Cái uy con hổ – Truyện của Huy Bang

226

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuộc họp đã bước sang ngày thứ hai. Không phải bỗng dưng mà chúng tôi lại triệu tập đại diện các phòng, ban và tốn phí thời giờ cho việc này. Vì tính chất nghiêm trọng của vấn đề, vì việc giữ gìn tư cách cho cán bộ… –  Đặng nói.

– Đường chậm rãi từng lời: Tôi nhấn mạnh, vì việc giữ gìn tư cách đạo đức của cán bộ, và làm gương cho những người khác, hòng ngăn ngừa tình trạng tương tự xảy ra, tôi yêu cầu cô Mận phải hết sức thành khẩn và nghiêm túc trình bày tường tận, tỉ mỉ quá trình và khai ra kẻ nào đã ăn nằm bất chính với cô!

Trái với sự trịnh trọng và nghiêm túc của Đường, Mận cợt nhã:

–   Dạ, báo cáo các thủ trưởng đại diện cho các phòng, ban, suốt ngày hôm qua, tôi chẳng đã “hết sức thành khẩn và nghiêm túc trình bày” sự thật rồi đó thôi: Tôi đã bị hiếp dâm trên núi!

Đặng nghiêm sắc mặt, giọng đanh lại: Cô Mận, cô ấm ớ vừa vừa chứ. Cô coi chúng tôi là trẻ con chắc? Ai cũng biết rằng, dãy đồi trước mặt kia là thuộc quân khu bộ, là khu vực quân sự; ngoài anh em trong đơn vị ta ra, chả người dân nào có nhiệm vụ gì mà qua lại, lui tới. Hơn nữa, giả sử – tôi giả sử như cô vừa nói – là cô bị hiếp dâm, tức là bị cưỡng bức, thì hôm đó quần áo cô bị tả tơi, về tới nhà cô phải khóc lóc, tủi nhục… Đằng này, xưa nay cô vẫn bình thường, chẳng hề có dấu hiệu gì. Cô nên nhớ: hiện nay chúng ta đang phát động toàn quân khu hành động theo điều lệnh, giữ nghiêm kỷ luật! Mỗi một hành vi vi phạm nhỏ đều được nhắc nhở, uốn nắn; mỗi một sự vô tổ chức, kỷ luật đều bị xử phạt. Ấy vậy mà cái bụng cô thế kia. Cô đã không thấy rõ tính chất nghiêm trọng cùng hậu quả của việc mình gây ra, lại còn… lại còn…

Đặng đang lúng túng tìm lời diễn đạt, thì Quảng tiếp, giọng không hề nóng nảy, chầm chậm, nhưng mà lạnh sắc:

– Là người đã từng làm công tác bảo vệ, tôi nhận thấy: hiện nay, chúng ta phải hết sức cảnh giác với âm mưu làm tha hóa, biến chất đội ngũ cán bộ. Một trong những biện pháp, con đường làm tha hóa, biến chất đó là dùng tiền tài, vật chất và “ mỹ nhân kế ”. Tất nhiên, cô Mận chẳng có âm mưu gì, nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác kẻ khác lợi dụng vấn đề này. Đấy, sự việc không dừng lại ở mức đơn giản như cô tưởng, mà chúng ta phải biết nhìn sâu hơn, xa hơn để đề phòng.

Không khí cuộc họp thoắt trở nên căng thẳng. Tất cả các cặp mắt đều chằm chằm nhìn Mận. Duy chỉ có một người, ấy là chị Thịnh – suốt từ hôm qua tới giờ, vẫn im lặng – đưa mắt nhìn bâng quơ qua cửa sổ. Mận đáp lại các cặp mắt kia bằng cái nhìn thẳng, vừa pha chút giễu cợt, vừa pha chút thách thức. Cô vẫn với cái giọng tưng tửng:

– Cám ơn các thủ trưởng đã chỉ giáo giúp tôi. Có điều, hôm qua các thủ trưởng đầy tình cảm, dỗ dành. Còn hôm nay, tôi lại nhận được những bài giáo huấn đầy nghiêm lạnh… Bỗng cô đột ngột hét lên thất thanh: – Ối! Ối trời!…

Tiếng hét đột ngột ấy làm mọi người giật nảy mình. Thì ra: có một chú mèo đang tha một khúc cá to tướng, từ ngoài vọt vào đúng người Mận. “Bắt lấy! Bắt lấy nó!” Cùng với tiếng la hét náo động là ba, bốn cậu nuôi quân mồ hôi mồ kê nhễ nhại lao vào. Các cánh cửa đều được nhanh chóng khép lại.  Trừ hai người phụ nữ là chị Thịnh và Mận, còn tất thảy mọi thành viên trong phòng đều hò hét, đuổi bắt nháo nhào. Chú mèo bị dồn vào một góc. Nó cong người, thế thủ. Cặp mắt tròn long lên. Cuối cùng, chú ta không còn cách nào khác là nhả khúc cá ra, rồi thoăn thoắt bám bờ tường, vọt lên xà nhà, thoát thân. Các thành viên nhìn nhau cười, hể hả, đắc thắng như vừa lập được một chiến tích cực kỳ lớn lao(!)

Các cánh cửa phòng lại được mở ra. Cuộc họp bị khuấy động, gián đoạn, tiếp tục trở lại. Tuy vậy, trên các khuôn mặt vẫn còn đầy vẻ phấn khích. Nhìn những nét mặt ấy, Mận bỗng cất tiếng cười, nói một câu dường như chẳng ăn nhập gì với nội dung cuộc họp:

– Kể cũng nực đời, con mèo tha khúc cá thì bị đuổi đánh đến cùng. Giả sử đó không phải là con mèo, mà là con hổ…

Đường đã trở về tư thế của người chủ trì cuộc họp:

– Tôi không tài nào hiểu nổi rằng, sự việc đã sờ sờ ra đấy, mà cô vẫn quanh co, không thành khẩn. Đã vậy lại còn thiếu nghiêm túc, thiếu đứng đắn, lại còn cợt nhã. Mèo, hổ gì ở đây? Đáng ra, cô phải tự thấy ăn năn, thấy tủi phiền, thấy ngượng ngùng, đau khổ.

Câu nói không ngờ như có một ma lực. Nó là lát cứa sắc lẹm vào nơi thiêng liêng, tự trọng, đau đớn nhất của người con gái. Vết thương lòng còn chưa kịp lành miệng đã bị khơi sâu thêm. Mận sa sẩm mặt mày. Vẻ cợt nhã giả tạo, cùng sự thách thức vụt tan biến. Cô cúi gầm mặt, tay mân mê tà áo, mắt đỏ hoe, chớp chớp, sống mũi cay cay. Không kìm nổi, cô vụt khóc, khóc nức nở, khóc tức tưởi. Sự thể chuyển nhanh đến mức các đấng mày râu ngồi ngẩn người ra, nhìn nhau. Lát sau, Mận ngẩng lên, nhìn chị Thịnh với cặp mắt nhòe nước. Thịnh đáp lại bằng ánh mắt của người chị, ánh mắt thấu hiểu và đồng cảm. Họ chẳng nói với nhau, nhưng trong căn phòng này, có lẽ họ đã nói được nhiều điều hơn cả. Sau đó, Mận đưa khăn lên lau khô nước mắt, giọng đượm buồn:

– Dạ, thưa các thủ trưởng, thưa các anh. Sở dĩ suốt từ hôm qua đến giờ, em đã có những lời  không  phải  đối  với các anh, đối với  chính  lòng  mình, là  vì… điều đó không phải là không có lý do. Bây giờ em sẽ…

Các khuôn mặt giãn nở, tươi tỉnh hẳn lên. Các ánh mắt nhìn cô đầy khích lệ. Nhưng rồi lại cụt hứng khi nghe Mận nói:

– Mà thôi… em chỉ ngại…

Giọng nói tiếp nhau:

– Cô đừng ngại. Có chúng tôi dây. Chả có gì làm cô phải ngại cả.

– Đúng đấy. Cô hãy tin ở chúng tôi. Hãy tin ở tập thể, ở tổ chức.

– Chả lẽ ngần này anh em chúng tôi lại không giúp gì cho cô à?

Mận dè dặt:

– Em chỉ ngại… Em chỉ sợ khi em nói ra sự thật, ai là người trong số các anh dám dũng cảm đứng ra giải quyết?

– Trời ơi! Cô khỏi lo! Nếu đó đúng là sự thật, thì chúng tôi sẽ theo đến cùng, sẽ làm đến đầu đến đũa. Sẽ… sẽ… – Cao hứng lên, Đặng đọc to câu thơ:- “Giữa đường thấy sự bất bằng mà tha!” Nào, chúng tôi sẵn sàng nghe cô đây.

Mận ngồi thẳng người, nhìn vào từng khuôn mặt đối diện với mình, cố tìm một nét gì đó. Khi nhận chân ra, cô thoáng vẻ hoài nghi, thất vọng. Nhưng không hẳn là thế. Một chút hy vọng tí ti vẫn cứ ở một nơi nào đó rất sâu, rất xa. Vẻ bướng bỉnh của một cô gái đã nếm trải trỗi dậy. Bản tính ấy giữ cho giọng cô không thân, không sơ, không ra xẵng cũng không giễu cợt. Cô nói chuyện về mình mà như kể chuyện về người, kể về nỗi niềm của mình mà như nói hộ ai đó:

– Các thủ trưởng, các anh có biết vườn hoa của ngôi nhà bên kia đồi là của ai không?

– Vườn hoa của ngôi nhà Tham mưu trưởng quân khu Chu Thành?

– Vâng. Chuyện xảy ra chính là ở đấy đấy.

– À há! Xảy ra ở đấy? Ở vườn hoa của Tham mưu trưởng? Đứa nào? To gan thật!

– Vâng. Chính là ở đấy…

Ai cũng nức nở khen vườn hoa của Tham mưu trưởng Chu Thành. Ngắm khuôn viên, biết rõ chủ nhân của nó quả là rất yêu hoa và sành chơi hoa.  Thực ra, lúc đầu, khuôn viên ấy chỉ là một khóm nho nhỏ với lác đác vài thứ hoa: cúc, hồng, nhài, thược dược. Nhưng dần dà, biết thủ trưởng thích hoa nên rất nhiều cán bộ trong quân khu, mỗi lần đi công tác ở đẩu ở đâu, đều cố công tìm các loại hoa quý về làm quà.  Vậy là, khóm hoa bỗng trở thành một vườn hoa, đủ loại dạng, sắc màu và hương thơm. Thậm chí có cả những giống cực kỳ quý hiếm. Có vườn, tất nhiên cần phải có nước tưới. Một số cán bộ cấp dưới còn sáng kiến: bắc cả hệ thống ống dẫn nước từ con suối trên lưng chừng đồi về tận nhà Tham mưu trưởng. Thật là nhất cử lưỡng tiện: vừa có thứ nước “ sạch như nước suối ban mai giữa rừng” cho thủ trưởng tắm rửa; vừa có sẵn nước để chiều chiều, sau giờ làm việc, thủ trưởng vui thú điền viên; thêm nữa, vài  cán  bộ  cấp  dưới  thi  thoảng  sang thăm chơi, tiện tay múc gáo nước tưới hoa, tỏ ra là người cùng thú vui, sở thích như thủ trưởng!

Ở vùng gió Lào nắng nóng này, mùa hè, hầu hết các giếng nước trong quân khu đều vơi nước. Duy nguồn nước dẫn về vườn hoa kia lúc nào cũng dồi dào và mát lạnh.

Là y tá đơn vị từng chăm sóc các thủ trưởng, nên Mận thường lui tới căn nhà bên này đồi. Một lần, vừa rửa chân tay, Mận vừa trầm trồ, thích thú một cách hồn nhiên:

– Chao ơi! Nước suối mát ơi là mát! Mùa hè mà được tắm nước này thì chỉ có nhất! Giếng bên hậu cần lại quá vơi. Múc được gầu nước, toát cả mồ hôi. Lại khá đông người…

Tham mưu trưởng Chu Thành đang tỉa hoa, vui giọng dễ tính:

– Ừ. Nước từ trong lòng núi ra, mát lắm. Buổi chiều, nếu bên ấy đông, cháu cứ sang đây mà tắm giặt. Không dùng, để vậy cũng lãng phí.

Tuy vậy, lúc đầu, Mận mới chỉ sang giặt nhờ những bộ quần áo ngoài. Dần dà, “ đắm đò nhân thể giặt mẹt”, cô tắm luôn. Hành động đó lặp đi lặp lại nhiều lần, thành thói quen, thành nhu cầu. Chiều chiều, việc Mận tắm giặt ở đây thành chuyện thường tình.

Một buổi, đang lúi húi tỉa cành, Chu Thành dừng tay. Ông ngồi xổm, nghiêng nghiêng mái đầu ngắm nghía tác phẩm của đôi bàn tay: cây cảnh hoàn chỉnh dáng một chú nai tơ. Gió chiều thổi lộng, thân hình chú nai khẽ đung đưa. Chà! Thật là một tuyệt phẩm! Bỗng sau lưng chú nai, thấp thoáng phía xa nơi góc vườn là một hình ảnh hết sứ bất ngờ: Tấm vải che cửa buồng tắm phất lên theo gió, để lộ một nàng tiên giáng trần khỏa thân nõn nà! Tiếng nước xối ào ào từ nơi đó phát ra. Mận đang mải mê, thích thú đùa nghịch tận hưởng dòng nước mát lạnh. Cô ngửa cổ, hai tay nâng gọn mớ tóc kẹp sau gáy, ngực ưỡn lên căng tròn đôi gò bồng lai, môi hé cười khi dòng nước đùa nghịch, mơn trớn vuốt ve tấm thân tròn lẳn, hừng hực sức xuân, mơn trớn theo những đường cong  tạo hóa của nàng tiên vừa độ tuổi hai mươi lăm. Thoạt tiên, Chu Thành bối rối như bị bắt quả tang về một việc làm vụng trộm. Ông vội lảng cái nhìn, tập trung vào chú nai hoa. Nhưng trời ạ! Phía sau lưng chú nai, dáng hình tiên dung vẫn chập chờn ẩn hiện sau tấm vải lất phất, rập rờn nâng lên hạ xuống theo ngọn gió chiều. Và vì chập chờn, ẩn hiện nên nó có sức khơi lay, có sự huyền diệu. Mà mọi sự huyền bí đều thiêng liêng, đều gợi trí tò mò! May sao, thỏa thích với trò đùa tinh nghịch của dòng nước, Mận đã trở về với dáng vẻ trần thế: tươi bưởi bước ra trong bộ cánh vừa vặn.

Mận hồn nhiên và vô tình vì không hề hay biết gì. Cho nên, chiều chiều cô vẫn sang. Gió nồm nam vẫn thổi lộng. Và tấm vải che cửa như một tấm phông sân khấu khi thì hé mở e ấp, khi thì phất tung, đung đưa, làm nền cho cảnh bồng lai với dáng hình tiên nữ vui đùa cùng dòng nước mát rượi, tinh khôi từ trong lòng núi trào ra. Chu Thành hầu như vẫn chăm chú với tuyệt phẩm của mình. Nhưng nó đã giảm sức hấp dẫn đi. Bởi hình dáng tiên dung chập chờn, ẩn hiện, gợi cảm trong ráng chiều. Có con rắn nào đó bỗng trườn bò trong ông, khiến ông gai gai, người rậm rựt, bứt rứt. Con rắn tai quái tiết vào máu ông một thứ thần dược làm ông chuếnh choáng… Cho đến một hôm. Khi  bước vào, Mận chớt phát hiện: không thấy Chu Thành lúi húi với hoa cảnh. Cửa nhà ngoài mở, nhưng cửa buồng khép hờ. Chu Thành đang nằm trong giường, hình như ngọc thể bất an. Tạm vơi bớt sự vui thú đùa giỡn với nước thường ngày, Mận tắm nhanh. Cô vội vào buồng Chu Thành.

– Nhiệt kế chỉ ba mươi bảy độ. May quá! Vậy là thủ trưởng không bị sốt.

– Ừ. Không sốt. Nhưng lúc cháu chưa sang đây, chú ra ngoài vườn, tự nhiên rùng mình. Thế  là người đau ê ẩm.  Bụng lâm râm.  Chắc là trúng gió. Mấy cái huyệt ở bả vai, lưng và trên người cứ ê ê, tưng tức.

– Vậy thì để cháu xoa dầu, đánh gió cho chú. Một lúc là chú đỡ liền.

Chu Thành tuy lớn tuổi, nhưng do ăn uống và thuốc thang tốt, lại siêng tập thể dục, nên da dẻ vẫn hồng hào, thân hình còn rắn chắc. Đặc biệt là bụng chưa phệ, nên trông ông vẫn tráng kiện, chẳng khác gì một trung niên trạc ngoại tứ tuần.

Bàn tay Mận chạm vào đâu mát rượi đến đấy. Thoạt đầu là lưng, sau là vai, gáy. Sau là ngực, bụng. Dường như chỗ nào Mận sờ vào, ông cũng gật ngầm ý chỗ đó đau ê ê, tưng tức. Một giờ trôi qua. Gió chiều vô tư xào xạc ngoài khuôn vườn. Trong phòng tĩnh mịch. Xoa bóp đến một lúc nào đó, Mận bỗng cảm thấy người mình nóng ran lên, rạo rực. Cô hốt hoảng khi gặp phải ánh mắt Chu Thành. Người cô rân rân khi Chu Thành ôm lấy eo mình. Bàn tay cô trở nên tẩn mẩn. Bởi lúc này, bàn tay ấy không phải là của cô nữa, mà là bàn tay của đàn bà với da thịt đàn ông. Mận muốn vùng thoát khỏi vòng từ trường. Nhưng muộn rồi! Chúa ơi! Thà Chúa đừng cho con biết trong vườn thiêng có trái cấm! Thà Chúa đừng sinh ra cái bản năng thèm khát trong con người! Bởi cái bản năng ấy là của Chúa, cho nên, nó không hoàn toàn tùy thuộc con người. Trái lại, đôi khi nó còn cưỡng lại, còn sai khiến con người. Bản năng ấy là của Chúa, do Chúa, cho nên nó đầy uy lực, đầy bức ám!

Sau buổi chiều đó, Mận bừng tỉnh, sợ sệt. Có đến mấy ngày cô không sang vườn hoa bên kia đồi để tắm. Cô cố né tránh, cố cưỡng lại. Nhưng chiều chiều cái bóng dáng bên ấy vẫn cứ lúi húi cạnh các luống hoa. Và, đôi chân vô thức, đôi chân của quỷ lại đưa cô sang đùa nghịch với dòng nước bên đó, đùa giỡn với chính mình… Đến lúc cô nhận ra trong người có sự thay đổi, khang khác thì đã muộn. Cô cáo ốm, nằm liền mấy ngày. Các chàng trai mến mộ cô vẫn không hề hay biết gì, nên việc cô ốm lại chính là một dịp để tỏ rõ thiện tình của mình với người đẹp. Điều đó lại biến họ thành đối tượng nghi vấn và dẫn đến cuộc họp hôm nay…

  Nghe Mận kể xong, vốn sẵn tính cảnh giác thường trực, Quảng nghi ngờ:

– Cô kể thì ra vẻ thành thực, nhưng cô táo gan thật, dám đem thủ trưởng cấp trên ra để hù dọa chúng tôi. Không ai ngoài mấy cậu vẫn tình ý với cô. Đặc biệt là mấy cậu năng lui tới chăm nom cô thời kỳ cô ốm ấy. Đôi khi tôi còn biết, có cậu ngồi lì ở chỗ cô mãi khuya mới về.

– Chẳng có ai về khuya cả. Họ đều về đúng giờ quy định đi ngủ của quân khu bộ.

Đặng dàn hòa:

– Thôi, đừng đôi co nhau nữa. Cứ cho là cô thành thực đi. Nhưng đây là chuyện hệ trọng, vâng, rất hệ trọng nên không thể nói suông được.

– Các anh muốn nói có sách, mách có chứng chứ gì? Chứng cứ là ở từng tình tiết của câu chuyện đó thôi. Còn nếu các anh không tin thì tùy…

Bỗng nhiên, cô cười mỉa:

– Không tin vì không có bằng chứng, hay vì các anh cố tình không tin?! Bởi người đó là Chu Thành, Tham mưu trưởng, là cấp trên? Hừ! Khi nãy, các anh nói là các anh sẽ làm cho ra nhẽ, làm đến đầu đến đũa, sẽ xử lý thích đáng để giữ đúng nghiêm lệnh, để làm gương cho kẻ khác! Bây giờ, các anh lại viện cớ là không có chứng cứ để không tin. Thực chất là né tránh…

Đặng đưa ra một lý lẽ:

– Đây không phải là đối với thủ trưởng Chu Thành, cấp trên của chúng ta, mà đối với bất cứ ai cũng vậy. Không thể buộc tội người ta, nếu chỉ căn cứ vào một lời khai! Pháp luật chỉ trọng chứng chứ không trọng cung.

Mận nhắc lại một cách bình thản:

– Lý lẽ thật sắc bén!… Đến nước này thì… tôi xin phép ra ngoài…

– Ấy ấy, không được! Chưa xong. Cuộc họp chưa kết thúc.

Mận vẫn cương quyết:

– Tôi xin phép ra ngoài!

Cô đứng dậy, toan đi. Nhưng gặp phải cái nhìn nghiêm nghị và trách ngầm của chị Thịnh, cô dừng lại. Tuy nhiên, nhìn vẻ mặt cương quyết của cô, chị Thịnh lúc này mới lên tiếng:

–    Thì các anh cứ cho phép cô ấy ra ngoài. Có thể vì một nhu cầu riêng. Hơn nữa, cuộc họp quá kéo dài, chưa có giải lao.

Lát sau, Mận trở vào với gói giấy báo nhỏ trong tay. Cô đặt nó lên giữa bàn:

– Tôi “dại một giờ” thật. Nhưng cuộc sống cũng công bằng biết dạy cho tôi khôn ra, lường trước sự việc. – Cô đưa mắt nhìn các đấng nam nhi quân tử: – Ấy đây. Xin mời.

Mọi người ngơ ngác chưa hiểu sự thể ra sao. Nhưng Đặng đã mở bọc giấy.  Anh ta suýt bổ chửng, vì trong gói giấy là một đôi quần lót đàn ông (!) Tuy nhiên, sự sửng sốt qua nhanh, nhường chỗ cho nỗi bực dọc. Đặng cố giữ cho giọng đỡ gay gắt trong khi đã nóng mặt;

– Hừ! Cô láu cá lắm! Quần lót đàn ông nào mà chả được.

Mận biết làm vậy là quá quắt. Nhưng không còn cách nào khác. Đã đến mức ấy mà họ vẫn còn vặn lý. Nỗi phẫn uất trào sôi. Tuy vậy, cô không ngờ giọng mình lại tỉnh khô, đầy vẻ châm biếm:

– “Quần lót đàn ông nào mà chả được”. Cũng như các anh: ai mà chả giống ai(!) Nhưng đây lại chính là đôi quần lót của Tham mưu trưởng Chu Thành. Vâng, có thể các anh lại lý sự rằng cô có thể lấy nó trên dây phơi. Điều đó dễ lắm. Tuy vậy, các anh thử nhìn kỹ thử xem: đó là đôi quần lót đang mặc dở, chưa giặt. Nếu các anh vẫn chưa chịu tin, vâng, xin nhờ anh Quảng hãy dùng nghiệp vụ bảo vệ của mình, đem chó béc-giê về cho nó ngửi thử.

Trút xong nỗi uất nghẹn, Mận cảm thấy người hụt hẫng, chới với. Cô bỗng ôm lấy chị Thịnh, òa khóc:

– Chị ơi! Em quá  quắt lắm! Chị tha lỗi cho em! Em cũng chẳng muốn đanh đá, mỉa mai mà làm gì. Nhưng sự thể dồn em đến nước ấy! Chị tha lỗi cho em! Chị cũng là phụ nữ, cũng là đàn bà!…

Các vị đại diện nhìn nhau. Sự việc đã rõ mười mươi! Tuy không nói ra, nhưng trong đầu các vị đều chung một ý nghĩ: Không ngờ “đối tượng” mà cuộc họp truy tìm lại chính là Tham mưu trưởng! Thật là lạnh gáy! Làm thế nào  bây  giờ? Ai  sẽ  là  người  đứng  ra  đảm trách xử lý? Họ im lặng, kín đáo đưa mắt đùn đẩy nhau.

Đặng lo lắng:

– Gay go thật! Lại đúng vào lúc các “cụ” đi vắng hết. Người cao nhất trực chỉ huy ở nhà lại chính là “cụ” Chu Thành!

Bàn đi tính lại, ai cũng có lý khước từ việc đi thỉnh thị, báo cáo. Cuối cùng, các đấng mày râu đều dồn cả về phía chị Thịnh, cầu cứu:

– Đồng chí Thịnh! Chị Thịnh! Suốt từ hôm qua đến giờ, chị chả phát biểu gì cả. Thế mà lại  Bây  giờ, việc  này  phải cậy nhờ chị mới xong!

Chị Thịnh từ tốn:

– Đáng ra, việc này để chị em phụ nữ chúng tôi tự khuyên nhủ, và tìm cách giải quyết, giúp đỡ nhau. Nhưng các anh cứ khăng khăng: không được xử lý kiểu nội bộ; phải đưa ra cuộc họp, phải công khai để giữ nghiêm kỷ luật, để làm gương trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức(!) Đến bây giờ, các anh lại “ cậy nhờ chị mới xong.”

– Đúng là chúng tôi có khuyết điểm. Chúng tôi là đàn ông, đực rựa nên chưa thấu hiểu hết ý của chị, chưa được tế nhị lắm… Thôi, chị bỏ quá cho. Chị là đàn bà, là phụ nữ, ăn nói mềm mỏng, dịu dàng. Chị thật thích hợp với công việc này. “ Cụ” Chu Thành thế nào cũng nể trọng chị! Chị hãy ráng giúp đỡ chúng tôi.

Chị Thịnh nhún nhường:

– Tôi là phụ nữ, lại chỉ là tổ trưởng tổ phục vụ. Tiếng nói làm sao có “trọng lượng” bằng các anh. Toàn là những người đại diện cho các phòng này, ban nọ…

Các vị đại diện nhũn như con chi chi:

– Vâng. Nhưng mỗi việc một khác. Việc này phải cậy nhờ chị. Chỉ có chị thôi…

Mọi người nhìn chị Thịnh, chờ đợi, cầu cạnh, hy vọng. Chợt chị Thịnh nghĩ ra một trò ranh mãnh:

–   Riêng tôi thì tôi không đi được! Nhưng tôi có một sáng kiến… – Chị dừng lời, nhìn khắp lượt các con mắt hấp háy, các khuôn mặt khẩn nài. Chị cố ý kéo dài sự ngừng đợi, để tăng thêm sự hồi hộp. Đoạn, chị thong thả, vẻ quan trọng: – Cùng kéo nhau lên nhà tham mưu trưởng. Lên đó, sẽ tùy cơ ứng biến mà thưa gửi…

Mọi người đứng hẳn cả dậy, nhưng chưa một ai dám bước đi trước. Ai cũng cố ý nhường nhau.

Đúng lúc đó, chị Thịnh lại ngồi xuống, giọng đầy tính hoạt kê:

– Mà thôi! Khỏi phải lên thưa gửi. Việc này thừa sức dưới quyền các anh…

– Trời ơi! Đến nước này mà chị còn cứ đùa!

– Không đùa tí nào! – Chị Thịnh nhếch mép, mỉa mai trong khi lòng chị uất nghẹn nỗi đau xé lòng: – Có khó gì. Xe sẵn đấy, người sẵn đấy, đưa xuống bệnh xá “giải quyết cho êm thấm, nhẹ nhàng”. Và nhỡ chuyện có vỡ lở ra, thì thiếu gì cách giải thích. Ôi dào! Chuyện vặt ấy mà! Chẳng qua chỉ là “chuyện sinh hoạt” ấy mà! Cách này, khối nơi họ đã từng.

Không ngờ, ý kiến của chị lại được các vị đại diện hưởng ứng một cách mau mắn và cuồng nhiệt:

– Trời ơi! Thật là cao kiến! Thật là cao kiến! Hoan hô chị Thịnh! Chẳng qua chỉ là chuyện vặt, chuyện sinh hoạt ấy mà! Có thế mà chúng mình nghĩ nát óc không ra!

Họ cất tiếng cười hỉ hả.

Trong khi chị Thịnh  ôm lấy bờ vai đang rung lên của Mận dỗ dành trong nước mắt:

– Nín đi! Nín đi nào! Đừng khóc, em!

                                                                                                                   1981 – 1990

H.B