Cảm thức lịch sử trong Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên

1324

Trần Hoài Anh

(Đọc Việt Nam diễn nghĩa, Cao Văn Liên,  Nxb. Hồng Đức, 2019)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cảm thức lịch sử trong Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên chính là những trăn trở, những suy tư, dằn vặt của một nhà nghiên cứu lịch sử mang cảm quan của một nhà văn trước vận mệnh dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước. Bộ tiểu thuyết này, vì thế không chỉ luận bàn chuyện quá khứ của lịch sử mà Cao Văn Liên muốn dùng lịch sử đã qua như một gương soi những vấn đề hiện tại của đất nước mà một trí thức, một nhà nghiên cứu lịch sử như ông không thể không thao thức, nghĩ suy.

Tác phẩm Việt Nam diễn nghĩa của tác giả Cao Văn Liên

  1. Dẫn nhập

Có thể nói, lịch sử Việt Nam là lịch sử của những tháng năm chiến đấu, bảo vệ độc lập tự do, chủ quyền tổ quốc. Thế nên, cảm thức lịch sử trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong văn học, rõ nhất là các tiểu thuyết về đề tài lịch sử.

Những năm gần đây, từ nhiều điểm nhìn và phương thức thể hiện khác nhau, các nhà văn đã tập trung khai thác nhiều vấn đề về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là thời kỳ phong kiến. Song, nếu những tiểu thuyết lịch sử phần lớn tìm hiểu các sự kiện lịch sử để luận giải về một nhân vật, một triều đại, một giai đoạn nhìn từ một lát cắt lịch sử và mang tính hư cấu của thể tài tiểu thuyết như: Thăng Long nổi giận của Hoàng Quốc Hải, (Nxb.Phụ nữ,1993); Danh tướng Trần Hưng Đạo của Hoàng Công Khanh (Nxb. Văn học, H, 1995); Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, (Nxb.Phụ nữ, H, 2000); Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác (Nxb. Văn học, H, 2003); Hội thề của Nguyễn Quang Thân (Nxb.Phụ nữ, H, 2009); Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh (Nxb. Hội Nhà văn, H, 2018)… thì, ở Việt Nam diễn nghĩa (3 tập, Nxb. Hồng Đức, 2019), Cao Văn Liên tập trung tìm hiểu lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước và kết thúc ở thời kỳ Quang Trung đại phá quân Thanh. Nghĩa là, cảm thức lịch sử của nhà văn chỉ dừng lại ở giai đoạn chống xâm lược phương Bắc, giữ độc lập, chủ quyền của tổ quốc như một sự nhất quán trong chủ đề, tư tưởng mà người viết muốn thể hiện, nên không đề cập về thời kỳ nhà Nguyễn, vì lúc này, dân tộc đã trải qua một thời kỳ khác của lịch sử chống ngoại xâm mà có thể, tác giả sẽ giành cảm hứng sáng tạo cho một công trình khác chăng!? Phương thức thể hiện trong bộ tiểu thuyết lịch sử này là luận giải vấn đề lịch sử theo cách diễn nghĩa, phi hư cấu, (hoặc nếu có hư cấu thì tính chất hư cấu cũng rất mờ nhạt). Và từ phương thức diễn nghĩa, phi hư cấu này, tác giả thể hiện cảm thức lịch sử của mình với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử viết văn, không phải là nhà văn viết lịch sử. Đây là điểm khác biệt nếu không nói là sự mới/ lạ, thể hiện một hướng đi riêng về cách tiếp cận lịch sử của của Cao Văn Liên trong Việt Nam diễn nghĩa so với các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử khác trong đời sống văn học hiện đại nước nhà. Vì thế, cảm thức lịch sử này cũng là những thông điệp mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn về lịch sử dân tộc, tác giả gửi đến người đọc qua những diễn ngôn mang tính giao thoa giữa hai thể văn và sử, vốn khá quen thuộc trong tiến trình văn học dân tộc.

2. Cảm thức lịch sử nhìn từ niềm tự hào nòi giống và văn hóa dân tộc

      Có thể nói, căn tố để khẳng định sự tồn sinh của một dân tộc trong cộng đồng thế giới không phải là hệ ý thức, là thể chế chính trị mà chính là cội nguồn nòi giống, là giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc định hình trong quá trình lịch sử. Vì vậy, dân tộc nào  cũng tạo ra huyền thoại thiêng liêng, cao đẹp về nguồn gốc giống nòi và những phẩm tính riêng cho giòng sinh mệnh văn hóa của mình. Và đây là một cảm thức lịch sử luôn tiềm ẩn trong tâm thức mỗi người, trong đó, có nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử. Đọc bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên, ấn tượng đầu tiên thức nhận trong tâm cảm người đọc đó là Cảm thức lịch sử nhìn từ niềm tự hào nòi giống và văn hóa dân tộc, mà với một cái nhìn khoa học và quá trình nghiệm sinh của một nhà nghiên cứu lịch sử dân tộc và thế giới, trong cảm quan một nhà văn, tác giả đã luận giải sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, không chỉ qua những cuộc chiến chống ngoại xâm mà còn qua hệ hình văn hóa ngàn đời của nền văn minh nông nghiệp, khi ông xác quyết: “Khác với những nơi khác trên thế giới, chiến tranh góp phần thúc đẩy, làm bà đỡ cho sự ra đời nhà nước thì người Lạc Việt có những nhu cầu bức thiết hơn. Đó là nhu cầu trị thủy các con sông lớn: Sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông La… nhu cầu chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại Thương – Chu – Tần ở phía Bắc, nhu cầu trao đổi kinh tế văn hóa giữa các Bộ lạc”.[1] Nghĩa là: “Cư dân Văn Lang đã xây dựng và phát triển một nền văn hóa tinh thần, vật chất phong phú, đặt nền tảng lâu dài cho một nền văn hóa Lạc Việt”.[2] Đây là một cái nhìn có chiều sâu văn hóa, thể hiện sự đổi mới tư duy khi lý giải về lịch sử dân tộc !? Trong cảm thức Cao Văn Liên, vấn đề xây dựng niềm tự hào về nòi giống và văn hóa dân tộc là một sứ mệnh lịch sử đã được các thế hệ cha ông ý thức, đắp bồi như: “Đức Thế Tổ Kinh Dương Vương, Đức Thái Tổ Lạc Long Quân, Đức Mẹ Âu Cơ đã trải qua bao gian lao khó nhọc mở mang giữ gìn bờ cõi, dựng nên Quốc gia đất nước”. (…) Và “Dòng họ Hồng Lạc của ta không chỉ có công dựng nước mà còn dạy cho cư dân biết cày cấy, trồng trọt đánh cá, săn bắn, chăn nuôi, khai phá ruộng nương, làm nhà làm cửa, sản xuất vật dụng và vũ khí, trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Dạy cho dân biết thuần phong mỹ tục, tôn kính trời đất, tổ tiên, hiếu thảo với gia đình, thương yêu nhau… Vì thế, cơ nghiệp của họ Hùng Lạc ta bền vững đến nay đã gần 1000 năm với 17 đời Tiên đế”.[3] Đây là cội nguồn tạo sức mạnh diệu kỳ để dân tộc ta đứng vững suốt trường kỳ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Trong cảm quan của mình, Cao Văn Liên không chỉ nhìn thấy sức mạnh mà còn nhìn thấy sứ mệnh của văn hóa đối với sự hưng vong của đất nước, khi ông khẳng định: “Văn hóa là nguồn sức mạnh, là linh hồn  của dân tộc. Một dân tộc khi bị ngoại bang thống trị, nếu vẫn giữ được nền văn hóa thì còn linh hồn, còn sức sống. Khi kẻ thù yếu thì còn có thời cơ quật khởi đứng dậy lật đổ chúng mà giành độc lập dân tộc”.[4] Chính vì vậy, tác giả đã vạch trần thủ đoạn và âm mưu đồng hóa văn hóa của nhà Hán như một “diệu kế” đầy “ngụy tín” gọi là “khai hóa” mà bọn xâm lược phương Bắc “rêu rao” nhằm thực hiện chủ trương tiêu diệt đến tận gốc rễ cội nguồn văn hóa dân tộc ta. Vì thế, Tô Định đã ra lệnh cho bọn quan lại dưới quyền bằng mọi cách: “Phải tiêu diệt nền văn hóa Việt, buộc chúng phải theo văn hóa Hán”. Và “Bên cạnh chính sách bóc lột, nhà Hán còn tiến hành chính sách đồng hóa văn hóa, tiêu diệt văn hóa Việt, buộc dân Việt phải theo văn hóa Hán (…) Chúng du nhập chữ Hán, du nhập phong tục tập quán Hán vào Âu Lạc và buộc cư dân Việt phải học và phải theo phong tục tập quan Hán. (…) Dã man hơn, chúng giết hại đàn ông Việt, buộc phụ nữ Việt phải lấy đàn ông Hán, con người Việt sinh ra phải khai họ Hán. (…) Chúng đập phá văn bia, đền miếu của người Việt”.[5] Nhưng mặc dù tiến hành rất nhiều thủ đoạn gian xảo thì “Người Hoa không đồng hóa được người Việt, ngược lại bị người Việt đồng hóa”.[6] Bởi, không như những dân tộc khác dễ dàng bị đồng hóa, sức mạnh nội sinh trong văn hóa Việt luôn là một ẩn số mà những kẻ xâm lược dù giàu mạnh và nham hiểm đến đâu cũng không thể giải mã được sự nhiệm màu của giòng sinh mệnh văn hóa Việt mà những việc làm sau đây của dân tộc ta qua lời “tự thú” của quan lại nhà Hán là một xác chứng “Công việc bắt những đứa bé mới sinh của người Việt khai theo họ Hán bị người Việt kịch liệt chống lại, dù chết không theo (…) Việc bắt phụ nữ Việt lấy chồng người Hán cũng bị dân Việt phản đối kịch liệt, dù chết không làm (…)  Còn việc đập phá đền chùa miếu mạo của người Việt cũng không kết quả. Đập phá đền chùa miếu mạo nhưng trên đống gạch đổ nát ấy dân Việt vẫn ra cúng tế và lễ bái. Việc bắt dân Việt cưới hỏi theo phong tục tập quán Hán cũng rất khó khăn. Dân Việt vẫn cưới hỏi theo phong tục của họ đã có từ thời Hùng Vương”[7]. Niềm tự hào về giống nòi và lịch sử dân tộc như một sức mạnh tinh thần kỳ diệu cũng được thể hiện vô cùng cảm động qua lời khấn vái đậm sắc màu văn hóa tâm linh của Nữ tướng Trưng Trắc trước khi xuất quân tiêu diệt Tô Định để trả thù nhà, đền nợ nước: “Kính thưa thiên thần, địa thần, long thần Văn Lang, Âu Lạc, kính thưa liệt tổ tông, Kinh Dương Vương, Lạc long Quân và Mẹ Âu Cơ, 18 vua Hùng Vương, đã hơn 200 nay đất nước Văn Lang Âu Lạc mất vào tay bọn giặc phương Bắc. Dân tình điêu linh và sớm muộn cũng diệt vong trong bàn tay độc ác của quân thù. Nay chúng con không ngại hy sinh để cứu giống nòi. Kính mong quí thần nước Nam phù hộ cho chúng con chiến thắng quân thù để cứu nguy dân tộc, bảo vệ giống nòi Lạc Việt, Âu Việt tránh được họa diệt vong”.[8] Và sau khi chiến thắng quân xâm lược nhà Hán, ý thức về cội nguồn nòi giống và văn hóa dân tộc còn được Trưng Nữ Vương thể hiện ở việc lấy “Quốc hiệu Hùng Lạc”, chủ trương khôi phục nền văn hóa dân tộc bằng cách:“Phát huy tất cả những phong tục, tập quán trang phục, lễ nghĩa trong quốc gia và trong gia đình của giòng giống Lạc Việt, Âu Việt và Bách Việt tại quốc gia Hùng Lạc, xóa bỏ những phong tục tập quán, trang phục lễ phục, lễ nghi, trang phục của Hán mà bọn thống trị Hán buộc ta phải theo suốt trong 200 năm nay”.[9] Không chỉ có Trưng Nữ Vương mà cảm thức lịch sử, ý thức về cội nguồn và văn hóa dân tộc trong Việt Nam diễn nghĩa còn được Cao Văn Liên thể hiện ở lời tuyên thệ của Nhụy Kiều tướng quân, Triệu Thị Trinh ở cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô như sự tiếp nối về ý thức dân tộc của những con dân nước Việt: “Ta sẽ cố gắng hết sức cùng các Huynh và tướng sĩ ra sức giết giặc Ngô, thỏa lòng mơ ước và hoài bảo của chúng ta, đáp ứng lòng mong mỏi của bách tính Lạc Hồng”.[10]

Cảm thức lịch sử về sức mạnh nguồn cội và giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc trong Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên không chỉ thể hiện ở việc khẳng định vai trò của văn hóa đối với sự tồn sinh của đất nước mà còn nhận thức được mối quan hệ biện chứng, sự tác động giữa kinh tế và văn hóa qua lời Khúc Hạo: “Cải cách chính trị, kinh tế sẽ tác động đến văn hóa và tinh thần của bách tính, tăng cường ý thức dân tộc, độc lập tự chủ, bảo vệ và xây dựng nền văn hóa mang màu sắc Việt của tổ tiên để lại”.[11] Phải chăng, chính niềm tự hào về giống nòi và ý thức giữ gìn “giòng sinh mệnh văn hóa” mà dân tộc ta đã đứng vững và không chỉ đứng vững mà còn chiến đấu và chiến tháng mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ độc lập tự do và chủ quyền dân tộc, điều mà đến hôm nay vẫn là một sứ mệnh, một thách thức to lớn và thiêng liêng đặt trên vai mỗi cư dân Con Lạc Cháu Hồng. Cảm thức lịch sử nhìn từ niềm tự hào nòi giống và giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc trong Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên, vì thế, là một thông điệp có giá trị thức nhận đối với chúng ta trong ý thức bảo vệ chủ quyền và bảo vệ nền văn hóa dân tộc không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau.

  1. Cảm thức lịch sử nhìn từ quan hệ giữa dân tộc và người lãnh đạo đất nước

       Kịch tác gia Tào Mạc khi viết lời đề từ cho vở chèo Lý Thánh Tông chọn người tài có chia sẻ: “Biết kén chọn người hiền tài ở giữa chốn trần ai/ Thì mới là ông Vua thông minh sáng láng”.[12] Như thế, trong suy niệm của Tào Mạc, khi viết Bài ca giữ nước, thì việc chọn người hiền tài cũng là một nhân tố không chỉ liên quan đến sự tồn vong của một vị Vua, một triều đại, mà còn liên quan đến sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc. Tuy, “một con én không làm nên mùa xuân”, nhưng để có mùa xuân  không thể không có chim én, nhất là những con chim én có sức mạnh gọi đàn. Vai trò người lãnh đạo đất nước dù ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào, cũng quan hệ mật thiết với dân tộc, vì những quyết định của họ luôn liên quan đến vận mệnh tổ quốc, nhân dân.

Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong tiến trình vận động và phát triển của lịch sử dân tộc, bên cạnh niềm tự hào về nòi giống và bản sắc văn hóa dân tộc, một điều không thể không bàn đến đó là mối quan hệ giữa dân tộc và người lãnh đạo đối với sự tồn sinh của tổ quốc. Đây cũng là một bình diện thể hiện cảm thức lịch sử trong Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên, không thể không quan tâm mà biểu hiện trước tiên là việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi quyền dân tộc với lợi quyền của cá nhân, của dòng tộc, của triều đại. Bởi lẽ, nhìn vào sự hưng vong của các triều đại trong lịch sử dân tộc, ta thấy một vấn đề mang tính qui luật phổ quát, đó là triều đại nào biết đặt quyền lợi của tổ quốc, nhân dân trên quyền lợi của triều đại, của gia tộc, và tìm được người lãnh đạo anh minh, tận hiến vì nước, vì dân, thì đất nước hưng vong, thịnh trị, vững bền, và ngược lại!?. Đây là điều được lịch sử dân tộc xác chứng mà với tư duy của một nhà nghiên cứu lịch sử cùng cảm quan của một nhà văn, Cao Văn Liên đã luận giải qua tâm ý của Vua Hùng Vương thứ 18: “Làm vua một nước là công việc rất nặng nề, phải lo cho nước, cho dân”.[13] Và, việc “chọn vua một nước là vô cùng trọng đại, nó quyết định sự sống còn của đất nước, phồn vinh hay bại vong, hưng thịnh hay suy tàn. Cho nên truyền ngôi phải chọn người tài đức, không nhất thiết phải truyền cho con trưởng nếu như người đó không có tài đức”.[14]

Tính quyết định của vai trò người lãnh đạo trong suy niệm của Cao Văn Liên là vô cùng quan trọng, bởi dù: “Thần dân cần cù thông minh sáng tạo có nền tảng văn hóa lâu đời, có truyền thống đánh giặc tài giỏi. Nhưng tất cả nguồn lực đó cũng chỉ là thế khả năng. Muốn biến khả năng thành hiện thực làm cho đất nước hùng mạnh, thần dân no ấm, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược thì phải có những vị vua tài đức”.[15] Chính từ ý thức này, Trưng Nữ Vương, sau khi đánh đuổi nhà Hán, tiến hành xây dựng đất nước đã rất chú trọng đến vai trò người lãnh đạo qua việc “Bổ nhiệm quan lại đã căn cứ vào học thức và công lao trong cuộc khởi nghĩa giành độc lập nhưng phải có tài, năng lực trình độ, có lòng thương dân, sự trung thành với triều đình Mê Linh, với đất nước Hùng Lạc”.[16]

Một vấn đề chi phối sâu sắc cảm thức lịch sử của Cao Văn Liên về mối quan hệ giữa dân tộc và vai trò người lãnh đạo đất nước trong Việt Nam diễn nghĩa đó là việc đề cao tư tưởng thân dân trong quốc sách xây dựng đất nước. Minh chứng cho vấn đề này là hành động Tướng Trương Hát can ngăn Triệu Việt Vương không nên chia đất cho Lý Phật Tử vì hắn là kẻ gian xảo, bất tài nhưng ham mê quyền lực: “Trả ơn cho Lý Nam Đế, Bệ hạ phong cho hắn quan cao chức trọng là được, còn nước là của dân, không thể mang cái của dân đi tặng được, vả lại nước là phải thống nhất, một nước không thể có hai vua. Bệ hạ không thể đem vận mệnh quốc gia mà trao cho môt kẻ gian tham như vậy”.[17] Hay lời khẳng định của Khúc Thừa Dụ trước Tướng sĩ sau khi đã chiến thắng người Hán giành lại độc lập tự do cho dân tộc: “Nay chúng ta đã giành được chính quyền về tay người Việt, việc cốt tử nhất là phải bảo vệ củng cố vững chắc nền độc lập, tự chủ, muốn làm được như vậy phải cải cách, củng cố chính quyền để cho chính quyền thực sự là của người Việt, thực hiện một nền chính trị thân dân”.[18] Vì thế, trong cai trị đất nước Khúc Thừa Dụ yêu cầu cử các “hào trưởng người Việt” thay thế cho quan chức Hán “Nhưng dù là người Việt nếu là quan tham nhũng cường hào, ác bá bóc lột bách tính thì cũng bãi miễn. Quan lại người Việt phải có đức có tài, tuyệt đối vì bách tính vì nước và trung thành với Tiết độ sứ”.[19] Và khi Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo lên thay cũng duy trì tư tưởng thân dân trong chính sách cai trị, ông yêu cầu “khi cai trị, quan lại các cấp phải khoan dung, giản dị để nhân dân được yên vui. Khoan dung là không bắt buộc khắt khe quá đối với nhân dân. Kiên quyết chống tham quan ô lại, giản dị là nền hành chính không quan liêu, không nhũng nhiễu, phiền hà nhân dân, tạo cho nhân dân yên vui, an cư lạc nghiệp. Đó là lý tưởng ước mơ nơi làng xã. Đó là nền chính trị thân dân”.[20]

Xuất phát từ tư tưởng thân dân, Cao Văn Liên cũng chỉ ra những hạn chế trong việc lãnh đạo đất nước của Triệu Việt Vương khi xây dựng nhà nước Vạn Xuân. Trong cái nhìn của Cao Văn Liên: “Nước Vạn xuân đang đứng trước tai họa mà trước tiên là Hoàng gia họ Triệu và Triệu Việt Vương, một con người nhân từ, tín nghĩa nhưng nhân từ tín nghĩa đã đặt nhầm chỗ” khi chia một phần lãnh thổ quốc gia cho Lý Phật Tử, “một kẻ bất tài hèn nhát nhưng tham lam danh vọng, địa vị, quyền lực, tiền tài, khi kháng chiến gian khổ thì bỏ trốn, khi đất nước phục hưng thì giở đủ trò gian manh để được vinh thân phì da… không quan tâm gì đến sự tồn vong của dân, của nước”.[21] Sai lầm của Triệu Việt Vương, không chỉ thể hiện ở hành động cụ thể đó, mà nguy hiểm hơn là ở tư tưởng: “Đặt quyền lợi gia đình trên lợi ích quốc gia, không nhận rõ bạn thù, không nghe lời những trung thần, những người trí thức biết nhận rõ thời cuộc”[22] nên phải nhận sự thất bại trong xây dựng đất nước và chống ngoại xâm là tất yếu. Đây là bài học thiết thực trong hành trình dựng nước, giữ nước đã được lịch sử xác chứng mà những người có vai trò lãnh đạo đất nước ở mọi thời kỳ lịch sử không thể không lưu tâm, nếu có tấm lòng với đất nước, với dân tộc, với nhân dân…

Và để có nhà nước thân dân, một vấn đề được các triều đại phong kiến quan tâm sau khi đánh thắng ngoại xâm, tiến hành xây dựng đất nước là việc chọn người lãnh đạo, không chỉ đủ tài thao lược mà còn phải có tư tưởng vì dân. Thế nên, sau khi thắng quân Nam Hán, Đinh Công Tráng đã đề nghị Đương Đình Nghệ nhận chức Tiết độ sứ để lãnh đạo đất nước vì: “Công việc đứng đầu quốc gia là một trọng trách nặng nề, khó nhọc phải đủ tài đức, nhiều kinh nghiệm, lại phải được anh hùng hào kiệt quan chức các cấp và bách tính tín nhiệm, uy đức vang xa bốn biển, vua chúa phương Bắc  phải khâm phục, nể sợ. Nay chúa công là người tài đức, uy vũ vang bốn phương, bách tính đều mong muốn, xin chúa công đừng từ chối”.[23] Là người lãnh đạo chính trực, có tư tưởng thân dân, được tướng sĩ kính trọng,  nên khi bố trí cán bộ, Dương Đình Nghệ luôn đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi gia tộc xóm làng, địa phương, vì theo ông: “Xưa nay kẻ làm quan ở quê nhà sẽ trở nên hư hỏng vì họ hàng anh em nhờ cậy, Nhờ cậy quan không được thì họ nhờ vợ con quan. Nể tình anh em họ hàng, vợ con quan vi phạm và cuối cùng quan vì vợ con cũng vi phạm phép nước”.[24] Đây không chỉ là chuyện của lịch sử xa xưa mà là chuyện của muôn đời, là bài học cấp thiết cho hôm nay về việc đào tạo và bố trí cán bộ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nếu chúng ta không muốn đi ngược lại những vấn đề có tính qui luật phổ quát mà tiền nhân đã giáo huấn.

Tư tưởng xây dựng người cán bộ có đức tài, có tư tưởng thân dân trong cảm quan của Cao Văn Liên ở Việt Nam diễn nghĩa còn được minh chứng qua là lời Kiều Công Chuẩn, con trai Kiều Công Tiễn cảnh tỉnh cha mình, khi Kiều Công Tiễn cho biết âm mưu lật đổ Dương Đình Nghệ, giành chức Tiết độ sứ để thỏa mãn tham vọng muốn đứng đầu thiên hạ: “Cha và thúc thúc nói sai rồi, chúng ta nghèo khó, tài năng có hạn nên về với Dương Đình Nghệ để lập thân. Thực ra trong 14 năm qua anh em ta đóng góp cho sự nghiệp của Tiết độ sứ chúa công, cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước không đáng kể, nhưng vẫn được cất nhắc (…) Nay chúng ta giết Dương Đình Nghệ là phụ nghĩa, là bất hiếu, giết người nâng đỡ mình là bất nghĩa, giết người cầm đầu đất nước là bất trung, giết người chính nghĩa là bất đạo. Bất hiếu, bất trung, bất đạo, bất nghĩa thì giàu sang quyền lực làm gì cũng không xứng đáng đứng trên cõi đời này nữa. Xin cha và thúc thúc đừng đưa chúng ta vào con đường phản bội”.[25] Và không chỉ có lời cảnh báo của Kiều Công Chuẩn mà Lưu Định, gia tướng của Kiều Công Tiễn cũng mạnh dạn chỉ trích, vạch trần những việc làm sai trái của Kiều Công Tiễn, khi làm Thứ sử Phong Châu, chẳng những Kiều Công Tiễn không thực hiện đúng chủ trương khoan sức dân của Dương Đình Nghệ mà còn ra sức vơ vét tiền, của, nhân dân “Đẩy bách tính Phong Châu vào cuộc sống khổ cực, oan trái mà không biết kêu vào đâu được. Chúng ta thủ tiêu tất cả những cư dân nào dám kiêu ca phàn nàn, tỏ sự căm thù oán hận. Chúng ta đã hoành hành bá đạo, không coi quốc pháp là gì. Chúng ta đã dung túng cho các huyện trưởng, giáp trưởng, xã trưởng, thôn trưởng hoành hành ngang ngược với bách tính. Họ không sợ gì vì có chúng ta dung túng. Chúng ta đã bá đạo thì cũng không thể ngăn cấm, trừng phạt được họ khi họ bá đạo. Nhà dột từ nóc, thượng bất chính, hạ tất loạn. Nay chúa công lại muốn mưu đồ phản nghịch đó là bất trung, bất hiếu, bất đạo, phản quốc và phản bách tính. Cúi xin Chúa công từ bỏ tham vọng thì họ Kiều chúng ta mới tồn tại lâu dài được”.[26] Hay khi Kiều Công Tiễn bàn với Kiều Công Thuận mưu toan rước nhà Hán đem quân tiêu diệt Ngô Quyền đã bị Kiều Công Thuận phản đối, cho rằng đó là “hành động bán nước, là phản quốc (…) Với dân Việt tội gì họ cũng có thể tha thứ, nhưng tội phản quốc thì họ không tha, lại còn bị muôn đời nguyền rủa, hàng nghìn năm, con cháu không ngóc đầu lên được”.[27] Tư tưởng thân dân trong cảm thức lịch sử của Cao Văn Liên về mối quan hệ giữa dân tộc với người lãnh đạo đất nước còn thể hiện rõ trong lời truyền ngôi của Ngô Quyền cho con là Ngô Xương khi ông căn dặn: “Con phải làm một ông vua tốt với dân, trung với nước, đặc biệt phải giữ được cơ nghiệp độc lập mà cha ông gian khó, bách tính hy sinh to lớn mới giành lại được”.[28] Hoặc lời xác quyết của Dương Thái Hậu khi trao áo Long Bào cho Lê Hoàn: “Áo long bào và Quốc Ấn là quyền lực của Hoàng đế, là quyền lực của quốc gia. Quyền lực quốc gia thì không phải là của riêng một dòng họ nào”.[29] Đây là những mỹ ý không phải dễ nói ra, nhất là khi đất nước còn trong vòng kiềm tỏa của chế độ phong kiến, một thể chế mà Vua được xem là “Thiên tử” thay trời cai trị muôn dân. Vì vậy, trong cảm thức lịch sử của Cao Văn Liên ở Việt Nam diễn nghĩa, tư tưởng thân dân là một hệ giá trị, một phẩm tính đạo đức mang tính nhân văn cần có nơi người lãnh đạo trong vấn đề trị quốc. Và hôm nay lời xác quyết ấy của Dương Thái Hậu, không phải, không còn tính thời sự, khi vận mệnh của đất nước, của dân tộc không phải lúc nào cũng “ca khúc thái bình muôn thuở” như khát vọng ông cha hằng mong ước. Vì vậy, cảm thức về mối quan hệ giữa dân tộc và vai trò của người lãnh đạo đối với sự tồn sinh của đất nước còn được Cao Văn Liên thể hiện ở tâm ý của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan khi trả lời Lý Thánh Tông trong giấc mơ về tâm kế trị nước: “Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm, thuốc đắng khó uống nhưng lại chữa được bệnh. Phải xem quyền hành là thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình lấy đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên thì sâu hơn pháp luật. Muốn nước mạnh thì Hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ phương diện ấy, nước đại Việt sẽ vô địch”.[30] Và sự thức nhận về mối quan hệ giữa dân tộc và vai trò lãnh đạo đối với vận mệnh đất nước, dân tộc, được kết tinh sâu sắc trong Trần Thái Tông khi ông ý thức rằng: “Vua chỉ là một cá nhân nhưng đôi khi vua có thể quyết định số phận của hàng chục triệu con người, số phận của một quốc gia, của đất nước, nhất là trong giờ phút nghiêm trọng của dân tộc. Vua phải sáng suốt, quyết tâm, phải hiểu ra rằng còn dân tộc mới còn triều đình, còn quí tộc, mất dân tộc thì mất cả triều đình, mất cả quý tộc. Không thể bán dân tộc để bảo vệ quyền lợi cho một tầng lớp”.[31] Tư tưởng thân dân mà Cao Văn Liên ngợi ca trong Việt Nam diễn nghĩa không phải là điều gì mới, đó chính là sự kết tinh truyền thống đạo đức đã hiện hữu trong lịch sử dân tộc. Nhưng với tinh thần “ôn cố tri tân”, Cao Văn Liên muốn làm mới một vấn đề tưởng như xa xưa nhưng không bao giờ cũ, và vẫn còn nguyên giá trị, bởi tính thời sự của nó đối với cuộc sống hiện tại, để thức nhận chúng ta, những thế hệ người Việt Nam đang tiếp bước cha ông bảo vệ và xây dựng đất nước. Bởi, khi con người còn bị “hấp dẫn” trước những chủ thuyết mơ hồ, với các làn sóng văn minh hiện đại gắn nhãn hiệu những dấu chấm không rồi quay lưng lại với những giá trị nền tảng đạo đức của dân tộc, trong đó có tư tưởng thân dân, yêu dân, kính dân, vốn là một phẩm tính mà người lãnh đạo đất nước cần phải có như Nguyễn Trãi đã từng xác quyết trong Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” thì tư tưởng thân dân thể hiện trong cảm thức lịch sử của Cao Văn Liên ở Việt Nam diễn nghĩa vẫn rất quan thiết và cần được trân quí.

  1. Thay lời kết

       Lịch sử của một dân tộc không đơn thuần là những sự kiện, những con số, những trận đánh gắn với những địa danh như lâu nay người ta vẫn nghĩ mà lịch sử dân tộc còn là tâm hồn, là tinh anh, là tâm thức của dân tộc. Người viết lịch sử, kể cả viết lịch sử bằng tiểu thuyết phải là người tái hiện tâm hồn dân tộc mình. Thế nên, phẩm tính cần thiết của người viết lịch sử không chỉ có khối óc mà còn phải có trái tim, biết đau nỗi đau của phận số dân tộc, của phận số mỗi con người, biết suy tư, biết xa xót, trăn trở trước lẽ hưng vong của vận nước qua từng trang sử. Có như vậy, lịch sử mới chạm được tâm thức, tâm cảm người tiếp nhận. Cảm thức lịch sử trong Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên chính là những trăn trở, những suy tư, dằn vặt của một nhà nghiên cứu lịch sử mang cảm quan của một nhà văn trước vận mệnh dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước. Bộ tiểu thuyết này, vì thế không chỉ luận bàn chuyện quá khứ của lịch sử mà Cao Văn Liên muốn dùng lịch sử đã qua như một gương soi những vấn đề hiện tại của đất nước mà một trí thức, một nhà nghiên cứu lịch sử như ông không thể không thao thức, nghĩ suy. Tìm về với cảm thức lịch sử trong Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên là tìm về với những ưu tư của một công dân trước vận mệnh đất nước, vì thế ta dễ bắt gặp sự đồng cảm, sự sẻ chia vì những trăn trở của tác giả cũng chính là trăn trở của những người con dân nước Việt luôn chất chứa trong tâm mình tình yêu tổ quốc và nỗi ưu lo trước sự tồn vong, thịnh suy của dân tộc, một tình yêu mà nhạc sĩ Phạm Duy đã chia sẻ trong nhạc phẩm Tình ca nổi tiếng: “Tôi yêu biết bao người/ Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa/ Những anh hùng của thời xa xưa/ Những anh hùng của một ngày mai”. Phải chăng, Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên cũng là khối tình về đất nước, về dân tộc mà ông gửi lại cho đời…

                 Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 7/3/2020

T.H.A

[1]Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa, tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.6

[2] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.5

[3] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.20 -21

[4] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.92

[5]Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.93

[6] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.99

[7] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.99 -100

[8] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức,2019, tr.119

[9] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.154-155

[10]Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.239

[11]Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1,Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.435

[12] Tào Mạc, Bài ca giữ nước, Bộ ba chèo lịch sử, Nxb. Sân khấu, Hà Nội 1986, tr.19

[13] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.12

[14] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.14

[15] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019. tr.16

[16] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.115

[17]Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.310

[18] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.423

[19] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.423

[20] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.434

[21] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019,  tr.315

[22] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019,  tr.316

[23] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.467

[24] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.469

[25] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.475

[26] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.476

[27] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.499

[28] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 2, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.8

[29] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa tập 2, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.229

[30] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 3, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.12

[31] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 3, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.91 – 92