Cái chết của nhà thơ

968

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Anh bạn thân là nhà thơ thông báo với tôi thông tin chẳng biết nên buồn hay vui. Anh bảo: “Con người nhà thơ trong tôi đã chết. Tôi sẽ giã từ nghiệp thơ để tìm sự bình yên cuối đời”. Tôi nghiệm ra một điều giản dị: chính sự bình yên đã khuyến dụ, ru ngủ và đưa nhà thơ vào cõi chết tinh thần.

Nhà thơ Võ Tấn Cường 

Nietzsche từng viết: ”Thượng đế đã chết”. Mượn kiểu nói này tôi đành phải nói: ”Nhà thơ đã chết”. Tôi biết nhiều người nghĩ rằng cái nhìn của tôi bi quan, chỉ biết hướng về thực tại mà thiếu sự thấu triệt tương lai. Điều trước tiên tôi muốn nói rằng con đường và cái đích của thi ca bao giờ cũng xa thẳm và vô tận nhưng cuộc đời của mỗi nhà thơ thì lại ngắm ngủi và cụ thể bằng xương bằng thịt. Thi ca không bao giờ chết, thi ca luôn bất tử như cây đời xanh tươi như khát vọng của con người. Thế nhưng đối với những nhà thơ khao khát sáng tạo, nỗi ám ảnh về cái chết tinh thần thật ghê gớm. Nhà thơ đã chết ư? Ở đây tôi không đề cập đến cái chết sinh vật mà muốn nói về cái chết đáng sợ hơn, đó là cái chết của nỗi mộng mơ, của tâm thức sáng tạo trong cái tôi trữ tình của nhà thơ.

Nhà thơ hiện đại đang từng ngày phải đối mặt với sự cằn khô, sự “ghẻ lạnh” của lối sống đô thị hóa và văn minh vật chất. Các nhà thơ đang vội vã, hối hả trong cuộc cạnh tranh sinh tồn và cả trong quá trình sáng tạo, phổ biến, in ấn tác phẩm. Không gian tâm tưởng của con người và sự chiêm nghiệm đang bị thu hẹp, rút ngắn do ảnh hưởng, sự chiếm lĩnh thông tin từ các phương tiện truyền thông, báo chí, điện ảnh và âm nhạc. Sự khủng hoảng thừa của thông tin, của văn hóa nghe nhìn đang gây ra sự trơ lì cảm xúc, bào mòn năng lượng tâm linh của con người, trong đó có cả nhà thơ.

Nhà thơ đã chết ư? Vâng! Chính vô số những bài thơ nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt đã gây ra “tai ương” cho các nhà thơ chân chính. Điều đáng sợ nhất với thi ca là sự hờ hững của bạn đọc. Thi ca đang có nguy cơ bị biến thành hàng hóa bởi vì bạn đọc đang biến thành “người tiêu dùng” hơn là những người được gây cảm hứng. Con người hiện đại đang phải bươn chải, vật vã từng ngày để kiếm sống. Sự say mê, mơ mộng của thi ca có thể làm phong phú tâm hồn con người nhưng điều trớ trêu là nó lại chẳng giúp gì cho việc cạnh tranh sinh tồn của con người. Đấy là lý do tại sao nhiều người phải rũ bỏ niềm say mê, sự mộng mơ của mình để tồn tại giữa thời đại trần trụi và nghiệt ngã này.

Sự mộng mơ chính là điều quí giá nhất mà các nhà thơ đem đến cho bạn đọc. Giữa thời đại bùng nổ thông tin, máy vi tính có thể đem đến cho con người đủ thứ thông tin ảo và thật nhưng lại chẳng bao giờ có thể truyền vào tâm hồn mỗi người sự mộng mơ và niềm đam mê. Những nhà thơ nào mà nguồn suối mộng mơ bị kiệt quệ, khô cằn thì có thể xem như con người nghệ sĩ, chủ thể trữ tình của họ đã chết. Cái chết của sự mộng mơ đối với nhà thơ xảy ra chậm rãi nhưng lại thật đáng sợ. Từ xưa đến nay biết bao nhà thơ nổi tiếng đã chết do tai ương, bệnh tật, do sự thù hằn và bi kịch của nỗi đam mê như: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Rimbaud, Apollinaire, Exênin, Lermôntôp, Maiakôpki, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Nguyên Sa… Các nhà thơ đã chết nhưng sự nghiệp, tên tuổi và thi ca của họ thì lại bất tử, sống mãi cùng thời gian. Thật ra cái chết của mỗi nhà thơ đều khác nhau nhưng khát vọng về sự sống, sự tồn tại và bất tử của các nhà thơ thì lại hao hao giống nhau. Thi sĩ Nga X.Exênin từng viết:

“Trên đời này chết đâu phải là mới
Nhưng dĩ nhiên, sống chẳng mới gì hơn”

Tất nhiên hai câu thơ trên bao hàm nhiều ý nghĩa tùy theo sự liên tưởng và cảm nhận khác nhau của người đọc. Có một sự thật cỏ vẻ khắc nghiệt và lạnh lùng nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng, đối với nghệ thuật, cái chết của nhà thơ (kể cả cái chết sinh vật và mộng mơ) sẽ chẳng có gì đáng bàn cả nếu nhà thơ không đem đến cho cuộc đời những bài thơ có giá trị.

Bao giờ cũng vậy, con người mộng mơ của nhà thơ thường ”chết” sớm hơn so với con người sinh vật. Những nhà thơ có phẩm hạnh thi ca phải là những người có khả năng tiên cảm về năng lực sáng tạo của mình để dừng lại đúng lúc, để giữ được ánh hào quang thi ca thời tuổi trẻ. Trên thi đàn hiện có một số nhà thơ mải mê “nhai lại” chút vinh quang thời quá khứ nên không tỉnh táo nhận ra rằng con người mộng mơ của họ đã chết từ lâu. Chính thời gian sẽ giữ nhiệm vụ tống tiễn thi ca của các nhà thơ này về thế giới của sự lãng quên.

Nhà thơ trong quá trình sáng tạo thi ca có sự chuyển hóa tâm thức để hướng đến sự vọng tưởng cái đẹp. Chính sự vọng tưởng cái đẹp sẽ chi phối toàn bộ con người thể xác và tâm linh của nhà thơ. Khi cơ chế chuyển hóa tâm thức không còn khả năng xảy ra thì xem như con người mộng mơ của nhà thơ đã chết.

Con đường và sự vận động thi ca chính là sự cộng hưởng các giá trị văn hóa và giá trị riêng biệt của thi ca. Thi ca không là dòng thác tuôn chảy ào ạt. Thi ca là mạch nước ngầm tuôn chảy róc rách qua tháng năm nhưng lai thấm sâu vào lòng đất vào hồn người. Thi ca sẽ đi về đâu? Sự biến động dữ dội của các luồng tư tưởng triết học, chính trị, và tôn giáo chứng tỏ sự khủng hoảng trầm trọng về lòng tin của con người. Liệu thi ca có cứu chuộc được lòng tin của con người giữa thời đại đầy ngổn ngang đổ nát? Dù quyền năng thi ca đối với tâm linh con người đang bị ”teo tóp” lại và cái chết mộng mơ của nhà thơ của bạn đọc vẫn xảy ra nhưng thi ca thì vẫn sống và con dường của thi ca vẫn rộng mở. Một ngày đẹp trời nào đó sự bùng nổ, chuyển hóa tâm linh của nhà thơ sẽ diễn ra và con người mộng mơ của nhà thơ lại bừng sống dậy trên từng con chữ, trên từng bài thơ.

V.T.C