Nguyễn Hàn Chung
(Vanchuongphuongnam.vn) – Người phụ nữ tuy bị bao vây tứ phía bởi những tập tục cổ hủ, khắt khe truyền đời của xã hội nam quyền phong kiến, trong nỗi chua xót lẽ mọn trào dâng vẫn hóm hỉnh, trào lộng. Và điều đó cũng là cách thế sống của những “cái hồng nhan” trong bi kịch đời mình.
Hồ Xuân Hương – tranh của họa sĩ Lê Lam
Tự tình
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn!
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Hồ Xuân Hương
Câu phá chưa có gì ghê gớm cả bởi trách nhiệm của nó là làm nền cho tứ thơ, một loại nền bị cơn lốc thời gian thúc giục ’’văng vẳng trống canh dồn’’ câu thừa kia mới bắt đầu khuấy động kiếp nạn dập vùi vốn là dĩ mệnh của phận đàn bà lẽ mọn.
“Trơ cái hồng nhan với nước non’’
Ném từ trơ vào đầu câu là đã bức bối xót xa lắm rồi. Không, thời gian ấy một người phụ nữ lẻ loi cô độc nghe tiếng trống sang canh dồn đuổi, ức hiếp nụ xuân tình rạo rực đã phản ánh nỗi khát khao hạnh phúc vốn là một đặc quyền được hưởng của con người. Nhưng còn kinh khủng hơn khi tác giả kéo theo cụm từ “cái hồng nhan’’ làm bổ ngữ cho động từ trơ tạo thành một vế câu “trơ cái hồng nhan’’. Không còn là mảnh, tấm mà chỉ còn cái hồng nhan trơ trọi, chai lì mọi sự bởi chỉ cần cất lên hai tiếng hồng nhan đã thấy nỗi bạc mệnh, đa truân hiển lộ ngay trong hàm nghĩa ngôn từ, huống hồ nữ sĩ lại dùng từ ’’cái’’ áp giải người đàn bà đi suốt tháng năm tuổi trẻ trong cảnh lạnh lùng của phận đời làm mướn không công. Chính vì thế người phụ nữ trong bài thơ mới “dục phá thành sầu’’ bằng việc mượn chút hương nồng làm pháo thủ’:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh’’
Cổ nhân đã trải cảnh nâng chén tiêu sầu mà đời nào đặng bởi say rồi cũng đến lúc tỉnh ’’khi tỉnh rượu lúc tàn canh’’ chính là lúc trái tim tỉnh thức hơn lúc nào hết. Nỗi sầu ngỡ như tiêu tán lúc này lại hiện về. Bệnh sầu sau mỗi lần tái phát sức công phá càng tăng lên gấp bội nhất là khi “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn’’. Tròn làm sao được khi cái ách nam quyền phong kiến đồ sộ ngàn đời cứ đày đọa những mảnh hồng quần liễu yếu đào tơ. Càng thương Bà chúa thơ Nôm biết bao khi bà dùng từ “chưa’’. Chưa chứ đâu phải là không, trong tận cùng tâm thức của bà vẫn cứ le lói một niềm tin vào cái sự “tròn’’ không tưởng ấy. Tuy nhiên chỉ cần một chút lạc quan kín đáo lóe lên đã làm nhà thơ phấn chấn:
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn’’
“Xiên ngang, đâm toạc’’ những động từ cực mạnh phản ánh sự vùng cựa quẫy đạp của một con người ngồn ngộn sức sống, tràn trề sinh lực thế mà phải cam chịu “trơ cái hồng nhan’’ trước một hiện thực khách quan tàn nhẫn không làm sao cải biến. Nỗi khát khao mãnh liệt không có đường đào thoát tác giả đành trốn lánh vào các từ “xiên, toạc, đám,hòn’’. Phải chăng đó cũng là một thứ “rượu chữ” để làm khuây nỗi khát? Mà cũng nhờ thế đời mới hưởng được chút dư hương của chủ nhân Cổ Nguyệt Đường.
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con’’
Người ta thường nói “xuân bất tái lai’’ nữ sĩ họ Hồ lại nói ngược “xuân đi xuân lại lại’’. Từ xuân đã được bà dùng một cách biến hóa, xuân mà lai “ngán nỗi’’, xuân mà ’’lại lại’’ thì chắc hẳn từ xuân phải được cảm theo một hàm nghĩa khác có khi tương phản hoàn toàn với nghĩa vốn có của từ. Ta nghe đâu đây tiếng thở dài chua chát “mảnh tình’’ chứ nào phải khối tình đồ sộ gì cho cam mà cũng bị san sẻ còn một “tí con con’’. Tí con con thì làm sao bù đắp nỗi sự quẫy đạp bạo liệt của một trái tim khao khát sống, khao khát yêu đến độ muốn “xiên ngang’’ muốn “đâm toạc’’ mọi ràng buộc khắt khe của thói đời.
Tiếng gà, tiếng trống canh văng vẳng, tiếng mõ cốc, tiếng chuông om vang lên trong ba bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương khuấy động từ cổ nhân đến lai giả. Người phụ nữ tuy bị bao vây tứ phía bởi những tập tục cổ hủ, khắt khe truyền đời của xã hội nam quyền phong kiến, trong nỗi chua xót lẽ mọn trào dâng vẫn hóm hỉnh, trào lộng. Và điều đó cũng là cách thế sống của những “cái hồng nhan” trong bi kịch đời mình.
N.H.C