Cảm thức thời gian trong tập thơ “Cây xanh ngoài lời” của Hoàng Vũ Thuật

967

Lê Hương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong sáng tác văn học, thời gian là phạm trù quan trọng để nhà văn – người sáng tạo thể hiện chiều sâu tâm trạng, bày tỏ cảm xúc, mở ra những chiều kích còn ẩn khuất bên trong nội tâm của mình.

Tác giả Lê Hương

Trong sáng tác văn học, thời gian là phạm trù quan trọng để nhà văn – người sáng tạo thể hiện chiều sâu tâm trạng, bày tỏ cảm xúc, mở ra những chiều kích còn ẩn khuất bên trong nội tâm của mình. Đối với phê bình văn học, thời gian cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng để người phê bình giải mã được những ẩn ý sâu kín của chủ thể sáng tạo ra nó. Như vậy, thời gian chính là chiếc cầu bắc nhịp để đối tượng tiếp nhận hiểu sâu, hiểu đúng tầm hơn một tác phẩm văn học. Ở tập “Cây xanh ngoài lời”, ý niệm về thế giới của Hoàng Vũ Thuật gắn liền với cảm thức thời gian, tương ứng với sự quy hồi và mở rộng đường biên các giá trị về tình yêu – thế giới – bản ngã.

Gần 60 bài thơ trong tập “Cây xanh ngoài lời” là tiếng nói, tiếng vọng, tiếng ngân của những suy tư triết lý, những cảm xúc, tâm trạng «rất đời» của nhà thơ. Đọc tập thơ này, dễ dàng nhận thấy, yếu tố thời gian luôn xuất hiện nhiều và nó là cái «xương sống» không thể thiếu để Hoàng Vũ Thuật điều khiển, vần vũ cảm xúc, lý trí của mình cho mạch thơ chuyển động hòa lẫn, tan chảy cùng nhau.

Mở đầu tập thơ “Cây xanh ngoài lời” là bài thơ “Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi”. Đây được coi là bài thơ chủ đạo của tập thơ bởi có rất nhiều vấn đề của cá nhân và xã hội được tác giả dồn nén trong từng hơi chữ. Những suy nghiệm của cá nhân được quyện vào những suy ngẫm về Tổ quốc gợi sự mới lạ, tính đa diện và phức hợp của một văn bản thơ thấm đẫm triết lí và nhân vị. Yếu tố thời gian ở bài thơ này như là mạch ngầm nối kết những chuyển động của ý thơ. Tác giả men theo dòng thời gian để quay ngược về quá khứ làm cho tuổi thơ bên «trang sách, đồng làng» hiện lên thật sinh động. Không dừng lại, ông tiếp tục khơi nguồn lịch sử để nói lên niềm trăn trở của mình đối với vận mệnh của Tổ quốc «tổ quốc tôi mấy nghìn năm/ sau tiếng ru/ ấy là tiếng thét/ lắm kẻ thèm dãy đất chữ S». Tổ quốc là những gì thiêng liêng, cao quý và gần gũi nhất «một tiếng chào cao hơn mâm cỗ bày ra/ cái bắt tay ấm bằng chăn nệm/ Tổ quốc là thánh thiện/ chị ngã em nâng/ chị em như đũa có đôi». Chính thời gian là sợi dây liên kết những chủ đề về lịch sử, lễ nghi, tình yêu… trong bài thơ. Cảm thức thời gian trong bài thơ này chính là sự luân chuyển các điểm nhìn từ quá khứ – hiện tại – tương lai, để hình hài, diện mạo của Tổ quốc không chỉ là ông cha, mẹ, chị , em hay những kẻ xa lạ mà còn chính là tác giả – chủ thể sáng tạo bài thơ «khi tôi chết/ tôi cũng là Tổ quốc/ được sống cùng sương/ ruỗi rong/ cùng gió». Phóng chiếu thời gian qua cõi vô biên, tác giả nhận ra sự mong manh của kiếp người và giới hạn của cõi sinh tồn. Tổ quốc là những gì trường tồn, vĩnh cửu nhưng con người không thể tồn tại mãi, chỉ khi chết họ mới hóa «vĩnh hằng» vào đất mẹ/ Tổ quốc thân yêu.

Vào giai đoạn Thơ mới lên ngôi, triết lí về thời gian cũng xuất hiện khá nhiều, đặc biệt trong thơ Xuân Diệu «thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ còn hơn buồn le lói suốt trăm năm» hay «cái bay không đợi cái trôi/ từ tôi phút trước sang tôi phút này». Với cái tôi khát khao hòa mình vào thiên nhiên, đến say mê và cuồng nhiệt, cảm thức về thời gian trong thơ Xuân Diệu mãnh liệt và ám ảnh hơn nhiều so với các nhà thơ thế hệ sau này.

Vo tròn cái giới hạn để mở ra cái vô tận của thời gian, Hoàng Vũ Thuật tiếp tục bày tỏ triết lí về phận người bé nhỏ, mong manh như kiếp lá : «anh xe tờ lịch cuối năm/ cánh cửa vô biên không ngày không tháng/ khép như lệ thường/ trong tích tắc anh nhận biết hơi thở của lá/ có một đốm hồng vừa nhú trên cao/ niềm tin mọc rễ/ đã bắt đầu ngày mới của hai ta/ đã bắt đầu hai ta làm kiếp lá/ xanh như ngọc mềm như lụa» [Chiếc lá cuối mùa].

Chính thời gian là cái hữu hạn gói con người vào những lằn ranh, giới hạn nhất định của các yếu tố đối lập: trẻ – già, khỏe – yếu, nhanh – chậm, sinh – tử, vui – buồn, hạnh phúc – khổ đau, nên hơn ai hết tác giả muốn «bọc thời gian ném đi». Trải qua biết bao thăng trầm, giông bão của cuộc đời trước lẫn sau chiến tranh, cùng với tâm hồn đa sầu đa cảm của người nghệ sĩ, hơn ai hết, Hoàng Vũ Thuật thấm được những buồn vui nhọc nhằn của cõi nhân sinh, để quẵng lại sau lưng hai chữ thời gian: «tôi bọc thời gian ném đi không nuối tiếc/ với tôi thời gian chỉ còn là khái niệm hư ảo/ tiếng gọi trở nên bất tử/ giữa đêm đen này/ tôi chẳng thèm ham muốn khác » (Cây tiếng gọi).

Thời gian trong thơ Hoàng Vũ Thuật đôi khi là «chiếc mặt nạ» chở quá khứ mịt mờ xa xăm, đầy tính ẩn dụ «triệu năm rồi triệu năm/ lặng câm/ anh tìm » (Cõi đá). Điệp ngữ cách quãng «triệu năm» ở câu thơ này như một mã tự nối kết các vỉa tầng không – thời gian. Nó thể hiện thái độ bền bỉ kiếm tìm, khám phá và trải nghiệm đầy cao cả trong tình yêu của nhân vật trữ tình/ anh.
Trong tập thơ “Cây xanh ngoài lời”, chúng ta nhận thấy Hoàng Vũ Thuật luôn nỗ lực xóa nhòa ranh giới thời gian: quá khứ – hiện tại, hiện tại – tương lai. Qua những cụm từ : ngược về, chưa dứt, khôn nguôi… ta hiểu hơn một hồn thơ đầy hoài niệm, luôn muốn sống trọn vẹn và nâng niu từng khoảnh khắc. Khoảnh khắc trong thơ của Hoàng Vũ Thuật không chỉ là những kỉ niệm vui tươi, sống động của tuổi thơ, mà còn có nỗi khắc khoải, trăn trở, nuối tiếc, bâng khuâng về những điều còn dang dở: «ngược về quá khứ lũ trẻ chơi trốn tìm/ ngược về quá khứ đi chợ về chợ/ ngược về quá khứ những nhánh trang chọi nhau/ em chịu thua/ thôi đành dang dở/ ra đứng bờ ao mình em thẩn thờ/ hai mươi năm chưa dứt/ một phút khôn nguôi hai phút khôn nguôi ba phút khôn nguôi » (Nửa anh và nửa em).

Lật từng trang thơ “Cây xanh ngoài lời”, người đọc bắt gặp hình ảnh rất quen thuộc trong ca dao và thơ trữ tình, đó là em – anh. Em – anh trong thơ của Hoàng Vũ Thuật là một cặp biểu tượng, chúng khúc xạ vào nhau, chiếu rọi rõ nét hơn cảm thức về phận người, phận đời «bọt bèo» của tác giả. Mượn hình ảnh em, Hoàng Vũ Thuật tiếp tục thể hiện quan niệm của mình về thời gian. Thời gian trong thơ của Hoàng Vũ Thuật đôi khi chỉ là cái cớ để ông giải bày nỗi cô đơn về em/ tình yêu, về thế giới. «em bảo không gian thời gian ranh giới những khái niệm/ chẳng có gì là thật// ban mai trôi đi vội vã sang chiều/ một vầng trăng nến sáng » (Đảo một mình). Đúng vậy, thời gian như một sợi tơ «nhả», «nối» các con chữ, các ý thơ với nhau. Chúng trở nên vô nghĩa dưới con mắt xanh biếc/ đầy hoài niệm của người nghệ sĩ. Đi qua bao mùa mưa nắng đủ thấm những dư vị ngọt ngào lẫn đắng cay trong tình yêu, những hoang hoải hoài nghi và bất an trước cuộc sống thực tại, chúng ta thấy xúc cảm về thời gian trong thơ của Hoàng Vũ Thuật đã đạt đến độ chín. Ông không ngại «xẻ dọc, bổ ngang» hay trừu tượng hóa yếu tố thời gian để làm giàu cảm xúc thẩm mỹ một bài thơ. Những dòng thơ đầy hoài niệm, ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm như thể là bản mệnh của nhà thơ cứ thế hiện hữu, khẽ chạm vào trái tim người đọc những da diết tiếc nuối về quá khứ, về sự trôi tuột vội vàng của thời gian. «hoàng hôn quánh đặc kí ức/ in lên trang giấy/ ước nguyện cuối ngày// mùa không trở lại/ nắng ngủ quên trong mắt/ sóng soãi bờ nghiêng trĩu đôi vai» (Ý tưởng cuối ngày). Từ lâu, người đọc vốn quen thuộc với kiểu tư duy triết lý trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Các câu từ trong thơ của ông bao giờ cũng có sự liên kết với nhau về ý, về tứ nhưng chúng không «khô cằn», ráo hoảnh mà luôn giàu chất gợi hình, gợi tình, gợi cảm.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cùng bìa tập thơ “Cây xanh ngoài lời” của ông

Cung bậc thời gian trong mỗi cuộc đời là thước đo chuyển giao của con người giữa cái cũ với cái mới, giữa dĩ vãng và thực tại. Dù muốn hay không chúng ta cũng đành chấp nhận cái hiện thực ấy, cái hiện thực đôi khi rất đỗi phủ phàng của quy luật tự nhiên. Nhà thơ/ người nghệ sĩ hơn chúng ta/ người bình thường ở chỗ ấy. Họ huy động và bung tất cả những nội lực vào trang giấy, tái tạo và kết tinh hiện thực để những con chữ «nở hoa» với người với đời. Vì thế thời gian cứ «đi» theo nhịp chuyển động của vũ trụ, còn trái tim của nhà thơ vẫn «ở lại» vương vấn cùng những ý niệm xưa cũ. «thời gian như cánh mối bay/ cây sẽ reo khúc đàn mùa năm xưa » (Gió hoang). Câu thơ thật đẹp và giàu hình ảnh nhưng chúng đối lập nhau về ý. Một câu thể hiện sự trôi chảy vùn vụt của thời gian. Một câu thể hiện tâm thức nuối tiếc, níu kéo thời gian- hoài niệm cũ. Hai câu thơ này gợi cho chúng ta một cảm giác buồn và bất lực trước dòng chảy của thời gian. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật dù có ra sức «vớt vát» quy luật đó bằng cơn lốc thương nhớ, bằng nội lực ý niệm, nhưng chắc rằng ông cũng không thể nào vơi được nỗi buồn sâu hoắm bởi sự dịch chuyển lạnh lùng bất tận của thời gian.

Thâu tóm các mã ngôn từ trong thơ của Hoàng Vũ Thuật, ta thấy thời khắc đêm xuất hiện nhiều trong thơ ông. Đêm không phải là hình ảnh mới, là sáng tạo độc đáo, bởi chúng xuất hiện nhiều trong thơ trữ tình từ cổ chí kim cho đến nay. Sở dĩ, các nhà thơ thường mượn hình tượng đêm để phô bày nỗi niềm của mình, bởi về mặt tâm linh, đêm thường mang yếu tố âm tính; tương ứng với yếu tố âm tính là sự thăng hoa của cái tôi/ bản ngã. Gắn «cái âm tính» hòa cùng «cái tôi», người nghệ sĩ vừa muốn huy động, kết dính nhiều mặt xúc cảm trong tâm tưởng vừa muốn «gói trọn» tất cả cảm xúc ấy dồn nén lên văn bản những thực thể chữ hiện sinh hiện thời nhất. Hoàng Vũ Thuật không nằm ngoài quy luật ấy. Ông thường sử dụng hình tượng đêm như là chất liệu chủ đạo của nhiều bài thơ. Qua hình tượng đêm, ông muốn thể hiện cái tôi lẻ loi cô đơn của phận người trong thế giới. «tìm chi đom đóm ơi/ tìm cái không mà có tìm cái có mà không// đêm dài tuyệt vọng/ ta biến thành ngày lên» (Đối thoại với đom đóm). Những câu thơ chân chất như lời đối thoại giữa nhân vật trữ tình/ nhà thơ với loài vật/ đom đóm khiến người đọc thấu cảm hơn nỗi cô đơn rợn ngợp của ông giữa vũ trụ rộng lớn này.

Thơ của Hoàng Vũ Thuật không chỉ đơn thuần «khai quật» nỗi cô đơn, mà đặc biệt hơn là, trạng thái trống rỗng đến mức phân thân của con người. «còi tàu xé đêm làm hai/ một nửa tôi/ và một nửa không là ai cả» (Mùa an nhiên). Bước qua kỉ nguyên hiện đại đến thời kì hậu hiện đại, nỗi cô đơn của con người trở nên phức tạp và nhiều mặt hơn dưới ngòi bút của các nhà thơ. Trạng thái phân thân là trạng thái phổ quát đặc biệt của con người hiện đại. Nhưng số đông, các tác giả chưa mạnh dạn phơi bày thấu triệt trạng huống tinh thần này. Hoàng Vũ Thuật đã làm được điều đó. Cái tôi trong thơ ông không còn là cái tôi vẹn toàn mà là một chủ thể phi trung tâm bởi những chuyển động hỗn đỗn, li tán của thời đại công nghiệp hóa/ số hóa. Vượt qua giới hạn cái tôi sẽ là một cái tôi khác đa chiều và khó nắm bắt hơn. Vì thế, chúng ta thật khó để hiểu và nắm bắt được tâm hồn nghệ sĩ – nhà thơ, người tạo ra những cái tôi trữ tình trong mỗi bài thơ. Bởi hơn ai hết, trái tim họ như bảy sắc cầu vòng lấp lánh sau mỗi cơn mưa.

Không chỉ mượn hình tượng đêm, Hoàng Vũ Thuật còn trừu tượng hóa yếu tố thời gian nhằm nhấn mạnh thân phận bi ai của con người giữa cuộc đời này.«triệu năm rồi triệu năm nữa/ tôi/ hạt – bụi – người// một ngày hai ngày/ đợi đến không giờ không phút/ tôi len qua cửa hẹp các ngả đường» (Hạt – bụi – người). Con người cũng như hoa lá và vạn vật. Họ là những sinh thể mong manh và đầy bất trắc. Điệp ngữ «triệu năm » lặp lại như nhấn mạnh cái sự bất trắc tất yếu ấy của đời người. Con người sống là tạm bợ, là một cuộc rong chơi ở chốn mặt đất; còn chết đi, hóa cát hóa mây và về miền cực lạc mới là một hành trình dài, một hành trình vĩnh hằng mãi mãi. Hơn ai hết, Hoàng Vũ Thuật thấu rõ được phận số mong manh ấy của kiếp người, để rồi nhiều khi ông chợt giật mình, thảng thốt, quờ quạng vào không gian rộng lớn với nguyện ước nghe được từng nhịp đập chuyển động của thời gian. «anh sờ vào đêm/ đêm dài/ anh sờ vào ngày/ ngày rộng// anh như thân cây/ em tựa vào cành lá/ những dòng nước mắt trên gương mặt mùa hè/ thế giới đang lăn và rơi» (Thế giới của những giọt nước mắt). Những câu thơ của Hoàng Vũ Thuật sao mà đau đớn, mặn chát và nhói buốt đến thế. Có lẽ, bởi chính ông, chính tôi, chính chúng ta cũng đang «thương vay khóc mướn» cho chính phận số mong manh, nổi trôi, bé mọn của mình trước dòng chảy không vực đáy – thời gian.

Tiếp cận tập thơ “Cây xanh ngoài lời”, có thể thấy, các bài thơ đều được Hoàng Vũ Thuật viết theo thể tự do. Với lối thơ phóng khoáng này, nhà thơ thỏa sức thể hiện những dụng ý tư tưởng của mình một cách triệt để. Vì vậy đường biên về không, thời gian luôn được nới lỏng, đó là điều kiện để ông thể hiện đầy đủ, trọn vẹn, sâu lắng hơn niềm khắc khoải của mình về thế giới này. Ngoài những đóng góp đáng ghi nhận, có thể thấy, một điểm hạn chế trong thơ của Hoàng Vũ Thuật; đó là cái tôi trong thơ ông chưa vượt qua được những giới hạn nhất định của cảm xúc để vươn tới tầm cái ta, câu chữ đôi chỗ còn rời rạc, chưa kết dính với tứ thơ.

Sau cùng, đi hết mạch thơ “Cây xanh ngoài lời” của Hoàng Vũ Thuật, chúng ta nhận ra rằng thời gian là một phạm trù quan trọng của một văn bản trữ tình/ thơ. Dù được biến hóa hoặc ẩn náu dưới những nội hàm nhất định, thì nó cũng là yếu tố cần thiết, và đôi khi là cốt lõi để người đọc/ người thưởng thức thơ, hay người phê bình các tác phẩm trữ tình hiểu đủ và sâu hơn trữ lượng của một hồn thơ chân thành, luôn cố gắng nhập cuộc và hòa mình vào dòng thơ «thiên biến vạn hóa» của thời đại. Nhan đề của tập thơ Cây xanh ngoài lời gợi lên phần nào giá trị của nó cũng như tầm đóng góp của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật trong sự nghiệp thơ ca đầy cay đắng nhưng lắm đỗi tự hào.