Cảm ơn lễ tốt nghiệp 34 năm trước

333

Cuối tháng 7 đầu tháng 8/2022, báo chí tranh luận sôi nổi về lễ tốt nghiệp ở Trường Đại học Kinh tế – thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với Hiệu trưởng là PGS, TS Nguyễn Trúc Lê mặc áo choàng nhung đỏ, đội mũ vuông đỏ, găng tay đỏ, mang vòng cổ trắng và cầm quyền trượng màu vàng; nổi bật giữa ban nghi lễ cùng áo, mũ đen, găng tay trắng. Nhiều báo đăng lại hình ảnh các lễ tốt nghiệp đại học trong, ngoài nước gần đây để minh họa cho quan điểm khen, chê của mình đối với vấn đề nêu trên…

Đọc xong cả “rừng” thông tin này, tôi bỗng nhớ đến lễ tốt nghiệp đại học 34 năm trước của mình và bạn bè… Thời đó sinh viên được Nhà nước bao cấp từ A – Z: ở ký túc xá miễn phí, mỗi tháng được Nhà nước cấp 17 – 19kg gạo, 0,45kg thịt heo, 1/2 tuýp kem đánh răng, nam thì được thêm 4 gói thuốc lá Hoa Mai hoặc Đà Lạt và 1/2 chai rượu Rum Hiệp Hòa sản xuất ở Long An. Mỗi năm còn được 2m vải, mấy cái quần đùi, áo may ô, xà bông Liên Xô… Hai năm sau đổi mới (1987 – 1988) hàng tháng sinh viên được lãnh thêm phụ cấp hoặc tiền bù giá sinh hoạt.

Tôi kể ra chuyện này để thấy rằng, mỗi thời kỳ đều có dấu ấn lịch sử, lễ tốt nghiệp của chúng tôi cũng vậy… Hội trường lớn diễn ra lễ tốt nghiệp vào tháng 7/1988 được trang trí và bật đèn sáng rực. Trên tường cao là chân dung 3 lãnh tụ của giai cấp vô sản: Các Mác – Ăngghen – Lê Nin. Ảnh Gorbachev – Tổng bí thư mới đắc cử của Đảng Cộng sản Liên Xô được phóng to treo gần ngang hàng với 3 vị tiền bối. Cả khối CNXH – tức một nửa địa cầu hay một nửa nhân loại đang háo hức với “perek-troi-ka” (cải tổ) của ông ta. Vì thế người đàn ông có cái bớt dài trên trán này đang được tôn sùng như thánh sống…

Thầy hiệu trưởng của chúng tôi – một nhà khoa học danh tiếng, được các thế hệ sinh viên rất ngưỡng mộ. Thầy giản dị trong bộ quần tây, áo sơmi trắng, đi những bước khó khăn vì thương tật do chiến tranh lên sân khấu có đặt tượng Bác Hồ, nói ra những lời tôi nhớ suốt đời: – “Theo chủ trương đổi mới của Đảng, trường chúng ta đào tạo nhân lực trí thức cho 5 thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Các bạn là lứa sinh viên đầu tiên kể từ sau ngày đất nước thống nhất được cấp bằng cử nhân khoa học…”.

Là con nhà nghèo được học lý luận về “đấu tranh giai cấp” và “sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”, cá nhân tôi rất kỳ vọng vào chế độ bao cấp và CNXH. Vì thế rất buồn khi nghe thầy hiệu trưởng khuyến khích các “tân cử nhân” tham gia vào thành phần kinh tế tư nhân mà theo lý luận là “bóc lột” những người làm thuê! (nỗi buồn này với tôi còn kéo dài thêm nhiều năm cho đến khi công cuộc đổi mới như phép màu làm đất nước giàu đẹp hơn).

Sau phát biểu của thầy hiệu trưởng, đại diện của 3 doanh nghiệp mới nổi lên đầu thời đổi mới ở Việt Nam là “Nước hoa T.H”, “Bóng đèn Đ.Q” và một ông chủ doanh nghiệp khác được mời lên nói chuyện với sinh viên. Họ truyền lửa về ý chí khởi nghiệp làm giàu – điều rất mới mẻ trong học đường XHCN! Tôi ra trường, đi làm được vài năm thì “thần tượng Gorbachev” làm sụp đổ Liên Xô và Đông Âu. Còn 3 doanh nhân được nhà trường mời “làm mẫu” thì lần lượt vào tù. Những thử nghiệm đầu đầy cay đắng, nhưng rất có ích cho phong trào khuyến khích tuổi trẻ khởi nghiệp và kinh tế tư nhân hiện nay.

Đó cũng là những năm tháng nước ta chịu áp lực cực lớn. Chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc hút hết tàn lực của nền kinh tế vốn đã kiệt quệ vì siêu lạm phát 774%/năm và chính sách bao vây cấm vận của một số cường quốc với Việt Nam. Có thời kỳ chúng tôi làm trong cơ quan Nhà nước mà không có lương, chỉ nhận vài chục ký gạo mỗi tháng!

Ngày nay – 36 năm từ ngày Đảng ta chủ trương “đổi mới”, “mở cửa”, kinh tế nước ta đã tăng hàng trăm lần, cuộc sống toàn dân tộc thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn cả trong mơ. Thế hệ con, cháu chúng tôi đã được dự những lễ tốt nghiệp đại học trong niềm kiêu hãnh về một đất nước hội nhập, phát triển mạnh mẽ, giành được nhiều kỳ tích mà các tổ chức quốc tế uy tín, các quốc gia giàu mạnh phải công nhận và ngày càng tin tưởng đầu tư vào Việt Nam.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều sau lễ tốt nghiệp của chúng tôi từ 34 năm trước. Nhận thức của chúng tôi cũng thay đổi sâu sắc theo thực tế đó. Thay vì thầm trách thì phải cảm ơn thầy hiệu trưởng đã khuyên các “tân cử nhân” phục vụ cho các doanh nghiệp tư nhân, đừng cố lao vào “biên chế Nhà nước” như các lớp sinh viên trước. Đó là bước khởi đầu để hôm nay chúng ta có được nền kinh tế thị trường hội nhập mạnh mẽ và những doanh nghiệp tư nhân khổng lồ mang thương hiệu Việt Nam đầu tư ra nước ngoài như: Vingroup, Vietjet, Thaco, Vinamilk… Trong nhiều năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân luôn chiếm tỉ trọng 42 – 43% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động cả nước (Tạp chí Tài chính online – 23/4/2022).

Chúng ta cũng từng hoang mang thậm chí là hoảng hốt trước sự kiện Đông Âu – Liên Xô tan rã, thay đổi thể chế. Ngày đó không ai ngờ rằng lại là điều kiện tuyệt vời để Việt Nam bung mở các chính sách đối ngoại tự chủ, đa phương dẫn đến thành công như bây giờ. Chính những lễ tốt nghiệp đại học đầu thời đổi mới với những bước dò dẫm, rụt rè đã đào tạo cho xã hội một thế hệ cán bộ, trí thức thoát khỏi tư duy bao cấp để nhận diện và chấp nhận thử thách với kinh tế thị trường.

Theo chúng tôi, nghi thức trong các lễ tốt nghiệp đại học dù có “Tây hóa” đến đâu cũng chỉ là biểu hiện của khát vọng hội nhập phát triển giáo dục, đào tạo. Ở đó tính tích cực nhiều hơn tiêu cực, không có gì đáng phải lo lắng hay nặng lời với nhau. Điều quan trọng là phát huy được dân chủ, sáng tạo trong xây dựng thương hiệu của từng trường, học viện. Thế hệ sắp nghỉ hưu như chúng tôi chỉ thấy vui mừng, tự hào khi được cùng con, cháu đến dự những lễ tốt nghiệp như vậy. Ở đó mang bộ mặt phơi phới, tự tin của một xã hội văn minh, hội nhập. Ở đó tràn ngập tiếng cười, ánh mắt hạnh phúc sau bao năm tháng học tập vất vả, thi cử căng thẳng! Ở đó từ thầy đến trò đều mới mẻ, khác lạ với ngày thường và rạng rỡ, thăng hoa cùng cảm xúc, ước vọng cống hiến. Đó là ngày đẹp nhất của tuổi trẻ sinh viên và ngày hạnh phúc, tự hào của quý thầy, cô giáo, phụ huynh!

Trong lễ tốt nghiệp 34 năm trước, có nằm mơ tôi và bạn bè cũng không thể tưởng tượng đất nước mình được như hôm nay!

Theo Lại Văn Long/Công an TP.HCM