Cái chết của cây thanh xuân – Truyện ngắn của Hoa Níp

499

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đến hòn đảo này vào những năm tháng “bẻ gãy sừng trâu” của cuộc đời, tính đến thời điểm hiện tại đó là một trong những quyết định chóng vánh và vội vàng nhất. Tất cả những đơn xin nhập học, đơn xin cư trú, học bạ ở trường cũ, đều được hợp pháp trong vòng một tháng. Tất cả những mối quan hệ, những kỷ vật, những góc phố quen, những quán café xưa cũ, đều được bỏ lại trong vòng một tháng.

Nhà thơ Hoa Níp 

Tính đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa lý giải được vì sao mình chọn nơi này để tiếp tục học phổ thông, để lại phía sau con đường đến trường mà tôi chưa bao giờ hết yêu, để lại phía sau tà áo dài trắng thân thuộc cùng những tiết bùng học rong chơi với chúng bạn (cũng vô cùng thân thuộc). Có lẽ, có lẽ thôi đó là quyết định của một phút chán chường và xốc nổi, nhưng đau buồn hơn hết, là suốt mười bảy năm, hơn tám mươi ngàn ngày tồn tại trên Trái Đất này, vẫn chưa có một mối quan hệ nào đủ sâu đậm để ngăn tôi khỏi việc rời đi, hay ít ra là đủ sâu đậm để khiến tôi có một chút luyến tiếc, hoàn toàn không, một con số không không thể nào tròn hơn. Có lẽ, có lẽ thôi, đó chính là lý do mà tôi luôn tìm kiếm?

Những ngày đầu ở thành phố này thật khó khăn, khó khăn ngoài sức tưởng tượng của một cô gái mười bảy. Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường trốn nhà đi chơi như bao đứa trẻ khác, tôi ở Nội, ở Ngoại, chơi với những đứa em con bác, con cậu, ngủ lại nhiều ngày liền, nhưng chưa từng thấy nhớ mẹ, ngay cả khi còn là một đứa trẻ thơ, cũng chưa từng thấy nhớ mẹ. Ngày tiễn tôi ở sân bay, sau này tôi bay rất nhiều lần, nhưng chỉ duy có lần đầu tiên đó là mẹ đi tiễn, mẹ khóc rất nhiều, vừa khóc vừa dặn phải ráng học nghen con, ráng ăn nghen con, sang tới nơi điện về liền nghen con, tôi tuyệt nhiên không rơi một giọt nước mắt, cứ dạ dạ vâng vâng rồi quay người đi thẳng vào phòng chờ, cũng tuyệt nhiên không quay đầu lại một lần. Vậy mà, đêm đầu tiên ở một đất nước lạ, trong một căn phòng lạ, tôi chìm vào giấc ngủ khi vừa đặt lưng xuống giường, lúc sau thì bật dậy, nhớ mẹ khóc nức nở, sau này tôi nhớ mẹ rất thường xuyên, duy chỉ có lần đầu tiên đó là bật khóc nức nở, to và thành tiếng.

Những ngày đầu ở một môi trường mới cũng thật khó khăn, như tôi đã sớm tưởng tượng được từ trước. Sau hai tuần đi học, những đứa bạn cùng lớp đã quen mặt thuộc tên nhau, thì vào giờ cơm, tôi vẫn ngồi yên tại chỗ cho hết hai tiếng đồng hồ vì không có ai ăn trưa cùng. Phải thêm hai tuần nữa, tôi mới có một anh bạn người Việt Nam, anh to đùng, nặng gần trăm ký, đen nhẻm, hơn tôi ba tuổi , tôi gọi anh là Mập, từ đó cho đến giờ, chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết, dù rất nhiều biến cố đã xảy ra.

Đó cũng là lúc tôi gặp anh, anh đi ngang qua cửa lớp và tôi không thể dời mắt khỏi anh, hôm đó anh mặc áo thun, mồ hôi nhễ nhại, vừa đi vừa đẩy gọng kính, chỉ vậy thôi mà khiến tôi không thể ngừng nghĩ về anh, tôi gặng hỏi Mập về anh, họ ở cùng phòng trọ với nhau, tôi điên cuồng tìm cách gây sự chú ý của anh nhưng bất thành. Chín ngày sau đó, giờ tan học, anh chạy theo để bắt kịp tôi, vừa thở dốc vừa hỏi:

– Thế bạn tên gì?

Mười bốn ngày sau đó anh nắm tay tôi lần đầu tiên, một ngày sau mười bốn ngày sau đó anh ngỏ lời yêu, thế là chúng tôi yêu nhau. Tôi là người yêu đầu tiên của anh, còn anh là người thứ bao nhiêu của tôi không rõ. Tôi thường nghĩ rằng khi người ta sống trong điều kiện không được đủ đầy, dù là vật chất hay tinh thần, thì tâm hồn sẽ dễ đồng điệu và thông cảm cho nhau hơn. Tôi thường nghĩ vì vậy mà tôi thương anh nhiều hơn tất thảy những người trước đây.

Tháng lương đầu tiên, anh hỏi tôi muốn gì, anh thì muốn dành tháng lương đầu tiên cho tôi. Chúng tôi nắm tay nhau đi dọc những con phố dài, đi mãi, đi từ khi tắt nắng đến lúc tối trời, đi đến khi chân mỏi nhừ, tôi cũng không biết mình muốn gì, đành phải quay về. Trên đường về nhà, nhà tôi ở block 405, nhà anh ở block 162 cùng đường, anh thường đưa tôi về rồi quay ngược lại, chỉ có tiệm cây cảnh còn mở cửa, tôi bước vào, chọn lấy một chậu hoa rồi quay qua bảo anh mua cho Khuê đi. Anh hỏi em có biết đó là hoa gì không, tôi lắc đầu, anh cười nói anh cũng không biết, rồi hai đứa cùng cười, chẳng vì lý do gì. Rồi chúng tôi đồng ý gọi tên nó là cây Thanh Xuân. Anh tính tiền chậu hoa hết 7 đô 80 cent, lương tháng của anh thì 450 đô, chưa bao giờ tôi thấy trân quý một món quà đến thế.

Chúng tôi ngày một gắn bó với nhau, đi đâu cũng như hình với bóng, lần đầu tiên tôi thấy mình cũng không đến nỗi cô đơn trên cái hòn đảo chết tiệt này. Tôi thường qua nhà anh, hai đứa nằm cuộn mình chơi games, chơi chán rồi nói với nhau những chuyện không đâu, tôi hay rúc vào lòng anh cười khúc khích mỗi khi chúng tôi trò chuyện cùng nhau, chưa bao giờ cảm thấy bình yên hơn thế. Anh bắt đầu nghe những bản Rock đầu tiên, biết đến những tình khúc da vàng đầu tiên, đọc những quyển sách chữ dày cộp lần đầu tiên, anh bảo đó là những thứ mà cuộc đời nhờ tôi đem đến cho anh, tôi cười , trong lòng rất muốn nói rằng tôi đã bắt đầu yêu một người lần đầu tiên.

Trước đây tôi có nhiều cuộc tình, nhưng kỳ thực, tôi chưa bao giờ thật lòng thật dạ với ai, những đổ vỡ trong hôn nhân của ba mẹ khiến tôi cảm thấy sợ hãi thứ tình yêu người ta vẫn hay ca ngợi. Tôi xây quanh mình thành lũy cao chất ngất và vững chắc nhất, tự dặn lòng cách tốt nhất để tránh khỏi đau lòng là đừng bao giờ thật lòng. Khi gặp anh, tôi mới vỡ lẽ, thiên hạ không hề nói điêu, chuyện người ta yêu nhau và chỉ có mỗi nhau là có thật trên đời.

Có lần, tôi và anh cùng ngồi trong căn tin trường, một cô gái vô cùng xinh đẹp nếu không muốn nói là khuynh thành đổ nước bước vào, ai cũng dừng việc ăn uống lại để nhìn ngắm cô ấy. Chỉ có anh là tiếp tục ăn, tôi hỏi anh không thấy cô ấy quá xinh đẹp sao, anh nói chỉ cần ngồi vói em, mọi thứ khác anh không để tâm.

Thế rồi chúng tôi chia tay nhau lần đầu tiên, có một anh bạn ở chỗ làm thường hay nhắn tin tán tỉnh tôi, dù không trả lời lại một tin nào nhưng anh cho rằng chuyện anh không biết đến sự tồn tại của anh bạn đó là sai, anh muốn chia tay. Lần chia tay đầu tiên của anh, lần thứ mấy không nhớ rõ của tôi. Tôi buồn bã trở lại với cuộc sống đi đi về về một mình, mặc kệ tất cả mọi thứ xung quanh. Hai mưới ba ngày sau đó chúng tôi quay lại với nhau, tôi chưa từng rời xa ai rồi quay lại, anh là ngoại lệ, chúng tôi ôm nhau ngủ, tôi khóc một trận thật dài nói anh đừng đi đâu nữa nha anh, rồi ôm nhau ngủ. Suốt hai mươi ba ngày buồn bã đó không ngày nào tôi tưới chậu cây Thanh Xuân anh mua tặng, vậy mà nó vẫn sống, anh cười bảo lẽ ra anh nên nói nó kiên trì và bền bỉ như tình yêu của chúng ta vậy, nhưng như thế thì sến quá, nên anh sẽ nói là nó lỳ lợm hệt em. Tôi lại rúc vào người anh cười khúc khích, thân thương quá đỗi.

Chia tay lần thứ hai, lần thứ hai của anh và lần thứ bao nhiêu của tôi không nhớ rõ. Lần đó vào dịp Tết, chúng tôi về nước, nhưng ở hai thành phố khác nhau, rồi những liên lạc thưa thớt dần, đã bước sang tuổi mười tám, không còn bẻ gãy sừng trâu, nhưng cái tôi to đùng thì vẫn ở đó. Tôi đi chơi, hẹn hò nắm tay, ôm ấp một chàng trai khác, để làm gì? Chỉ để xoa dịu cái tôi cao ngất trong lòng, chỉ để anh biết rằng nếu anh không quan tâm tôi, khối thằng khác sẽ làm chuyện đó.

Ôi suy nghĩ của một con bé mười tám tuổi cũng chỉ có thế, tình yêu không đủ lớn để hi sinh, yêu người thì yêu người nhưng yêu mình trên hết, yêu cái tôi của mình trên hết, cái tôi của mình là bắt khả xâm phạm, là đừng hòng có thứ khác để cân đo đong đếm.

Và ôi chỉ có thằng con trai mười chín tuổi mới mải mê với những trò chém giết, dán mắt vào laptop, rồi không biết người yêu mình ra sao, tình yêu không đủ lớn để hi sinh, yêu người thì yêu người nhưng games là trên hết, games là bất khả xâm phạm, chưa lên cấp là chưa yêu người.

Ít ngày sau đó trở lại Singapore, ngồi với nhau trên nóc nhà, mỗi đứa cầm một chai ken, chúng tôi vẫn thường như thế, hai đứa bốn chai ken trên nóc nhà, cho đến tờ mờ sáng, nhưng hôm đó là lần cuối cùng, dù cho đến giờ, tất cả đã trở thành những ký ức vô giá, ít nhất đối với riêng tôi. Tôi nói với anh rằng mình về Việt Nam ba tuần, lại hai mươi mốt ngày không hề tưới cây Thanh Xuân, mà nó vẫn sống.

Anh nói nhưng mà nó đang chết dần, tình yêu của anh dành cho em cũng vậy. Tôi quay mặt đi để anh không phải nhìn thấy những giọt nước mắt chực trào, sau đó chúng tôi ôm nhau. Anh hỏi tôi rằng anh phải làm gì đây, anh thực không biết phải làm gì hơn. Tôi im lặng rất lâu, rất lâu, rồi nói anh phải đi tưới cây đi.

Chúng tôi quay lại với nhau một thời gian, vào dịp sinh nhật, anh tặng tôi một chai Ballantine 21, lúc đó tôi đã tự nhủ, sau này nếu chúng tôi không thành, mỗi khi uống dù chỉ một ngụm Ballantine 21, với bất kỳ ai, tôi đều sẽ nghĩ đến anh, luôn là anh, thậm chí là khi tôi đã có chồng, dù tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó.

Tuồng như anh không quên được chuyện cũ, anh hay nghi ngờ và trách móc tôi vô cớ, dù vẫn hết mực yêu thương. Mỗi lần vậy đều ra sức dỗ dành, ôm ấp, rồi anh vẫn thường hay nhắc “Khi một cái cây đang chết dần thì không vứt đi, không mặc kệ, phải tưới nước cho nó.”

Nhưng chúng tôi không phải là một cái cây, những mạch máu ghen tuông, những dây thần kinh buồn bã chẳng có thứ nước thần nào cứu sống được. Anh chia tay tôi lần thứ ba, lần thứ ba của anh và lần thứ bao nhiêu của tôi không nhớ rõ. Nhưng là lần cuối cùng của tôi và anh, chúng tôi không quay lại thêm lần nào sau đó nữa.

Tôi nhớ anh quay quắt, nhớ anh điên cuồng, tôi hút thuốc, điếu thuốc đầu tiên của tuổi mười tám, đắng nghét, nhưng mùi thuốc lá khiến tôi có cảm giác như anh vẫn đang ở đây vậy. Tôi cặp kè lung tung, gặp gỡ lung tung, nhưng không đêm nào không nhớ anh mà khóc. Chuyện tình của chúng tôi chết yểu, nhưng cái cây vẫn sống, chai Ballantine vẫn chưa khui hộp. Tôi sống vật vờ, dằn vặt và chờ đợi. Vật vờ, dằn vặt và chờ đợi. Vật vờ, dằn vặt và chờ đợi. Cái cây thì vẫn sống, nhưng tôi thì vật vờ, dằn vặt và chờ đợi. Tôi trở nên đố kỵ với một cái cây, tại sao trong khi tôi vật vờ, dằn vặt và chờ đợi, thì nó vẫn cứ sống, vẫn cứ xanh mướt và ra hoa? Tôi trở nên đố kỵ với chai rượu, giá mà tôi cũng có thể đóng nắp lại chuyện tình của tôi và anh, để làm lại từ đầu, giá mà?

Khóc lóc chán, tôi mở chai rượu nốc một hơi thật dài, rồi đổ phần còn lại vào chậu cây, vừa đổ, vừa khóc. Sau đó vào phòng đóng cửa suốt ba ngày liền, mê man trong những suy nghĩ tuyệt vọng. Trong số đó có một lúc tôi đã tưởng tượng ra mình sau hai mươi năm nữa, trở thành một bà cô tứ tuần, thành đạt trong một công ty lớn nhưng vẫn cứ đơn thương độc mã, một số người hỏi vì sao, tôi bảo rằng tôi vẫn đang chờ một người mà chỉ cần ngồi với tôi, mọi thứ khác đều không để tâm. Nhưng chờ hoài không thấy.

Ba ngày sau tôi phải ra khỏi phòng, vì sợ chết đói, nhưng tôi chưa kịp chết đói thì chậu hoa đã chết, chết vì độ cồn.

Chuông cửa nhà phòng 24 block 162 lúc 5 giờ sáng, trên bậc thềm có một chậu cây héo úa, một chai rượu rỗng, và một tờ giấy A4 gấp làm tư.

“Em đã tưới cây Thanh Xuân như lời anh nói, nhưng nó vẫn chết!”

H.N