Cảm nhận bài thơ Viết ở Nghi Tàm của Trương Nam Hương

845

Kim Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn)Viết ở Nghi Tàm là bài thơ đặc sắc, có không gian, bối cảnh linh động: thực tại, xô bồ, vượt ra ngoài ngàn năm và có những diễn biến nội tâm. Những tâm sự của anh là tiếng lòng thổn thức là sự day dứt, là lời Khuyên nhẹ nhàng vừa có tính nhân văn, nhân hậu và thấm đẫm tình đời.

Nhà thơ Trương Nam Hương

Đất nước ta đang đổi thay từng giờ, từng ngày theo hướng đi lên. Từ đô thị đến nông thôn đâu đâu cũng khoác lên mình chiếc áo mới khổng lồ tươi thắm. Công nghệ du lịch phát triển khách sạn nhà hàng mọc lên như nấm với các tiện nghi đầy đủ sang trọng ngang hàng với các nước láng giềng… Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đổi mới đến chóng mặt và rất quyến rũ du khách tứ phương. Đến Hà Nội, ai cũng muốn đi ngắm cảnh Hồ Tây, Quảng Bá, Nghi Tàm. Những miền ngoại ô này vừa thơ mộng, vừa có nét đẹp tự nhiên đã đi vào thơ ca đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình. Thi sĩ Trương Nam Hương cùng đến Hồ Tây với bạn, anh xuống Nghi Tàm để tìm chút thư giãn tự nhiên giữa đất trời Hà Nội. Chính nơi đây đã tạo cảm hứng để anh viết nên bài thơ độc đáo “Viết ở Nghi Tàm”. Mở đầu tác giả viết:

Nhà hàng máy lạnh không ham

Bạn thơ rủ xuống Nghi Tàm… thiên nhiên

Quán vườn mỗi rượu và nem

Cũng khăn ướp lạnh, cũng em cực kỳ.

Câu thơ tự nhiên đến bất ngờ. Tác giả và những bạn thơ là những nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn nên không ham nhà hàng máy lạnh, rủ nhau ra ngoại ô xuống Nghi Tàm để gần thiên nhiên hơn. Đó là hình thức dã ngoại được nhiều du khách chọn lựa. Nhưng sự thật vỡ òa khi chứng kiến mọi chuyện nơi đây, cảnh và người không khác gì trong thành phố. Quán vườn đơn điệu chỉ có rượu và nem cùng khăn ướp lạnh như trong nhà hàng nhưng ấn tượng hơn là có “em cực kỳ”. Nơi có nhiều tiếp viên trẻ đẹp đến mức tác giả thốt lên “cực kỳ” không thể chê vào đâu được. Hình ảnh hấp dẫn ấy được anh phát triển cụ thể tưng tửng, hóm hỉnh, bình thản,… mà tạo dấu ấn trong lòng người đọc. Anh tả cụ thể hơn ở khổ thơ thứ hai. Ở đây, các cô tiếp viên có trang phục rất hiện đại:

Váy người ngắn đến mê li

Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài

Áo sương cúc gió lơi cài

Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm

Ôi, một thi sĩ tinh quái! Anh cứ nhỏ nhẹ vô tư phản ánh hiện thực bằng những vần thơ gần với bút pháp trào phúng…

Vẫn những câu thơ giản dị với bút pháp tả thực, tác giả giúp ta hình dung rõ các nữ tiếp viên đây rất hiện đại, câu “váy người ngắn đến mê li” vừa tạo sự tò mò, cuốn hút vừa tạo được cảm giác thú vị mà ngỡ ngàng, khó nói. Đặc biệt, tác giả so sánh táo bạo “Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài” không biết anh khen ngợi hay chê bai và tỏ thái độ trước hình ảnh trang phục quá hiện đại ở đây! Cách so sánh này có một chút gì chua xót! Tôi nghĩ nếu các cụ thơ cổ Đường xưa sống dậy chắc sẽ quất Trương Nam Hương mấy roi về cái tội dám so sánh khập khiễng và “phạm thượng” này. Có khác gì cô thơ: “Trên ghế bà đầm ngoi đít vị/ Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng”. Một chút trào phúng, một chút mỉa mai chăng? Sao anh dám đem thể thơ tứ tuyệt so với độ ngắn của váy đàn bà? Nói là nói vậy thôi chứ tôi vẫn thú vị khi đọc câu thơ này. Câu thơ tiếp là hình ảnh gợi tả gợi tình và gợi cả những suy tư trong lòng người đọc. Các cô tiếp viên khoác áo nửa kín nửa hở như trong tranh của họa sĩ lãng mạn thời Phục Hưng. Phải công nhận là đẹp, là sự vô tình “Áo sương cúc gió lơi cài”… Thật tinh tế trong cách tả lẫn trong cách nghĩ khẳng định một tài thơ riêng rất Trương Nam Hương! Câu thơ kết khép lại một suy tư trầm lắng “Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm”. Vượt ra ngoài ngàn năm văn hiến cổ truyền, Hà Nội ngày nay hiện đại tân tiến quá.

Đến khổ thứ ba, ta cảm nhận ra tâm sự của nhà thơ với một nỗi lòng trắc ẩn đến xót xa! “Thơ ta lặng nỗi đau thầm”. Nỗi đau từ trong, không tâm sự, không sẻ chia được lúc này nên anh cảm thấy lẻ loi. Một chút lẻ loi quý báu giữa đời thường như đồng điệu với tiếng sâm cầm lạc lõng giữa Hồ Tây… Đi thư giãn với bạn thơ mà lòng anh không nhẹ nhõm, nhà thơ tài hoa cứ day dứt, e ngại.

Mùa đừng thuốc lá ta say

Nhìn lên trán bạn phơ phay tóc mình

Không rượu vẫn say. Vậy anh say gì? Say thơ, say đời, say cái gì đó thật mông lung giữa thật và ảo. sự thật làm anh vỡ òa, như mất đi sự tỉnh táo. Cảm giác đó thật đẹp và đáng yêu, rất đời và rất thơ.

Bạn khoe dăm bảy tang tình

Ta cô đơn quá giữa xinh và giòn

Chơi vơi hai phía khuyết tròn

Chỉ xin đừng mất chút lòng trong ta

Trở lại quán vườn ở Nghi Tàm, ta thấy không khí tâm sự, cởi mở tự nhiên giữa những người bạn “Bạn khoe dăm bảy tang tình”. Câu thơ dí dỏm đùa vui ai cũng có thể hiểu được. Chỉ thương tác giả vẫn ngơ ngác nên cảm thấy cô đơn giữa cái đẹp xinh, giòn của các em tiếp viên. Hơn thế anh còn cảm thấy chơi vơi. Chút chơi vơi hiếm hoi để giữa mình rất dễ thương. Giữa hai phía khuyết tròn ai cũng có thể tự chọn cho mình một phái. Phải chăng đó là lời nhắn gửi, lời tâm sự của một người bạn chân thành tha thiết… Câu thơ kết để lại trong long người đọc một ấn tượng sâu sắc, nói với mình cũng là nói với người. “Chỉ xin đừng mất chút long trong ta”. Phải, mỗi người giữ cho mình một chút gì đó, đừng để mất… như tâm sự của nhà thơ.

Viết ở Nghi Tàm là bài thơ đặc sắc, có không gian, bối cảnh linh động: thực tại, xô bồ, vượt ra ngoài ngàn năm và có những diễn biến nội tâm. Những tâm sự của anh là tiếng lòng thổn thức là sự day dứt, là lời Khuyên nhẹ nhàng vừa có tính nhân văn, nhân hậu và thấm đẫm tình đời.

K.T

Viết ở Nghi Tàm

Trương Nam Hương

Nhà hàng máy lạnh không ham

Bạn thơ rủ xuống Nghi Tàm… thiên nhiên

Quán vườn mỗi rượu và nem

Cũng khăn ướp lạnh, cũng em cực kỳ.

 

Váy người ngắn đến mê li

Ngẫn thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài

Áo sương cúc gió lơi cài

Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm

 

Thơ ta lặng nỗi đau thầm

Lẻ loi cả tiếng sâm cầm hồ Tây

Mùa đừng thuốc lá ta say

Nhìn lên trán bạn phơ phay tóc mình

 

Bạn khoe dăm bảy tang tình

Ta cô đơn quá giữa xinh và giòn

Chơi vơi hai phía khuyết tròn

Chỉ xin đừng mất chút lòng trong ta