Cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh trong thơ Đoàn Văn Khánh

658

  Thiện Mỹ

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong chiều sâu của triết lý phương Đông, con người và trời, đất bao giờ cũng là một hợp thể hài hòa. Vì thế, cảnh vật thiên nhiên đã chìm vào hư không thì con người cũng không thể không tan chảy vào cõi hư không đó. Đọc thơ Đoàn Văn Khánh, ta thấy cái cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh không chỉ biểu hiện ở cái nhìn về thiên nhiên đầy hư ảo mà cả con người cũng trôi trong sự biến dịch của lẽ vô thường…       

Chân dung nhà thơ Đoàn Văn Khánh                                                      

Stéphane Mallarmé, nhà thơ tượng trưng nổi tiếng của Pháp, khi luận về đặc trưng của thơ đã xác quyết: “Thơ là sự biểu lộ ý nghĩa bi huyền của cuộc sống, bằng tiếng nói của con người thu về nhịp thuần túy nhất.”[1] Như vậy, trong quan niệm của Mallarmé, thơ luôn là một ẩn số của đời sống, ở đó nhà thơ, bằng tiếng nói riêng của mình, với tư cách là một thực thể hiện hữu phải góp phần giải mã những vấn đề của đời sống. Thơ, từ trong nguyên ủy đã là một phần không thể thiếu của đời sống, luôn đồng hành cùng con người trong cõi nhân sinh với bao biến đổi khôn lường. Tìm đến với thơ là tìm đến với cội nguồn của cuộc sống mà ở đó, thơ hiện hữu như một chứng nhân cho những vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau, được và mất, buồn và vui, khóc và cười, có và không… trong kiếp nhân sinh vô thường đầy hư ảnh của phận số con người. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong tập thơ Sáng muôn trăng (Nxb.Văn nghệ, 2005), nhà thơ Đoàn Văn Khánh, đã mở đầu với bài thơ Nguyện, như một lời đề từ bằng thơ gởi đến độc giả để sẻ chia về những trăn trở của anh trước những hư vô của cuộc nhân sinh: “Tụ/ như sương/tán/như sương/ Mong manh/mỏng mảnh/vô thường cuộc chơi/ Đời/ không vui/ trọn tiếng cười/ Xin hòa làm một giọt rơi/ thật tròn” (Nguyện), để rồi, cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh đã trở thành những dự phóng trong hành trình sáng tạo thơ của Đoàn Văn Khánh hình thành thi giới riêng của anh, thi giới được kiến tạo từ những ám ảnh về hư vô giữa chốn nhân gian, mà anh đã trải nghiệm qua những tháng năm rong ruỗi giữa cõi đời và tập thơ Khuya thắp nắng (Nxb. Hội Nhà văn, 2013) là một sự tiếp nối của hành trình sáng tạo đó. Thơ Đoàn Văn Khánh, vì thế, là thơ có thể chạm đến chốn sâu thẳm trong tâm cảm người đọc, nhất là những người đọc mà cuộc đời đã/ đang/sẽ đối diện với những giới hạn vô thường của phận số mà con người không thể tự quyết được, dù là một sự tự quyết nhỏ nhoi.

2.

Thực ra, cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh biểu hiện trong thơ không phải là điều mới mẻ. Bởi, tự ngàn xưa, trong văn chương dân tộc và nhân loại đã có rất nhiều thi nhân thể hiện cảm thức này với những mỹ cảm đầy chất hiện sinh và chiều sâu triết lý nhân sinh. Đó là cảm thức về sự hư vô của phận người với những khoảnh khắc thịnh suy ở cõi nhân gian trong thơ Thiền sư Vạn Hạnh: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (Thị đệ tử). Hay cảm thức ảo mộng, vô thường, mong manh giữa cõi thế nhân trong thơ Lý Bạch khiến ông đã xót xa than thở “Xử thế nhược đại mộng/ Hồ vi lao kỳ sinh!” (Xuân nhật túy khởi ngôn chí). Và Chế Lan Viên, ngay từ khi còn rất trẻ trong tập thơ Điêu tàn đã luôn bị ám ảnh bởi tâm thức: “Ngày mai đây muôn loài rồi tan rã/ Vũ trụ kia rồi biến ra Hư không” (Bóng tối). Song, trong thơ Đoàn Văn Khánh ta vẫn tìm thấy những mỹ cảm riêng của anh về cảm thức hư vô trong kiếp nhân sinh qua những suy niệm về lẽ được/ mất, có/ không trong cuộc đời của con người thời hiện đại với những thay đổi như vũ bảo của xã hội thời công nghệ 4.0 và sau đó nữa. Đây cũng là thời kỳ mà những ám ảnh vật chất, lợi quyền đang bủa vây con người như một ma lực, khiến họ bị cuốn vào những cơn mê danh vọng, bạc tiền mà quên đi sự hữu hạn như một tất yếu trong phận số con người không ai có thể vượt qua được. Vì thế, cảm thức Hư Vô về kiếp nhân sinh trong thơ Đoàn Văn Khánh vẫn có màu sắc riêng, góp phần thức nhận “tính bản thiện” ở con người để thực thi sứ mệnh cao cả của thi ca là hướng con người tìm về với các giá trị Chân – Thiện – Mỹ mà bài thơ Quán đời của anh là một thông điệp nhân văn như thế: “Không động. Không cầu tỉnh/ Không thức há lụy mê/ Không suồng sã. Chán chê/ Quán đời đi như ở/ Nhẹ tênh một hơi thở/ Đầu tiên và cuối cùng/ Tiếng cười sao rưng rưng/ Hạt lệ nhòe hạnh phúc” (Quán Đời).

Cuộc đời là vậy đó, trong vui có buồn, trong buồn có vui, không bao giờ có một thứ buồn vui tuyệt đối như người ta vẫn tưởng. Cảm thức lưỡng phân này cũng là hiện thân của một quan niệm sống bắt nguồn từ triết lý Âm dương – Ngũ hành trong triết học phương Đông mà một người làm thơ với nhiều trải nghiệm như anh, không thể không chịu ảnh hưởng. Đọc thơ Đoàn Văn Khánh cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh như một suối nguồn trôi trong tâm thức thi nhân, chảy qua từng câu thơ với những mỹ cảm kết tinh từ những trải nghiệm trong cuộc đời mà nếu không có nó sẽ không thể có những mỹ cảm thơ như thế. Ta hãy lắng lòng để nghe thi nhân chia sẻ: “Đắng cay ngậm ngùi mới hiểu/ Nhân sinh một cõi vô thường” (Hăm lăm tết giữa Sài Gòn). Chính vì vậy, cái nhìn của thi nhân trong một lần về thăm xứ Bắc, quê anh (thôn Nam Hà – Nam Định) sau bao nhiêu năm cách xa do hoàn cảnh đất nước phân ly, vẫn bị ám ảnh bởi cảm thức hư vô, dù rằng anh vẫn đang sống trong hiện thực, một hiện thực mà anh đã chờ mong biết bao ngày: “Phong sương mấy độ dạn dày/ Dòng sông chạnh nhớ những ngày ấu thơ/ Lư trầm khói quyện hư vô/ Mở trang gia pha còn ngờ chiêm bao!” (Về thăm quê nhà). Không chiêm bao sao được, khi hơn nửa đời người anh mới được trở về mảnh đất Tổ tiên, để lắng nghe từng hơi thở của cỏ cây, hoa lá, sông nước quê nhà, mà anh nghĩ sẽ không có ngày như thế!?

Là một thi nhân, lại là người trải nghiệm cuộc sống và nhuần thấm tư tưởng Phật giáo, cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh trong thơ Đoàn Văn Khánh, vì thế cũng là hiện thân của lẽ vô thường trong triết lý nhà Phật, điều đó, khiến cái nhìn của anh về cuộc đời cũng bị quán chiếu bởi những suy tưởng Có/ Không /Không /Có, khi anh viết: “Trùng dương đại hải mênh mông/ Khác nào hạt lệ trong lòng kiền khôn/ Thời gian nước chảy đá mòn/ Sẽ thân ái tặng cái hồn rỗng không” (Ngộ không…). Thế nên, cảnh vật, con người và mọi hiện tượng trong cõi nhân sinh cũng được thi nhân nhìn qua lăng kính của cái có/ không đầy chất vô thường đó. Ta hãy nghe nhà thơ tự tình: “Về thôi/ ngỡ thật xa rồi/ Như cành mây bạc bên trời lững lơ./ Rơi./ Chìm tận đáy hư vô/ Mất tăm bóng nước ơ thờ/ là xong/ (…) Lại quay về ngã ba đường/ Cao tay hái chiếc lá vương sợi chiều/ Và tôi-/ hạt bụi liêu xiêu/ Đỏ hai con mắt/ vời theo dáng người…” (Lá vương sợi chiều). Thế nên, vẻ đẹp sương khói mơ màng ở Sapa cũng được thi nhân nhìn trong cái khoảnh khắc của Hư Không đầy huyễn hoặc: “Từ ba bề vách đá dội về/ Từng cơn gió rít gầm giận dữ/ Cuốn theo đám mây sương buốt giá/ Lững lững con sóng bạc xô bờ/ Nuốt trửng ta và tất cả/ Loãng cùng hư vô” (Cảm giác Sa Pa)

Trong chiều sâu của triết lý phương Đông, con người và trời, đất bao giờ cũng là một hợp thể hài hòa. Vì thế, cảnh vật thiên nhiên đã chìm vào hư không thì con người cũng không thể không tan chảy vào cõi hư không đó. Đọc thơ Đoàn Văn Khánh, ta thấy cái cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh không chỉ biểu hiện ở cái nhìn về thiên nhiên đầy hư ảo mà cả con người cũng trôi trong sự biến dịch của lẽ vô thường mà những bài thơ Bạc đầu khóc tiếc mầm xanh; Dứt nghiệp; Niệm cùng hương linh viết về con trai của anh đã “ra đi” khi tuổi còn quá trẻ trong tập thơ Sáng muôn trăng (Nxb.Văn nghệ, 2005) và các bài thơ viết về người vợ đã “quá vãng” của anh như: Yêu từ thuở bình minh vợ chồng, Giữa hương và hoa…; Nhất niệm; Từ em bặt bóng đời; Năm. Sáu. Hai ngàn mười một, trong tập thơ Khuya thắp nắng (Nxb. Hội Nhà văn, 2013)… là một minh chứng xác tín cho cái lẽ vô thường có – không/ không – có này mà anh đã viết với tất cả nỗi niềm gan ruột của mình: “Ngày qua ngày trước bàn vong/ Hết thờ thẫn lại rêu phong thẫn thờ/ Ba sinh biết có đợi chờ/ Một phương trời mộng… hư – vô – mất – rồi/ Hợp tan, tan hợp lẽ đời/ Kiếp phù sinh cũng đành thôi Dung à/” (Nhất niệm); “Này Bo con ơi!/ xuôi tay. Nhắm mắt. Lìa đời/ Hãy buông xả hết khóc cười phù sinh” (Niệm cùng hương linh). Bởi, trong tâm thức của thi nhân: “Cuộc sống vốn dĩ vô thường/ Cuộc sống mong manh như sợi khói.” (Bạc đầu khóc tiếc mầm xanh) Biết là vậy! Vì kiếp phù sinh vốn là nơi trú ngụ của lẽ vô thường nhưng rồi, những mất mát mà ta mặc nhiên xem như một tất yếu của cuộc sống vẫn không thể làm vơi được đớn đau khi những người thân yêu của ta đã trở thành ảo ảnh. Và từ trong nỗi đau này, thơ Đoàn Văn Khánh đã chạm thấu trái tim chúng ta qua những câu thơ tưởng chừng như tương phản mà lại rất biện chứng thể hiện độ chín của tư duy và chiều sâu cảm xúc: “Căn nhà/ lạnh!/ Mâm cơm/ lạnh!/ Lệ /nóng!” (Từ em bặt bóng đời). Độ nén của ngôn ngữ thơ trong bài đã phát huy tính biểu cảm, vì thế nó chạm đến trái tim của người đọc là thế. Và có thể nói, những bài thơ anh viết về con trai và vợ là những bài thơ hay và cảm động, vì nó xuất phát từ chính tâm cảm của anh khi người vợ và đứa con trai yêu quí đã về với cát bụi xa mờ.

Cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh trong thơ Đoàn Văn Khánh không chỉ được anh cảm nhận qua không gian và phận số con người mà còn được thi nhân cảm nhận qua thời gian. Và đây cũng là một trục cảm xúc tạo nên cảm thức hư vô của cõi nhân sinh trong thơ anh mà bài thơ Giờ thứ 25 là một minh chứng: “Một ngày có hai mươi bốn giờ/ Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ/ Đều đặn gõ nhịp đời bất tận/ (…) Một ngày có hai mươi bốn giờ/ Em chia nhỏ thời gian với trăm điều ràng buộc/ Vòng vây đời mở rồi lại khép/ Mớ bòng bong ẩn dụ, thực hư” (Giờ thứ 25) Để rồi, dù thi nhân có muốn kéo lùi thời gian hay “xin thêm” thời gian để kéo dài buổi hò hẹn đầy lãng mạn và đáng yêu mà nhiều khi chúng ta không bao giờ muốn nó kết thúc, thì cuối cùng thời gian cũng đi về phía hư vô: “Ngày vẫn tròn hai mươi bốn giờ/ Ta bước ra ngoài phía hư vô/ Quơ tay hái liềm trăng xanh mới mọc/ xin thêm một giờ…/ Giờ thứ hai mươi lăm cho buổi hẹn hò.” (Giờ thứ 25)… Và, cảm thức thời gian trong thơ Đoàn Văn Khánh không còn là thời gian vật lý mà đó là thời gian tâm lý, thời gian của những suy tưởng nhuốm màu hư vô của kiếp phù sinh: “Tiết sương giáng mù sa muôn nẻo/ Bước thiên nhiên lẽo đẽo vô thường/ Xuân là tâm cảnh ngát hương/ An nhiên trực chỉ Tây phương thiền hành” (Ngày Thu mai nở). Vì vậy, các yếu tố không gian, thân phận và thời gian, đều được qui chiếu bởi cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh để làm nên một cõi nhân gian mà ở đó chỉ có không gian hư ảo, thời gian hư ảo và thân phận con người cũng hư ảo. Và đây cũng là một mảng hiện thực trong thi giới Đoàn Văn Khánh chi phối không chỉ tư tưởng chủ đề mà cả hình thức nghệ thuật trong thơ Anh. Thơ Đoàn Văn Khánh, vì thế là thơ của một cái tôi trữ tình đầy suy tưởng về cuộc đời, về thân phận mà cảm hứng chủ đạo đó là cảm thức hư vô. Đọc thơ Đoàn Văn Khánh nếu chúng ta không giải mã cái cảm thức hư vô này thì sẽ không chạm đến những ấn ngữ thi ca của anh. Cái gốc của thơ là tình nhưng nếu tình ấy không chuyển tải trên con thuyền của suy tưởng thì sẽ khó chạm đến cõi sâu thẳm trong tâm thức và tâm cảm người đọc. Thơ Đoàn Văn Khánh là thơ mà ở đó chất trữ tình đã kết hợp hài hòa với chất suy tưởng về kiếp nhân sinh, vì thế nó neo đậu được trong tâm cảm người đọc dài lâu. Tuy vậy, thơ anh không phải đã hoàn mỹ khi anh “cố tình” hay “vô tình” suy tưởng hóa mọi cảm xúc thơ ca nên thơ anh có những câu, những bài lại rơi vào những giới hạn của chính sự suy tưởng đó, khi thiếu chất cảm xúc của của hình tượng thơ mà những câu thơ sau đây là một xác chứng: “Nhuộm tóc căng da bơm ngực độn mông/ cũng không giấu được cái già/ Nó xồng xộc đến theo thời gian/ Chỉ khi khỏa thân, khỏa lòng/ Khỏa hết mọi giáo điều buộc ràng/ Mình – mới – được- là – mình!” (Nhan nhãn…) Hay: “Phá tan xích xiềng cao đạo/ Mở toang mọi cánh cửa đời/ Hồng thắm lên! Trái tim người/ Hãy trần gian cùng ta nhé” (Hãy trần gian nhé). Bởi, thơ bao giờ cũng là cuộc hợp hôn diệu kỳ giữa trí tuệ và tình cảm, có như thế, thơ mới tạo được những rung động thẩm mỹ trong lòng người đọc. Đọc thơ Đoàn Văn Khánh, tôi có cảm nghĩ, anh không hợp loại thơ luận lý có tính luận đề, ngữ ngôn trong thơ anh đây đó vẫn còn “lụy cổ”. Vì vậy, nếu anh muốn thơ mình có sức sống dài lâu trong lòng người đọc, nhất là người đọc thời hiện đại, nên chăng cần có sự dụng công nhiều hơn nữa trong cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh thơ, trong việc chọn đề tài. Thế mạnh của thơ anh là ở những chủ đề liên quan đến thân phận con người trong kiếp nhân sinh được chuyển tải qua thể thơ lục bát và thơ năm chữ mà theo tôi là anh khá thành công. Thơ cốt quí ở sự tinh tế, không chỉ trong cảm xúc mà cả trong ngữ ngôn thơ, mà sự tinh tế trong thơ chỉ thực sự đến với nhà thơ khi những gì nhà thơ viết ra vốn xuất phát từ máu thịt của mình. Mọi thứ làm dáng, làm điệu và giả tạo không thể tồn tại trong thế giới của thơ và nó chính là nguyên nhân giết chết những mỹ cảm của thơ.

Như một sự ám ảnh của vô thức và tâm linh, những nhà thơ đã có một quá trình nghiệm sinh bao giờ cũng luôn suy niệm về sự hư ảo của cuộc đời và thân phận, thơ Đoàn Văn Khánh cũng không đi ngoài nguồn mạch ấy khi cái nhìn của anh về kiếp nhân sinh đã chạm đến tận cùng của “đáy hư vô” như chính anh đã tự nhận “Là thôi. Là Hết. Là thôi. Hết!/ Lặng lờ rơi xuống đáy hư vô” (Dị khúc). Mặc dù vậy, đọc thơ Đoàn Văn Khánh độc giả sẽ không thấy ở anh một sự bi quan, chán nản, bế tắc cho dù cảm thức hư vô ấy luôn bám lấy cuộc đời anh, trái lại cảm thức hư vô này đã giúp anh nhận ra sự hữu hạn của cuộc sống và thân phận để từ đó thi nhân càng trân quí hơn, gắn bó hơn với cõi đời. Vì vậy, trong bài thơ Cạn chén trần gian, Đoàn Văn Khánh đã viết những câu thơ mà ở đó ta thấy sự gắn bó giữa thơ với đời anh là sự gắn bó của định mệnh, của duyên nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là những xúc cảm của một người cao hứng làm thơ. Tình của anh đối với thơ là tình tri âm, tri kỷ như chính anh đã xác quyết: “Rừng núi rùng mình ngất lịm/ Thiên thai bặt khúc hạc cầm/ Chỉ có thơ là bất biến/ Cùng ta cạn chén trần gian” (Cạn chén trần gian). Không tri âm, tri kỷ với thơ thì làm sao anh lại mời thơ “cạn chén trần gian” với mình.  Và trong cảm hứng khi cạn chén trần gian, thơ anh đã chạm đến cõi hư vô của kiếp nhân sinh để: “Cùng ta thả mộng lên trời/ Vút cao tiếng hát quên đời truân chuyên…”. Song, làm sao quên được cuộc đời cho dù đó là một cuộc chạy trốn có chủ ý, vì ở cõi nhân gian, con người luôn bị “mệnh số vây quanh”. Và những suy niệm này, chính là tiên đề tạo nên cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh trong thơ Đoàn Văn Khánh.

Alain, khi nghĩ về hành trình sáng tạo thơ đã cho rằng: “Một bài thơ không bao giờ hoàn tất hẳn. Ta sẽ tìm ra, nếu chịu khó chờ đợi, những tiếng để điền vào chỗ còn để trống; và cũng như ở hình khắc nổi, chỗ trống lại rất nhiều ý nghĩa”[2]. Đọc thơ Đoàn Văn Khánh, không phải chúng ta đã tìm thấy ở các bài thơ của anh một sự hoàn hảo như kỳ vọng. Bởi, dù là một thi sĩ tài năng thì cũng khó có thể tìm thấy sự hoàn hảo trong thơ của họ. Sáng tạo thơ bao giờ cũng là một quá trình mà thi nhân luôn hướng đến sự tự hoàn thiện. Và để làm được điều này là không hề đơn giản. Thơ Đoàn Văn Khánh dù chưa thật hoàn hảo nhưng để bù đắp cho sự chưa hoàn hảo ấy, người đọc có thể tìm thấy ở thơ anh một chữ Tình đối với cuộc đời mà những cảm thức về kiếp nhân sinh trong thơ anh cũng là một phương diện thể hiện cái Tình ấy. Bởi, có cảm nhận được sự hư hao, ảo mộng của kiếp phù sinh, chúng ta mới biết yêu quí cuộc đời trong từng sát na hiện hữu. Cái tình cũng từ đó mà thấm sâu để phóng chiếu thành những câu thơ còn lại với đời mà Alain gọi đó là “chỗ trống lại rất nhiều ý nghĩa”. Thơ Đoàn Văn Khánh trong một chừng mực nào đó cũng đã tìm được cái “khoảng trống ý nghĩa” đó trong lòng những người đọc yêu thơ…

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp

30/5/2019

T.M

  —

[1] Trần Hoài Anh, Thơ Quan Niệm & Cảm nhận, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2010, tr. 269

[2] Trần Hoài Anh, Thơ Quan Niệm & Cảm nhận, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2010, tr. 293