Ngày 6/10, nữ sĩ Xuân Quỳnh xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của Google. Nhiều người ‘phát cuồng’ vì vui sướng. Thì vui! Nhưng nếu nhìn lại cách chúng ta đã và đang đối xử với các danh nhân, câu chuyện sẽ mang một màu sắc khác.
Do chúng ta tự ti về bản dạng văn hóa của mình, phải chờ tới sự xác tín từ một doanh nghiệp quốc tế, mới ào ào chạy theo để tụng ca, để nhớ về? Hay vốn dĩ lâu nay ta không nhìn những danh nhân ấy như một thành tố của nền văn hóa này, nên ta bỏ quên, ta lạnh nhạt?
Trịnh Công Sơn trên Google Doddle
Ngày 28/2, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành người Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của Google, nhân sinh nhật lần thứ 80 của ông. Thời điểm đó, hàng trăm tờ báo lớn nhỏ cũng như hàng triệu người Việt cảm thấy hãnh diện, tự hào. Sau Trịnh Công Sơn, danh họa Bùi Xuân Phái cũng được Google gọi tên nhân 99 năm ngày sinh của ông.
Mới đây nhất, ngày 6/10, nữ sĩ Xuân Quỳnh nối gót hai danh nhân trước, trở thành từ khóa “hot” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin về nhà thơ Xuân Quỳnh cũng “phủ” đầy mạng xã hội.
Danh họa Bùi Xuân Phái cũng từng được Google vinh danh
Dĩ nhiên, được Google vinh danh là điều đáng để chúc mừng. Nhưng nói đi nói lại, đó cũng chỉ là bài toán kinh tế mà tập đoàn này tiến hành ở các quốc gia họ đang kinh doanh, thu lợi mà thôi.
Cần nhớ, Google Doodle chỉ là một biểu tượng thay thế tạm thời cho biểu tượng trên trang chủ của Google, nhằm chúc mừng các ngày lễ, các sự kiện, thành tựu và con người ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.
Với họ, đây là một thao tác đã được lập trình sẵn; có tiến hành ở Việt Nam thêm hàng trăm lượt nữa, cũng chẳng mất mát gì; lại được đánh giá là gần gũi, thân thiện với văn hóa địa phương; từ đó thu lợi nhuận qua quảng cáo, các lượt truy cập, sử dụng Google.
Biết thế để thấy, Google là doanh nghiệp rất thức thời khi tạo ra một công cụ có khả năng gợi nhắc ký ức cộng đồng. Đó cũng là điều mà ngành văn hóa của ta đang thiếu, chưa đoái hoài đến từ trước đến nay.
Khoảng trắng ứng xử danh nhân
Nữ sĩ Xuân Quỳnh là nhân vật thứ ba sau nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, danh họa Bùi Xuân Phái được Google vinh danh
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, các danh nhân nào chỉ có Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái hay Xuân Quỳnh. Từ quân sự, giáo dục, y tế, khoa học… đến văn hóa, chúng ta đều có thể kể ra hàng loạt cái tên có sức ảnh hưởng và được xác tín bằng những giá trị họ để lại cho đời.
Trong số đó, có không ít nhân vật xuất sắc mà danh tiếng vượt khỏi biên giới, lên tầm quốc tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Hoàng Tụy, Trần Văn Khê, đại thi hào Nguyễn Du…
Chúng ta có tuyển tập nhiều kỳ Danh nhân đất Việt, nhưng không phải ai cũng tìm đọc. Môn lịch sử bị “ghẻ lạnh” ngay trên ghế nhà trường. Những bộ phim tài liệu về ngàn năm danh nhân đất Việt, không phải ai cũng thấy hứng thú. Chúng ta có những tên đường, tên phố danh nhân, nhưng đến bảng thông tin vắn tắt về họ gắn với tên đường, tên phố cũng không có.
Vài năm trước, một chương trình truyền hình đã phỏng vấn nhiều học sinh về vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Thật bất ngờ, câu trả lời của nhiều em khiến người nghe phải sửng sốt: Quang Trung – Nguyễn Huệ là anh em, Nguyễn Huệ với Nguyễn Du là một, Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai cha con. Đó là một sự thật cay đắng.
Học giả Vương Hồng Sển, trước khi qua đời, đã quyết định hiến tặng ngôi nhà (Vân Đường phủ) và hơn 800 cổ vật cùng lượng sách quý đồ sộ cho Nhà nước, với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông.
Dù được UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố và từng được các tạp chí danh tiếng như Times, Newsweek… đến tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa này; nhưng 1/4 thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày mất của cụ, nguyện vọng cuối cùng về một bảo tàng vẫn chưa thành, căn nhà thì xập xệ, xuống cấp, thoi thóp giữa Sài Gòn. Đó là một sự thật cay đắng.
Hay như ngôi nhà lưu niệm của giáo sư Trần Văn Khê ở quận Bình Thạnh – nơi chứa đựng một khối tư liệu đồ sộ liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc thế giới, được giao cho Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, thì đến nay, cũng gần như rơi vào quên lãng. Đó lại là một sự thật cay đắng.
Là học giả lớn của Việt Nam, một trong những người có công truyền bá chữ quốc ngữ giai đoạn đầu, chủ bút của tờ Gia Định báo từ giai đoạn giữa năm 1881 – 1896 (theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy), nhưng cái tên Trương Minh Ký vẫn lạ lẫm với nhiều người Việt hôm nay. Ông hay bị nhầm với thầy mình là Trương Vĩnh Ký. Ngôi mộ của ông, ở quận Gò Vấp, nằm sau một dãy nhà trọ bình dân, bị hoang lạnh, đổ nát, cỏ dại bao trùm. Đó cũng là một sự cay đắng mang tên “danh nhân văn hóa”.
Còn có thể kể ra rất nhiều ví dụ khác, cho thấy cách ứng xử lạnh lùng, thiếu trân trọng, thậm chí là “vô văn hóa” đối với di sản danh nhân văn hóa ở ta; để ta nhìn cách người ngoài ứng xử mà hổ thẹn, để ta nhìn họ mà cảm thấy không bằng.
Khi đó, những khua chiêng gõ trống chúc mừng là gì, nếu không phải là những cảm thán trào lộng đáng kinh ngạc, những vi bằng “phản tố” ứng xử của ta với những chứng nhân văn hóa – lịch sử của một thời?!
Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Xuân Quỳnh và có thể sẽ có thêm nhiều nhân vật khác sẽ được Google vinh danh. Và như một trình tự lặp đi lặp lại, biểu thị cho tâm lý đám đông ấy, người ta cũng ca tụng Xuân Quỳnh như đã từng ca tụng về Trịnh Công Sơn hay Bùi Xuân Phái.
Căn phòng 6m² của vợ chồng danh nhân Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh đang bị mối mọt gặm dần
Ngày 6/10, nữ sĩ Xuân Quỳnh được gọi tên. Họ nhắc về thơ, về đời, về người chồng tài hoa của bà. Nhưng tôi lại nhớ căn nhà vỏn vẹn 6m2 ở Phố Huế (Hà Nội) của họ – căn nhà đã bị cắt điện, cắt nước, tối om, mối mọt đang ăn dần sách vở. Nơi đó, di sản nghệ thuật của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ đang dần trở thành phế tích mỗi ngày.
Đừng ca tụng, nếu như chúng ta không nhớ, không trân trọng họ trong đời sống văn hóa ngày hôm nay. Đừng ca tụng, nếu không, tất cả chỉ là những sáo ngôn cho một thời “đồ đểu” (như cách nói của Lưu Quang Vũ) đang rã dần những giá trị được cất lên từ bản dạng nghèo nàn văn hóa.
Đậu Dung
(Theo Phụ Nữ)