Cảm nhận về 10 bài thơ được bình chọn trong “Nguyên tiêu – những bài thơ hay”

955

Phùng Hiệu

(Vanchuongphuongnam.vn)“Nguyên tiêu – những bài thơ hay” là một hoạt động thiết thực của Hội Nhà văn TP. HCM và Ban Biên tập Văn Chương Phương Nam nhằm kết nối và tạo động lực sáng tác cho các tác giả trên cả nước hướng về Ngày thơ Việt Nam năm 2021.

Nhà thơ Phùng Hiệu – Chủ biên trang Văn Chương

Phương Nam

Ngày thơ Việt Nam được xem như một lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm nhằm tôn vinh những thành tựu thơ ca Việt Nam. Tuy nhiên, 2 năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid nên ngày thơ bị giáng đoạn. Để duy trì các hoạt động thi ca nhằm xóa tan đi không khí “nguội lạnh” khi dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM và Ban Biên tập Văn chương phương Nam phát động cuộc bình chọn thơ hay tạo phong trào và sân chơi cho những người yêu thơ tham dự với sự tài trợ của nhà thơ Lâm Xuân Thi và Quỹ tình thơ. Điều đó được xem như là một hoạt động thiết thực của Hội Nhà văn TP. HCM và Ban Biên tập Văn Chương Phương Nam nhằm kết nối và tạo động lực sáng tác cho các tác giả trên cả nước hướng về Ngày thơ Việt Nam năm 2021.

Sau khi phát động cuộc bình chọn “Nguyên tiêu – những bài thơ hay”, chỉ trong vòng 3 ngày, Ban tổ chức đã nhận hơn 600 bài thơ của nhiều tác giả trên cả nước gửi về. Ban Biên tập đã chọn ra 155 bài đăng liên tiếp 11 kỳ trên Văn chương phương Nam. Từ 115 bài thơ được đăng, Ban giám khảo đã chọn ra 10 bài thơ hay nhất để tặng quà và trao giấy chứng nhận của Hội Nhà văn TPHCM vào ngày 11/3/2021.

Qua cuộc bình chọn, Ban giám khảo nhận thấy có nhiều bài thơ hay đi sát với chủ đề về Ngày thơ Việt Nam và tình yêu quê hương đất nước, ngoài ra còn có những bài thơ mang tính khái quát và phản ánh được những hiện thực đời sống xã hội. Điều bất ngờ với vài tác giả khi họ là nhà văn nhưng lại có những bài thơ tham dự rất chất lượng như nhà văn Vũ Việt Thắng, nhà văn Nguyễn An Bình. Trong cả 155 bài thơ được chọn đăng, chúng tôi rất tiếc và thật khó khăn khi phải loại đi một số bài thơ chất lượng ngoài 10 bài được xét chọn. Và nếu như thể lệ cho phép hơn, chúng tôi sẽ chọn nhiều hơn số lượng quy định.

Nhìn chung trong 10 bài thơ được chọn, mỗi một bài thơ đều toát lên được những ý tứ sâu lắng qua những ngôn ngữ đắt giá được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật thi ảnh. Bài thơ Chiều trung du của nhà văn Vũ Việt Thắng viết về miền quê nghe như ở đâu xa lắm nhưng khi đọc văn bản thì lại thấy hết sức gần gũi với đời sống hiện thực. Nơi đó như đưa ta trở về với miền quê êm ả, khơi gợi lại những kỷ niệm xa xưa còn vang vang đâu đây với mây chiều, trăng non, mái tranh, tiếng gà, cánh nhạn… qua những vần thơ hình tượng và cô đọng:Lưng đồi choàng mảnh mây chiều/ Mỏng manh sợi khói hờ treo mái nhà/ Chập chờn bóng nhạn trời xa/ Rừng thưa sót một tiếng gà mỏng teo…” Nhà thơ có thể nghe thấy được độ mỏng dày trong tiếng gà cũng như trọng lượng nặng nhẹ trong tâm hồn bằng hai câu thơ kết “Hồn chiều nhẹ tếch trong veo/ Tham sân si… quẳng bên đèo gió mây”.

Nói với Nguyên tiêu của Nguyễn Thanh Hải thì cho ta thấy được cái trách nhiệm và sự quan tâm của nhà thơ đối với Ngày thơ Việt Nam, ở đó anh luôn đáu đáu nỗi niềm của một thi sĩ với thơ: Lỡ hứa với mùa xuân về đọc mấy lời tâm sự/ đành đăng nắng nơm sương tìm gió nhạc làm nền/ Đã nhìn thấy đồng/ sông mây chảy qua mặc khải chiều/ mà nắng vẫn cứ ngồi ngang ngang trên kỷ niệm…”. Thế đấy, anh thản nhiên để nắng ngồi ngang trên kỷ niệm và trong anh, thơ cũng biết di chuyển để trèo lên sân khấu “Em thả đôi tà nguyên tiêu là bữa đó mây suông/ câu thơ cũng biết trèo sân khấu”. Thiết nghĩ, tác phẩm được viết ra, không những in thành sách để phát hành mà tác phẩm cần phải xuất hiện ở những sân chơi khác, mà trong đó sân khấu là một phần quan trọng để quảng bá đến gần với bạn đọc. Văn chương cần hơn như thế.

Trong hàng trăm bài thơ của Vũ Thanh Hoa ta lại bắt gặp một bài thơ mang tính thời sự nhưng được thể hiện bằng chất liệu ngôn ngữ khá súc tích qua cách nhìn và trách nhiệm của một nhà thơ đối với cộng đồng, một công dân đối với xã hội. Bằng thơ, chị đã ghi lại hiểm họa của dịch bệnh Covid đang hoành hành trong thế giới sống của chúng ta qua những vần thơ đau đáu nhưng lại không bi quan về cuộc sống của con người: “Người rơi lệ khi cái ôm trở thành hiểm họa/ Bắt tay nhau cũng cẩn thận sát trùng/ Nụ hôn ngủ trong khẩu trang kín mít/ Cánh mai đầu mùa nở giữa khu cách li…”.

Bài thơ Tâm hương của Lương Cẩm Quyên có vẻ như là một sự biết ơn đối với thơ. Biết ơn giữa người và người là lẽ thường, nhưng biết ơn với thơ, với Nguyên tiêu cũng là một điều lạ lẫm. Tuy nhiên ý thơ ở đây ngoài sự biết ơn bằng nén tâm hương thì bài thơ lại toát nên nỗi lòng của nhà thơ bằng sự trừu tượng trong mỗi câu chữ với tứ thơ khá lạ: “Ôm vào lòng ngọn tháng Ba/ Nhớ xưa cội rễ nghĩ mà nhức đau…” “Nay Nguyên Tiêu giữa mơ màng/ Xưa trăm mảnh vỡ phố làng liêu xiêu/ Bình yên giờ lẫy câu Kiều/ Tâm hương thắp gửi những điều biết ơn”.

Tác giả Nguyễn An Bình là một nhà văn, tuy nhiên những khi cao hứng và cảm xúc ùa về thơ lại đến với anh một cách tự nhiên và bình dị. Những con chữ nhảy múa trong một thành phố xô bồ, ồn ào và náo nhiệt bên cạnh dòng trôi của cuộc sống. Ở đó, phố thị còn thiếu sự tươm tất dẫn đến sự nguy hại trong môi trường sống vì sự ô nhiễm vì mật độ và ý thức con người. Phía sau sự xa hoa và rực rỡ của bề mặt thành thành phố, là số phận của những mảnh đời cơ cực, lầm than mà anh đã đi qua và chạm mặt. Anh ghi lại sự sống của những em bé gầy gò lang thang trên các vỉa hè, sự cơ cực của những thân phận, những những người đàn bà buôn gánh, bán bưng trên các ngã phố: “Những tờ giấy số trên tay/ Thay cặp sách đến trường/ Trôi cùng giấc mơ của em bé gầy gò tội nghiệp/ Sọt đầy trái cây trên bọoc-ba-ga của người đàn bà/ Đồng hành cùng chiếc xe đạp cũ kỹ/ Trôi trong nỗi nhớ quê nhà sau cơn mưa lũ/… Còn có một Sài Gòn nào khác/ Đang trôi/ Đang trôi…”. Có thể nói, Trôi là một bài thơ hay khi tác giả khái quát được một thành phố còn rất nhiều điểm khuyết, mà nhân tố là những con người lao động lam lũ.

Riêng tác giả Khaly Chàm lại gửi một bài thơ tự do viết về Nguyên tiêu mang sắc thái của mùa xuân tươi mới với nhiều ước mơ và khát vọng. Bằng những vần thơ lấp lánh, có ánh sáng của nắng xuân, có hơi thở của mùa xanh và tiếng cười trong thi ảnh: “bầy chim giữa bầu trời bay theo giấc mơ/ như thế. chúng đang mang những thanh xuân quay về/ hót lên giai điệu tặng người sắc màu lấp lánh/ có khi nào chúng ta hôn mê chìm sâu tận cùng ảo giác/ ai sẽ cứu vớt tiếng cười bồng bềnh kết tụ thành đốm sáng dư vang?”. Và, hai câu kết anh lại mở ra “hãy cùng dìu nhau bước lên bậc thang thời gian/ cảm nghiệm hạnh phúc đã mở ra ô cửa đầy nắng xuân ước vọng”.

Trong nỗi nhớ Đà Nẵng của Đỗ Phước Thanh nói lên nỗi niềm của người con xa quê nhưng lại ở trong quê, cách trở về địa lý nhưng gần gũi với tâm hồn. Những địa danh, cảnh vật đến con người đều dáng yêu và đáng nhớ : “Tôi như chai vodka cháy họng giữa chiều/ Nhớ Đà Nẵng và yêu Đà Nẵng/ Yêu cái nắng Ngũ Hành Sơn khảm vàng  biển xanh mây trắng/ Nhớ điên cuồng cái mặn Tiên Sa/ Đà Nẵng ơi!/ Chiều nay ta say/ Trong vũ điệu Aspara hồng quang miên cửu/ Cầu rồng ngẩng cao đầu đốt trời muôn ngọn lửa/ Ta cũng cháy mình trong bao nỗi khát khao. Bài thơ khá hay và được chọn nhưng rất tiếc là chúng tôi không liên lạc được tác giả để trao quà và giấy chứng nhận.

Với Trần Thanh Bình, bài thơ Tấc lòng cha mẹ như là một sự phản ứng và lên án về sự hủy diệt môi trường sống của con người đang gây ra. Chị kêu gào để cứu lấy, nhưng có ai lắng nghe và đồng hành cùng chị? Ngôn ngữ trong thơ đã đi đến tận cùng tiếng lòng: “Cũng từ đó /cánh đồng địa cầu phân chia biên giới/ bàn tay trắng đen sấp ngửa tranh giành/ máu đồng loại chảy thành sông suối!/ Từ đó/ bầu trời phân lô/ mặt đất phân lô/ tầng ozon lỗ chỗ/ màu xanh nhạt dần/ mây đen vần vũ/ mắt người ngơ ngác hơi thở đóng băng/ dòng máu về tim tắc dần không lối thoát/ Bầy vi rút bất kham/ sức mạnh “văn minh” bất trị/ Có nỗi đau nào khi thấy con hư?/ Cha tuôn nước mắt cuồn cuộn sóng thần/ mẹ quằn quại xé thân mình trong rung chấn xót xa”.

Nếu nhà thơ Xuân Trà luôn thể tấm lòng cao cả thiêng liêng và trách nhiệm thầm lặng của một người mẹ để sẻ chia và để hy sinh cho con cái, dù đó là con ruột hay con dâu thì với Dạ Thi tình yêu là sự kỳ diệu, đôi khi bí ẩn khiến ta mãi đi tìm cho tiếng lòng mãi run lên theo từng nhịp thở, vì yêu thương đâu cũ với tháng ngày, thì thương nhớ làm sao phai nhạt. Với bài thơ Nói với con dâu, 4 câu thơ cuối khiến người đọc ấn tượng với tình thương ấm áp của người mẹ: “Mặc xưa buôn trâu, bán lái (*)/ Đau lòng những phận làm dâu/ Giờ tay con khum giữ lửa/ Ấm lan ngực mẹ đêm thâu!”. Ấm lan ngực mẹ đêm thâu, câu thơ thể hiện tình thương nghe mà đau rát.

Tóm lại 10 bài thơ được chọn để trao quà và giấy chứng nhận hôm nay đều là những bài thơ có sức lay động cảm xúc, tuy nội dung mang nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng có cùng chung một quan điểm về sự thể hiện niềm đam mê và không ngừng sáng tạo của các nhà thơ. Và, “Nguyên tiêu – những bài thơ hay” là hoạt động ý nghĩa dành cho các nhà thơ, trang Văn Chương Phương Nam sẽ có gắng duy trì hoạt động này vào dịp Nguyên Tiêu hằng năm.

P.H