Cảm nhận về sắc thái văn hóa khu vực sông Cửu Long

975

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những nét đặc trưng của văn hóa khu vực ĐBSCL khá phong phú. Nó được thể hiện rõ ở phong tục tập quán, ở lễ hội, ở tính cách con người. Song, nét khu biệt hơn cả, được phản ánh khá trung thực qua kiến trúc đình chùa gắn với các lễ hội, qua văn minh ẩm thực và đờn ca tài tử.

Tắm Phật trong lễ hội Chon-chnam-thmay của người Khmer

Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra của một dân tộc, một vùng, một quốc gia. Và bao giờ nó cũng gắn liền với những sinh hoạt của con người. Con người một mặt sáng tạo ra văn hoá, mặt khác con người cũng là đối tượng của văn hóa. Các khái niệm về văn hoá, văn minh, văn hiến, văn vật… đều có những nét tác động qua lại. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền lợi cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những tập tục và tín ngưỡng… (theo định nghĩa của Unesco). Những giá trị vật chất và tinh thần ấy đều do con người sáng tạo ra. Nó là chìa khóa của sự phát triển xã hội.

Đối chiếu với những nét chung của văn hóa dân tộc, thì văn hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những nét khu biệt riêng. Điều đó có thể lý giải ở nhiều nguyên nhân, nhưng xin không bàn sâu ở bài viết nhỏ này. ĐBSCL là vùng đất mới được hình thành hơn 300 năm nay. Ở đây, con người được thiên nhiên ưu đi Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn, và từ độ cha ông mang gươm đi mở cõi thì vô vàn khó khăn phải đối mặt dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua, hoặc muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh… Với môi trường tự nhiên như vậy, tính cách con người Nam Bộ cũng có những nét đặc biệt như: trọng nghĩa, khinh tài, nóng nảy cương trực, hồn nhiên, chất phác, tự tin, thích kể chuyện Tàu, thích ca cải lương, và một chút điệu nghệ. Ở vùng đất này có sự cộng cư của các dân tộc anh em như: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm từ các thế kỷ trước. Vì thế trong phong tục, lễ hội, sinh hoạt, lao động cũng có những nét riêng. Song, tôi thấy có ba nét nổi bật nhất về văn hoá ĐBSCL là kiến trúc đền chùa,, văn minh ẩm thựcđờn ca tài tử.

  • Kiến trúc đình, chùa:

Phần lớn các làng xã ở ĐBSCL tới đâu ta cũng bắt gặp những đình, chùa, miếu thờ Thành hoàng, Thổ địa. Đó là chưa kể những nhà thờ của đạo Thiên Chúa. Nổi bật nhất có các chùa của người Khmer với lối kiến trúc rất đẹp như: chùa Dơi, chùa Đất sét, chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng, Trà Vinh. Người Kinh có các chùa Hội Linh, Nam Nhã, chùa Phật học ở Cần Thơ. Người Hoa có chùa Ông và rất nhiều chùa mang dấu ấn xen lẫn Việt, Hoa, Khmer ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Hà Tiên…

Gắn với chùa chiền là tục thờ cúng Mẫu, thờ các vị  đạo Nho như Khổng Tử, Tuân Tử, Mạnh Tử, thờ Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi, thờ Thoại Ngọc Hầu, Mạc Thiên Tích, Mạc Thiên Cửu, thờ Bác Hồ, Bác Tôn và các vị danh nhân văn hóa, các anh hùng liệt sĩ của mỗi địa phương. Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long thờ Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông. Ở Bến tre có đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, ở Cần Thơ có thờ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và Phan Văn Trị, ở Hà Tiên thờ Mạc Thiên Cửu, Mạc Thiên Tích… Nhiều lễ hội được diễn ra trong năm, đặc biệt là của người Khmer, như: lễ hội Oóc-om-boc, lễ hội đua ghe Ngo, Tết Chon-chnam-thmay, hội đua bò Bảy Núi, hội vía Bà chúa Sứ ở núi Sam (Châu Đốc – An Giang)… Những lễ hội ấy phản ánh tâm linh, ước nguyện của người dân cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà giàu mạnh. Đây cũng là dịp để nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau, nhiều cặp đã nên vợ nên chồng.

Ở  khu vực ĐBSCL thì đình ít hơn chùa. Việc rước thần, cúng lễ, dâng hương ở các  đình bao giờ cũng gắn liền với một lễ hội nhất định.

Ở  quận Ninh Kiều, Cần Thơ có đình thần Tân An là ngôi đình cổ nhất.  Ở quận Bình Thủy, Cần Thơ còn có đình Bình Thuỷ (còn gọi Long Tuyền cổ miếu) hay còn có tên cũ là đình Long Tuyền, thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thuỷ, là ngôi đình lớn nhất ở mìền Tây Nam Bộ được dựng từ năm 1844. Năm 1852 được vua Tự Đức phong sắc.

Ở Đồng Tháp có Đình Long Khánh ở cù lao Long Khánh, huyện Hồng Ngự và đình Tân Phú Trung ở huyện Châu Thành là những đình cổ được xây dựng từ thế kỷ XIX, thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền của địa phương.

Ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) còn có đình Định Yên xây dựng từ năm 1909 tại ấp An Lợi A, hàng năm cúng đình vào ngày 16, 17 tháng 4 âm lịch và ngày 15, 16 tháng 11 âm lịch.

Ở Tiền Giang có đình Long Hưng thuộc xã Long Hưng, huyện Châu Thành là di tích lịch sử cách mạng. Cũng ở huyện Châu Thành còn có đình Tân Hiệp xây dựng từ năm 1851.

Ở Bến Tre có đình Phú Lễ, thuộc huyện Ba Tri thờ Thành Hòang Bổn Cảnh. Hàng năm lễ hội diễn ra 2 lần vào lễ Kỳ Yên ở các ngày 18, 19 tháng 3 âm lịch. Ở thị xã Bến Tre còn có đình Phú Tự ở xã Phú Hưng. Sân đình có cây đại bạch mai hơn 300 tuổi.

Ở Cà Mau có đình Tân Hưng cách Thành phố Cà Mau 4 km về phía Nam thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn, được xây dựng từ năm 1907

Việc cúng đình được xem như một lễ hội dân gian của từng địa phương. Người dân tự hào về những vị Thành Hoàng của làng mình. Sau ngày Bác mất, nhiều đình đã lập bàn thờ Bác Hồ, nhằm tôn kính, biết ơn vị cha già dân tộc – Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông ta, đất nước ta (Lê Duẩn). Việc thờ cúng và tổ chức các lễ hội ở các ngôi đình khu vực ĐBSCL đã phản ánh nét văn hoá tâm linh đậm tính nhân văn của đồng bào Nam Bộ. Nó ít mang những yếu tố hoang đường hay mê tín dị đoan như việc thờ cúng ở một số chùa chiền, đền, miếu. Có thể nói đình là nơi sinh hoạt văn hoá dân gian của làng xã xưa, là danh thắng lịch sử hoặc văn hoá của một số địa phương ngày nay. Nó biểu trưng lòng biết ơn với các vị tiền bối, ước mơ khát khao về cuộc sống no đủ, tốt đẹp, là lòng tự hào về quê hương, đất nước.

2- Văn minh ẩm thực 

Cư dân ĐBSCL sống trong nền văn minh lúa nước, tuy chịu sự giao thoa về văn hoá của nhiều dân tộc nhưng họ vẫn giữ được những nét đặc trưng về văn minh ẩm thực. Nào là Mẹ mong gả thiếp về vườn/ Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh; nào là  Muốn ăn bông súng cá kho/ Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm; nào là Chiều chiều quạ nói với diều/ Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm

Thiên nhiên ưu đãi và hào phóng trong việc ăn uống của người dân nơi đây, họ cũng rất dân dã, thoải mái, nhưng khi cần cầu kỳ thì cũng rất điệu nghệ. Mỗi món ăn thức uống đều ghi dấu ấn của người dân ở một vùng nhất định: nói đến Đồng Tháp là người ta nghĩ ngay tới bánh phồng tôm Sa Giang, nem chua Lai Vung, bột gạo lứt Bích Chi; đến Vĩnh Long là có nem ông Mập; đến Trà Vinh có đuông Chà là, đuông dừa, bún nước lèo, dừa sáp; đến Châu Đốc (An Giang) có mắm bà giáo Thảo, bánh đường Thốt Nốt; đến Cần Thơ có bánh xèo Ngọc Ngân, lẩu mắm Dạ Lý; về Sóc Trăng có bánh pía, thào láo… Một nét chung của ẩm thực ĐBSCL là các món cá được chế biến rất phong phú: cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, cá kèo chiên giòn, khô cá lóc, cá sặc bóp gỏi xoài tượng, canh chua cá lóc, cá ba sa, cá linh kho mía, cá vồ nấu trái bần, cá bống kho tương… Chỉ một nồi canh chua cũng hội nhiều thứ: cá là nguyên liệu chính, nhưng các thứ rau, và gia vị khác là rất quan trọng để có nồi canh ngon: bạc hà, khóm, me, rau ngổ, ngò gai, giá đỗ; nào ớt hiểm, đường, bột ngọt, muối… cái gì cho trước, cái gì cho sau, nêm nếm thế nào cho vừa, rồi ăn với cơm hay bún v.v… Ngay khi nấu cũng phải biết điều chỉnh ngọn lửa và thời gian như thế nào ở mỗi công đoạn để canh khỏi bị khê, bị nhũn… Như vậy, chỉ một nồi canh chua mà hội nhiều thứ của trời đất, sông nước, của ngũ hành tương sinh. Điều đó không phải là sự cầu kỳ mà nó được trải qua bao năm tháng sàng lọc các món rau, gia vị của những người nông dân gắn bó với nương rẫy, ruộng vườn, kinh rạch để làm sao hạp với khẩu vị.

Khi ăn lẩu mắm, không thể thiếu bông so đũa, bông điên điển, rau cần, rau chuối, bồn bồn, giá đỗ, húng quế, ngò gai, rau rút…Tất cả những thứ đó thiên nhiên ĐBSCL đều ban tặng hào phóng, cái mà ở miền Bắc hay miền Trung khó có được. Hoặc cá lóc nướng trui phải dùng rơm lúa để đốt, cá mới thơm ngon. Cá rô kho tộ phải dùng nồi đất. Món lẩu, món nướng phải dùng than đước, ba khía , mắm bồ-hóc phải muối trong khạp đất da lươn… Ngày nay, rắn, rùa, chuột, dế, cào cào, châu chấu, bọ cạp, bổ củi, đuông, nhộng được đầu bếp của các nhà hàng chế biến rất ngon. Nhiều món trước đây là dân dã nay đã lên ngôi, trở thành món cao cấp.

Những món ăn và cách pha chế đó phản ánh một nét về tính cách, phong tục và văn hoá của người ĐBSCL. Trong những ngày bận rộn, ngồi giữa đồng ruộng mà ăn cơm nguội với ba khía muối và dưa leo cũng thấy rất ngon. Cá lóc nướng trui gói vào bánh tráng có thịt ba giọi và rau hẹ kèm theo cuốn lại chấm mắm me thì còn gì bằng. Người ta có thể ăn đứng, ăn ngồi, vừa ăn vừa nhâm nhi ly đế, rồi đờn ca tài tử dưới đêm trăng thì có  thể thức thâu đêm suốt sáng. Nếu thấm mệt đã có nồi cháo cá lóc ăn với rau đắng, bổ trợ sinh lực thì giọng ca càng thêm mùi mẫn… Khi việc ăn uống đã được nâng lên tầm văn minh ẩm thực thì cũng có thể nói những cư dân vùng ĐBSCL đã có một phông văn hoá nhất định.

3- Đờn ca tài tử:

Có thể coi đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTTNB) là hơi thở của cư dân nơi đây. Bài ca nổi tiếng Dạ cổ hồi lang của cố soạn giả Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu nhiều nước trên thế giới biết đến. Bài Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu đã đi vào đời sống tinh thần của người dân ĐBSCL không những ở thế kỷ XX mà nó còn mãi với năm tháng. Từ các miệt vườn xa xôi hay trên kinh rạch, sông nước, tới đâu ta cũng thấy vẳng vẳng tiếng đờn kìm, tiếng nhị, song loan cùng với tiếng ca vọng cổ xuống sề rất mùi mẫn.

ĐCTTNB được hình thành vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Đây là dòng âm nhạc phong phú, giàu bản sắc dân tộc của một vùng sông nước Nam Bộ có nguồn gốc sâu xa từ nhạc cung đình và nhạc dân gian của miền Bắc trước đây. Khi ông cha ta tiến về phía Nam mở đất, các nghệ nhân từ miền Bắc và miền Trung cũng vào theo để khai hoang lập nghiệp. Bên cạnh những dụng cụ để khẩn hoang như con dao, chiếc rựa, cây cuốc… họ còn mang theo chiếc đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt (còn gọi là đàn kìm) để sau những giờ phút lao động vất vả, họ lại dạo khúc Nam bình, điệu Nam ai hay bài Tứ đại cảnh, hòng vơi đi nỗi nhớ quê. Cũng từ cơ sở ấy nền nhạc lễ miền Nam hình thành. Tuy vẫn sử dụng các bài trống, những bản nhạc cung đình của miền Bắc, miền Trung nhưng hơi nhạc ngày càng được cách tân. Sự đổi mới này bước đầu phản ánh tinh thần phóng khoáng của cư dân vùng đất mới Nam Bộ. ĐCTTNB được hình thành và phát triển từ nền nhạc lễ ấy.

Vào những năm 1930, ĐCTTNB đã phổ biến khá rộng ở miền Nam. Từ Đồng Nai xuống tận Gò Công, xuyên qua Tiền Giang, lan rộng tới tận miệt Bạc Liêu, Cà Mau… Tới đâu ta cũng thấy vang lên giọng hát, tiếng đàn, nơi đâu cũng có những nhạc sĩ tài hoa với những ngón đàn điêu luyện. Lúc bấy giờ ở Tiền Giang có nhóm của nhạc sĩ Lê Lợi Trinh, Ở Sài Gòn, Đồng Nai có nhóm của ông Ba Đợi, Hai Biểu, Ba Khuê. Ở Bạc Liêu có nhóm của ông Nhạc Khị, Ba Chột, ông giáo Vạn, ông Sáu Lầu. Ở Cần Thơ có nhóm của ông Sáu Hóa, Cò Quốc, Văn Chính (Chín thợ Bạc)…

Ở giai đoạn đầu trước 1945, các nhạc sĩ chỉ dùng các nhạc cụ thuần túy dân tộc như: đàn tranh (thập lục), đàn cò (nhị), đàn kìm (nguyệt), sến, đoản để đệm cho người ca. Sau 1950 thì có thêm một số nhạc cụ phương Tây được cải tiến như: guitare hạ-uy-di và vi-ô-lông… Nhờ thế mà ĐCTTNB ngày càng phong phú, nét nhạc dân tộc càng được phát huy. Một nhạc sĩ dù đã có ngón đàn tài hoa nhưng vẫn phải thường xuyên luyện tập để làu thông bài bản, hoặc ít nhất cũng phải thuộc được 20 bản tổ*. Đó là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán và 7 bài Bắc lớn. Nhiều người còn thuộc cả Thập thủ liên hoàn(10 bài thủ), Bát ngư (8 bài ngự), Tứ bửu (4 bài dâng vua).

Cái đặc sắc cũng là cái khó nhất của ĐCTTNB là người đệm đàn phải thuộc lòng các bài bản, chớ không được để bản nhạc trước mắt mà đàn như các nhạc sĩ tân nhạc. Do đó mỗi người đàn mỗi vẻ. Cùng hòa bản Xuân tình (thuộc 6 Bắc), hoặc bản Tứ đại (trong 4 oán), chỉ những chỗ nhịp chánh hoặc dứt mỗi câu, thì tiếng đàn của họ mới nhập cuộc với nhau. Còn các khoảng nhịp phụ thì mỗi người đàn theo tùy hứng của mình. Ngón đàn cao thấp, chỗ tài hoa của mỗi nhạc sĩ là ở chỗ ấy. Một điều đặc biệt nữa là khi có hai ban nhạc tài tử của hai địa phướng khác nhau, hoặc hai nhạc sĩ mới gặp nhau lần đầu, họ thường thử tài về ngón đàn. Trước hết là họ thử nhau về làu thông bài bản. Lúc đầu họ hòa với nhau những bài ngắn và dễ như 6 Bắc và 3 Nam, rồi 7 bài… Trong quá trình hòa tấu, các nhạc sĩ luôn đem những ngón đàn lạ, hiểm hóc, hoặc đàn chỏi nhịp để cố tình thử đối phương. Ngoài ra người đàn và người ca khi gặp gỡ lần đầu cũng tìm cách thử tài nhau. Người ca thì lựa những bài dài, khó để thử người đàn. Người đàn thì đàn mắc mỏ để thử người ca. Nhưng khi biết được tài nghệ của nhau thì họ ôm nhau tâm tình, cùng chia ly rượu nồng thắm. Nhờ cách tranh tài cao thấp ấy, mà từ người đàn đến người ca, ai cũng phải thường xuyên trau luyện ngón đàn của mình. Đó cũng là yếu tố để đưa ĐCTTNB ngày càng cải tiến và nâng cao.

Một yếu tố quan trọng khác để phát triển nghệ thuật ĐCTTNB là cách trình diễn của mỗi ban nhạc. Người có khả năng vượt trội trong nhóm được phong là đàn chánh. Người này như một nhạc trưởng, có trách nhiệm giữ song lang (loan) để điều khiển ban nhạc. Các tay đàn phụ phải đàn theo trường canh của đàn chánh. Nghĩa là khi đàn chánh muốn đàn mở ra, hay thúc vào thì người đàn phụ phải đàn theo cho thật ăn khớp. Nếu ban nhạc có nhiều nhạc cụ như: tranh, cò, kìm, sến, guitare lõm, violon… thì người ta thường kết hợp sắp xếp thành bộ ba: tranh, cò, kìm thành một nhóm, guitar, violon, sến thành một nhóm. Sắp xếp như thế là dụng ý để tiếng và tiếng đồng hòa hợp với nhau, và cũng để loại đàn kéo và đàn gẩy kết giao với nhau. Cách phối khí như thế lúc nào cũng được người đàn tôn trọng. Đặc biệt trong lúc hòa tấu, phải có lúc khoan lúc nhặt. Tiếng đàn này nhỏ lại thì tiếng đàn kia lại nâng bổng lên, làm cho tiếng nhạc có khi xoắn xuýt, hòa quyện vào nhau, có lúc như đuổi bắt nhau, khi nhanh khi chậm, lúc vui lúc buồn tôn thêm vẻ đẹp của lời ca.

Khi nhạc phương Tây xâm nhập vào Việt Nam và phát triển mạnh thì ĐCTTNB bị lắng xuống một thời gian dài. Ngày nay, Đảng ta chủ trương phát huy vốn cổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thì ĐCTTNB lại khởi sắc. Mấy năm gần đây từ Trung ương đến các địa phương Nam Bộ đều có tổ chức các cuộc thi ĐCTTNB theo lối ca ra bộ, nghĩa là vừa ca vừa làm điệu bộ. Trong năm 2003, đài Truyền hình Việt Nam VTV3 đã phối hợp với Tạp chí Thế giới mới mở cuộc thi về Sáng tác lời mới cho 20 bản tổ đã đạt kết quả tốt. ĐCTTNB đã có lịch sử phát triển đáng tự hào. Cũng như hò, hát bộiở miền Trung, chèo ở miền Bắc,  thì ĐCTTNB là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa khinh tài, đậm tính nhân văn ở vùng sông nước.

Tóm lại: Những nét đặc trưng của văn hóa khu vực ĐBSCL khá phong phú. Nó được thể hiện rõ ở phong tục tập quán, ở lễ hội, ở tính cách con người. Song, nét khu biệt hơn cả, được phản ánh khá trung thực qua kiến trúc đình chùa gắn với các lễ hội, qua văn minh ẩm thực và đờn ca tài tử.                                                                                                   

L.X

– Ghi chú:

* 20 bản tổ gồm: 3 bản Nam (Nam ai, Nam xuân, Đảo ngũ cung). 6 bản Bắc (Tây thi, Xuân tình, Lưu thủy, Phú lục, Cổ bản, Bình bán chấn), 4 bản oán (Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam, Tứ đại), 7 bản lớn (Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê).

– Bài đăng ở trang 73, sách “Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian” (NXB Văn hóa Văn nghệ – 2020)