Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố

669

Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ Trần Hoàng Phố luôn đi giữa hai bờ thực và mộng, hiện hữu và hư vô, có và không. Hiện thực trong thơ Trần Hoàng Phố là hiện thực tâm linh, hiện thực ảo diệu. Vì thế, thi giới thơ Trần Hoàng Phố có rất nhiều hình ảnh của “giấc mơ”, của “chiêm bao”, của “mộng mị”, “huyền ảo”…

Nhà thơ Trần Hoàng Phố 

  1. Có những người cả đời làm thơ nhưng không bao giờ tạo cho mình một cõi thơ riêng, làm nơi trú ngụ cho ngôi nhà hữu thể của thơ mình, vì thế thơ của họ cũng nhạt nhòa theo năm tháng, chẳng để lại chút dư vị gì cho cuộc đời. Bởi, thơ không phải là công cụ văn chương, phục vụ cho một hệ tư tưởng nào mà thơ là chuyện của thế sự, với những khắc khoải nhân sinh trước nỗi đau về thân phận con người. Thơ vì thế, là hiện thân của thế giới nội cảm được kết tinh từ những rung động tế vi trong tâm hồn thi nhân kết thành những tinh tú trong vũ trụ thi ca. Đến với thơ là đến với vũ trụ đầy bí ẩn được dệt nên từ những mộng mị vô thường mà nếu không có con mắt “tinh đời” không thể hiểu và cảm được thơ, vì thế cũng khó nhận ra chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống trong thế giới thi ca. Bởi, nói như Đông Hồ, “Thơ là mộng trong mộng. Mộng đã là khó bắt gặp được huống còn là mộng trong mộng nữa, thì còn khó bắt gặp biết bao. Cuộc thế dầu là thực thể vẫn là một thực thể mị thường. Hình bóng thơ không phải là một thực thể. Như vậy, thơ còn mị thường hơn hình bóng mị thường”[1]. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong lời ngõ tập thơ Quê quán tôi xưa (Nxb. Thuận Hóa, 2002), nhà thơ Trần Hoàng Phố đã tự bach: “Một cơn “sốc” tâm hồn để đi đến mười hai năm “diện bích”, Mười hai năm chiêm nghiệm những cõi mình đã sống, đã mơ, đã nhớ. Những bể dâu của lịch sử và con người. Những bão táp cuộc đời, những cuộc chiến tranh, những cuộc cách mạng là những tiếng vọng chập chờn và những hình bóng lung linh trên vách đá của tâm hồn thơ”.[2] Những suy niệm về cuộc đời, về con người trong tương giao với thơ của Trần Hoàng Phố cũng là điều mà Saint John Perse đã xác quyết: “Nhà thơ tuy chẳng muốn, cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc biến chuyển của lịch sử”.[3] Phải chăng, đây là những căn tố hình thành nên cõi thơ mang dấu ấn riêng của Trần Hoàng Phố.
  2. Sinh ra và lớn lên trên một đất nước có quá nhiều biến cố lịch sử làm thay đổi vận mệnh dân tộc, cũng như phận số của biết bao người, lại mang trong mình phẩm tính của một trí thức dấn thân theo tinh thần tư tưởng triết học hiện sinh, Trần Hoàng Phố không thể “dửng dưng” đi “bên lề” những biến chuyển của lịch sử dân tộc, mà nhà thơ là một chứng nhân như thi nhân đã xác quyết: “Chúng ta sinh ra từ những đêm trong máu/ Bao âu lo cắn xé linh hồn/ Bao vật vã quay cuồng định hướng/ Lòng ngưỡng mộ ta ngóng tới những bình minh rực rỡ/ Dâng cả lời ca máu huyết mạch đời” (Tưởng niệm người thi sĩ). Nhưng rồi, cũng như bao lớp người cùng thế hệ, khi nhận ra những điều mình thần tượng, tôn thờ cuối cùng cũng chỉ là “ảo ảnh” được đắp xây bằng những ngụy tín và mọi danh vọng, lợi quyền trong cuộc đời suy cho cùng chỉ là hư ảo: “Mắt khát vọng đóng đinh thánh giá/ Tro tàn đấy – hư không và vĩnh cửu” (Ánh mắt). Và cái cảm thức hư không nầy chính là sự “đốn ngộ” của thi sĩ từ những nghiệm sinh trong dâu bể cuộc đời khi nhận ra: “Gió vô thường thổi mênh mông/ Dồn ta đến tận hư không sông nầy/ Ngày ngày mây tỉnh mây say/ Hóa thân mấy kiếp có xoay luân hồi” (Chiều tàn nghe tiếng ca người xẩm mù bên sông cảm tác). Và từ đây, thơ Trần Hoàng Phố đã bước sang một cõi khác, cái cõi mà thi nhân luôn đối diện với sự trống không: “Một mình/ ngồi với/ trống không/ Bốn bề gió thổi/ mênh mông/ cõi người”. Thơ Trần Hoàng Phố, vì thế, là thơ của một thi sĩ mà nói như Aimé Césaire: “đã từng qua lại giữa mộng và thực, sáng tối, ẩn và hiện; trong cơn đảo lộn bất thần của nội tâm, y tìm kiếm và nhận được một thứ ám hiệu, tiếng mật ước để hiểu ngầm mà giao ứng và đi tới mãnh liệt”.[4] Cảm thức hư không, vì thế là nỗi niềm luôn ám ảnh hành trình sáng tạo thơ Trần Hoàng Phố, thể hiện trên nhiều bình diện của cuộc nhân sinh mà việc sử dụng từ hư không trong rất nhiều bài thơ của Trần Hoàng Phố là một xác chứng.

Đọc tập thơ Quê quán tôi xưa, cảm thức hư không như một dòng sông thơ trôi trong vô thức của những ám ảnh hư vô mà việc xuất hiện mười lăm lần từ hư không ở các câu thơ như: “Hồ tình trong vắt thế thôi/ mà em mắt biếc xanh ngời hư không” (Mây bay tan họp); “Chiếc cầu hư không/ Tôi bắc qua đời/ Trong ngôi nhà trống/của linh hồn tôi (…) Chiếc cầu hư không/ Bắc giữa trần gian” (Hư không và ngọn lửa); “Những tiếng nói của hư không vĩnh cửu/ Như một nét lặng thầm/ Ngủ yên đi, ngủ yên đi/ Hỡi những linh hồn phế tích” (Phế tích buồn); “Ngọn gió chiêm bao hỏi giữa đời/ Hỏi tôi có lạnh hư không đó” (Thiên thu tôn nữ tím); “Trên ngọn thác hư không trắng xóa/ Chỉ còn những đám mây hoang hoải” (Thiên đường giữa hai đầu sống chết); “Gió vô thường thổi mênh mông/ dồn ta đến tận hư không sông này” (Chiều tàn nghe tiếng ca người xẩm mù bên sông cảm tác); “Phật thật Phật không không/ Cúi đầu sư tụng niệm/ Kinh lạc miền hư không/ Chuông vọng tiếng linh hồn (…) Cõi ngàn mây tịch diệt/ Mỗi sát na qua đời/ Trầm tư Phật mĩm cười/ Trăng hư không thanh thoát/ Mắt sen bừng giác ngộ/ Chùa đời mất Phật xưa/ Chùa lòng bóng Phật về/ Trăng hư không tịnh độ” (Lên núi thăm chùa mất Phật); “Trời xanh tận hư không/ Xanh vô cùng lòng mẹ/ Sông con giòng bé dại/ Sao thấu lòng đại dương” (Mẹ); “Vợi vời mây nước chơi vơi/ Cõi phù dung ấy bóng ngời hư không/ Chập chùng núi núi sông sông/ Tròng trành bóng bóng linh hồn gương soi” (Bóng thiên cỗ lụy); “Cầu vồng cái chết/ Tím biếc hư không/ Tiếc thương ngũ sắc/ Trần gian não nùng” (Cầu vồng ngũ sắc); “Chầm chậm giọt hư không/ Chạm giọt xót thương lạnh lòng (…)  Chầm chầm giọt vô ngôn/ Chạm giọt hư không bàng hoàng” (Chầm chậm giọt mưa đất trời)… đã cho ta cảm nhận rõ cái cõi hư không trong thơ Trần Hoàng Phố.

Đây cũng là điều ta bắt gặp ở tập thơ Cõi nhân gian lạ lẫm (Nxb. Thuận Hóa, 2002), với chín lần dùng từ hư không mà sự hiện hữu của cảm thức hư không trong mỗi bài thơ đều mang một sắc thái biểu cảm riêng trong sự tiếp nhận của người đọc. Đó là cảm thức hư không trong các bài thơ: “Không chịu hiểu – mùa thu – không chịu hiểu/ Sắc trời trong xanh tuyệt hư không/ Không chịu hiểu – cõi nhân gian lạ lẫm/ Mắt trẻ thơ xanh biếc lung linh/ Mắt người già xa xăm trắc ẩn/ Hư không đấy – lật bàn tay sinh tử (…) Mắt khát vọng đóng đinh thánh giá/ Tro tàn đấy- hư không và vĩnh cửu (…) Tro tàn đấy – Hư không và Vĩnh cửu” (Ánh mắt); “Hư không như trêu chọc!/ Cô đơn như mỉa mai/ Tôi làm gì ngày tháng/ Này nghẹn ngào trần ai!” (Thiên cổ cõi quạnh hiu); “Tiếng kêu thinh lặng cõi đời/ Hư không gió hú ngàn lời tử sinh” (Vuốt mặt thời gian); “Cõi trần gian mai sau/ Dẫu chỉ còn hư không thinh lặng” (Gương mặt thời gian); “Than van như gió linh hồn hấp hối/ Cõi đêm này là Hư không/ Hư không thẳm sâu” (Bóng của cõi chết). Còn ở tập thơ Bóng của con nhân sư (Nxb. Thuận Hóa, 2010) chỉ có ba lần dùng từ hư không ở các bài thơ: “Này ta rót khổ đau vào hư không/ Cho tan biến cái nỗi buồn nhân gian vời vợi” (Hương Xuân); “Ngọn gió thổi và những vì sao mới mọc/ Những tiếng nói của Hư không vĩnh cửu” (Phế tích buồn); “Khi bóng con nhân sư/ Đã chìm dưới biển trăng đêm/ Chỉ còn lời của hư không thinh lặng” (Bóng của con nhân sư). Nhưng sự hiện hữu của những từ hư không ở đây là những “mật ngữ” được chiết xuất ra từ những “hư không thinh lặng” của cõi vô ngôn.

Không chỉ sử dụng từ “hư không”, mà cảm thức hư không trong thơ Trần Hoàng Phố còn được thể hiện ở các từ có nét nghĩa tương đồng với từ hư không như: sắc không, vô thường, phù du, hư ảo, mộng ảo, ảo mù, ảo hư, ảo ảnh, (Quê quán tôi xưa); hư ảo, rỗng không, trống rỗng, ảo ảnh, vô thường, (Cõi nhân gian lạ lẫm); hư ảo, vô thường, rỗng không, hư vô, ảo ảnh (Bóng của con nhân sư)… Chính điều nầy đã cho thấy sự ám ảnh của cảm thức hư không trong thơ Trần Hoàng Phố là một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh, chi phối sâu sắc thi giới thơ Trần Hoàng Phố. Vì vậy, có thể nói, cảm thức hư không trong thơ Trần Hoàng Phố là một bình diện khác trong cái nhìn về hiện thực cuộc sống được phản ánh trong thơ. Đó là một vùng hiện thực thơ đầy ảo diệu, khác thường, kết tinh từ những trực cảm mang phẩm tính thi sĩ riêng có của mỗi thi nhân mà nếu thiếu nó, thi ca sẽ không còn là thi ca đích thực. Chính vùng hiện thực ảo diệu nầy đã chi phối cảm hứng sáng taọ thơ của Trần Hoàng Phố, làm nên thế giới nghệ thuật thơ độc đáo, tạo những “dư vang nghệ thuật” (từ của Trần Nhựt Tân) trong tâm cảm của người tiêp nhận.

  1. Thi giới hư không trong thơ Trần Hoàng Phố là thi giới của tâm tưởng với biểu hiện vô cùng phong phú và đa dạng. Đó là một “Chiếc cầu hư không/ Tôi bắc qua đời” (Hư không và ngọn lửa) để kiếm tìm và lắng nghe “Những tiếng nói của hư không vĩnh cửu” trên “những linh hồn phế tích” (Phế tích buồn) mà đối với thi nhân có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt vì những phế tích ấy không chỉ là những gì còn lại của một quá khứ lịch sử xa mờ mà đối với một người thuộc dòng “Hoàng tộc” như thi nhân nó chính là máu thịt, là linh hồn của tiên tổ vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức hậu thế. Qui luật của cuộc đời, mọi hiện hữu cũng chỉ là hư không nhưng những phế tích nầy đối với thi nhân là “tiếng nói của hư không vĩnh cửu”, một điều mới nghe, tưởng chừng rất mâu thuẫn vì đã là hư không tại sao lại còn vĩnh cửu!? Nhưng điều lạ lùng ấy lại là một thực thể trong cuộc đời. Bởi, chỉ có hư không mới là vĩnh cửu còn mọi thứ tồn tại ở đời không bao giờ là vĩnh cửu cho dẫu người ta có tham vọng muốn biến nó thành “vĩnh cửu”. Cảm thức hư không trong thơ Trần Hoàng Phố nhiều khi như muốn vượt thoát ra khỏi thế giới của tâm tưởng để đến với thế giới hiện thực. Nhưng rồi, với phẩm tính của một thi sĩ đích thực, với chiều sâu văn hóa và tư tưởng mà thi nhân đã tiếp nhận của nhân loại cả Đông lẫn Tây, nên cái nhìn hiện thực trong thơ Trần Hoàng Phố vẫn là cái nhìn đầy thao thức của chiều sâu tâm cảm dệt nên từ cõi thực và mơ. Đó là cảm thức “xanh ngời hư không” trong đôi mắt em (Mây bay tan họp); là “ngọn thác hư không trắng xóa” (Thiên đường giữa hai đầu sống chết); là những “hư không sông này” (Chiều tàn nghe tiếng ca người xẩm mù bên sông cảm tác); là “Trăng hư không thanh thoát Trăng hư không tịnh độ” (Lên núi thăm chùa mất Phật); là “Trời xanh tận hư không/ Xanh vô cùng lòng mẹ” (Mẹ) Và đi đến tận cùng của sự đan xen trong cảm thức hư không giữa mơ và thực đó là “Hư không gió hú ngàn lời tử sinh” (Vuốt mặt thời gian); là “hư không thinh lặng” (Gương mặt thời gian); là “Hư không thẳm sâu” (Bóng của cõi chết), một sự thẳm sâu của cõi vô cùng. Suy niệm về hư không trong thơ Trần Hoàng Phố, vì thế là những hư không mang tính triết luận của “im lặng hố thẳm” (từ dung của Phạm Công Thiện) từ những tư tưởng triết học Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh, vốn là những tri thức đã nhuần thấm trong tư tưởng thi nhân.
  2. Bên cạnh cảm thức hư không, một chủ đề khác cũng luôn hiện hữu trong thơ Trần Hoàng Phố là nỗi cô đơn bản thể. Có thể nói, trong thơ Trần Hoàng Phố không chỉ có cõi mộng, cõi mơ, cõi hư không mà còn có cõi cô đơn của thân phận lưu đày. Thế nên, trong tập thơ nào của Trần Hoàng Phố, nỗi cô đơn cũng luôn hiển hiện và trở thành một niềm trăn trở với những truy vấn về bản thể mang tâm thức hiện sinh: “Ai đem ta bỏ giữa đời/ Áo cơm thê thiết trĩu đôi vai gầy/ Phách ta thân kiếp lưu đày/ Trắng tay trắng cả đắng cay linh hồn” (Chiều tàn nghe tiếng ca người xẩm mù bên sông cảm tác), hay “Linh hồn tôi đâu?/ Giữa cõi mênh mông” (Dò tìm chân như). Nỗi cô đơn và sự truy vấn về cái tôi bản thể đã xuất hiện trong hầu hết các tập thơ của Trần Hoàng Phố với những sắc màu suy tưởng khác nhau. Đó là sự cảm nhận về kiếp lưu đày của phận người như một ốc đảo cô đơn của những ly tan trong tập thơ Quê quán tôi xưa: “Xin hãy để lòng ta thương nhớ về cố quận/ Khi lòng ta từng quặn thắt giữa muôn ngàn phân giải của ly tan/ Nơi mảnh mảnh linh hồn như những ốc đảo cô đơn” (Bóng trần gian in rợn giữa sao khuya). Trong tập thơ Cõi nhân gian lạ lẫm, cảm thức cô đơn được nhìn dưới nhiều dạng thức khác nhau và theo chiều hướng tăng dần, đan kín tâm cảm thi nhân. Cảm thức cô đơn, vì thế đã hình thành một hệ thống diễn ngôn thể hiện qua ký hiệu mang tính biểu tượng đa nghĩa giàu tính triết luận. Đó là hình ảnh: “Mắt cô đơn nặng gánh đêm đen” (Ánh mắt); là hình ảnh côi cút của “Một cõi như sân vườn cô đơn buổi sớm tinh sương” (Một cõi…); Hay niềm thổn thức: “Nơi trái tim cô đơn của anh” (Mùa xuân trong mưa), để rồi: “Trên những mái nhà thành phố/ Anh nếm thấy trắng xóa đại dương của cô đơn” (Thành phố mưa và tôi). Song, cảm thức cô đơn trong cái nhìn của Trần Hoàng Phố không chỉ đơn thuần là căn tính của phận người mà còn là phẩm tính của những sinh thể trong tự nhiên. Thế nên nhìn ngôi tháp cổ “soi bóng giòng sông”, thi nhân “bỗng thấy dáng cô đơn” (sáng mai xanh bóng chiều vàng) và trong chiều sâu của tư duy triết luận, thi sĩ nhận ra “Nỗi cô đơn như/ Tiếng thạch sùng gặm nhấm/ Thời gian” “Như con ruồi dính vào mạng nhện/ cuộn chặt cô đơn” và “Vỗ về nỗi sầu muộn/ Lau khô những giọt lệ của đêm cô đơn” (Ở Sài Gòn nghe tiếng hót của chim). Nỗi cô đơn trong thơ Trần Hoàng Phố là nỗi cô đơn bản thể luôn hiện hữu trong tâm thức của thi nhân nên khi đối diện với chính mình là lúc thi nhân sống trong tận cùng ám ảnh của cô đơn: “Tôi bước đi và chìm trong mù sương/ Bóng của một cái bóng/ Tôi tan ra trong giá đông…/ Tôi đối diện với chính mình” (Bóng của cái chết).

Thế nên, ở tập thơ Bóng của con nhân sư, nỗi cô đơn đã kết tinh thành khát vọng đi tìm cái tôi bản thể của chính mình trong “giấc mơ của những đêm thanh xuân (…) trên con đường sâu thẳm của linh hồn/ Anh tìm những chiếc bóng của chính anh” (Mùa thu). Cảm thức cô đơn trong thơ Trần Hoàng Phố, vì thế luôn gắn với những ưu lo về sự tồn sinh của thân phận, về sự mỏng manh, vô thường của kiếp người: “Băng qua ốc đảo cô đơn mềm mại/ Chén đêm này đầy rỗng không – mai sau là tro than cát bụi” (Chén đêm) hay: “Bầu trời vỡ toang như thể nỗi cô đơn mưa” (Trái tim mưa) và “Anh nếm thấy trắng xóa đại dương của cô đơn” (Thành phố, mưa và tôi). Có thể nói, cảm thức cô đơn trong thơ Trần Hoàng Phố luôn gắn với những ly tan, với sự hủy diệt nên không gian và thời gian trong cái nhìn của thi nhân luôn nhuốm màu sầu đau và bao giờ cũng có cảm giác là khoảnh khắc tận cùng, là sự kết thúc trong hoàng hôn của kiếp người: “Đêm với tiếng dội vang của cô đơn/ Bước chân ai lui tới không ngừng” (Sấm truyền và lời hiến tế); “Nơi mảnh mảnh linh hồn như những ốc đảo cô đơn/ Giữa ly tan của hình hài vũ trụ/ Giữa cách chia của kiếp kiếp luân hồi” (Bóng thời gian); “Uống ngụm nắng buồn/ chiều cô đơn/ thăm thẳm/ Như mắt người chết/ Bóng nhân gian đổ xuống/ hoàng hôn” (Tận cùng chiều); “Nỗi buồn phiêu linh/ Mù sương ban mai/ Mùi sầu đông cô đơn lạnh giá/ mong manh”( Mùi sầu đông); “Đêm cô đơn đớn đau/ Chúa thánh thần ở trên cao/ Rỗng không đang trở thành địa ngục/ Ngắm nhìn tôi” (…) “Một con người đơn độc rầu rầu/ Lặng nhìn mọi thứ náo nhiệt gọi là cuộc đời/ Với sự diễu cợt buồn buồn/ Một cô đơn/ với nhiều nỗi đớn đau – tôi (…) Chỉ còn/ Đêm cô đơn với đớn đau đang níu chặt/ Tôi/ Một trái tim rỗng không” (Ngắm nhìn tôi); “Tiếng đàn mưa/ Hoang mạc thịt da cô đơn tịch lặng” (Điệu luân vũ dịu dàng mưa); “Gió khóc than/ Trên những hòn đảo cô đơn/ Sóng vỗ rợn bão bùng giông tố” (Gió xuân thì)… Và xét về một phương diện nào đó, nỗi cô đơn trong thơ Trần Hoàng Phố luôn gắn với cảm thức hư không, là một phía khác nhằm biểu hiện của cảm thức hư không trong cái nhìn biện chứng trước những được mất của kiếp người mà thi nhân đã cảm nhận từ sự nghiệm sinh của chính mình.

  1. Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố, vì thế là sự hợp lưu của tư tưởng phương Đông và phương Tây mà cụ thể là sự hợp lưu giữa triết học Phật giáo và triết học hiện sinh. Đây cũng là hiện tượng phổ biến trong tư tưởng của những trí thức miền Nam giai đoạn 1954-1975 vốn được thụ hưởng một nền giáo dục mang triết lý “dân tộc, nhân bản và khai phóng” trên tinh thần đa nguyên nên mạnh dạn tiếp nhận nhiều tinh hoa ở các khuynh hướng tư tưởng triết học của nhân loại. Điều này cũng được minh chứng trong sáng tác của Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ,… và rất nhiều sáng tác khác của văn học miền Nam (1954-1975). Vì vậy, cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố không chỉ hiện hữu trong các từ hư không, cô đơn mà còn biểu hiện ở các diễn ngôn mang tinh thần giao thoa của triết học Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh như: lưu đày, hư vô, hư không, hư ảo, trống không, vô thường, sắc không, phù vân, phù dung… Chính sự giao thoa nầy đã tạo cho thơ Trần Hoàng Phố một hệ giá trị mới, vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa Đông phương lại vừa Tây phương.

Thơ Trần Hoàng Phố luôn đi giữa hai bờ thực và mộng, hiện hữu và hư vô, có và không. Hiện thực trong thơ Trần Hoàng Phố là hiện thực tâm linh, hiện thực ảo diệu. Vì thế, thi giới thơ Trần Hoàng Phố có rất nhiều hình ảnh của “giấc mơ”, của “chiêm bao”, của “mộng mị”, “huyền ảo”… điều nầy đã tạo cho thơ Trần Hoàng Phố một trạng thái cảm xúc riêng, vốn là phẩm tính cần có của một thi sĩ đích thực, Bởi, theo Trần Nhựt Tân, thơ “bao hàm những cái gì hư hư thực thực, liêu trai, mộng mị, ảo huyền, kỳ diệu, mông lung, bất định”.[5] Còn theo Huỳnh Phan Anh, “Thơ là mộng ước. Trong mộng ước không còn cái hữu hạn. Mộng ước là cơ hội để con người mơ màng vô hạn”[6]. Đi tìm cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố là đi tìm một thế giới thơ mà ở đó thực và mộng hòa quyền vào nhau để tạo nên một hiện thực thơ ảo diệu mang sắc màu siêu thực đầy chất suy tưởng của “những giấc mơ đồng vọng ảo ảnh khói sương của cõi thế chập chùng (…) Nhưng dẫu sao cũng còn một chữ “tâm” với lòng thành xin ngỏ với đời”.[7] Đây là điều chia sẻ rất thành thực của Trần Hoàng Phố về thơ mình, cũng là điều người đọc cảm nhận được khi đọc thơ Trần Hoàng Phố. Và cho dẫu thơ Trần Hoàng Phố vẫn còn sử dụng một số từ khá xưa của thơ ca truyền thống như: cố quận, phù hư, xa mù, hương cố nhân, tịch liêu, cố cựu, ảo mù… không phù hợp lắm với khí quyển thơ ca đương đại, nên có phần nào xa lạ với tầm đón đợi trong sự tiếp nhận của người đọc, nhất là những người đọc trẻ. Nhưng những điều nầy, chúng ta có thể cảm thông với thi nhân vì những ảnh hưởng có tính vô thức của khí quyển văn chương thời đại mà thi nhân đã sống, đã gắn bó từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ở miền Nam trước 1975. Tuy thế, trong thơ Trần Hoàng Phố vẫn còn những câu thơ thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật với những hình ảnh thơ có tính “lạ hóa” vừa truyền thống, lại vừa hiện đại, đem đến cho người đọc những mỹ cảm văn chương khác thường, thú vị: “Đường về chiều mõi quê mờ/ Bóng trâu chậm bước sừng mù hoàng hôn/ Chùa làng đâu bỗng giộng chuông/ Tiếng trầm vang động rạ rơm cõi hồn” (Về làng chiều) ; “Giữa sấm truyền/ và lời hiến tế/ Anh đóng chín chiếc đinh/ Vào nỗi đắng cay/ Anh đóng ước mơ/ Vào cây thập giá/ Máu của nỗi buồn rõ xuống từng giọt/ Khắc khoải như tiếng ai kêu trong đêm sa mạc” (Sấm truyền và lời hiến tế)… Không những thế, đây còn là những câu thơ đầy tính nhân bản và tình tự dân tộc.

Thơ Trần Hoàng Phố là thơ của những khắc khoải nhân sinh trôi từ cảm thức hư không đến nỗi cô đơn bản thể mà khi tiếp nhận người đọc không khỏi trở trăn, đồng cảm trước những nghĩ suy thành thực của thi nhân về cuộc đời, về phận số con người trong cuộc sống vốn còn đầy những bất an. Bởi nói như P. Reverdy : “Nhà thơ gần như chỉ sống bằng cảm giác, hướng lên ý tưởng, và rốt cuộc, chỉ bày tỏ những tâm tình…”.[8] Điều nầy không chỉ đúng với cõi thơ mà còn đúng với con người thơ Trần Hoàng Phố, một thi sĩ đến với cuộc đời bằng tất cả tấm lòng đầy thơ… Vì suy cho cùng, theo cảm quan của Cyrian Norwid, một nhà thơ Ba Lan: “Thế giới nầy rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái… không còn gì khác”.[9] Và “may quá”, Trần Hoàng Phố đã phần nào tìm được cho mình hai thứ còn lại quí giá đó: “Thi ca và Lòng nhân ái” như một sự chọn lựa hiện sinh, trong một thế giới luôn ẩn chứa sự bất toàn, nhất là trong những ngày cả nhân loại đang “gồng mình” chống chọi với thảm họa của đại dịch Covid…

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, Sài Gòn, 12/5/2021

T.H.A

[1] Đông Hồ, Xúc cảnh thành thi, Văn, số 86 ra ngày 15/7/67, tr.14

[2] Trần Hoàng Phố, Quê quán tôi xưa (Nxb. Thuận Hóa, 2012, tr.1

[3] Đoàn Thêm, Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.105

[4] Đoàn Thêm, Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, dẫn theo Trần Hoài Anh, Thơ quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.270

[5] Trần Nhựt Tân, Dư Vang nghệ thuật, Nxb Hạnh, Sài Gòn, 1971, tr.79

[6] Huỳnh Phan Anh, Tại sao những bài thơ tình đó, Văn, số 91 ra ngày 1/10/67, tr.93

[7] Trần Hoàng Phố, Cõi nhân gian lạ lẫm, Nxb. Thuận Hóa, tr.1, 2

[8] Đoàn Thêm, Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, dẫn theo Trần Hoài Anh, Thơ quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.279

[9] Đoàn Thêm, Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, dẫn theo Trần Hoài Anh, Thơ quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr. bìa 1