Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 1

678

04.7.2017-23:45

NVTPHCM- Đã hơn mười ngày kể từ khi Hội nghị Những người viết văn trẻ TPHCM lần IV – 2017 kết thúc nhưng không khí cuộc hội ngộ 5 năm 1 lần vẫn tiếp tục sống động trong lòng và cả trên trang viết của những đại biểu văn trẻ của TP.HCM và Nam Bộ. Họ muốn chia sẻ cảm xúc về kỷ niệm đáng nhớ trong buổi đầu bước vào con đường văn chương…

Hội nghị Những người viết văn trẻ TPHCM lần IV, trong đó có chuyến giao lưu, lễ ký kết hợp tác với Trường Đại học Cửu Long – Vĩnh Long

 

Lê Quang Trạng (Đại biểu trẻ An Giang): Thêm hành trang cần thiết cho trang viết

 

Cách đây vài tháng, không khí chuẩn bị cho Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ IV do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức bắt đầu được nhen nhóm trong giới viết văn trẻ TP.HCM cũng như các tỉnh thành Nam Bộ. Sự chuẩn bị chu đáo từ khâu tổ chức, sắp xếp thông qua nhiều trang, nguồn tin làm tôi cảm thấy phấn khởi.

 

Lâu rồi tôi mới có dịp gặp được nhiều anh chị viết trẻ Sài Gòn cũng như cả Nam Bộ. Hội nghị đã cho tôi cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với nhiều anh chị mà tôi đã từng được đọc, được biết qua trang viết. Những tham luận, ý kiến tại hội nghị cho thấy, văn chương ở nơi trung tâm kinh tế – văn hoá – xã hội bậc nhất miền Nam vẫn đang rất sung sức với một thế hệ kế thừa đầy nhiệt tâm, dấn thân và coi “nghiệp” văn chương là một sứ mệnh của người viết trẻ.

Lan Anh – đại biểu trẻ Vĩnh Long đọc thơ mở đầu chương trình giao lưu ở ĐH Cửu Long

Lê Quang Trạng và Minh Đan

 

Trong dịp này, tôi được tiếp xúc nhiều anh chị ở trong và bên lề hội nghị. Những cuộc nói chuyện thân tình ấm áp cho tôi nhiều cảm nhận mới về chuyện đọc, chuyện viết của người viết trẻ Sài Gòn. Tôi mong rằng, qua hội nghị, các cây bút trẻ sẽ vững vàng hơn trên trang viết, có được nhiều “lửa” để thắp thêm vào văn đàn đất phương Nam cũng như của cả nước những tác phẩm có giá trị cao.

 

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến các anh chị trong Hội Nhà văn TP.HCM đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi và các anh chị tác giả trẻ có dịp gặp gỡ, giao lưu và hiểu thêm về tình hình văn chương; có thêm những hành trang cần thiết cho những trang viết sắp tới! 

 Các nhà văn trẻ dâng hương, tham quan Văn Thánh Miếu – Vĩnh Long

Trần Thị Kim Nhiên, Lê Hoà, Dương Thành Phát

 

Trần Thị Kim Nhiên (Đại biểu trẻ Cần Thơ): Cho mình cơ hội thêm yêu mến và nỗ lực sáng tạo

 

Tôi sinh ra trong một gia đình không hoàn hảo, một cuộc sống có nhiều bất trắc và chông gai. Thân gái một mình, tôi lại là trụ cột cho cả gia đình, hàng ngày phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về cơm, áo, gạo, tiền. Vì vậy, tôi luôn dành thời gian nhiều, rất nhiều thời gian cho công việc, cho chuyện kiếm tiền. Thế nhưng, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, tôi lại lao vào viết, để thoả đam mê, để thực hiện ước mơ từ thuở nhỏ…

 

Vì vậy, Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV mở rộng diễn ra trong 3 ngày (21 – 23.6.2017) là cơ hội để tôi có thể bứt mình ra khỏi những công việc hàng ngày, được đi, gặp gỡ và học hỏi. Ở hội nghị, tôi đã gặp được những đàn anh, đàn chị và các cây bút trẻ cùng thời với mình từ TP.HCM và khắp Nam Bộ, được nghe các bạn chia sẻ về cách sống, cách nghĩ, cách cảm nhận của các bạn đối với thế giới này, đối với chuyện viết văn, những trăn trở về một thế hệ viết trẻ có quá nhiều thuận lợi và thử thách.

 

Người ta nói rằng, viết văn là một công việc đơn độc, nhưng những dịp như thế này chính là cơ hội để những người trẻ có thể học hỏi lẫn nhau, hun đúc tình yêu văn chương trong trái tim mỗi người, tạo thêm khí thế đua tranh, cố gắng trau dồi để ngày càng hoàn thiện bản thân và nỗ lực sáng tạo văn chương.

  

Lê Hoà (Đại biểu trẻ TP.HCM): Chuyến đi thanh xuân

 

Chuyến đi giao lưu ở Trường Đại học Cửu Long và tham quan các di tích, thắng cảnh ở Vĩnh Long, Cần Thơ thật ý nghĩa. Tôi gọi đây là chuyến đi thanh xuân – gần với cái tên mà Hội Nhà văn TP.HCM đặt cho tuyển tập thơ văn trẻ nhân Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV. Đó là một chuyến đi của những người trẻ. Rất vui, và ấn tượng. Ai cũng đầy tự tin và hừng hực sức sống, dạt dào mơn mởn sức xuân. 

 

Những phát biểu của các bạn đồng trang lứa trong hội nghị đã để lại ấn tượng tốt trong tôi. Thích nhất bài phát biểu của Nguyễn Đình Minh Khuê – bạn có cái nhìn công bằng và độ lượng về văn chương. Nghệ thuật, nhất là văn học cần những người có cái nhìn như bạn. Là một người từng xa Việt Nam và từng trải nghiệm với những nền văn hoá khác, tôi đồng cảm với Kỳ Nam – cô gái đang du học tại Mỹ và trăn trở với vấn đề văn hóa Việt trong mắt bạn bè quốc tế…

Thầy giáo Trương Công Sơn – Đại học Cửu Long đọc thơ giao lưu

Văn trẻ giao lưu ở Đại học Cửu Long  

 

Chuyến đi cho tôi gặp những anh, chị đầy sức sáng tạo và mạnh mẽ trong cả văn chương lẫn cuộc sống: Chị Minh Đan – người mà anh Trần Nhã Thuỵ vẫn hay gọi là “má mì” của ban nhà văn trẻ! Tôi ấn tượng chị ngay từ câu nói đầu tiên trong lần gặp chị, đại loại: Ghét nhất những người than nghèo kể khổ, cho rằng thơ văn là phải nghèo khổ… Thật vậy, tôi rất đồng ý với chị: Thơ văn là cuộc đời, là nhân sinh. Trước văn chương không nên mang chuyện cơm áo vào.

 

Theo tôi, làm gì cũng được: miễn là làm thơ, viết văn. Tôi đều quý cả! Tôi đang kỳ vọng những hình ảnh hào sảng và mới mẻ, sang trọng của lớp nhà văn, nhà thơ trong mắt công chúng. Bởi giai thoại về cái nghèo đói và sự nhếch nhác của các nhà văn, nhà thơ ở xứ ta đã hơi nhiều và đang làm cho công chúng dường như luôn trề môi, chạy dài mỗi lần nhắc đến…

 

Thấy anh Trần Nhã Thuỵ tất tả ngược xuôi lo cho đoàn mà thầm ngưỡng mộ anh quá! Anh luôn có cái nhìn trìu mến với lứa đàn em. Gần anh luôn có một cảm giác tự tin và trầm tĩnh. Thích nhất câu nói của anh ở bến Ninh Kiều: “Mọi trách nhiệm (nếu có) cứ đổ hết lên đầu tôi nhé”! – Một câu nói đầy hào sảng – Sự hào sảng của thanh xuân và tuổi trẻ (không, hình như cũng chớm già thì phải!!!) 

 

Xúc động vô cùng trước hình ảnh các anh chị đi trước như Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn, Phùng Hiệu, Phương Huyền, Tiểu Quyên… và các chú Trần Văn Tuấn, Phạm Sỹ Sáu đã không quản đường xá xa xôi theo đoàn văn trẻ chúng tôi suốt hai ngày đường dằng dặc không ngừng nghỉ. Những bài tổng kết, những câu khuyến khích động viên của các anh, các chú như một cái nắm tay siết chặt nâng đỡ, tạo thêm động lực cho chúng tôi trên con đường nhọc nhằn chữ nghĩa.

 

Theo Minh Khuê, văn chương trẻ bây giờ kêu than, ve vuốt nỗi đau nhiều quá. Hoàn toàn đồng ý! Bởi nghe các bạn đọc toàn những bài u buồn, yêu đương, đau khổ, vật vã đến mức bi quan. Tôi thấy lo quá. Tuổi trẻ cứ buồn đến dại người vậy sao?! Không một câu nào có chút nhân thế, thời cuộc hay vận mệnh dân tộc. Đó cũng là điều đáng giật mình đấy chứ! Người sao văn vậy. Sống sao viết vậy. Có lẽ người trẻ cũng cần trang bị những kỹ năng “buồn” và “thất tình” để tránh sa đà quá vào những u sầu đến mức tiêu cực ấy!

 

Trên đôi cánh thanh xuân” – là một cuốn sách tuyệt đẹp, theo cả nghĩa đen và cả nghĩa bóng, thích nhất “Dưới những hàng cây bi phẫn” của Sơn. Đầy chất hiện sinh, đầy hơi thở cuộc sống. Vẫn nhớ bạn có một câu nói vô cùng thanh xuân rằng: “Đã làm thơ được thì không có việc gì là không làm được nhé!”

 

Tôi cho rằng: Tuổi trẻ phải như thế! Ung dung, tự tại, tự do và tràn đầy năng lượng… 

 

Ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là đêm giao lưu thơ: lúc đầu tôi nói đùa với Phan Duy rằng chắc chúng ta đến đây chỉ để đọc cho nhau nghe thôi, chứ sinh viên đang nghỉ hè lấy đâu ra có người lên ngồi nghe. Thế mà đến hội trường chật cứng. Được đón tiếp đầy trọng thị. Các bạn trẻ ngồi chăm chú lắng nghe đến cuối buổi không một ai bỏ về. Tuyệt thật!

 

Đêm muộn, ngồi với các bạn ở một quán nhỏ trong tiết trời mưa lâm thâm của đồng bằng mà thấy lòng ấm lạ. Chỉ là đọc thơ, tán dóc với nhau nhưng cũng vui đáo để. Ngồi lâu mới biết nhiều người cũng như mình: Nhấp nhổm không yên khi bỏ hết việc công sở, việc gia đình đang ngang ngổn bề bộn để đến đây. Chỉ đến thôi đã là quý rồi! Đến để ngồi bên nhau, uống với nhau vài ly rồi chia tay! Vậy mà vui và ấm áp vô cùng. Đúng như câu nói của Nhật Phi, đại ý: Cuối cùng cũng chỉ để vui!

 

(Còn tiếp)

 

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…