Cảm nhận nghệ thuật

1405

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Gia đình nghệ thuật bao gồm nhiều thành viên: hội họa, thi ca, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh… Nêu ý kiến về văn học nghệ thuật cùng mối tương quan giữa sáng tác và phê bình, Hoài Thanh nói: “Sáng tác là tìm cái đẹp trong tự nhiên. Phê bình là tìm cái đẹp trong nghệ thuật”.

Tác giả Nguyễn Thanh

Trong lĩnh vực văn học, người ta thường chú ý đến: văn xuôi (truyện, tiểu thuyết, sân khấu…), thi ca (thơ, trường ca), bút ký, tùy bút, tản văn, phỏng vấn, ghi chép… Trên bình diện cảm nhận văn chương tức là phê bình, người viết đòi hỏi phải am tường và phân biệt được các trường phái: Cổ điển (Classcism), Hiện thực (Reallism), Lãng mạn (Romantism), Tượng trưng (symbolism), Ấn tượng (Impressionism), Biểu hiện (Expressionism), Lập thể (Cubism), Dã thú (Fauvism), Đa- đa (Dadaism), Trừu tượng (Abtractionism), Hiện đại (Modernism), Tân Hiện đại (Neo-modernism)…  Khi xâm nhập vào môi trường văn nghệ, các nhà phê bình hay mượn mối tương quan giữa hai lĩnh vực này để minh họa cho ý kiến của mình trước sáng tác của nghệ sĩ. Người làm công tác nghiên cứu phê bình không được phép nhầm, lộn giữa thể loại văn nghệ này sang thể loại kia, hoặc thiếu kiến thức phổ thông trong việc phê phán tác phẩm nghệ thuật.

Người ta còn nhớ hai chuyện trong gà hóa cuốc xảy ra trong sinh hoạt văn nghệ cách nay trên dưới một thập niên tại thủ đô văn học Đồng bằng. Quyển nghiên cứu phê bình về văn nghệ “Những nét đan thanh” của nhà thơ Ngũ Lang – nguyên là Tổng thơ ký hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ – Tác phẩm tập trung các bài đăng trên các tạp chí văn nghệ trung ương, TP. Hồ Chí Minh đã được ban chấp hành hội Nhà văn xét duyệt (Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Khai Phong) thuận cấp cho in tác phẩm và đã qua Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố (Chủ tịch, nhà thơ Phan Huy).Thế nhưng có ý kiến không biết dựa trên cơ sở nào đã có ý kiến với cấp trên nên hội nhà văn cho rút lại quyết định hỗ trợ xuất bản tập tiểu luận – phê bình. Hóa ra trong tác phẩm ấy có một bài viết về thơ Hồ Chủ tịch mà có người bảo là có vấn đề. Tác giả cuốn sách định mệnh ấy bèn tự gửi bản thảo sách lên nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xin phép xuất bản thì chẳng gặp trở ngại gì. “Bài thơ sông núi” tức Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài tiểu luận đầu tiên in trong sách mà có người cho là có vấn đề, tác giả đã gửi ra trung ương, được chọn đăng luôn ở tạp chí Thơ số Nguyên tiêu (tháng 1 và 2 năm 2009). Và số phận của bài viết này vẫn còn lận đận. Dù đã được đăng trên tạp chí Thơ và được ban Tuyên giáo chọn đọc trong đêm Nguyên tiêu năm ấy cũng do ý kiến của một người không chuyên nghiệp mà bị cắt đi! Sự kiện văn học ngộ nghĩnh này được nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên – nay là Phó Chủ tịch hội nhà văn  TP. Cần Thơ – và nhiều dư luận lúc đó lên tiếng trên các phương tiện truyền thông. Và nhà thơ – tác giả tập tiểu luận “Những nét đan thanh” trong đó có bài viết bị có ý kiến trái chiều, vẫn bình tĩnh giữ thái độ im lặng. Vài năm sau, ban giám khảo cuộc thi Bút ký tại địa phương cũng nhìn nhầm thể loại văn học và trao giải cho một truyện ngắn của một nữ tác giả chuyên sáng tác! Ô hô, xưa nay văn chương ‘thốn tâm thiên cổ’ mà sao chập chùng ‘địa võng thiên la’!

*

Không gian văn nghệ  xưa nay mênh mông không bờ bến, nếu nói vui thì mịt mùng chắng khác nào một mê hồn trận. Do vậy, việc đánh giá để phê bình một tác phẩm văn nghệ càng không kém phức tạp đôi khi đi đến chỗ phiến diện chủ quan và cường điệu. Do vậy, người cầm bút làm công tác nghiên cứu – phê bình đòi hỏi phải tương đối hội đủ điều kiện cơ bản. Đó là kiến thức chuyên môn, giỏi tiếng mẹ đẻ, thông thạo ngoại ngữ càng hay, đọc nhiều, biết cảm thụ nghệ thuật phê bình cùng với bộ thần kinh tỉnh táo của một con người khỏe mạnh.

Sự hiểu biết về các trường phái phê bình văn học và văn học sử thế giới rất cần thiết cho nhà viết nghiên cứu – phê bình.

Cảm nhận văn chương (phê bình) là phân tích, nhận xét rồi đánh giá tức là nêu lên ưu, khuyết điểm của một tác phẩm văn học hay nghệ thuật. Công việc này đòi hỏi những điều kiện khác biệt hơn là sáng tác một bài thơ, bài văn hay một truyện ngắn, tiểu thuyết. Trong khi người làm thơ, viết truyện chỉ cần trời nhễu cho ý hay, từ lạ – một tia chớp từ Tối Thượng hay Nàng Thơ (Muse) ưu ái tặng cho thi nhân – là có thể làm thành bài thơ, truyện ngắn… Trên thế giới xưa nay chỉ có thần đồng thi ca, thiên tài hội họa là có thể còn ở tuổi rất nhỏ nhưng chưa hề có thần đồng hoặc thiên tài về phê bình.

Lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật nghiêm khắc yêu cầu con người trước hết phải có kiến thức uyên thâm, thông thạo ngoại ngữ nhiều càng tốt, đọc nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước. Thứ đến là nhà phê bình cần có một cảm xúc thẩm mỹ, một khối óc phân tích tinh tế và một khả năng nhận định sâu sắc để đánh giá ưu, khuyết điểm tác phẩm khách quan và vô tư. Nghĩ như vậy, nhưng cũng không đặt ra vấn đề học hàm, học vị nhất thiết phải có ở nhà phê bình, cơ bản có vốn tự học uyên thâm thường gọi là học giả. Ví dụ những nhà phê bình nổi tiếng thế giới như: Kim Thánh Thán (Trung Quốc, 1606 hoặc 1610 -1661) và các nhà phê bình Pháp như: Boileau (1636-1711), Saint Beuve (1804-1869), Hippolyte Taine (1828-1893), Việt Nam có: Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam; Vũ Ngọc Phan – Nhà văn hiện đại; Đặng Thai Mai – Văn học khái luận; Kiều Thanh Quế – Ba mươi năm văn học (1941), Phê bình văn học (1942); Nguyễn Đăng Mạnh – Chân dung và phong cách; Nguyễn Tấn Long – Việt Nam thi nhân tiền chiến… Một số tác giả như: Thanh Lãng với Bảng lược đồ Văn học Việt Nam, Phạm Thế Ngũ – Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Nguyễn Văn Sâm – Văn chương tranh đấu miền Nam; Nguyễn Q. Thắng – Văn học Việt Nam… có thể coi là gần gũi với tác giả nghiên cứu hơn là nhà phê bình.

Thỉnh thoảng, trên các nhật báo hay tạp chí văn nghệ, người đọc có thể bắt gặp những bài viết chưa thực đào sâu về tác phẩm văn nghệ mà chỉ mang tích cách giới thiệu tác giả và tác phẩm giống như kiểu Sổ tay văn học.

Kiến thức về văn học sử, trường phái phê bình, thi pháp cùng với sự đọc hiểu, tiếp thu tư liệu luôn là điều kiện cần nhưng chưa hẳn là đã đủ cho nhà phê bình. Nhưng trước tiên phải là người gần gũi, thông thạo nền văn học nghệ thuật nước nhà qua những tác phẩm nổi tiếng của những danh sĩ tên tuổi trong văn học sử sau đó đến các danh tác tiêu biểu trên thế giới. Nhất là những tác phẩm hằng năm được giải Nobel về văn học cùng với những giá trị bút pháp, tư tưởng, ý nghĩa giáo dục và tính nhân văn của nó.

Cùng một quan điểm về phương pháp, trên địa hạt mỹ thuật, muốn phê bình, đánh giá đúng mức một họa phẩm, một tác phẩm điêu khắc, kiến trúc, thư pháp… người thưởng ngoạn nghệ thuật hay nhà phê bình chuyên nghiệp đòi hỏi phải có kiến thức cơ bản về các trường phái nghệ thuật kim cổ đông tây, từ kinh điển đến hiện đại. Người khởi xướng khuynh hướng nghệ thuật cùng những tác giả và tác phẩm điển hình, tiêu biểu các cho trường phái nổi tiếng trên thế giới qua các thời đại, từ thời cổ đại cho đến hôm nay.

Những biểu tượng về danh nghĩa, chức vị không thực sự quan trọng như khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một nghệ phẩm. Cái đáng quan tâm và trân trọng là thực tài và nhân cách của người cầm bút, là điều hay lẽ phải cần học hỏi mà nhà phê bình chân chính mang đến cho quần chúng văn nghệ. Ở vị trí một người dẫn đường của nhà phê bình, thiển nghĩ trước hết là cần có kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế về công việc mình đang làm. Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, sứ mệnh của nhà phê bình rất cao cả thiêng liêng vì nó âm thầm mang đến cho người đọc cái hay để học hỏi, làm theo gương tốt, điều đúng và cái không hay mình tránh đi hoặc mách cho người khác biết.

Nhà phê bình có lẽ cũng không nên quên cái lý tưởng “chân – thiện – mỹ” đã có từ xưa của người làm công tác văn học nghệ thuật: thấu đáo cái đúng, cái thật (chân) trên cơ sở nghĩa nhân đạo đức (thiện) để sở hữu được những thành tựu nghệ thuật toàn bích (mỹ) khả dĩ làm thỏa mãn được sự thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng mộ điệu.

06. 2021

N.T