Cảm nhận tập thơ Hoa vàng trên nắng xanh của Nguyên Bình

4385

Hoàng Thị Bích Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cùng với cách kế thừa thi pháp và thi liệu cổ điển qua hồn thơ đầy sáng tạo với những cảm thức mới lạ của anh thì tất cả các sáng tác của anh đều mang hơi thở của cuộc sống và vẻ đẹp của thi ca hiện đại.

Nhà thơ Nguyên Bình 

  1. Thơ tình Nguyên Bình thiết tha và lãng mạn

Tháng 12 năm 2018, tôi nhận được món quà quý từ Bà Rịa – Vũng Tàu, đó là hai tập thơ của tác giả Nguyên Bình. Anh tên thật là Nguyễn Bá Bĩnh, nhà giáo – nhà thơ Nguyên Bình. ”Tôi chọn theo lối của một người đọc nhiều lần thơ anh và mỗi lần đọc tôi lại khám phá ra một điều gì đó, ngoài bài thơ mình đã đọc. Đó là lý do mãi đến bây giờ tôi mới viết những dòng cảm nhận về tập thơ “Hoa vàng trên áo xanh”.

Đây là những sáng tác của Nguyên Bình gồm 115 bài thơ với cảm hứng chủ đạo trữ tình tâm tình. Tập thơ cho thấy hồn thơ Nguyên Bình rất nồng nàn đa cảm và chiều sâu trí tuệ được thể hiện trong những cảm xúc trữ tình dào dạt đã khiến thơ anh để lại ấn tượng đậm đà khó quên. Vì thế thơ anh đã được nhiều độc giả yêu mến đón nhận.

“Hoa vàng trên áo xanh” là một tập thơ tình. Những vần thơ rất phong phú về thể loại. Diễn đạt rung cảm thiết tha, lãng mạn và cũng đầy man mác ưu tư. Tình yêu là cảm hứng dạt dào không bao giờ vơi cạn ở hồn thơ Nguyên Bình. Mở đầu tập thơ là bài “Thôi kệ đồng xanh“ với nhưng câu thơ hé lộ tâm hồn lạc quan yêu đời, yêu thơ và đam mê sáng tác:

“Thôi kệ đồng xanh thơm cỏ lá
Thôi kệ cánh buồm dong tuổi thơ
Cạn chén trà thơ vui sớm sớm
Mỗi ngày ta viết một bài thơ”
(Thôi kệ đồng xanh)

Tình yêu đã đi vào thơ anh thật đẹp, thật say đắm. Ai đã từng đi qua những năm tháng ngày xanh của một thời hoa mộng mà không khỏi thầm yêu, trộm nhớ một hình bóng nào. Cũng có thể một cái nắm tay, một nụ hôn vội vàng trên lối về một buổi chiều tan lớp. Không biết anh viết về tình yêu thuở học trò của chính mình hay nói giùm cho bao tâm tình mới lớn mà khi đọc những vần thơ này ta chợt thấy bóng hình mình trong đó qua những câu thơ rất đáng yêu:

“Anh mang về nụ hôn
Dại khờ thời cắp vở
Áo dài ơi… nhung nhớ
Dịu mát tím đường quen”
(Cho em)

“Bàn tay đây đan kết buổi đầu tiên
Phút ngập ngừng hẹn hò nơi quán vắng
Có cặp sách đi về làm nhân chứng
Tình thơ ngây như trang giấy học trò”
(Chuyện đôi bàn tay)

Với những câu thơ đẹp, bài thơ “Hạnh phúc” có bốn khổ thơ. Mỗi khổ là một tầng cảm xúc đã đem đến cho người đọc thật nhiều rung cảm:

“Hạnh phúc rồi anh không viết nổi thơ đâu
Ngày xuân thắm đêm mơ toàn mộng đẹp
Dòng máu tim hiền hòa sau mỗi nhịp
Chở yêu thương bừng sáng nụ cười tươi”
(Hạnh phúc)

Mặc dù con người ta không phải lúc nào cũng đi trên những con đường bằng phẳng, đầy hoa thơm cỏ lạ mà còn có cả chông gai. Thơ Nguyên Bình vẫn toát lên niềm tin yêu cuộc đời.

“Dẫu cuộc đời
là đông gầy tê tái
Bếp lửa này
Tí tách ánh reo vui”
(Cho em)

Vâng! Nếu cuộc đời có tình yêu, bếp lửa đoàn viên của mái ấm trọn tình thì chính tình yêu tô điểm cho cuộc sống thêm phần hương sắc như vừng dương ngày mới:

“Tình yêu chúng mình từ đó
Rộn ràng máu chảy về tim
Mặt trời châm thêm ngọn lửa
Tinh khôi thắp đuốc đi tìm”
(Hương Thầm)

Hạnh phúc giản đơn nhưng lung linh vẻ đẹp, cần trân quý nâng niu:

“Hãy giữ lấy chút nồng nàn lặng lẽ
Có đâu xa mộng mị cũng rất gần
Hạnh phúc ngọt ngào là chỗ dừng chân
Tận hưởng hương đêm
Cỏ mềm gió lạ”
(Tình thi nhân)

Nỗi lòng tác giả gửi gắm vào câu chữ dệt nên những vần thơ chan chứa vui buồn.

“Nét bút hoa tiên nhòa giấy lụa
Dư lệ sầu tuôn đẫm trang thơ”

Thơ đẹp mà buồn. Nỗi buồn đi vào trang thơ để lại cho người đọc nhiều man mác bâng khuâng. Anh mượn hình ảnh mùa đông để ký thác tâm sự:

“Mùa đông ơi!
Lạnh lùng chi gió bấc
Nắng về đâu
Xua mây tím ngang trời
Bên bếp lửa
Thắm đôi dòng lệ ứa
Bao đông rồi
Sao lệ mãi không nguôi…?”
(Mùa đông)

Đã không yêu thì thôi, yêu thì phải tha thiết như trong thơ Nguyên Bình:

“Tháng tám về em có đời mùa sang
Bao nhung nhớ hẹn thề trong truyền kiếp
Dẫu trăm năm vẫn còn nghe thao thiết
Yêu lần đầu và lần cuối người ơi!”
(Tháng tám)

Em – nhân vật trữ tình trong thơ đã gợi bao cảm xúc để anh gửi gắm lòng mình với những câu thơ rất đỗi chân thành:

“Thì em cứ mãi là mây trắng
Mây của ngàn phương lạc lối này
Thì em cứ mãi là cơn mộng
Mộng về sóng sánh với hồn say”
(Thì em…)

Anh sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế nên tình yêu dành cho Huế đã đi vào thơ anh với những câu thơ có vẻ đẹp trang nhã mà xao xuyến lòng người:

“Người dưng đây bên dòng Hương Thương Nhớ
Mỗi hôn hoàng nắng úa tắt bên sông
Mưa ai xưa kiều diễm gót sen hồng
Dấu cả Huế vào đôi tà áo tím”
(Người dưng)

Xứ Huế đã đi vào thơ anh bằng những tên gọi thân thương như dòng Hương, “đường Phượng bay”, cửa Hiển Nhơn, dốc Nam Giao. Đồi Thiên An, Lăng Tự Đức, hồ Thủy Tạ, Trường Tiền… là những thi liệu giàu hình ảnh, đã đem đến cho độc giả một bài thơ về Huế rất hay có tựa đề: “Người dưng”. Bài thơ gợi cho người ở lại đất Cố Đô hay xa rời xứ Huế thân yêu những bâng khuâng nhung nhớ ở người ra đi và nao lòng người ở lại.

Nỗi lòng thi nhân đi vào thơ làm nên giai điệu man mác buồn và đầy nỗi ưu tư. Đôi khi tôi chợt nghĩ nếu không có nghệ thuật thi ca thì thi nhân biết gửi gắm nỗi buồn vào đâu? Và đây là những câu thơ nói về tâm trạng cô đơn.

“Chiều không ơi
Bóng người xa xôi quá
Ta lăn trầm
Dốc sỏi đá quạnh hiu”
(Chiều không)

Tác giả không dùng chiều thu, chiều xuân, chiều tà… mà nhất thiết phải “chiều không”. Phải chăng “Chiều không” là một nhãn tự làm cho người đọc cảm nhận được nỗi cô đơn lẻ loi một mình, một bóng. Nếu thay bằng chiều thu hay… chiều gì đó thì chưa lột tả hết tận cùng của sự cô đơn:

“Những ngày dài không nhau
Vần thơ cháy khát
Mây tím về phủ kín hoàng hôn
(Mất và còn)

Khi nhà thơ gửi cảm xúc, nỗi lòng vào câu chữ là cũng mong tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Hi vọng, khát khao tìm được tiếng nói tri âm đồng điệu từ phía người đọc tác phẩm.

“Hỏi ai gieo hạt trong vườn thắm
Hạt đã thành cây đơm trái chưa
Hay mầm đã chết trong tim lạnh
Có khát khao chờ những giọt mưa”

“ Hỏi ai xao xác đốt nến hồng
Ai người tri kỷ có thầm mong
Khuya nay trăng lạnh quỳnh hương nở
Hãy đến cùng em chuốc rượu nồng”
(Xao xác đêm)

Những vần thơ tình của Nguyên Bình thật nồng nàn, tha thiết, cháy bỏng với tất cả vẻ đẹp vốn có của tình yêu và bao giờ cũng trẻ trung, tươi mới.

“Chúng mình suốt đời là hai đứa trẻ
Lá vẫn non tơ mặc mưa gió bão bùng
Môi em ngọt ngào thơm vị táo nhớ mong
Tình anh đắm say ấm nồng đêm hương lửa”

Tình yêu làm cho cuộc sống thăng hoa, cuộc đời sẽ đáng sống hơn, ý nghĩa hơn và tất nhiên cũng sẽ là nguồn cảm xúc dạt dào cho thi sỹ dệt thành thơ.

“Anh sẽ viết ngàn câu thơ mộng mị
Yêu em rồi anh bất tử với tình yêu“

Thơ Nguyên Bình còn là những vần thơ chan chứa tình nhân ái, đầy ắp tình người, tình đời.

“Ai gọi thu về xa vắng quá
Để nắng dần phai nhạt bên trời
Diễm mộng chan hòa trong khóe mắt
Lệ thương tất cả một phận người”
(Gọi thu)

Đọc thơ Nguyên Bình ta chúng ta sẽ còn tìm thấy ở người thơ này có một tâm thế an nhiên:

“Nhẹ tênh bên bờ giác
Trăng tịnh gác hiên chùa
Tình yêu em còn lại
Thơm bông sen cuối mùa”
(Bờ giác)

Mỗi sáng tinh sương, bắt đầu một ngày mới, bên ấm trà thơm ngắm hạt sương trên cành hoa lan “Tịnh tâm miền an nhiên”:

“Tinh mơ
Ấm trà
Giọt sương mai
Nhành lan mỏng’’
(Tâm an)

Dẫu vẫn biết cuộc đời không tránh khỏi những nỗi niềm dâu bể. Thi nhân vẫn biết cách điều tiết để cuộc sống cân bằng với niềm yêu đời phơi phới.

“Tôi hít ban mai vào phổi
Tôi giấu thương yêu vào tim
Tôi ngước nhìn
Khoảng trời xanh hạnh phúc”

Tác giả yêu đời và khát khao vươn tới hạnh phúc, thật trọn vẹn của tình yêu. Thi nhân lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm cảnh của chủ thể trữ tình.

“Ngày trong anh lại rộn ràng tia nắng
Nắng ban mai thầm lặng nhớ chiều hôm
Đêm trong anh mộng về… đêm thế kỷ
Trăm năm rồi khao khát một nụ hôn”
(Loạn nhịp)

Những hình ảnh đẹp “rộn ràng tia nắng”, “ban mai”, “chiều hôm”… “đêm “… “mộng”, “nụ hôn”… đã tạo nên một hệ thống thi liệu và ngôn ngữ văn chương, làm bật nổi vẻ đẹp của tình yêu trong tâm hồn người thơ. Tính hàm súc là một trong những tính chất làm nên vẻ đẹp văn chương của thơ ca đích thực. Chỉ bốn câu thơ Nguyên Bình đã gợi ra bao cảm xúc, ý vị về ý nghĩa của tình yêu đối với cuộc sống con người.

Hồn thơ Nguyên Bình yêu thiết tha, cháy bỏng và khát khao dâng hiến cho tình yêu.

“Đóa hoa tình anh hái
Từ phía trái ngực đây
Cánh hồng nhung đỏ thắm
Chan chứa tình yêu này
Không chỉ là hôm nay
Mà từng ngày như thế
Anh trao em lặng lẽ
Hình trái tim ngát hương”
(Tặng hoa)

Những câu thơ viết về tình yêu với cảm xúc dạt dào, nồng nàn và say đắm, được tác giả diễn đạt bằng ngôn từ giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người:

“Nụ hôn đầu cuộn trào ngàn con sóng
Sóng biển xanh quyện lấy bãi bờ thơm
Nắng reo vui nắng vỡ đóa môi mềm
Bọt sóng trắng tung hoa lòng diễm lệ”
(Yêu nhau)

Những câu thơ tả cảnh ngụ tình rất đẹp. Tả ít, gợi nhiều thơ anh có đủ những chiêm nghiệm cuộc đời và triết lý nhân sinh. Tác giả Nguyên Bình ngoài công việc chính là giảng dạy, truyền tri thức cho những thế hệ học trò anh còn một niềm đam mê sáng tác. Suốt đời tìm kiếm vẻ đẹp của tình yêu, của cuộc sống xung quanh để chắt lọc cảm xúc dệt nên những vần thơ ngọt ngào và lãng mạn:

“Em dậy hương tình đêm mộng ước
Từng cánh tương tư xếp muộn màng
Suốt đời lặn lội ta khăn gói
Đi tìm nhân ảnh dưới trăng tan…”
(Trăng tan)

Nếu không có có một tâm hồn đa cảm và trái tim yêu nồng nàn thì không thể viết những vần thơ ngọt ngào, bay bổng và lãng mạn như thế!

Anh yêu cả những người tình chưa quen biết bằng những vần thơ nhẹ nhàng thế thôi, dịu ngọt thế thôi nhưng neo lại trong lòng người đọc những vần thơ rất ấn tượng!

“Em là ai hãy chờ ta thêm chút
Đừng tan đi cùng làn khói tách trà thơm
Mang theo này ấm áp nỗi nhớ thương
Ta gởi cho em người tình chưa quen biết »
(Em là ai)

Cảm hứng thế sự đậm sắc màu hiện thực, xen lẫn cảm hứng trữ tình .Anh có những bài thơ trăn trở , chan chứa nỗi buồn thương. Kết cấu của đoạn thơ thanh bằng và thanh trắc đan xen nhau, giai điệu thật buồn nói lên tấm lòng nhà thơ cảm thông cho những cảnh đời, những phận người lam lũ mưu sinh trong hoàn cảnh thời tiết không mấy thuận hòa, thiên tai mưa bão: Người đọc không khỏi ngậm ngùi, xót xa.

“Bão đã đi xa
Anh ra phố ngóng em
Thăm cái nhìn ngác ngơ
Trên mớ rau hái vội
Góc chợ nghèo
Tồi tội
Chị còng lưng”…
(Bão tan)

Những vần trắc (tội, chị) của câu thơ hai chữ, ba chữ cuối đoạn làm cho âm điệu câu thơ như thắt lại, bị nén lại như nỗi buồn chất chứa trong lòng, một tiếng thở dài ngao ngán, cảm thông.

Lời hết rồi mà ý vẫn vô cùng… gợi mở cho người đọc liên tưởng tiếp những vất vả gian nan của người dân nghèo khi cơn bão đi qua.

Thi nhân yêu cuộc đời và yêu những vần thơ. Anh đọc thơ và sáng tác với tất cả đam mê của một tâm hồn nghệ sĩ đích thực. Anh miệt mài lao động nghệ thuật cần mẫn và sáng tạo, tìm vần gieo chữ để diễn đạt cảm xúc, đóng góp cho đời những vần thơ tâm đắc.

“Bốn mùa tôi cả bốn mùa yêu
Làm bác nông phu mỗi sớm chiều
Chăm chút cây đời sai quả mộng
Tôi gửi ngàn phương những mùa yêu
(Bốn mùa yêu)

 

2. Vài nét nghệ thuật trong thơ Nguyên Bình:

Kế thừa thi pháp truyền thống anh có những bài thơ làm theo thể thơ lục bát rất mượt mà, giàu hình ảnh và nhạc điệu: say đắm và thiết tha nói lên những cảm xúc tự nhiên, của tâm hồn thi nhân bằng vẻ đẹp của ngôn từ hình tượng và biểu cảm.

“Trăm năm bóng ngã vào tôi
Ngàn năm tôi ngã vào đôi mắt buồn”
(Bỏ quên)

“Hè qua phai nét phượng hồng
Thu còn vương vấn chờ mong gót nàng”
(Vẽ nét thu phai)

Cuộc sống vốn muôn màu nên có lẽ thi pháp hiện đại mới đủ cho anh giãi bày nỗi niềm, với tất cả những cung bậc cảm xúc. Phần lớn các sáng tác của anh theo thi pháp hiện đại. Rất phong phú với nhiều thể loại thơ: Thơ bát ngôn, thơ thất ngôn, thơ lục ngôn, thơ ngũ ngôn, và thơ tự do. Có những bài anh phóng tác theo thể thơ tự do, với những câu thơ dài ngắn khác nhau. Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật, trong đó dùng phép tiểu đối trong câu thơ để tăng sức biểu cảm.

“Tình ca mùa đông
Anh viết cho em đây
Trời chưa lạnh mà lòng em đã ấm
Nhớ một làn môi thắm
Suốt cả bốn mùa nói tiếng yêu em”
(Mùa đông)

Những hình ảnh như: Mây, mùa thu, lá vàng… không phải là mới. Chúng ta có thể bắt gặp những thi liệu này trong thi ca từ những thế kỷ trước, được anh kế thừa, sáng tạo bằng góc nhìn tinh tế và biểu cảm dệt nên những vần vần thơ mang phong cách rất riêng của tác giả Nguyên Bình:

“Em gọi giùm anh màu nhớ
Ơ kìa… mây trắng lang thang
Hình như mùa thu chưa nỡ
Chia tay với chiếc lá vàng”
(Dấu yêu)

Quả thật từ  “màu nhớ” đến ”mùa thu chưa nỡ chia tay với chiếc lá vàng” đầy quyến luyến. Lời thơ, ý thơ và hình ảnh được sắp xếp một cách sáng tạo đem đến cho người đọc nhiều liên tưởng lý thú.

Từ cách lập ý tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn tác giả kết hợp với nghệ thuật dùng điệp từ, điệp ngữ, lựa chọn từ ngữ, hình ảnh tương xứng… để viết những câu thơ đẹp, như những lời tâm tình nhẹ nhàng, sâu lắng, thương nhớ đầy vơi trong tâm hồn chủ thể trữ tình.

“Thì em cứ tím như màu nhớ
Tím biếc niềm riêng thuở đợi chờ
Tím tà áo mỏng ngày xưa ấy
Tím ngợp lòng anh tận bây giờ”
(Thì em)

Một lần nữa phải nói rằng tác giả sử dụng điệp từ, điệp ngữ rất thành công:

“Thì em cứ mãi là mây trắng
Mây của ngàn phương lạc lối này
Thì em cứ mãi là cơn mộng
Mộng về sóng sánh với hồn say”
(Thì em)

Trong câu thơ anh có cả nghệ thuật sử dụng từ tương phản: “tà áo mỏng”, “ngợp lòng anh“, nghệ thuật đảo từ ngữ, tả cảnh ngụ tình:

“Đông chênh chao sắc nắng
Lạnh môi mềm
Se sắt một bờ vai”

Ngôn ngữ thơ bình dị nhưng nội dung hàm chứa khá sâu sắc. Thơ Nguyên Bình giàu hình ảnh và tính nhạc. Anh luôn dụng công chắt lọc cảm xúc, thể hiện chúng trong dùng từ tạo câu, lựa chọn hình ảnh kết hợp với các biện pháp nghệ thuật tăng thêm tính thấm mỹ trong thơ: ví von, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tu từ, điệp từ, điệp ngữ… để diễn đạt cảm xúc. Cho thấy ở Nguyên Bình một năng lực biểu đạt lôi cuốn người đọc. Chất thơ, giọng thơ mượt mà, trong sáng.

Phải có một tình yêu cuộc sống, sự quan sát tinh tế mới viết được những câu thơ giàu cảm xúc như thế. Thơ anh dù ở thể loại nào đều có tính nhạc và đầy biểu cảm có lẽ trước hết là tiếng nói chân thành từ trái tim, thi ý ngọt ngào hài hòa với chất nhạc trong thơ dệt nên những vần thơ đem đến cho người đọc nhiều rung cảm. Ngôn ngữ trong thơ anh phần lớn bình dị, dể hiểu. Thỉnh thoảng cũng có những từ mang màu sắc cổ điển thanh cao. Sử dụng gieo vần khéo léo, phù hợp với ngữ cảnh, làm nên tính độc đáo trong thơ. Như chúng ta đã biết: thơ là sự kết hợp ngôn từ và tính nhạc. Nếu nghiêng về ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Mà nghiêng về nhạc thì dễ đắm say nhưng cũng dễ nông cạn. Nguyên Bình tạo được sự hài hòa giữa ý và nhạc. Cùng với cách kế thừa thi pháp và thi liệu cổ điển qua hồn thơ đầy sáng tạo với những cảm thức mới lạ của anh thì tất cả các sáng tác của anh đều mang hơi thở của cuộc sống và vẻ đẹp của thi ca hiện đại. Chứng tỏ một trình độ lao động nghệ thuật công phu và nghiêm túc để đóng góp cho đời những vần thơ thiết tha với tình yêu và cuộc sống.

“Làm thơ không phải dễ… người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng” (Sóng Hồng). Mỗi nhà thơ mang đến một cách riêng, một giọng thơ riêng. Thơ đối với Nguyên Bình như một niềm đam mê, một phương tiện nghệ thuật để anh gửi gắm nỗi niềm, đem đến cho độc giả yêu thơ những vần thơ đầy rung cảm.

Hãy đọc để thưởng thức và yêu mến thơ Nguyên Bình. Có những bài mới đọc lên đã thấy hay. Có những bài, những câu đọc lần đầu có thể chưa thấy hay nhưng càng đọc càng quý, càng thấy được ngữ điệu nồng nàn những cảm xúc ý vị của một tiếng lòng yêu thương chan chứa. Nhà thơ Đỗ Phủ đã từng nói (tạm dich): rất trọng cái hay trong thơ của người đời nay và cũng rất quý cái hay trong thơ của người của người đời xưa. Câu hay, lời đẹp của họ ta đều yêu mến cả. Chúng ta những độc giả hôm nay hãy trân trọng kết quả lao động nghệ thuật của thi nhân. Người làm thơ đòi hỏi có tâm hồn đa cảm, có trái tim yêu thương nồng nàn, có vốn sống phong phú và năng lực biểu đạt. Ở nhà thơ Nguyên Bình có đủ những điều đó. Vì vậy thơ Nguyên Bình đã được không ít độc giả yêu mến đón nhận.

ẢNH: Nguyên Bình