắc mắc vì sao lại có một thuật ngữ là “cái chết cô độc”, thậm chí nước Nhật cần phải bầu ra “bộ trưởng phụ trách vấn đề cô đơn” để khắc phục vấn đề xã hội này. Ban đầu tôi cũng như mọi người, thầm thắc mắc trong đầu.
Sau khi đến Nhật Bản, tôi mới biết đến thuật ngữ “cái chết cô độc” và rất hiểu vì sao có thể chết trong cô độc. Trong cuộc đời mình, tôi đã từng nghĩ đến nhiều cách để chia tay thế giới này. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một người có thể chết vì cô độc. Nghe “chết một cách cô độc” đã quá buồn bã và cô độc đến cực hạn rồi. Sau khi ở Nhật một thời gian, tôi nhận thấy cái chết vì cô độc quá phổ biến, đến mức nó đã trở thành một phần của cuộc sống như ba bữa ăn hàng ngày vậy.
Để ví dụ về sự cô độc ở Nhật Bản, tôi sống một mình trong căn hộ, còn ở Trung Quốc, đôi khi tôi biết được một số người hàng xóm, dù không thân thiết lắm thì cũng sẽ cười nói chào hỏi qua lại. Nhưng ở căn hộ này, suốt gần 2 năm nay, tôi chẳng biết ai ở bên cạnh mình, và cũng chưa bao giờ gặp được hàng xóm. Chỉ là tôi thỉnh thoảng nghe được tiếng ngáy và ho từ bên cạnh, cho thấy đó có lẽ là một ông lão sống một mình. Căn hộ này thuộc khu nhà giá rẻ nhất trong khu vực, có nghĩa là nơi này như một khu phố nghèo. Ông lão bên cạnh có thể là một người chưa từng kết hôn, không có con cái, không gia đình, sống một mình.
Đôi khi về đêm, khi mất ngủ và bị cuốn vào những cảm xúc lúc lên lúc trầm, tôi thường cảm thấy mình hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới này. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể trở nên cô đơn đến mức suy nghĩ về mối liên hệ của bản thân với thế giới. Lúc đó, những tiếng ngáy của ông lão hàng xóm như một điều an ủi, báo cho tôi biết rằng tôi vẫn còn liên kết chặt chẽ với thế giới này. Đôi khi, khi im lặng lâu mà không nghe tiếng ngáy, tôi sẽ lo lắng không biết ông lão có phải đã gặp “cái chết cô độc” rồi không. Khi tiếng ngáy lại vang lên, tôi mới yên tâm.
Đôi khi tôi về muộn khoảng 11 giờ tối, tôi thường gặp nhiều người Nhật đã say xỉn nằm la liệt trên nền ga. Tôi tự hỏi, họ đã trải qua những điều gì mà một người trưởng thành lại có thể hành sự không lịch sự đến mức như vậy ở nơi công cộng. Có lẽ vì cuộc sống quá áp lực, quá cô đơn, nên họ chỉ có thể tìm đến rượu bia để quên đi nỗi buồn, nhưng rốt cuộc chỉ càng làm nỗi buồn sâu sắc hơn.
Tôi vẫn nhớ khi tôi đến lớp học để làm trợ giảng của cô thì có một nam sinh Nhật đã đến lớp trước tôi. Tôi hỏi tại sao em lại chọn đến lớp thay vì học trực tuyến tại nhà, em có thể ngủ thêm chút nữa. Em ấy mỉm cười ngại ngùng và nói: “Khi một mình học online, mọi người không ai bật camera, em cảm thấy quá cô đơn, nên tôi vẫn thích đến lớp học.” Em ấy thường rất ít nói chuyện, thậm chí tôi chưa bao giờ thấy em nói chuyện với bạn cùng lớp. Có lẽ em ấy đến lớp vì ở đây có người, sự tồn tại của người khác cũng làm nổi bật sự tồn tại của chính mình. Sự tồn tại của một sinh vật làm nổi bật sự tồn tại của sinh vật khác.
Nghĩ đến đây, tôi liên tưởng đến những con gián vào ban đêm trong nhà tôi ở bên Nhật Bản. Mỗi lần nhìn thấy chúng lảng vảng, tôi không những không tức giận mà còn cảm thấy vui sướng. Sự tồn tại của những sinh vật lạ này như làm nổi bật sự sống của chính tôi trong đại lịch covid 19. Rồi tôi lại như một con mèo đuổi bắt chuột, rảo khắp nhà để bắt chúng, tận hưởng cảm giác đuổi bắt những sinh vật sống đầy sức sống này. Tôi cũng đã đến mức quá cô độc rồi nhỉ? Đã phải chứng minh bản thân mình vẫn có liên kết với thế giới này bằng mấy con gián.
Như câu chuyện tôi đã kể ban đầu, “không ai là một hòn đảo” (No one is an island). Chúng ta, mỗi người, đều là một phần của thế giới này, có liên kết với thế giới xung quanh – với ba mẹ, gia đình, bạn bè, thầy cô, v.v. Đôi lúc, chúng ta có thể cảm thấy rất bất an, lẫn lộn, cô đơn, buồn bã, và cảm thấy vô lực, như thể rơi vào một cái hố đen khổng lồ. Nhưng đừng lo lắng, có thể chúng ta sẽ nghe thấy tiếng ngáy của ông hàng xóm, hoặc có thể con gián sẽ lén lút đến thăm bạn. Hơn nữa, nhiều khi sự cô đơn sẽ giúp chúng ta khám phá những niềm vui nhỏ bé mà chúng ta thường bỏ lỡ, giúp chúng ta trân trọng hơn những người, mọi vật xung quanh, và yêu mến cuộc sống hơn. Tôi cũng mong một ngày không xa, đất nước mặt trời mọc sẽ hủy bỏ chức vụ “bộ trường phụ trách vấn đề cô độc” như nước Anh. Trong lòng tôi cũng biết vấn đề “cái chết cô độc” sẽ khó giải quyết nhưng cũng mong cải thiện từng bước một. Mong khi một người tạm biệt với thế giới không phải vì cô độc mà là có người ở bên cạnh có mỉm cười trên môi vì đã thỏa mãn với thế giới này.
T.G