Cảm nhận tập thơ ‘Vọng’ của Nguyễn Thành

483

Dung Thị Vân

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Trăm năm mộng gởi lá thu bay”. Đó là câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thành. Có lẽ mộng trăm năm gởi lá thu bay nên nó đã bay hút vào không gian vô tận. Nhà thơ đã hoài vọng mà hoài vọng ở đây chỉ có là “khối tình”. Bởi vậy mà Nguyễn Thành đã chọn chung cho cả tập thơ với tựa đề là VỌNG. Và bây giờ tôi đang từng bước đọc và nhấp chuột từ từ đuổi theo những ngôn từ ảo vọng của nhà thơ…

“Tiếng vọng mù khơi đêm khánh tận
Trăm năm mộng gởi lá thu bay” (Tiếng vọng thời gian – Nguyễn Thành)

Đúng là trăm năm kỷ niệm gởi tương tư chiều. Dĩ vãng của VỌNG cứ trăn trở trong từng câu thơ của người mà chẳng biết người bên ấy có hay?

“Dĩ vãng rình khơi sầu thổn thức
Vọng người bên ấy có hay không?” (Mộng sàng – Nguyễn Thành)

May mà bài thơ với tựa đề là HƯ. Chứ không phải người thơ hư. Người thơ mà hư thì tôi xin bẻ bút. VỌNG chỉ là ngậm ngùi chênh chao theo chiếc lá. Vậy mà đã hai thế kỷ tác giả đã nát nhàu nhung nhớ.

“Ngậm ngùi giấc mộng phù du
Phải đâu dâu bể mà hư hao mình
Chẳng qua vướng nợ chữ tình
Sợi dây oan nghiệt vô minh đọa đày

Chênh chao theo chiếc lá bay
Chiều qua phố cũ nhớ ngày biết đau
Đã hai thế kỷ nát nhàu
Mưa giăng khóe mắt thấy màu biệt ly…” (Hư – Nguyễn Thành)

Đúng là “Người đi ta đếm mùa thay lá/ Rơi phủ phố buồn lấp tuổi xuân”. Đời người thanh xuân chỉ có một lần. Vậy mà người đi đã làm cho tác giả buồn đến lấp tuổi xuân thì phải nói là nỗi buồn đó nó vô cùng thiết tha và đau đớn. Tôi chẳng biết người đi có hiểu được nỗi lòng người mất mát và luyến tiếc?

“Em về bến ấy phúc vun đầy
Ta phủi tay đời nợ trả vay
Biền biệt khung trời đêm lặng lẽ
Lạc bóng thiên di… tiếng gọi bầy!“ (Lối cũ ta về – Nguyễn Thành)

Khi viết về thơ tôi thường phiêu theo điệu nhạc trong lời và trong suy nghĩ của ca từ bản nhạc mà lòng hát ca trong tâm trí. “Mộng về một đêm xuân sang. Anh (em) thì thầm ngày đó thương em…” (Tuấn Khanh).

Ôi thương mà không đến được với nhau quả là mang nặng một nỗi niềm vô biên trong nuối tiếc. Trong nhớ thương mê mải suốt một đời. Nhà thơ yêu nhưng lại đổ thừa chắc ngải hương em cho nên nhà thơ mới có bài Ngải hương em… ôi cái hương quyến rũ mà nhà thơ đã ví von như gặp ngải làm bao người si mê.

“Em qua phố vẻ nhân từ
Mà sao nhốt cả đám tù nhân yêu (Ngải hương em – Nguyễn Thành)

Tôi may mắn được biết nhà thơ Nguyễn Thành sau lần nhận sách từ nhà thơ Luân Hoán và Lê Hân ở nước ngoài. Sau này mật thiết hơn là cộng tác bài vở thường xuyên ở tập san Ra khơi do nhà thơ là chủ biên. Nhưng chỉ là biết ở mức độ sơ xài. Bây giờ viết liên mạch tập thơ của nhà thơ gởi ở mail. Tôi không hiểu đây là tập thơ thứ mấy của nhà thơ. Nhưng lại ngại nhắn tin hay điện thoại hỏi mà cứ viết liên mạch. Dẫu sao đây cũng là cái cớ cho người viết thêm được vài dòng. Muốn rõ xin đọc tập thơ VỌNG của tác giả. Bởi vì những điều gì bạn mình chia sẻ được cũng đã chia sẻ rồi. Ông bà đã có câu: ”Im lặng là vàng”. Ngoài lề một chút. Nói như thơ Mặc Tưởng: “Trong im lặng tôi là người bội bạc/ Nên suốt đời tôi vẫn mãi mồ côi/ Tình ra đi tôi chợt nhớ bồi hồi/ Tình trở lại tôi thờ ơ lạnh nhạt”. Lẽ đời là như thế. Tôi tâm đắc mấy câu này của Mặc Tưởng nên “lỡ ghi vào trong đầu từ năm mười bảy tuổi tới giờ vẫn nhớ như in. Dù khoảng 48 năm trôi qua. Ở đây nhà thơ đã dối lòng tất cả nên chỉ VỌNG để biết rằng cuộc đời này tất cả chỉ là ảo vọng. Khi nỗi nhớ của mình không được như ý.

Thơ Nguyễn Thành là dòng thơ hay, hay từng câu, từng chữ không dài dòng. Chúng ta cùng đọc VỌNG của Nguyễn Thành thì biết. Cuộc đời của người cầm bút là mắc nợ trần gian, phải viết để cho người đời đọc. Mà viết dở thì bị chê hay thì được khen. Nhưng hầu như tiếng khen thì ít mà tiếng chê thì nhiều. Nhưng ai cũng viết và chẳng mấy ai quan tâm đến việc này bởi viết là viết theo mạch cảm xúc của mình. Khi chúng tôi cầm bút mà viết được một điều gì đó dù hay, hay là dở chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng và rất vui. Mặc cho những thị phi ở cõi trần vay này. Bởi vậy mà Nguyễn Thành đã viết Nợ thơ là vậy.

“Bè bạn bên đời sao tháng hạ
Thế gian tri kỷ thoáng phù vân
Trời luồn hai mảnh ta vừa khớp
Chẳng phải nhân duyên, chỉ nợ nần

Nhìn lại tháng năm dạ ngậm ngùi
Nỗi lòng chắp cánh với mây trôi
Cung đàn lạc phách thiên thu mộng
Ôm góc trời riêng tơi tả lòng” (Nợ thơ – Nguyễn Thành)

Mẹ trên tất cả mà trong văn thi mỗi người một cảm xúc không thể nào so sánh với tình yêu.

“Giờ ngồi nhớ mẹ ở xa
Ráng chiều cuối ngõ nhạt nhòa đợi mong” (Nụ nhân sinh – Nguyễn Thành)

Con tim đã có ngăn duy nhất về cha mẹ mà không ngăn nào có thể so sánh và sở hữu được. Mặc dù những ngăn tim đó ngầm chất chứa bao nhiêu thương yêu từ gia đình anh chị em và con cái, bạn bè thương yêu. Và ngăn hạnh phúc cũng như ngăn đau khổ nhất đó là ngăn tim của tình yêu. Không ngăn nào đụng chạm đến ngăn nào. Nhưng chỉ có ngăn tình yêu là hoạt động trong bất kỳ tình huống nào. Bởi vậy mà ngăn tim này đã cho ra đời không biết bao nhiêu là văn nhân thi sĩ… họ ra đời là để giải bày tâm sự, là viết và viết cho đời những dòng văn dòng thơ cho dù hạnh phúc hay đau khổ cho người đời đọc, chia sẻ dù những chia sẻ đó là thực là mơ hay chỉ là ảo vọng…

“Ta trút tình em lên phím đàn
Bật cung thương nhớ dậy trời hoang
Đồ rê thăng giảm sầu vô đối
Rượu cạn, phím chùng giấc mộng tan…” (Cung thơ – Nguyễn Thành)

Có lẽ đàn và rượu là hai thứ để cho con người ta giải bày tình yêu và nỗi nhớ. Hầu như buồn hay vui gì là người ta cũng tìm đến để giải bày. Ở đây tác giả cũng vậy. Làm sao cho nỗi khổ nỗi cô đơn trong nỗi tình duyên kiếp được bình an nên nhà thơ chỉ còn biết mặc kệ và thôi kệ theo mạch cảm xúc của thơ tuôn…

“Thôi kệ… chuyện rồi cũng sẽ qua
Buông tay phổ độ cổ nhân hà
Qua miền sương ảnh tình như khói
Chấp ngã tham thiền nụ trổ hoa…” (Thôi kệ – Nguyễn Thành)

Yêu em cho đến lúc giao mùa. Ta hãy nghe lời nhạc của Đức Huy: “Và tôi cũng yêu em, và tôi cũng yêu em và tôi cũng yêu em… Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn Yêu em chứa chan…”.

Thế mới biết tình yêu là một diệu kỳ. Tất cả các văn thi sĩ đều diệu kỳ khi viết về tình yêu. Ở đây nhà thơ Nguyễn Thành cũng đã yêu em cho dù mùa nào cũng có thể trút cạn nỗi niềm vào tình yêu.

“Riêng ta giữa phố ngỡ ngàng
Nhìn theo chim én rộn ràng cánh bay
Lơ ngơ chậm bước quên ngày
Vấn vương tà áo khẽ lay cội nguồn

Hàng cây lặng lẽ vô ngôn
Thì thầm nghê khúc khát cơn mưa tình
Hình như đất cũng chuyển mình
Muôn hoa khoe sắc linh đình đón xuân…“ (Giao mùa – Nguyễn Thành)

Ôi mưa gió mùa Ngâu đã làm chạnh lòng không biết bao nhiêu người. Nhưng suy cho cùng thì tình yêu ấy cũng vẫn còn hạnh phúc. Đôi vợ chồng Ngâu theo triền thuyết một năm cũng còn có một đêm thất tịch để gặp nhau. Chứ người đời nay khi đã xa nhau là xa mãi mãi… làm gì trời cho họ được một mùa Ngâu…

“Đã phải mùa Ngâu… lạnh ước thề
Mưa giăng khắp ngả ngập cơn mê
Nhịp cầu Ô Thước như còn đợi
Đàn quạ ngủ quên lạc lối về

Xanh chưa kịp úa lá lìa cành
Tiếc nụ vô thường nợ mỏng manh
Mắt biếc mùa phai xô sóng dậy
Thuyền chưa cặp bến… đã trăm năm!” (Hoài niệm – Nguyễn Thành)

VỌNG là một tập thơ mà tác giả viết về nhiều đề tài nhưng xuyên suốt vẫn là những dòng thơ tình thật lãng mạn. Tôi muốn cùng với các bạn đọc những dòng thơ hay thấm đẫm nỗi lòng của Nguyễn Thành. Với tôi thì đây là một tập thơ hay mà chúng ta nên tìm đọc để hiểu về người làm thơ. Nhất là đó lại là một người đàn ông hết lòng yêu vợ, thương vợ và chiều vợ. Vợ của nhà thơ có một cái tên hết sức đẹp hết sức yêu kiều ở Facebook là “Vân Mỹ”. Và Vân Mỹ cũng chính là người đọc lỗi của hai tập thơ tôi Khúc trùng khâuGiấc nương hồng vừa mới xuất bản và lưu chiểu vào quý III năm 2020. Các bạn hãy cùng tôi đọc những dòng thơ hay của Nguyễn Thành:

“Em vẫn ngàn năm của đất trời
Ngàn năm biển lặng sóng chơi vơi
À ơi… xõa mộng đêm tiền kiếp
Thấp thoáng nghiêm minh trút rạng ngời” (Tháng tận năm cùng đất nở hoa – Nguyễn Thành).

Ta hãy cùng nhà thơ đi tìm ký ức…

“Người đem tình cũ vo tròn
Ta ngồi gỡ mãi mỏi mòn tháng năm
Sầu theo vấp mãi thăng trầm
Gặm mòn nỗi nhớ ngấm ngầm đi hoang
..
Thánh đường chuông đổ mộng du
Mấy mươi mùa rét hồn mù mịt đau
Đi tìm ký ức ở đâu?
Chúa trên thánh giá gục đầu lặng thinh…”

Hạnh phúc của nhà thơ là những sớm mai hồng khi thức dậy nhìn thấy trời cũng như tất cả những cuộc sống thường ngày nhưng không thể nào thiếu ban bè tri âm tri kỷ. Nhưng em vẫn là người luôn ray rứt và yêu thương của tác giả trong “hạnh phúc là gì…?”, và tôi hiểu em ở đây là vợ, là người sẽ cùng tác giả đi hết đoạn đường của kiếp trần vay này.

“Hạnh phúc đời ta đã có em
Dịu dàng ru khúc nguyệt bên thềm
Đêm say tình tỏ loang sông thẳm
Uống ánh trăng vàng mắt dịu êm”

Sự thật trong cái ví của nhà thơ Nguyễn Thành là gì?

“Có một sự thật trong cái ví
Nhưng tôi chẳng nói ra”

“Giàu nghèo gì cũng nằm trong ví
Nhân cách con người cũng nằm trong ví
Quan trọng là người biết cách giở ra…”

Tôi tiếp tục đọc thơ của Nguyễn Thành tới Ngược chiều nhân quả:

“Ta tìm về với đất
Thấy ánh sáng khải huyền
Soi dắt những hồn điên
Đang ngược chiều nhân quả”

Tạ từ rồi tác giả cũng phải an nhiên giữa muộn phiền thế nhân:

“Lỗi lầm trả cuộc bể dâu
Ngược chiều nhân quả nông sâu nhãn tiền
Chợ đời mưa nắng luân phiên
Ta an nhiên giữa muộn phiền thế nhân…”

“Tình ảo” đúng như tên VỌNG mà nhà thơ Nguyễn Thành đã ghi tựa:

“Em từ muôn thuở mịt mù
Mắt môi đắm chết ngục tù nguy nga
Xin em chút nắng chiều tà
U minh soi lối ta bà niềm riêng

Phiêu linh một cõi ngả nghiêng
Đêm vờn bóng… chắt chiu thiên tình buồn
Trong từng nỗi nhớ mỏi mòn
Cuộn chăn gối cũ ủ tròn giấc mơ…”

Có thế nào thì “Trăm năm mãi rộn ràng”. Ừ thì phải rộn ràng với tất cả thôi. Cuộc sống mà chúng ta không thể nào không theo một vòng quay mà trời đất đã định:

“Em ngang qua phố vầng trăng ngả
Lấp lánh đèn đêm quyện dáng ngà
Bỗng nhịp dòng đời thôi vội vã
Hồn ai ngây dại bóng kiêu sa”

“Tưởng đã qua thời… giờ vẫn dại
Mắt người xao động trái tim hoang
Hồi sinh mạch máu ngầm nông nổi
Để suốt trăm năm mãi rộn ràng”

Những câu thơ hay cho toàn tập tôi chẳng thể nào nhào nặn hết. Thôi thì cảm tới đâu ghi tới đó. Dẫu sao tôi vẫn phải hoá thân để rộn ràng cùng nhà thơ. Nhưng tôi cũng không thể nào tưởng tượng nổi cái vọng viễn ảnh của nhà thơ trong giấc mơ của quỷ để mộng thấy: Eva, vườn địa đàng, căn nhà rách nát, có bà mẹ già, có xấp tiền, bãi tha ma hoang tàn, hồn ma, lão thiền sư… Một bài thơ với chừng ấy ngôn thi đã làm tôi choáng váng và chính tôi cũng không thể nào nghĩ ra có “Giấc mơ của quỷ”. Vậy đó vậy mà nhà thơ Nguyễn Thành vẫn nghĩ ra. Nhưng may mắn mọi thứ diễn ra trong cái kết của một ngày rất đẹp.

“Tối tăm mặt mày, định thần…
Tôi lại thấy tôi ở giữ bãi tha ma hoang tàn
Đang ngồi trên một cái ghế chạm trổ rất đẹp
Bỗng thấy những bộ xương người chuyển động
Những hồn ma lởn vởn khóc than đang cố lắc lư giật mấy cái chân ghế
Sợ quá tôi bảo ‘Tôi không cần ghế, trả các người đấy’
Rồi ù chạy một mạch ra bờ sông…

Thấy một lão thiền sư trên một con thuyền nhỏ
Đang từ từ xa bờ
Lão thiền sư quay lại nhìn tôi mỉm cười rồi biến mất…

Mặt trời hừng đông
Tôi vuốt những giọt mồ hôi lạnh toát còn đọng trên mặt

Xin chào một ngày mới an lành…”

Tôi viết về VỌNG trong khung cảnh một mùa thu. Một mùa mà trong giới văn nhân thi sĩ có thể nói là đẹp nhất, lãng mạn nhất và tình yêu thiết tha nhiều nhất… dường như trời đất đã cho con người ta yêu nhau vào mùa thu, nhớ nhung vào mùa thu và để cho mùa đông lạnh lẽo kết hợp vẹn toàn bằng đám cưới. Dù mùa thu của tác giả nào đi chăng nữa thì cũng vẫn cho ta thật nhiều cảm xúc dù mùa thu đó là hạnh phúc hay chia ly. Còn mùa thu của Nguyễn Thành ở Thu tịch thì sao?:

“Rượu cạn, hồn phiêu linh
Ta hôn em trong nỗi buồn thế kỷ
Vẫn ngọt dịu môi ngoan
Mà sao nghe đắng chát
Lời khải huyền vỡ vụn…

Thu mây khói
Đêm chợt vỡ òa…
Vọng vào hư không…” (Thu tịch – Nguyễn Thành)

Đúng là “rượu cạn ly uống say lòng càng giá. Lá trên cành một chiếc cuối bay xa…”(Tuấn Khanh). Em xa thì cũng đã xa… Nhưng tất cả không thể nào làm cho lòng anh thôi không nhớ. Đến hoa cải mà nhà thơ cũng phải tần ngần và thắc mắc. Hỏi người hoa cải mùa này đã nở chưa người cũng lặng thinh… Thôi thì nơi ấy cứ lặng thinh để cho tác giả xanh lời nhung nhớ cho dù nơi ấy em đã có kẻ đón đưa. Tình cao thượng quá. Dường như khi yêu thực lòng người ta mới có thể nghĩ về nhau như vậy…

“Em giờ nơi ấy người đón đưa
Lối cũ chông chênh thoảng gió lùa
Anh khát thơ tình men chếnh choáng
Sài Gòn trống vắng những chiều mưa.”

Vọng mãi rồi cũng đành “Treo mộng trên cành”. Có lẽ chỉ thi nhân mới có thể làm điều đó.

“Đêm… từng đêm gọi ngày mai
Gọi tình hờ hững nhạt phai mái đầu

Giữa dòng đời mãi ngu ngơ
Phận hèn sao sánh xa mờ trời xanh
Thôi về treo mộng trên cành
Với theo chiếc bóng, lìa cành mộng tan”.

Huyễn trong cơn say của Nguyễn Thành dù chỉ là mơ, là những điều mà thực sẽ chẳng bao giờ. Dẫu sao em trong cơn mơ để nhà thơ còn say được thì đó cũng là hạnh phúc ảo. Còn hơn là chẳng mơ được một giấc mơ hạnh phúc. Bởi vậy mà trong say Vũ Hoàng Chương đã có lời Đời vắng em rồi say với ai… Đúng là như vậy. Em mộng hay hư miễn anh cứ có thể say là anh còn hạnh phúc.

“Tưởng say quên hết bóng hình
Ai ngờ nỗi nhớ lung linh ùa về
Hoang mơ… vất vưởng bên hè
Nửa vầng trăng khuất… nửa che kiếp người.”

Mỗi bài thơ một nỗi lòng trong bao nhiêu ngày viết. Nào khuya, nào sớm, nào tối… cứ mỗi khi cảm xúc ùa về chảy tràn là phải viết ngay dù bất kỳ lúc nào, nếu như không viết kịp thì cảm xúc đó sẽ không sao tìm lại được. Nỗi lòng ấy quắt quay bao nhiêu thời gian? Chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Cho nên một tập thơ tuỳ theo số trang của tác giả khi in. Không thể nào ta có thể thấu đáo trong vài giây phút được. Hiểu chỉ một phần nào chứ không thể lột tả được hết toàn bộ nội dung của một tập thơ. Mà sự hiểu rõ ấy chỉ có thể cầm trên tay tập thơ vừa đọc vừa suy nghĩ…của tác giả. VỌNG ở đây cũng vậy. Tôi chỉ có thể điểm qua tất cả các bài một cách sơ sài. Còn điều quan trọng là các bạn phải có được VỌNG trong tay.

Các bạn hãy cùng tôi đọc những vần thơ hay của VỌNG trong tập thơ Nguyễn Thành:

“Nghễu nghện vểnh râu hưởng lộc người
Nhân tình thế thái mặc đầy vơi
Khi nào đất nứt thân tràn máu
Mới động nhân gian tiếng khóc cười…” (Ông Địa)

“Buông tay canh bạc giữa đường.
Níu thời gian ngược… Đoạn trường hư hao” (Phía cuối con đường)

“Thoáng chốc tuổi xanh theo gió bụi
Này xem râu tóc nhuốm tơi bời…” (Thức tỉnh)

“Ta ôm một khoảng trời ngơ ngác
Nghe buốt trong tim lệ vỡ òa…” (Tiễn biệt)

“Bia đá ngàn năm dẫu có mòn
Vẫn kiên gan đứng dạ sắt son
Một buổi ta về qua lối cũ
Nghe tiếng sơn hà khóc nỉ non…” (Hồn đá)

“Nghe như Xuân gọi trong tiềm thức
Từ độ trăng mầm nhú đỉnh non
Bàn tay vô lượng ru đời mộng
Một thoảng hương thầm thắm sắt son…” (Nhớ)

“Khắc khoải bóng câu qua bậu cửa
Trăm năm lẩn quẩn níu ngày tan…” (Lẩn quẩn dòng đời)

“Nhân tai thêm dịch hạn
Cơ cầu trắng bàn tay

Ngày mai trời mù mịt
Loanh quanh mọi góc nhà
Bộn bề trong trăn trở
Ngậm ngùi nắng phương xa…” (Ngày mai – thơ mùa Covid)

“Cứ ngỡ dòng sông đêm tĩnh lặng
Dưới bầu vũ trụ ánh sao băng
Vui buồn vỗ mặt lăn tăn gợn
Đâu biết trường giang quẫy sóng ngầm…” (Lặng)

“Ta em gánh trọn cuộc tình
Thênh thang góc nhỏ cần tìm đâu xa
Cung đường hạnh phúc trổ hoa
Chốn nào ta đến cũng là quê hương…” (Vô ngôn)

Mọi thứ trong cuộc đời như một bàn cờ rối rắm được thua. Đường đi cũng thế cho dù quanh co rồi cũng tới đích nhưng chỉ là hơn thua nhau ở chỗ ai sẽ là người tới trước. Đời là vậy mà. Bởi vậy người xưa đã có câu: “Cờ đến tay ai người đó phất”.

Và đây là bàn cờ của Nguyễn Thành:

“Cũng đều mười sáu quân cờ
Kẻ công vây hãm, người chờ thời cơ
Thất thời thế trận chơ vơ
Loạn quân tướng quẩn thế cô chạy càn
Được thời tiến bước dễ dàng
Xe công, ngựa hãm pháo dàn trảm vua
Cuộc đời quanh quẩn ganh đua
Thắng thời vênh váo, kẻ thua khóc thầm”.

Bụi thời gian, Thu ảo, Góc đời, Đào thải… là tất cả những suy tư về cuộc sống này mà tác giả không thể nào không viết đến trong ngổn ngang suy nghĩ về kiếp nhân sinh:

“Vòng quay của tạo hóa luôn quay theo qui luật vô thường
Kèm theo là qui luật đào thải
Loại bỏ những con người không hòa mình vào thế giới cộng sinh
Và đó là điều tất nhiên để cuộc sống tồn tại và vươn lên…” (Nguyễn Thành)

Dòng đời mãi trôi… mãi trôi trong cuộc sống. Những gì đến ắt sẽ đến, những gì đi ắt sẽ đi. Ta có muốn, có mua hay ta có xin cũng chẳng được vì tất cả những điều đó chúng ta không thể nào luận được trong cuộc đời mình. Vì những gì có thể mình cũng đã biết, đã làm và cũng đã tồn tại. Còn tâm linh là những điều không thể…

“Ta bày cuộc rượu với trời
Luận bàn kim cổ luận người nhân gian
Tạo ra chi để lầm than
Hiền lành hiểm ác đồng lần kiếp chung” (Dòng đời – Nguyễn Thành)

VỌNG để rồi tác giả mơ về Đêm hồng hoang, là đàn để cho anh nắn nót những nhịp thăng trầm bay bổng về một cõi thiên thai…

“Em như cung đàn
Ta bàn tay nghệ sĩ
Nắn nót những nhịp thăng trầm
Khúc nghê thường vang trong đêm lắng
Mênh mang một cõi thiên thai nhịp nhàng…”

Để mơ thấy em về trong ảo vọng

“Em về…
lối cũ hồn hoang phế
Khung cửa tàn tro giấu phận người
Một thuở…
hương xưa
giờ đã mất
Ngậm ngùi
chiếc bóng giữa ngàn khơi…!”

Những câu thơ lục bát làm mới ngôn từ trong Đón xuân của nhà thơ Nguyễn Thành nhuần nhuyễn:

“Đêm nghe
trời đất chuyển mình
Em từ huyền khải
hồi sinh tìm về
Phố phường
rộn rã khúc nghê
Càn khôn thay áo
đê mê hương thầm

Tinh khôi hé nụ trong ngần
Lụa là khoe sắc
đêm vần vũ nghiêng
Liễu chau mày
động vô biên
Phiêu linh dáng ngọc
gió miên man lùa”

Ông bà xưa nay đã có câu chỉ có người ở lại là buồn, còn người đi thì đi biệt… Biết có chút gì nhớ thương. Nguyễn Thành rưng rức với Người ở lại:

“Em về bên ấy vui đi nhé
Mặc nhiễu nhương đời thoảng gió bay
Muôn sự trần gian đầy vạn biến
Ung dung nụ trổ thắm hương nhài…

Em về bên ấy cho ta gởi
Một chút nắng quê đượm ấm lòng
Cánh phượng giao mùa chưa kịp đỏ
Vẫn hồng giấc mộng buổi trời đông

Em về bên ấy vui đi nhé
Dẫu có tơ vò vạn lối giăng
Vận số xoay vần ai biết được
Cung đường vô ngã giấc mơ vàng

Em về bên ấy cho ta nhắn
Gởi chút lòng son đến bạn hiền
Quê nhà một góc mênh mông lắm
Nhớ vọng phương trời những ngả nghiêng…”

Người ở lại sao mà dằn vặt khổ đau. Khiến tôi không thể trích đoạn nào. Mà bê hết vào nguyên bài để thấy người ở lại nó khổ đau đến nhường nào.

Có lẽ chỉ thơ mới hiểu thơ. Những nhân vật ta tự hoá thân. Những buồn vây ta cồn cào theo tâm sự, những chạnh lòng ta vật vã… những nỗi ấy đã hoá thành thơ. Đã đúc kết nên những bài thơ vui buồn tuỳ theo tình huống. Đâu chỉ cứ là mình trong cái nỗi bi luỵ vật vã ấy.

Nếu như một Vân Mỹ không yêu chồng, không chiều chồng hoặc có những điều ghen vô cớ thì Nguyễn Thành cũng không thể nào có những day dứt trong thơ nhớ thương nhiều đến thế. Tôi hiểu vợ chồng nhà thơ qua những lần tiếp xúc không nhiều. Nhưng không thể nào nói rằng không hiểu. Cho nên thơ tuôn thì mặc thơ tuôn của quặn lòng mong nhớ. Nhưng Nguyễn Thành có một cuộc sống hiện tại hạnh phúc ấm áp vô cùng. Vậy thì “thương vay, khóc mướn” trong thơ chỉ có thể là cái cớ của người làm thơ. Hoặc không hoá thân vào nhân vật thì không thể nào viết được. Vậy thì mắc chi mà Nguyễn Thành không đi “Tìm bóng thời gian”:

“Ta đi tìm bóng thời gian
Thấy vương nguồn cội những ăn năn buồn
Chất chồng năm tháng vô ngôn
Oằn vai ta gánh theo vòng nhân sinh…“

“Ừ em đi” em đi hay không thì cuộc tình cũng đã mất:

“Ừ em đi… bóng quang thiều
Đã dần lịm tắt giữa chiều cuộc chơi
Ngẫm đời nghĩa tận tả tơi
Ta qua ngõ chợ đánh rơi cuộc tình…

Em đi rồi còn gì nữa mà không “tiễn tháng ba”

“Mai tiễn tháng Ba đi
Níu tàn xuân vạt áo
Đêm bung nụ tầm thi
Ru hồn tên vô đạo
Trải giấc mộng phong hoang”

Có lẽ những vô tận ấy không thể nói thành lời mà chỉ là thơ từ ngữ này sang ngữ khác trong trạng thái mơ mơ hồ hồ của VỌNG mà nhà thơ Nguyễn Thành đã gởi gấm hết vào Nhớ thu xưa:

“Chiều thu xao xác lá vàng rơi
Lữ khách bâng khuâng giữa cảnh trời
Hoang hoải mưa giăng nhòe lối cũ
Bóng người bàng bạc biển mù khơi”

Ôi những giọt lưu linh mà buồn hay vui hầu như ai cũng tìm đến. Tác giả đã tự mình “ru” mình đến chín chai. Nhưng chỉ có chai thứ nhất và chai thứ hai là đã rủ rê em đến tận chốn phiêu bồng…

“Một chai trăng đẹp như mơ
Này em hãy tựa vào bờ vai anh

Hai chai ru giấc mộng lành
Như đôi chim yến trên cành gọi xuân” (Tửu thi – Nguyễn Thành)

Thơ Nguyễn Thành xuyên suốt VỌNG vẫn là những câu thơ tình lãng mạn. Mà đã là thơ tình thì luôn day dứt người đọc. Còn cách cảm là do tâm trạng của mỗi người.

“Xin làm ngọn cỏ giữa đông
Trầm đêm giá lạnh hứng tròn nỗi đau
Đất trời chung nỗi dãi dầu
Tiễn người qua bến hoa cau rụng dần…” (Tự tình – Nguyễn Thành)

“Ta trút tình em lên phím đàn
Bật cung thương nhớ dậy trời hoang
Đồ rê thăng giáng sầu vô đối
Rượu cạn, phím chùng giấc mộng tan…” (Cung thơ – Nguyễn Thành)

Tịch khuya vang tiếng thạch sùng
Lật hồn trở giấc ngó trừng trừng đêm” (Dã quỳ – Nguyễn Thành)

Cuộc đời con người ta là bao nỗi hệ luỵ sống trên đời. Chuyện gì cũng phải ước mơ và mơ ước để đạt tới mục đích. Cho nên tác giả đã Ủ mộng vô thường:

“Đánh cược giấc mơ tờ vé số
Đổi thay chẳng thấy… thấy nghèo thêm
Giàu sang phú quý như mây gió
Ủ mộng vô thường nát hết đêm…”

Chẳng có gì phải luyến tiếc khi cuộc sống cứ xoay vòng xuân hạ thu đông. Nhưng biết đâu mùa cũ vẫn để lại trong ta nhiều kỷ niệm. Tác giả đã chạnh lòng nhớ chuyện xưa để rồi Gõ cửa mùa xuân cũ.

“Ta vẫn tỉnh mê trong chốn vô thường
Muốn tìm về cội nguồn trong tiềm thức
Gõ cửa mùa Xuân cũ
Tìm lại vị ngải hương ta say từ dạo ấy…

Chợt mặn đầu môi
Nghe đôi chim hót như tiếng đời gọi ta về
Bâng khuâng giữa phố
Vật vờ trên suối tóc em bay…”

Vâng, suối tóc là tình yêu là hương thơm quyến rũ ai mà không nhớ mới lạ. Bởi vậy mà nhà thơ đã “Vật vờ trên suối tóc em bay”. Tôi nhớ lời của văn nhân nào đó đã viết lâu lắm rồi và thuộc từ hồi mới lớn: “Khi chết đi tôi không mang theo gì. Trừ hình ảnh một buổi chiều… nắng vàng trên tóc em”. Vậy thì suối tóc em bay đã làm Nguyễn Thành vật vờ cũng đúng thôi.

Ôi chiếc lá diêu bông của Hoàng Cầm chỉ là một chiếc lá mơ hồ không có thực. Nhưng nó vẫn làm nát lòng không biết bao nhiêu là văn nhân thi sĩ. Ta hãy cùng nhau đọc thơ Nguyễn Thành về chiếc lá diêu bông:

“Hoàng Cầm tìm lá diêu bông
Bốn lần chị phủi tay… bạc hết cả xuân thì
Em bảo ta đi kiếm danh vọng
Ta quần quật Đông Tây chưa phỉ chí
Chợt cháy lòng buổi tiễn em sang sông
Ta nhìn bóng em mờ dần trên dòng đời nghiệt ngã
Mà không hiểu?
Nhìn lại đôi bàn tay trần trụi
Đôi chân mỏi mệt lạc lối về…!“

Con người sinh ra trong cõi đời này là phải sống và chấp nhận tất cả những gì xảy ra nếu như ta không tự mình thay đổi được. Không buồn phiền và hãy cứ “mơ hồ trong suy nghĩ” những điều không phải để mà sống cho qua một kiếp người…

“Tảng đá buồn… sao ta tồn tại mãi
Đứng giữa trời chứng kiến chuyện đổi thay…” (Tháng tám – Nguyễn Thành)

Chúng ta cùng sống chung trong thành phố Sài Gòn. Nhưng không hiểu sao khi đọc bài Người Sài Gòn tôi cảm thấy lòng buồn như thế nào.

“Em ơi, Sài Gòn chỉ có những dòng kênh đen
Xen lẫn trong nhộn nhịp ồn ào vội vã
Giữa phố phường khói bụi chen nhịp đời tơi tả
Hàng cây xanh bên đường ủ rũ đợi cơn mưa

Người Sài Gòn tất tả những sớm trưa
Hòa nhịp trong dòng người mưu cuộc sống
Cơm áo gạo tiền, đời không khoảng trống
Oằn mình quên cả những giấc mơ xưa” (Người Sài Gòn – Nguyễn Thành)

VỌNG là một tập thơ hay dù tác giả viết qua nhiều thể loại. Nhưng không qua mặt được thơ tình của tác giả. Thế mới biết: ”Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở/ tình mất vui khi đã vẹn câu thề” (Hồ Dzếnh). Tôi tin vào điều này vì không có được nhau nên mới có trăm ngàn nỗi nhớ để mà viết. Hạnh phúc không phải là không thể viết. Nhưng mạch cảm xúc có thể sẽ ít hơn và người ta sẽ viết những điều vui hơn là buồn.

“Tôi vừa thấy chiếc lá bay
Nghe câu kinh muộn trượt dài hư vô
Đình chùa mỗi lúc mỗi to
Thầy đi thỉnh Phật, Phật lo… không về

Tôi vừa mới tỉnh cơn mê
Hai bàn tay trắng vỗ về được thua
Ừ thì đâu phải như xưa
Nắng chiều cuối ngõ mới vừa nhạt phai

Tôi vừa buông tiếng thở dài
Thấy bà Bạch Tuyết múa hài trẻ xem
Mấy con số hóa lem nhem
Mẹ cha ngao ngán khóc thèm cơn mưa

Tôi vừa xuống phố tiễn đưa
Nửa thân bản ngã từng thừa sân si
Giữa miền sương ảnh phân ly
Nửa mơ xoãi cánh thiên di muộn màng

Tôi vừa nghe tiếng oanh vàng
Lòng như sóng cuộn vỗ tràn bờ xa
Em từ huyền khải bước ra
Đất tôi như ngập phù sa bốn mùa…” (Tôi vừa – Nguyễn Thành)

Bài thơ cuối của VỌNG là tất cả nỗi niềm riêng của tác giả nên tôi muốn để nguyên bài để chúng ta cùng nhau chia sẻ và thấu hiểu nỗi niềm của tác giả.

Phải công nhận một điều nhà thơ Nguyễn Thành là một người hạnh phúc. Hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau. Vân Mỹ vợ nhà thơ là cánh tay đắc lực hỗ trợ nhà thơ trong việc in ấn và sửa bản in cũng như phát hành sách. Nhà thơ đã nhập vai nhân vật để cho ra đời những tác phẩm tuyệt tác mà trên đời này không phải ông trời cho người ta điều này thì lại lấy đi điều khác như dân gian vẫn thường nói phiếm.

D.T.V